LTS: Ngày 24/4/2017, Trường Đại học KHXH& Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm lễ ra mắt Bộ môn Tôn giáo học. Rất nhiều cơ quan ở Trung ương, Hà Nội và đại biểu các tôn giáo đã đến chúc mừng. Ủy ban ĐKCGVN do linh mục Phêrô Phan Khắc Từ, Phó chủ tịch Ủy ban đã đến tặng hoa và có bài phát biểu chúc mừng. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ
Trước hết cho phép tôi được thay mặt Ủy ban ĐKCGVN, tuần báo Công giáo và dân tộc gửi lời chào thăm Qúy vị và gia đình Quý vị. Kitô giáo chúng tôi vừa mừng đại lễ Phục sinh, chúng tôi xin gửi lời chúc bình an Phục sinh của Chúa Kitô chiến thắng khải hoàn.
Chúng tôi cũng xin chúc mừng sự kiện Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ra quyết định thành lập Bộ môn Tôn giáo học, xin chúc mừng Ban chủ nhiệm tiên khởi của Bộ môn Tôn giáo học.
Kính thưa Quý vị khách quý và Quý thày cô.
Tôn giáo là một thiết chế cổ xưa của con người và trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về hiện tượng này từ lâu đời. Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều tôn giáo và tôn giáo cũng xuất hiện từ rất sớm. Tuy nhiên do nhiều yếu tố mà tôn giáo chưa thật sự được coi là đối tượng của khoa học mà thường được xem xét dưới lăng kính chính trị nhiều hơn. Do đó, tôn giáo chưa được nhìn nhận và xem xét một cách khách quan, khoa học. Chẳng hạn về vai trò của tôn giáo, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị năm 1990, Nghị quyết 25 của Trung ương năm 2003 mới công nhận giá trị đạo đức của các tôn giáo. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng khóa X, XI, XII ghi nhận thêm giá trị văn hóa của các tôn giáo nữa. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Tôn giáo còn có vai trò trong ổn định xã hội, phát triển kinh tế, rèn luyện sức khỏe, thăng hoa tinh thần con người, hoán cải tâm tính con người nhất là những phạm nhân… Những vấn đề này ở Việt Nam ít hoặc chưa được đề cập tới.
Tôi tin chắc các vấn đề này sẽ được xáo xới lên trong thời gian tới ở Bộ môn Tôn giáo học và được nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ quan tâm nghiên cứu.
Ngành khoa học về tôn giáo thời gian vừa qua mới được thành lập ở Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và một vài cơ sở như Đại học Nội vụ. Số người theo học khá đông nhưng chắc chắn chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì số người học không chỉ là cán bộ làm công tác tôn giáo, người có nhu cầu nghiên cứu tôn giáo, người đang hoạt động tôn giáo mà còn có cả rất nhiều người yêu thích lĩnh vực này. Bằng chứng là số các luận văn cử nhân, thạc sĩ, luận án tiến sĩ về lĩnh vực tôn giáo vừa qua xuất hiện rất nhiều. Không chỉ trong Tôn giáo học mà cả trong Triết học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử cách mạng Việt Nam, Lịch sử, Văn học…Điều đó không chỉ mang lại nhiều việc làm cho các GS, TS về lĩnh vực này mà làm cho vấn đề tôn giáo được xem xét ở nhiều góc độ hơn vì thế nó cũng làm cho tôn giáo được tiếp cận đa chiều, khách quan hơn tránh chủ quan duy ý chí như một thời chúng ta đã mắc phải căn bệnh mà nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra đó là “căn bệnh kiêu ngạo cộng sản”.
Về phía người Công giáo chúng tôi cũng có nhu cầu hiểu biết về đạo của mình cũng như các tôn giáo bạn. Đạo Công giáo cũng có yêu cầu bắt buộc các chủng sinh khi vào Đại chủng viện phải có bằng cử nhân. Cho nên Bộ môn Tôn giáo học cũng sẽ là một địa chỉ mà người Công giáo tìm đến.
Ủy ban ĐKCGVN là tổ chức xã hội của người Công giáo. Chúng tôi đã có lịch sử hơn 60 năm đồng hành cùng dân tộc nếu kể từ khi thành lập Ủy ban Liên lạc Công giáo tháng 3/1955, còn nếu kể từ khi thành lập Liên đoàn Công giáo Việt Nam năm 1946 thì đã hơn 70 năm. Chúng tôi có nhiều tờ báo Công giáo lâu đời như “Nam Kỳ địa phận” xuất bản từ năm 1908 hay tờ Người Công giáo Việt Nam (tiền thân là Chính Nghĩa), tờ Công giáo và dân tộc của Ủy ban ĐKCGVN và Ủy ban ĐKCGVN thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy chúng tôi có thể cung cấp tư liệu sách báo cũng như thực tiễn cho việc nghiên cứu của các học giả và sinh viên. Chúng tôi cũng có những học giả chuyên sâu có thể trao đổi cùng Quý vị và cũng sẽ có những hoạt động hợp tác nghiên cứu chuyên đề cùng Quý vị.
Với những gì đặt ra hôm nay, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai phát triển của Bộ môn Tôn giáo học và Bộ môn sẽ có những đóng góp tích cực cho xã hội cũng như chính các tôn giáo.
Xin cảm ơn và kính chúc sức khỏe tất cả Quý vị khách quý cùng các thày cô, các em sinh viên.
Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