Tin tức - Hoạt động

Quan hệ Việt Nam và Tòa thánh Vatican ngày càng phát triển

Cập nhật lúc 08:19 14/06/2013
Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam và Vatican đang có cuộc đàm phán lần thứ 4 trong hai ngày 13, 14/ 6/ 2013 trong khuôn viên của Tòa Thánh. Kỳ họp thứ tư được tổ chức nhằm tăng cường và phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tòa Thánh. Tổ chức các cuộc họp này đã được quyết định trong vòng thứ ba của các cuộc đàm phán trước đã được tổ chức trong tháng 2 năm 2012 tại Hà Nội.
Trong cuộc gặp gỡ với đại diện của 181 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao với Toà thánh Vatican ngày 10/01/2011, Giáo hoàng Benedicto XVI khi đề cập đến tình hình Việt Nam đã nói:
Tôi muốn nêu lên và bày tỏ sự hài lòng với chính quyền Việt Nam đã đồng ý việc tôi chỉ định một vị đại diện qua những chuyến viếng thăm sẽ thể hiện mối quan tâm của đấng kế vị Thánh Phê-rô đối với cộng đoàn Công giáo thân yêu của đất nước này”.
Ngày 13/01/2011, Toà thánh đã chính thức bổ nhiệm Tổng giám mục Leopold Girelli, hiện đang là Khâm sứ Toà thánh tại Indonesia làm Đặc phái viên không thường trú (ĐPVKTT) của Vatican tại Việt Nam. Đây là kết quả của quá trình đối thoại giữa hai bên trong nhiều năm. Nhìn lại mối quan hệ Việt Nam – Vatican, kể từ năm 1990 của thế kỷ XX đến nay khẳng định quá trình đối thoại đã góp phần quan trọng từng bước phát triển mối quan hệ đó trên cơ sở tôn trọng những thỏa thuận có tính nguyên tắc giữa hai bên và tôn trọng những vấn đề hai bên cùng quan tâm đã được bàn bạc tại những lần gặp nhau; đồng thời cho thấy phương thức đối thoại được coi trọng nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, hiểu biết lẫn nhau, cùng thể hiện thiện chí để tìm ra những điểm đồng thuận và cùng thúc đẩy quan hệ hai bên vì lợi ích chung và của mỗi bên.
 
Trước hết, không thể không nhắc đến những sự kiện Hồng y R.Etchagaray, Đặc sứ của Tòa thánh sang dự tang lễ Hồng y Trịnh Văn Căn vào tháng 5/1990 và sau đó là Trưởng đoàn đại diện Tòa thánh Vatican sang thăm và làm việc chính thức lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 11 cùng năm; Hồng y C. Sepe, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo sang thăm và chủ Lễ truyền chức cho 57 linh mục trước nhà thờ lớn Hà Nội, dự Lễ thành lập Giáo phận Bà Rịa (tách ra từ Giáo phận Xuân Lộc) vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2005 và Hồng y Ivan Dias làm Đặc sứ của Giáo hoàng vào dự Lễ bế mạc Năm Thánh 2010 tại Giáo xứ La Vang (Quảng Trị) ngày 06/01/2011… Ngoài ra, Tòa thánh còn cử Đặc sứ là chức sắc người Việt Nam ở trong nước như: Hồng y Phạm Đình Tụng là Đặc sứ của Giáo hoàng Gioan Phao lô II, chủ trì Lễ khai mạc kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang (năm 1998), Hồng y Phạm Minh Mẫn là Đặc sứ chủ trì lễ tang Hồng y Phạm Đình Tụng (năm 2009)… Từ tháng 11/1990 đến tháng 02/2009 trước khi có ĐPVKTT của Vatican tại Việt Nam, Đoàn đại diện Tòa thánh đã 16 lần sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Tất cả các chuyến thăm đều được tạo điều kiện thuận lợi, sau chương trình làm việc chính thức với đoàn đại diện của Việt Nam, đoàn đều có những hoạt động khác liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam và đến chuyến thăm lần thứ 15, đoàn Vatican đã lần lượt thăm tất cả 26 giáo phận Công giáo ở Việt Nam, tiếp theo các đoàn đã đi thăm lần thứ hai một số giáo phận. Sau quá trình gặp gỡ và đối thoại, hai bên đã thỏa thuận thành lập Tổ chuyên gia hỗn hợp và họp phiên đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 02/2009. Chỉ riêng trong năm 2011, Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam đã năm lần vào Việt Nam trao đổi mục vụ với Giáo hội Công giáo Việt Nam, dự Hội nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam và đi thăm 116 giáo xứ, 26 giáo phận ở 38 tỉnh, thành phố trong cả nước. Quan hệ đó làm cho chức sắc, tín đồ đạo Công giáo rất phấn khởi, tin tưởng và hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo.
 
