Tin tức - Hoạt động

Tăng cường tuyên truyền bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số tại Khánh Hòa

Cập nhật lúc 14:41 19/10/2023
Tăng cường tuyên truyền bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số tại Khánh Hòa Thời gian vừa qua, nhiều ngành chức năng tại tỉnh Khánh Hòa đã tham gia thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Trong đó công tác tuyên truyền được đẩy mạnh.
Theo Kế hoạch triển khai đề án «Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018-2025», UBND tỉnh Khánh Hòa đặt ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được, gồm:
- 100% cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở địa phương, 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng, trưởng thôn vùng dân tộc thiểu số được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới;
- Phấn đấu 90% số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới;
- 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi;
- 60% cán bộ làm công tác dân tộc ở huyện, xã vùng dân tộc thiểu số được tập huấn kỹ năng hoạt động bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới trong soạn thảo văn bản và tổ chức thực hiện chính sách;
- 50% các xã vùng dân tộc thiểu số xây dựng mô hình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện, trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán địa phương nhằm chuyển biến nhận thức và hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số; lồng ghép vào Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trong các trường học, nhất là các Trường phổ thông dân tộc nội trú; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các tiểu phẩm tuyên truyền về pháp luật bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và các nội dung liên quan đến yếu tố giới, chú trọng tại các địa bàn có địa hình núi cao, cách xa trung tâm huyện, thị thuộc vùng dân tộc thiểu số.
Hội nghị tập huấn về bình đẳng giới tại xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa
Hội nghị tập huấn về bình đẳng giới tại xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa

Tham gia thực hiện kế hoạch trên và thực hiện Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (Dự án 8), các cấp Hội trong tỉnh đã thành lập 3 tổ điểm truyền thông tại cộng đồng; tổ chức 44 hội nghị tập huấn hướng dẫn kỹ năng truyền thông cộng đồng cho hơn 2.080 lượt Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN các xã, Chi hội trưởng, Chi hội phó, thôn trưởng/ phó, bí thư chi bộ, già làng, người có uy tín trong thôn, hội viên nòng cốt, thành viên tổ truyền thông cộng đồng; thành lập 44 tổ truyền thông cộng đồng (đạt 66,7% tổng số chỉ tiêu giai đoạn 1 là 66 tổ); tổ chức 33 hoạt động nhằm thực hiện các chiến dịch truyền thông xoá bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; thành lập 16 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 15 địa chỉ an toàn tại cộng đồng.
Đã có khoảng 3.000 người được tham gia và thụ hưởng từ các chương trình này. Ngoài ra, các cấp Hội còn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" qua các trang điện tử của Hội LHPN tỉnh, zalo, facebook, fanpage…
Với Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện tại 66 thôn, tổ dân phố/27 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã trong tỉnh thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, ưu tiên phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, phụ nữ khuyết tật. Tổng kinh phí phân bổ để thực hiện Dự án 8 trong thời gian qua là gần 10 tỷ đồng.
Mới đây nhất vào cuối tháng 9 vừa qua, Hội LHPN huyện Khánh Vĩnh, đã ra mắt mô hình “Địa chỉ an toàn” tại thị trấn Khánh Vĩnh, các xã: Khánh Hiệp, Khánh Thượng, Khánh Bình, Khánh Phú, Sơn Thái, Cầu Bà, Khánh Đông.
Mô hình “Địa chỉ an toàn” được thành lập nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình; tuyên truyền bình đẳng giới.
Trước đó vào cuối tháng 8, Hội LHPN huyện Khánh Vĩnh tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật, bình đẳng giới trên địa bàn huyện cho 650 đại biểu tại thôn/tổ; cán bộ chi/tổ phụ nữ, già làng trưởng bản, người có uy ín trong cộng đồng, thành viên tổ truyền thông, thành viên mô hình địa chỉ an toàn tại 13 xã, thị trấn.
Tại Hội nghị, các học viên đã được truyền đạt một số nội dung cơ bản của Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân và gia đình, Luật trẻ em, các giải pháp nhằm thực hiện bình đẳng giới; các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng tuyên truyền, vận động và tư vấn pháp luật.
Bình đẳng giới góp phần kiến tạo hạnh phúc
Bình đẳng giới góp phần kiến tạo hạnh phúc

Không chỉ Hội LHPN tỉnh, các Sở, ban ngành, địa phương của tỉnh Khánh Hòa cũng đã chú trọng quan tâm đến công tác bình đẳng giới. Trong 3 năm 2021-2023, Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức 36 hội nghị tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật; 3 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho hơn 3.000 lượt người. Các già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương…
Theo báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật bình đẳng giới của Sở Văn hóa-Thể thao Khánh Hóa, trong những năm qua, Ngành Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương triển khai công tác tuyên truyền vận động đến từng hộ gia đình, khu dân cư các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới, công tác phụ nữ, hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ; Hướng dẫn các Sở, ban ngành, địa phương tổ chức các chiến dịch truyền thông nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới hằng năm.
Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, phối hợp lồng ghép vào các hoạt động chính trị, văn hóa của địa phương thông qua các hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội thi, hội diễn, tọa đàm, mít tinh, treo panô, áp phích, truyền thông lưu động.
Sở Văn hóa-Thể thao Khánh Hóa cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền các huyện miền núi tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, vận động các địa phương tiếp âm phát sóng tiếng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức về giới, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, ý thức của người dân được nâng cao và chấp hành nghiêm Luật Bình đẳng giới.
 
B. An
Thông tin khác:
Hệ thống chính sách đã bao phủ các lĩnh vực kinh tế- xã hội tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi (18/10/2023)
Tông huấn Laudate Deum của Đức Phanxicô (18/10/2023)
Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (16/10/2023)
Sơ Saleh: Cuộc điện thoại của Đức Thánh Cha mang lại cho chúng tôi can đảm (18/10/2023)
Phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” (17/10/2023)
Trà Vinh đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống (17/10/2023)
Chung tay vì người nghèo (17/10/2023)
Những đặc sắc trong đời sống văn hóa dân tộc Khmer (16/10/2023)
Đẩy mạnh tuyên truyền bằng ấn phẩm song ngữ Việt- Khmer (16/10/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log