Tin tức - Hoạt động

Tết ta nơi xứ người

Cập nhật lúc 13:44 17/01/2023
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, hiện nay có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống làm ăn ở hơn 130 quốc gia trên khắp năm châu lục. Trong đó, có 1,8 triệu người cư ngụ tại đất nước Hoa Kỳ. Phần đông cư ngụ tại Nam California, San Jose, Houston Texas, Virginia…
Hội chợ Tết tại Asia Times Square,bang Texas là một trong những lễ hội Tết lớn nhất của kiều bào Việt tại Mỹ thu hút hàng ngàn người tham gia mỗi năm.
Hội chợ Tết tại Asia Times Square,bang Texas là một trong những lễ hội Tết lớn nhất của kiều bào Việt tại Mỹ thu hút hàng ngàn người tham gia mỗi năm.
Thời gian thấm thoát qua mau, theo thông lệ ở đây, sau khi nghỉ lễ Tạ ơn - Thanksgiving, nối tiếp đến mùa Giáng sinh và ngày Tết Dương lịch năm mới 2023 lại cận kề. Kỳ này, Tết Nguyên đán năm Quý Mão lại đến sớm, vào Chúa nhật 22/1, khiến mọi người lại càng nao nức, chuẩn bị sắm sửa “Tết Ta” nơi “xứ người” vội vàng hơn mọi năm.
Qua hai năm tù túng vì dịch COVID-19, kỳ này dân chúng coi như thoát nạn, lại thấy các cơ sở dịch vụ thương mại từ Amazon, rồi Costco, tới Walmart, sang TJ Max đều đăng quảng cáo bán nhiều loại hàng tiêu dùng với giá hạ, càng khuyến khích dân chúng rủ nhau đi mua sắm, tiêu xài. Theo các chuyên gia của Adobe Analytics, ước lượng tổng số tiền dân chúng mua sắm trong dịp lễ Tạ ơn có thể lên tới 34,8 tỷ USD. Liên đoàn Các Thương nghiệp Bán lẻ Toàn quốc (NRF) thì tuyên bố có tới khoảng 166 triệu người dân Mỹ mua hàng, sắm sửa vào dịp này. Mặc dù vẫn còn khá nhiều khách hàng có thói quen đi tới trực tiếp ở các cửa tiệm, nhưng nói chung, năm nay đa số dân Mỹ thực hiện việc mua bán trên mạng (Online Shopping) một cách dễ dàng mau chóng.
HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG
Cộng đồng người Việt ở hải ngoại dù phải làm ăn tất bật quanh năm suốt tháng, nhưng luôn giữ tập tục ăn Tết Nguyên đán. Nhất là những người lớn tuổi, sang đây vẫn còn lưu luyến những thói quen, giữ phong thái xưa. Tuy nhiên, họ luôn linh động tùy theo hoàn cảnh địa dư nơi cư trú và điều kiện sinh hoạt mà áp dụng vào việc chuẩn bị lo cho những ngày Tết cổ truyền hằng năm thật tươm tất. Cách riêng còn lưu tâm, nhắc nhở con cháu cố gắng duy trì phong tục tập quán của tổ tiên, hầu xứng danh là “Con Rồng, Cháu Tiên”.
Trên thế giới này, không có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, mặc dù tản mác khắp nơi nhưng tâm hồn luôn hướng về quê hương đất nước, đã nói lên tâm tư tình cảm của những người con xa xứ, nhất là vào dịp lễ Tết lại càng nhớ hơn. Nhớ bà con bên quê nhà thì chuẩn bị hành trang mua vé sớm mà về, quà cáp nhiều khi phải lo mua gởi về trước. Kỳ này, các hãng máy bay thường xuyên có chuyến đi về giữa hai quốc gia thật là thuận lợi. Nhưng nghe đâu sắp Tết các hãng máy bay về Việt Nam đều hết chỗ và giá vé còn mắc hơn mọi năm. Việc thân hành về quê viếng mồ mả tổ tiên, vấn an cha mẹ, thăm hỏi anh chị em, bạn hữu xa gần, ai lại chả mong, chả ước ao sau bao năm tháng xa cách. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện về thăm quê nhà. Mà chỉ một số người có thể thu xếp được thời gian, còn lại đa số vì công ăn việc làm, tài chánh eo hẹp, gia cảnh đa đoan con cháu, nên không có điều kiện về, đành phải xin khất lại Tết sang năm.
