Quang cảnh Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên lần thứ I. Ảnh: An Luých |
Với chủ đề “Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ”, Đại hội sẽ tập trung phân tích những ưu, khuyết điểm của phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016-2021; xác định phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2022-2027.
Về nhân sự cho nhiệm kỳ mới, lãnh đạo Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên cho biết: Công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2022-2027 được căn cứ theo hướng dẫn của Trung ương Ủy ban Đoàn kêt Công giáo Việt Nam và yêu cầu thực tế tại Thái Nguyên. Các nhân sự được giới thiệu để Đại hội quyết định đã qua các vòng lựa chọn trên cơ sở về tiêu chí chung theo quy định, đồng thời cũng chú trọng về mặt uy tín, đạo đức, năng lực và nhiệt huyết công tác và có tính kế thừa.
Đại hội sẽ hiệp thương suy cử Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2022-2027, dự kiến gồm 27 ủy viên, Ban Thường trực gồm 7 người (tăng 2 người so với nhiệm kỳ trước).
Đánh giá hoạt động trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Thời cho biết: Qua công tác chuẩn bị văn kiện cho Đại hội, Ban Tổ chức đã rút ra được những điểm nổi bật về phong trào thi đua yêu nước nơi đồng bào Công giáo và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh thời gian qua. Trong đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai các phong trào thi đua yêu nước Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời- đẹp đạo do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động và các cuộc vận động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kết quả nổi bật được thể hiện trong lĩnh vực từ thiện-xã hội, tham gia phòng chống dịch COVID-19, giữ gìn an ninh trật tự… với nhiều tấm gương tiêu biểu là tập thể, cá nhân.
Nhiều gia đình, doanh nhân người Công giáo đã trở thành nhân tố tích cực trong đổi mới tư duy phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo công ăn, việc làm tại địa phương và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Điểm điểm mới rất có ý nghĩa trong hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên thời gian qua, theo Chủ tịch Nguyễn Văn Thời, đó là Ủy ban đã phát huy vai trò “cầu nối” để phản ánh, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của tổ chức Công giáo; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các chức việc và giáo dân; Phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và giáo xứ, giáo họ xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình thi đua yêu nước sống tốt đời - đẹp đạo.
Lãnh đạo Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên cho biết, từ việc Thái Nguyên thực hiện tốt chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Giáo hội Công giáo và các chương trình mục vụ của Tòa Giám mục giáo phận Bắc Ninh, đến nay đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh đã có trên 30 nghìn giáo dân sinh sống ở 9 huyện và thành phố, thị xã; trong đó có 17 linh mục, hơn 300 chức việc và gần 1.000 người là thừa tác viên, giáo lý viên...