Về phía Việt Nam, ông Vũ Quang - Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã dẫn đầu vào tháng 6/1992 và tiếp đến, ông Ngô Yên Thi - Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cũng dẫn đầu đoàn vào tháng 6/2005 sang thăm và làm việc tại Vatican. Trong những chuyến công tác tại Italia, lãnh đạo Việt Nam đã có những cuộc gặp gỡ với những vị lãnh đạo của Vatican. Ngày 27/5/2000, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã có buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh J. Louis Tauran. Khi Giáo hoàng Jean Paul II qua đời và tân Giáo hoàng Benedicto XVI nhậm chức vào tháng 4/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đều có điện văn chia buồn và chúc mừng. Một dấu mốc quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Vatican là buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Benedicto XVI vào ngày 25/01/2007 tại Tòa thánh Vatican. Cuộc gặp này đã khẳng định chính sách đối ngoại đúng đắn và rõ ràng của Nhà nước ta, đánh dấu kết quả của phương thức đối thoại mà hai bên đã cùng nhau thể hiện trách nhiệm kể từ năm 1990 trong lần gặp nhau đầu tiên và là sự chuyển biến về mối quan hệ, làm cho hai bên xích lại gần nhau hơn. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định: “Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Tòa thánh Vatican. Chính phủ Việt Nam chủ trương tiếp tục quá trình đối thoại trực tiếp với Tòa thánh Vatican dựa trên cơ sở những nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận là tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việt Nam mong muốn Tòa thánh Vatican có tiếng nói khích lệ cộng đồng Công giáo Việt Nam luôn gắn bó với đất nước và dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican”. Tiếp đó, ngày 11/12/2009 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có buổi hội kiến với Giáo hoàng Benedicto XVI tại Vatican. Đây là đỉnh cao và được coi là chuyến thăm lịch sử trong mối quan hệ giữa hai bên, được dư luận đánh giá cao. Thông cáo báo chí của Toà thánh nêu rõ: “Toà thánh bày tỏ hài lòng về cuộc viếng thăm. Đây là một bước có ý nghĩa đối với sự phát triển song phương giữa Việt Nam với Toà thánh. Cầu mong những vấn đề còn tồn đọng sớm được giải quyết. Trong các cuộc hội kiến thân mật, các vị đã đề cập đến những vấn đề liên hệ, tới sự cộng tác giữa giáo hội và nhà nước”.
 
Để thúc đẩy quan hệ song phương, Tổ chuyên gia hỗn hợp của mỗi bên do một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn. Việt Nam - Vatican đã được thành lập và đã có hội nghị vòng 1 tại Hà Nội (tháng 02/2009), vòng 2 tại Vatican (tháng 10/2010) và những vòng đàm phán luân phiên sau này. Nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Phái đoàn ngoại giao Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao Toà thánh Pietre Parolin dẫn đầu cũng đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam lần thứ 16 từ ngày 15 đến 22/02/2009. Sau chuyến thăm, hai bên đã ra thông cáo báo chí đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lộ trình thiết lập quan hệ song phương, trong đó có nội dung: “Hai bên ghi nhận chiều hướng phát triển đáng khích lệ của mối quan hệ giữa Việt Nam và Toà thánh từ năm 1990 tới nay. Hai bên cho rằng cuộc họp đầu tiên của Tổ chuyên gia hỗn hợp là một bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Toà thánh và nhất trí tiếp tục nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quan hệ song phương”. 
 
Nhiều người rất quan tâm đến mối quan hệ Việt Nam - Vatican và cho rằng vì lợi ích của không chỉ 6 triệu đồng bào Công giáo ở Việt Nam mà còn vì lợi ích của cả dân tộc cũng như góp phần vào hòa bình chung trên thế giới. Trong diễn văn của Hồng y Ivan Dias - Đặc sứ của Giáo hoàng Benedicto XVI trong Lễ bế mạc Năm thánh 2010 tại La Vang chiều 05/01/2011 đã nêu: “Tôi rất thích ý tưởng Giáo hội và Nhà nước như bậc cha và mẹ trong một gia đình. Khi họ sống thuận hoà thì con cái họ hạnh phúc hơn”.
 