 Những người được về nước sum họp ăn Tết cùng gia đình thật là đầm ấm hạnh phúc. Còn những người ở lại xứ người cũng tìm thú vui xuân, đón Tết thông qua các sinh hoạt tất niên, tân niên, gặp gỡ bạn bè thân hữu qua những buổi diễn hành văn hóa, đi hội chợ, tham gia tiệc tùng hội họp do các đoàn thể, hội đoàn, hội đồng hương, trường học, nhà thờ tổ chức,… Thật là trăm hoa đua nở, làm cho không khí những ngày Tết nơi đất khách thêm sầm uất, đông vui, tạm quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê cha đất tổ.
Dù ở xa Tổ quốc, mỗi khi Tết Nguyên đán đến gần, những người Việt xa quê
Dù ở xa Tổ quốc, mỗi khi Tết Nguyên đán đến gần, những người Việt xa quê hương lại cùng chung tay chuẩn bị đón Tết.
RỘN RÀNG ĐÓN TẾT 
Ngày nay, nhờ phưong tiện giao thông, đường bay trực tiếp cất cánh mỗi ngày, tạo mọi điều kiện thuân lợi cho thương khách buôn bán, trao đổi hàng hóa, cung cấp theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, sự kết nối thông tin đường dây liên lạc dễ dàng, chỉ qua một cái click con chuột máy vi tinh thì hình ảnh đôi bên được kết nối, hình ảnh hiện ra rõ ràng. Thời đại văn minh càng làm cho con người gần nhau, xóa đi sự cách biệt.
 Để đáp lại nhu cầu tinh thần cho người con xa xứ, tại nhiều nơi bà con sinh sống đông đúc thường tổ chức hội chợ vui xuân, đón Tết thật quy mô, rầm rộ. Chẳng những ban ngày, mà mấy năm sau này còn có cả phố đêm, thu hút khách đông đảo đi sắm Tết. Hàng hóa cung cấp cho thị trường năm mới không thiếu: “Nào bánh chưng, bánh tét, tôm khô, củ kiệu, dưa món. thịt đông, giò thủ, bánh mứt thập cẩm, xôi chè… đủ loại”. Món ngon, vật lạ cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều quy tụ về đây. Chưa nói đến những món hàng truyền thống liên quan tới tín ngưỡng như: trà rượu, nhang đèn, vàng hương, giấy bạc, đồ mã để cúng kiếng. Đây đó còn có ông thầy đồ khăn đóng áo dài ngồi nắn nót viết Câu đối đầu năm. Các cửa hàng văn hóa phẩm nối tiếp tục lệ từ trong nước nên tập san, báo chí đều ra báo xuân với hình ảnh mai vàng nở rộ, hoa đào khoe sắc cùng chú mèo dễ thương, bài vở thật là hấp dẫn mời đón mọi người đón đọc. Bầu khí chợ Tết xôm tụ hơn với những màn múa lân, thi Người đẹp trang phục áo dài, rồi còn văn nghệ, múa hát, đố vui có thưởng, xổ số đan xen với những lời chúc Tết của các vị lãnh đạo chính quyền và đoàn thể địa phương.
 Nói về hoa trái “cây nhà lá vườn”, theo tờ Thanh Niên trong nước loan tin ngày 28/11/2022 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã tổ chức lễ công bố việc xuất cảng lô Bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Việc giao dịch này là kết quả làm việc trong 6 năm qua giữa các bộ phận liên quan của hai quốc gia. Và đây là thành quả thứ bảy được Mỹ cấp mã số. Trước đó, Hoa Kỳ đã cho phép nhập cảng vào gồm có: Xoài - Nhãn - Vải - Thanh Long - Chôm Chôm - Vũ Sữa. Với bảy loại trái cây từ trong nước đưa sang tươi ngon, chắc chắn Tết năm nay bà con tha hồ mua về thưởng thức cây nhà trái vườn từ đồng nội quê hương thân thương. 
Đề cập đến phần tâm linh, dù tất bật với công ăn việc làm hằng ngày, nhưng nhắc đến Tết, mọi người thành tâm đều tranh thủ đi chợ sắm sửa lễ vật để sắp xếp mâm cơm tươm tất đặt lên bàn thờ ông bà. Sau đó, thiện nam tín nữ cùng lên chùa dự khóa kinh tất niên, cúng Phật đầu năm, hái lộc mang về lấy phước, xin xăm coi quẻ tốt xấu nơi gia đạo và công việc làm ăn suốt năm. Tín hữu Công giáo thì sau 3 ngày thánh lễ đầu năm thường rủ nhau tham dự các cuộc hành hương kính viếng Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào dịp tân niên hằng năm.
