Tin tức - Hoạt động

Một số chuyện ly kỳ về "Ông Ba Mươi"

Cập nhật lúc 06:02 01/02/2022
Năm 2022 (năm Nhâm Dần), tôi xin kể một vài câu chuyện thú vị về hổ
Hình tượng con hổ hay Chúa sơn lâm đã xuất hiện từ lâu đời và gắn bó với lịch sử của loài người.c
Hình tượng con hổ hay Chúa sơn lâm đã xuất hiện từ lâu đời và gắn bó với lịch sử của loài người.Ảnh: CTV
 
Hổ hay còn gọi là cọp hoặc hùm (và các tên gọi khác như ông Ba Mươi, kễnh, khái), là động vật có vú thuộc họ mèo.

Hổ là động vật được biết đến có sức mạnh phi thường và rất khôn ngoan, tàn bạo. Đặc biệt, hổ có lực tát rất mạnh, một cú tát của hổ có lực đủ để làm vỡ sọ một con gia súc, làm gãy lưng một con gấu to và có thể giết chết tươi một con sói lửa hoặc làm trẹo cổ của trâu, bò nhà. Khả năng chiến đấu của hổ cao nhờ vào đòn hổ trảo.

Trong văn học cổ điển của Trung Quốc, có Thủy hử (tác giả Thi Nại Am). Truyện kể lại rằng, sau khi lên Lương Sơn làm đầu lĩnh thứ 22, Lý Quỳ vì nhớ gia đình nên xin phép thủ lĩnh Tống Giang xuống núi về quê, Tống Giang gợi ý Lý Quỳ hãy đem theo cả gia đình lên Lương Sơn cùng chung sống, vì ông đã giết người ở Giang Châu nên sẽ làm liên lụy đến gia đình mình. Lý Quỳ cõng mẹ đi. Trên đường đi, qua rừng, mẹ ông khát nước nên ông để mẹ ngồi đợi rồi ông đi tìm nước cho mẹ uống. Nhưng không may, trong lúc Lý Quỳ đi, bầy hổ trong rừng đã xé xác mẹ ông. Lý Quỳ bưng nước trở về thì không thấy mẹ đâu nữa, ông hoảng hốt đi tìm khắp nơi, đến gần hang hùm thì thấy bốn con hổ đang gặm xác mẹ mình, nén đau thương, ông xông thẳng vào đàn hổ dữ, dùng phác đao giết chết cả bốn con hổ, trả thù cho mẹ, rồi ông đau đớn khóc thương, thu nhặt từng mẩu xương tàn của mẹ, đem chôn cất. Ngay sau đó, đám thợ săn trong rừng phát hiện ra Lý Quỳ - vị anh hùng đã diệt trừ một lúc bốn con mãnh hổ, họ thuyết phục ông đến dinh của quan huyện Nghi Thủy lãnh thưởng và họ hứa sẽ chăm sóc phần mộ của mẹ ông. Lý Quỳ cũng là một trong những anh hùng Lương Sơn Bạc tham gia vào chiến dịch chinh phạt Phượng Hạp và là một trong số ít người sống sót trở về. Sau đó ông được vua Tống Huy Tông (Triệu Cát) phong làm Đô thống chế ở phủ Trấn Giang, Nhuận Châu. Lại một chuyện ly kỳ nữa, đó là trong một lần say rượu, Võ Tòng dùng sức mạnh và võ công thâm hậu, tay không đấm chết hổ dữ trên đồi Cảnh Dương.
*
* *
Chuyện kể về một người anh hùng trong đời thực xảy ra đã khá lâu rồi (hơn 50 năm) ở quê tôi, một vùng rừng núi Hương Sơn, Hà Tĩnh, quê của Phan Đình Phùng, núi Vũ Quang. Quê tôi có một võ sư (thầy dạy võ), ông tên là Lê Xuân Anh, võ công rất thâm hậu. Lại nói, bản làng tôi mấy tuần qua bỗng xuất hiện một con hổ dữ, nó bị thọt một chân sau do một lần thoát chết bởi phát đạn của phường thợ săn nên nó rất hung dữ và khôn ngoan. Tối đến, nó thường lẻn vào bản làng để bắt lợn, hoặc cắn chết trâu bò ngựa để ăn thịt. Nhận được tin khẩn cấp từ buôn làng và các đệ tử võ sinh của ông, mời ông kịp thời ra tay tiêu diệt hổ dữ, trả lại bình yên cho buôn làng. Lập tức, võ sư Lê Xuân Anh hồ hởi lên đường. Trên tay ông, một ngọn mác rất sắc. Ông xuất hiện, tươi cười vẫy tay chào bà con và ra hiệu mọi người im lặng. Bà con chỉ tay về phía rừng lau, nơi con mãnh thú đang ẩn mình trong bụi cây rậm rạp. Rất bình tĩnh, ông cầm vũ khí đứng thủ thế ở khoảng đất trống, chờ mãnh hổ ra nghênh chiến. Trên nhà sàn, bà con hét lớn: “Nó đang ra!”. Ông nhìn thấy những cây lau cùng chuyển động nghiêng ngả như có ngọn gió to thổi vào, tiếp theo là tiếng gầm vang động cả một vùng. Con mãnh hổ ngửi thấy mùi người, vội trườn về phía ông. Vị võ sư đứng thủ thế, sẵn sàng giao chiến. Mãnh thú gầm lên để thị uy, nó đập đuôi về bên trái, bằng kinh nghiệm, ông biết ngay nó sẽ nhảy về bên phải. Lập tức ông nhảy sang bên trái, ngọn mác trên tay ông sáng lóe lên như những tia chớp. Rất nhanh, con hổ thoát khỏi đòn hiểm. Hổ dữ và ông cách nhau khoảng 10m. Võ sư vận khí, cầm chắc cây đao, nhìn con mãnh thú không chớp mắt. Hai mắt long sòng sọc, mãnh hổ gầm lên, đập đuôi về bên phải, nhanh như cắt, ông nhảy sang bên phải để tránh khỏi cú vồ chết người ấy. Hai lần vồ trượt, con thú điên tiết, gầm vang. Bà con đứng trên nhà sàn chứng kiến, ai cũng thót tim, mong sao con hổ sớm bị tiêu diệt, vị anh hùng của họ bảo toàn được tính mạng.

