Những ngày này, thiếu nhi trên khắp thế giới đang háo hức chờ đợi được cha mẹ, người thân tặng những món quà yêu thích cùng lời chúc, lời nhắn nhủ thân thương nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế thiếu nhi 1/6. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những em nhỏ chưa bao giờ mơ ước về một điều kỳ diệu trong dịp này.
Cảm thương hơn, khái niệm ngày quốc tế thiếu nhi còn quá xa lạ với nhiều em bé khuyết tật ở xã văn Luông, Thu Cúc thuộc huyện Tân Sơn- là huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Phú Thọ và thuộc danh sách 62 huyện nghèo của cả nước với 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, H’Mông, Thái, La Chí, Tày, Nùng.
Mong muốn được sẻ chia với những em bé như thế, ngày 23/5/2013 Quỹ Vì trẻ em khuyết tật đã phối hợp với Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Phú Thọ, Cty CP SX & XNK Thăng Long tổ chức thăm và tặng quà các cháu khuyết tật ở hai xã kể trên với tổng số tiền là 32.534.000đ
Tại Hội trường Ủy ban Nhân dân xã Văn Luông và xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn cơ sở vật chất tuy thật sơ sài, nhưng nhìn những ánh mắt đợi chờ đoàn công tác và vui mừng của người cha, người mẹ, người thân đang bồng bế, gắng giữ chặt đứa trẻ co quắp cứng đờ trong tay, thì đoàn công tác, ai ai cũng thấy trong lòng trào lên cảm xúc nghẹn ngào. Hội trường hôm nay cũng không như những ngày bình thường, xen lẫn lời giới thiệu, trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền xã và đoàn công tác là những âm thanh la hét, rên rĩ, khóc ré của hàng chục em bé mà nhìn qua khó có thể đoán được tuổi hay giới tính của các em. Ân cần thăm hỏi, động viên, linh mục Phan Khắc Từ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBĐKCGVN, Giám đốc Quỹ Vì trẻ em khuyết tật đã cảm ơn các gia đình đã chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận con em mình để nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ, cưu mang những số phận sinh ra đã thiệt thòi kém may mắn. Bằng tâm huyết của vị linh mục già, người cũng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dưỡng và cách thức đề nghị Nhà nước, các tổ chức xã hội từ thiện giúp đỡ trẻ khuyết tật, giúp đồng bào nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có thêm kiến thức và nghị lực để đồng hành cùng con cái mình.
Tại đây, linh mục Phan Khắc Từ đã không khỏi xót xa trước gia cảnh của cháu Nguyễn Văn Chung (SN 2004) ở Hoàng Văn – Văn Luông – Tân Sơn – Phú Thọ. Từ khi sinh ra, Chung không có hậu môn, nay phải trích một lỗ trên bụng để duy trì sự sống. Bố mẹ bỏ rơi, Chung ở với bà ngoại Thành. Bà Thành đã già, nhà nghèo không có điều kiện đưa cháu đi phẫu thuật. Hàng tháng, với số tiền 180.000đ do cháu thuộc đối tượng người tàn tật, không thể tự chăm sóc mình bà gom góp lo cho cái ăn hàng ngày cho cháu, còn phần bà thương cháu lắm nhưng cũng chỉ mong và hi vọng có phép màu nhiệm nào đó, có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho cháu có điều kiện được phẫu thuật. (vừa nói bà Thành vừa sụt sùi nước mắt).
Mỗi cháu một hoàn cảnh, nhưng đều có chung một bi kịch đã khổ lại càng nghèo khi bệnh tật cứ đeo đuổi mãi không thôi. Cháu Hoàng Thị Diệp (SN 2004) ở xóm Chiềng – xã Thu Cúc – huyện Tân Sơn – tỉnh Phú Thọ, cháu Diệp bị bại liệt từ năm 2 tuổi, bố cháu cũng mất trong năm đó, mẹ thì bỏ cháu cho bà Đỗ Thị Hỏa – là bà nội cháu nuôi để đi lấy chồng. Tình trạng cháu Diệp đã được bà đưa đi khám bác sĩ và kết luận cháu bị não bẩm sinh, bại liệt, bác sĩ chỉ cho uống thuốc. Mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ nhưng không đủ mua thuốc, cứ mỗi lần mua thuốc cũng mất 500.000đ mà bệnh tình của cháu cũng không mấy khả quan. (Bà Hỏa tâm sự). Khổ tâm nhất là những khi lên cơn, Diệp lại tự lấy tay cào cấu vào mặt, vào đầu, bà xót cháu lắm, trên người cứ thi thoảng lại có vài vết thương do cào cấu, vết thương cũ chưa lành thì vết mới lại bắt đầu. Gia đình thì nghèo khó, bố cháu không còn, ông nội cũng mất do bị u cổ, tuổi cũng đã gần 60 bà Hỏa chỉ hi vọng lo cho cháu được lúc nào thì hay lúc ấy.
Cùng đi với đoàn, còn có linh mục Nguyễn Tiến Cử, Chủ tịch UBĐKCG tỉnh Phú Thọ và bà Thu Trang thay mặt công ty Cổ phần Sản xuất và XNK Thăng Long tới thăm hỏi, trao quà động viên các cháu tạo nên không khí đầm ấm vui tươi. Những câu đố vui, phần thưởng xinh xắn và lời hát ngọng nghịu ô ê đã gắn kết rất nhiều trái tim gần nhau hơn.
Ra về mà những cánh tay của trẻ vẫn nắm ghì như níu giữ tình yêu thương ở lại, những ánh mắt nhìn theo của gia đình các cháu như luyến tiếc và chờ đợi sự đồng cảm của xã hội khiến bánh xe của đoàn công tác lăn bánh chậm hơn mọi ngày.