Nhà báo Hồ Thu Ba cho biết:
Trong suốt cuộc đời cầm bút đi theo Bác, ngoài những kỷ niệm trên đường xuống cơ sở, ông còn là một nhà báo có may mắn và hạnh phúc khi ngoài những tin, bài được Bác trực tiếp sửa, ông còn là người duy nhất được Bác sửa bản thảo một cuốn sách trước khi in ấn. Ông nhớ về lần bầu cử cuối cùng của Bác. Nhớ về một tấm gương vĩ đại, ngày Bác mất ông cũng là người đưa tin Bác mất và ông đã khóc trên bản tin...
CUỐN SÁCH DUY NHẤT ĐƯỢC BÁC SỬA BẢN THẢO Nhà báo Hồ Thu Ba kể lại trong những dòng hồi ức, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về một hãnh diện có một không hai của mình. Sau nhiều năm được đi theo Bác, tôi quyết định viết và tập hợp những bài viết theo chân Bác thành một cuốn sách viết về các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc.
Sau khi cuốn sách hoàn thành bản thảo, tôi đã chuyển nó lên Văn phòng Chính phủ cho anh Vũ Kỳ. Hầu hết mọi văn bản trước, đều qua Thư ký riêng của Bác biên tập là được rồi. Nhưng, khi anh Vũ Kỳ điện cho Bác xin ý kiến về cuốn sách của tôi. Bác đã đồng ý cho xuất bản và bảo anh Vũ Kỳ chuyển bản thảo cuốn sách đó lên để Bác trực tiếp biên tập.
Tập bản thảo của cuốn sách nhanh chóng được Bác biên tập vì nó rất có giá trị cho công tác tuyên truyền vào những năm bấy giờ. Thế là, trong năm 1959, cuốn sách với nội dung về các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc đã có quyết định in ấn, phát hành mang tên “Hòn Núi Cao” của tác giả Đinh Chương (Hồ Thu Ba).
Về sau, có dịp gặp lại anh Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác), anh Vũ Kỳ mới nói, “Hòn Núi Cao” là cuốn sách duy nhất được Bác Hồ trực tiếp chỉnh sửa bản thảo cho một tác giả. Đây là niềm vinh hạnh to lớn nhất trong đời làm báo của nhà báo Đinh Chương.
Trong suốt cuộc đời làm báo của tôi, ngày được tháp tùng Bác đi bầu cử lần cuối cùng là ngày đáng nhớ nhất. Hôm ấy là ngày 27/4/1969, Bác Hồ đi bầu cử HĐND khu phố khoá V (thành phố Hà Nội) ở hòm phiếu số 6, đơn vị 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình - Hà Nội.
Chúng tôi đã có mặt tại điểm bầu cử nhà thuyền - Hồ Tây từ rất sớm. Đến lúc Bác tới, anh Vũ Kỳ định đỡ Bác xuống. Nhưng Bác gạt nhẹ tay rồi tự mình bước xuống. Trông Bác vẫn mặc bộ quần áo màu xám, đội mũ mềm kaki, chống gậy mây, chân đi dép cao su quen thuộc...
Mọi cử tri ùa tới vây quanh Bác, thưa chuyện. Bác rất ân cần hỏi thăm người già, âu yếm những trẻ nhỏ theo người lớn đi bầu cử. Bác dặn bà con phát huy cao độ quyền làm chủ lựa chọn những người xứng đáng thay mặt mình đảm đương việc nước. Nhiều người vừa nghe Bác nói, vừa thưa chuyện, vừa cảm động lấy tay gạt nước mắt rưng rưng.
Bác đi vào trong nhà, mọi người đang làm việc trước dãy bàn làm thủ tục, mọi người chào Bác. Bác nói: “Các cô, các chú cứ làm việc. đã có bao nhiều phần trăm cử tri đi bỏ phiếu? Bao nhiêu trường hợp không đến bỏ phiếu được”...? Nghe xong cán bộ phụ trách hòm phiếu trả lời, Bác khen tinh thần làm việc của mọi người. Bác định vào trong phòng viết phiếu, nhưng trong các phòng đều đang có người. Bác đứng ngoài chờ đợi ở phòng viết phiếu thứ ba. Có cán bộ thấy Bác đợi lâu, mời Bác vào viết trước.