Một điểm son tại giáo xứ Mẹ Việt Nam, nơi gia đình tôi cư ngụ lâu nay vẫn giữ được truyền thống hằng năm đến ngày Tết cổ truyền của dân tộc đều có sự hiện diện của Đức Giám mục giáo phận đến chủ sự thánh lễ Giao thừa và mừng năm mới. Đây là ngôi thánh đường Việt Nam duy nhất thuộc Tổng giáo phận thủ đô Hoa Kỳ. Đức Giám mục tỏ ra khâm phục lòng hiếu thảo của cộng đoàn giáo dân, khi chứng kiến phần tế lễ theo nghi thức cổ truyền với tiếng chiêng, tiếng trống. Hòa cùng giọng ngân nga “Văn Tế” do các cụ khăn đóng áo dài, mũ mão cân đai, bái quỳ lên xuống nhịp nhàng tuyên đọc, với hương khói nghi ngút tưởng nhớ đến hồn thiêng sông núi, tổ tiên ông bà. Tiếp đến là thánh lễ đồng tế do Đức Giám mục chủ sự cùng với các linh mục, với các thầy phó tế hiệp thông. Phần lễ vật có thêm “mâm ngũ quả” và “cặp bánh chưng” biểu tượng ngày Tết được tiến dâng. Sau phần kết thúc thánh lễ, quý linh mục, các tu sĩ và cộng đoàn cùng chúc tuổi nhau. Trong khi các cháu thiếu nhi tiến lên biếu quà các cụ cao niên cùng nhận phong bao “Lì xì”. Kế đến, cộng đoàn giáo dân tuần tự xếp hàng tiến lên cung thánh lãnh lộc đầu năm, là những Lời Chúa trong Kinh Thánh, đưa về nhà làm “Kinh Nhật Tụng”. Theo đó mà thánh hóa cuộc sống hằng ngày. Ở xứ người, dân bản địa không có việc “hái lộc thánh”, nhưng người Việt chúng ta vẫn thực hiện. Quả là một tập tục tốt lành đáng lưu giữ.
 Đặc điểm ngày càng nổi bật là người địa phương như Mỹ, Pháp, Úc và nhiều sắc dân khác sống gần người Việt Nam cũng ăn Tết với chúng ta, vì bây giờ không ít gia đình người Việt kết nối thông gia với người nước ngoài. Việt Nam khác với người Tàu nên rất khoan dung trong việc hôn nhân khác màu da, khác sắc tộc, nên luôn gây được cảm tình thân thiện, quý mến với mọi chủng tộc.



SUM VẦY AN VUI
So sánh với các sắc dân cùng sinh sống, mang danh là người tạm cư, nhưng nhìn chung, mọi người phải công nhận lâu nay dân Việt Nam ta đã vượt trổi nhiều. Lớp người trẻ đã có nhiều thăng tiến. Đó là nhờ sự tần tảo, chịu thương chịu khó, làm ăn vất vả, hy sinh của các bậc cha mẹ, nuôi dưỡng cho con cháu học hành, nên đa số các bạn trẻ đều thành công trên mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, quân sự,… Kể cả tham gia chính quyền từ địa phương cho đến trung ương, đem lại danh tiếng cho dân tộc Việt nơi xứ người. Thật đáng tự hào biết bao!
Mặc dù sống xa quê hương, mùa xuân đến báo hiệu năm mới của dân tộc Việt về, các bạn trẻ, sinh viên, học sinh theo thông lệ nhiều năm qua vẫn hăng hái tổ chức hội chợ hoặc đêm trình diễn văn nghệ tại các trường đại học trong vùng, cùng nhắc nhở nhau hướng về đất nước quê hương, gìn giữ “Đất lề quê thói” qua những tập tục ngày Tết của cha ông.
Mỗi lần Tết đến là mỗi lần người dân Việt dù ở nơi đâu trên quả địa cầu này, cũng nao nức “ăn Tết”, xem Tết là ngày trọng đại, thiêng liêng của đất nước, của tổ tiên ông bà nên việc sum họp gia đình, chúc và viếng thăm nhau là thể hiện những nét đẹp của dân tộc Việt Nam. Và qua việc làm này, giúp một bài học vừa lý thuyết vừa thực hành cho đàn con cháu, tuy rời quê hương vẫn có thể hiểu biết hầu giữ gìn nền văn hóa, văn minh Việt Nam có tới 4.000 năm văn hiến.
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Tết nay lại nhớ Tết xưa (17/01/2023)
Năm Mão nói chuyện con mèo (17/01/2023)
Thánh lễ truyền chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh (17/01/2023)
Nét riêng của người Công giáo trong Tết cổ truyền dân tộc (17/01/2023)
Nhìn lại công tác Mặt trận năm 2022 (17/01/2023)
Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần (17/01/2023)
Hình ảnh Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thăm và chúc Tết tại Thanh Hóa (12/01/2023)
Lễ tấn phong Giám mục Đaminh Đặng Văn Cầu - Giám mục giáo phận Thái Bình (12/01/2023)
Dấu ấn kinh tế 2022 (12/01/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log