Trong xu thế đó, Giáo hội Việt Nam cũng ngày càng có nhiều hoạt động đối ngoại. Nhiều giám mục đi tham dự các sinh hoạt quốc tế như Thượng Hội đồng Giám mục thế giới cũng như Liên Hội đồng Giám mục Á châu, ngày giới trẻ quốc tế, đi thăm các giáo hội Hoa Kỳ, Pháp, Philippines, Hàn Quốc…và cũng mời nhiều đoàn giám mục nước ngoài đến thăm Việt Nam như các Giáo hội Công giáo Pháp, Hoa Kỳ,… Thực tế, các hoạt động đối ngoại tôn giáo của Cụng giỏo Việt Nam trong những năm qua được tạo điều kiện thuận lợi. Hội đồng Giám mục Việt Nam tham gia làm thành viên Hội đồng Giám mục á Châu. Ngày 02/4/2005, Giáo hoàng Jean Paul II từ trần, Đoàn giám mục Việt Nam đi dự lễ tang và dự lễ đăng quang của Giáo hoàng Benedicto XVI. Giáo hội Công giáo cử đoàn gồm hàng trăm chức sắc, tín đồ tham dự Đại hội giới trẻ Công giáo thế giới được tổ chức ở những khu vực khác nhau… Kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, số linh mục, tu sĩ đi ra nước ngoài tu học ngày càng nhiều; chỉ tính từ năm 1993 đến nay đã có gần 500 người đi học ở các nước: Pháp, Italia, Philippines, Mỹ, Canada, Australia, Thụy sĩ, Anh, Đức, Trung Quốc, Ireland, áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Slovakia… Ngoài ra, theo giáo luật, cứ 5 năm một lần, các giám mục đều phải về Rôma để viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô và chầu Giáo hoàng (Ad Limina).
 
Có thể thấy rằng thông qua những lần làm việc, hai bên đã bàn bạc thẳng thắn, cởi mở, giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam như vấn đề bổ nhiệm nhân sự cho các Tòa giám mục, thành lập giáo phận mới, việc du học của các tu sĩ, linh mục ở nước ngoài và việc Giáo hội Công giáo Việt Nam mời tổ chức hoặc cá nhân Công giáo từ nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Việc đồng thuận của Vatican và Nhà nước Việt Nam trong tiến trình bổ nhiệm nhân sự cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam là một cách làm sáng tạo vừa giữ được quyền bổ nhiệm của Tòa thánh nhưng vẫn tránh được những bất đồng. Trong những chuyến thăm và làm việc, phía Vatican đã được sự đón tiếp chu đáo của các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương của Việt Nam cũng như sự đón tiếp trọng thị của tín đồ, chức sắc đạo Công giáo ở những nơi đoàn đến thăm. Cũng chính qua đó mà Vatican hiểu hơn về Giáo hội Công giáo Việt Nam, về đất nước và con người, về lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican ngày càng được cải thiện lại càng cần phải có thiện chí trong đối thoại và việc làm trên thực tế.
 
Cũng thông qua những hoạt động trên đây cho thấy từ trước đến nay, nhất là từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, Nhà nước Việt Nam luôn luôn thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngường, tôn giáo của người dân; đời sống tôn giáo của người dân theo tôn giáo nói chung và của người dân theo đạo Công giáo nói riêng ngày càng thay đổi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân trong phạm vi toàn quốc. Các hoạt động tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết… Đó là minh chứng về chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam mà hơn ai hết những chức sắc, tín đồ của đạo Công giáo ở Việt Nam và các đoàn đại diện Tòa thánh Vatican qua những lần vào thăm và làm việc trong hơn hai mươi năm qua cú thể hiểu rõ và chứng kiến sự đổi thay đó theo thời gian
Trần Chung
tổng hợp
Thông tin khác:
Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Dak Lak tổ chức Đại hội đại biểu những người Công giáo tỉnh xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhiệm kỳ 2013 – 2018. (07/06/2013)
Quỹ Vì trẻ em khuyết tật, tặng quà nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6/2013) (27/05/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giới thiệu Nghị định 92/2012/NĐ-CP (16/05/2013)
PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO HỘI QUA NIÊN GIÁM TÒA THÁNH 2013 (15/05/2013)
Đại hội Đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Tp Hải Phòng lần thứ VI (04/05/2013)
Đại hội đại biểu người Công giáo Phú Yên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ IV (03/05/2013)
ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI TRỞ VỀ VATICAN (03/05/2013)
LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ GIÁO HỌ KẺ ĐỌNG (02/05/2013)
Những ưu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc đối thoại với thế giới (05/04/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log