Bác trả lời: “Trong phòng có người đang viết, ai đến trước viết trước; Bác tới sau thì Bác chờ”. Và Bác chờ một bà cụ viết phiếu xong, Bác mới bước vào viết. Bác đặt bút viết lên phiếu bầu rồi ra khỏi phòng viết phiếu. Bác cẩn thận gấp lá phiếu bỏ vào hòm làm tròn nghĩa vụ công dân của mình.
Những chi tiết mà tôi vừa chứng kiến ấy, đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về một nét phong cách sống và làm việc của Bác. Bác rất tôn trọng trật tự công cộng và làm việc gì cũng tuân theo pháp luật.
Về việc này, sau tôi mới được biết, ông Hoàng Hữu Kháng - Cục trưởng Cục Cảnh vệ được phân công đến làm việc với ông Khang - Chủ tịch phố Ba Đình về thời gian và kế hoạch cụ thể. Các ông muốn Bác đi bỏ phiếu trước lúc khai mạc. Nhưng, sợ làm thế mất nguyên tắc nên cứ để nhân dân đi bỏ phiếu. Ông Kháng còn dặn ông Khang: Nếu lúc Bác đến mà còn một số bà con đang bỏ phiếu thì tốt nhất là tạm hoãn lại đợi Bác bỏ phiếu xong đã.
Cứ như kế hoạch đã bàn, các ông cứ nghĩ sẽ... “thuận buồm xuôi gió”, vừa không làm phiền đến nhân dân mà cũng chẳng ảnh hưởng đến việc bảo vệ Bác. Nhưng, các ông đã bị Bác phê bình. Hôm bỏ phiếu về xong, ông Kháng ra đón Bác trở về, Bác hỏi: “Hôm nay, chú bố trí mấy người bảo vệ Bác? Thưa, ít người thôi ạ. Chú bố trí thế nào, có kín không? Dạ, chưa kịp trả lời, Bác đã nói tiếp: Mấy hôm nay, tuy có các chú giúp đỡ, nhưng Bác được an toàn là nhờ nhân dân.
Sau này, ông Kháng mới biết, không những Bác biết chuyện có người bảo vệ Bác, mà còn chuyện mấy ông định ngăn nhân dân nữa...
Được đi theo Bác ngày bầu cử hôm ấy, tôi thấy Bác hết sức giản dị, thân mật gần gũi nhân dân. Bác đã yếu, những người bên Bác muốn Bác hoạt động ít để giữ sức khoẻ. Nhưng, Bác không làm theo ý muốn của những người phục vụ mình...
Trước hôm Bác mất mấy ngày, các anh em ở Việt Nam Thông tấn xã đã biết tin Bác đang yếu nhiều lắm. Thế là mọi người ở lại cơ quan theo dõi tình hình sức khoẻ của Bác. Ngày Bác mất, tôi chính là người đại diện TTXVN đi đưa tin. Nghe tin Bác mất, bao nhiêu kỷ niệm của Bác cứ ùa về trong tôi. Tôi chỉ biết tìm một chỗ kín để cất giấu những giọt nước mắt trong chiếc khăn mùi xoa. Tôi khóc không thành tiếng mà lòng đau như cắt, trống trải vô cùng. Chiếc khăn mùi xoa ấy, không bao giờ được giặt nữa, Nó vẫn được ông ép lại, lưu giữ đến tận ngày nay.
Vậy là nhà báo Hồ Thu Ba đã được đi theo và viết về Bác từ năm 1956 cho đến tận lúc Bác qua đời. Có thể nói, ông là một trong những nhà báo đầu tiên và lâu nhất được đi theo và viết về các hoạt động của Bác. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông trở về phân xã Đà Nẵng (TTXVN) làm việc cùng mang theo bao kỷ niệm những ngày bên Bác. Năm 1993, ông về hưu và hàng ngày ông vẫn thường lật dở những hiện vật, kỷ niệm từ những ngày còn bên Bác kính yêu.