Vừa vờn nhau với mãnh hổ, ông vừa nghĩ cách để tiêu diệt nó, vì cuộc chiến càng kéo dài càng bất lợi, vì sức lực hai bên cứ đuối dần. Mãnh thú dường như cũng sốt ruột vì gặp phải địch thủ cao tay. Cuộc chiến đã đến phút cao trào. Ông cũng hét to lên áp đảo tinh thần đối phương (giống với Lý Tiểu Long thường hét lên man rợ để trấn áp tinh thần đối phương trong nhiều cuộc tỷ thí võ thuật).

Thời cơ đã tới với ông! Mãnh hổ đập mạnh đuôi xuống đất với chiều thẳng với thân hình nó: A! nó sắp vồ thẳng vào ông! Không chần chừ một giây, nhanh như cắt, mãnh hổ chồm tới và cũng nhanh như một tia chớp, ông quỳ một chân xuống đất, lấy hết sức bình sinh đâm thẳng ngọn mác bén ngọt đúng vào yết hầu đối thủ. Dính đòn quá hiểm, mãnh hổ gục ngã, máu từ yết hầu tuôn ra xối xả, nó giãy dụa một lúc rồi nằm im, bất động. Ông chống ngọn mác đứng cạnh con mãnh thú, thở dốc, mồ hôi nhễ nhại. Trên gác nhà sàn, trẻ già lớn bé vỗ tay reo hò chạy ra bãi chiến trường. Các trai tráng cùng công kênh người anh hùng của họ, vừa chạy vừa hô to “Lê Xuân Anh! Lê Xuân Anh”, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thanh la rộn vang. Con thú dữ được gánh về nấu cao rồi chia cho cả bản, mỗi nhà một ít, lộc của vị võ sư.

Câu chuyện thứ hai cũng không kém phần ly kỳ. Ở cách nhà tôi chưa đầy 200m có gia đình gồm 4 người, bố mẹ và hai cô con gái, cô chị tên là Hơ Liêng 16 tuổi, cô em là Hơ Leng 14 tuổi. hôm đó, bố mẹ đi làm nương, hai chị em ở nhà, nấu nồi cháo kê trên tầng hai, nồi chè đang sôi ùng ục. Chợt nghe thấy liếp nứa kêu cót két ở nhà dưới, hai chị em tưởng là bố mẹ đã về. Hơ Liêng ra cầu thang ngó xuống. Ôi! Một con hổ vằn vừa lách tấm phên vào nhà, nó đang đứng cạnh chuồng lợn. Mấy con lợn to sợ quá, run bần bật, chỉ éc éc vài tiếng rồi im bặt, nằm rúc đầu vào nhau. Con thú dữ vừa nghe thấy tiếng người, nó khịt khịt ngửi mùi người. Nó bước tới cầu thang, hai chân trước mon men bước lên 3 bậc thang gỗ. Cô em sợ quá, ôm lấy chị, lắp bắp không nên lời. Nhanh như cắt, chị đẩy em sang một bên và lao ra bếp, bê nồi chè kê đang sôi sùng sục nhìn xuống thang. Chỉ còn 10 bậc thang nữa thôi là con hổ đã lao tới nơi. Hai tay Hơ Liêng giơ cao nồi chè đang sôi, nhắm vào con thú đang ngoác cái miệng đỏ lòm ra chực xé xác… cô chủ nhỏ có dáng mảnh khảnh. Vút một cái, cả nồi chè kê sôi sùng sục ném xuống trúng mặt con mãnh hổ. Con thú chỉ kịp kêu toác lên một tiếng và buông cầu thang, lộn nhào xuống đất, lao như điên ra phía liếp cửa đổ sập khi nó vào nhà. Biết rằng phút hiểm nguy đã qua, hai chị em ôm lấy nhau, không nói lên lời.

Sớm tinh mơ hôm sau, dân bản đi làm rẫy làm nương thấy con hổ nằm chết ở bìa rừng.

Các bạn ơi! Ai có chuyện gì hấp dẫn về “ông ba mươi” thì kể cho mọi người cùng nghe nhé. Năm Nhâm Dần kể chuyện hổ, hẳn là vui và thú vị hơn những năm khác.
Hà Huy Tú
Thông tin khác:
Đồng bào Công giáo luôn đồng hành cùng dân tộc (01/02/2022)
Đi chợ truyền thống ngày giáp Tết: Vượt ra khỏi ranh giới bán - mua (30/01/2022)
Cảm nghiệm Tết từ những bài hát, thánh ca (30/01/2022)
Lập xuân, xuân phân, giao thừa và Tết Nguyên đán khác nhau thế nào? (30/01/2022)
Miếng trầu là đầu câu chuyện (29/01/2022)
Đón xuân an toàn trước đại dịch (29/01/2022)
Ông Ba Mươi và điểm hên xui (29/01/2022)
Nghĩ về tính Hiệp hành của Giáo hội trong đại dịch (28/01/2022)
Tết Việt trên đất Mỹ (28/01/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log