Tin tức - Hoạt động

Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần

Cập nhật lúc 11:47 17/01/2023
Chúa nhật III Thường niên, năm A Bài đọc 1: Is 8, 23b-9,3 Bài đọc 2: 1Cr 1, 10-13.17 Tin Mừng: Mt 4, 13-23
“Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến”. (Mt 4,17)
“Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến”. (Mt 4,17)

Cuộc sống hôm nay, là khiếp người ai cũng mang trong mình thân phận yếu đuối, đầy những khiếm khuyết. Cho nên, hành trình sám hối là một cuộc trở về, để làm hòa với Thiên Chúa, với tha nhân và với cả chính mình. Các bài đọc Lời Chúa cho chúng ta thấy được viễn cảnh và sứ vụ của người Kitô hữu, sám hối để bước vào một đời sống mới, một mối tương quan mới với Thiên Chúa. Vì Ngài luôn mời gọi mỗi người: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 17). Từ đó người Kitô hữu bắt đầu thi hành sứ vụ của mình là loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người. Với tất cả tự do, với tất cả ý chí, với tất cả con tim của mình.
Diễn tiến bài đọc thứ nhất, trích sách Isaia cho chúng ta thấy được: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9, 1). Chính Chúa Giêsu là ánh sáng huy hoàng, đã đến và chiếu soi mọi người, để ta nhận ra tình yêu thương của Chúa, mau mắn trở về với Ngài. Cuộc sống hôm nay có rất nhiều bóng tối đang bao phủ quanh chúng ta: bóng tối của bất công và tàn bạo, bóng tối của ích kỷ và mưu mô, bóng tối của ghen ghét và hận thù. Những bóng tối này làm ta xa lìa Thiên Chúa, bất mãn với anh em, sống thiếu ý chí để vươn lên. Vì thế, nhờ ánh sáng của Chúa, chúng ta biết nhận ra tội lỗi của mình, biết ăn năn sám hối quay về sống một đời sống mới, tin tưởng luôn có Chúa ở cùng để ta vượt qua mọi nguy nan của cuộc đời.
Trở về với bài Tin Mừng hôm nay, hình ảnh của ông Gioan cho chúng ta thấy được, vì muốn mọi người sám hối, nên ông đã bị bắt. Để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu đã chính thức khởi sự công cuộc cứu độ nhân loại của Ngài. Đồng thời, Ngài cũng kêu gọi các tông đồ đầu tiên cho sứ vụ rao giảng của Ngài, và họ đã đáp lời mời gọi đó thật mau mắn, can đảm chứ không trì hoãn. Thực tế hôm nay, hình như do lo cho cơm áo gạo tiền chúng ta quên đi Lời Chúa, không màng gì tới việc đọc kinh hay tới nhà thờ. Nhiều khi vì miếng cơm, có những người đã ra tay sát hại nhau, nhiều khi vì ghen tương chúng ta làm những việc xấu như: trộm cắp, trả thù, nói xấu… dường như lương tâm chúng ta đã bị chai lì. Cho dù thế nào đi nữa Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy sám hối vì Nước Trời đã gần kề, chúng ta đừng chìm vào sâu trong giấc ngủ là những việc làm đen tối, nhưng hãy nhìn lên bầu trời có ngàn tia sáng, để quay trở về làm lại cuộc đời vì Chúa luôn đợi chúng ta, như chờ người con hoang trở về.
Cuộc đời thánh Gioan đã nêu gương cho ta biết khiêm tốn, dạy ta sống khiêm nhường. Nhìn vào ông, dân chúng nghĩ ông là Đấng Mêsia. Nhưng không vì thế mà ông kiêu căng tự mãn, ngược lại, ông giải thích cho dân Đấng đến sau tôi còn trọng hơn tôi. 
Đời sống thật tốt lành khi ta biết ăn năn sám hối, biết sống khiêm nhường, sẵn sàng hy sinh phục vụ. Làm như thế là chúng ta nối gót chân Chúa Kitô. Là tông đồ, là giáo sĩ, là tu sĩ và giáo dân nếu ta biết hy sinh cho Chúa, biết trở về mỗi khi lầm lạc, lẽ nào Chúa không ban ơn cho chúng ta, để ta được sống hạnh phúc với Ngài đời này và đời sau.
Thật vậy, sám hối luôn cần thời gian, con người cần thời gian và Thiên Chúa cũng cần thời gian với chúng ta. Chúng ta sẽ xuất phát từ một hình ảnh hoàn toàn sai lệch về con người nếu chúng ta nghĩ rằng, những chuyện đại sự trong cuộc sống con người có thể thực hiện ngay và vĩnh viễn một lần. Con người là thế đó, phải có thời gian để lớn lên, để chín muồi và để triển khai tất cả những khả năng của mình. Thiên Chúa biết điều đó hơn những gì chúng ta biết, nên Ngài chờ đợi chúng ta và Ngài không bao giờ bỏ cuộc. Biết được Thiên Chúa như thế, nên chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc, mà biết sám hối ăn năn trở về để đón nhận tình yêu của Ngài, vì Thiên Chúa luôn mong ta một ngày nào đó trở về.
Ước gì, qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người luôn biết ăn năn sám hối quay trở về với Thiên Chúa, để được Ngài yêu thương, chăm sóc, an ủi. Đồng thời luôn biết sống cho nhau, vì nhau, và cùng nhau, trong lời nói cũng như hành động để đừng ai làm tổn thương. Như thánh Phaolô cảnh báo trong thư gửi tín hữu Côrintô hãy tránh sự chia rẽ, vì như thế sẽ làm tổn hại đến sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô, làm mất hết ý nghĩa của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nhưng trên hết: “Tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống thuận hòa, một lòng một ý với nhau” (1Cr 1, 10).
Tu sĩ Phêrô Khoa Maria Nguyễn Đồng
Thông tin khác:
Hình ảnh Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thăm và chúc Tết tại Thanh Hóa (12/01/2023)
Lễ tấn phong Giám mục Đaminh Đặng Văn Cầu - Giám mục giáo phận Thái Bình (12/01/2023)
Dấu ấn kinh tế 2022 (12/01/2023)
Cuộc sống mới nơi xứ đạo Vĩnh Quang (11/01/2023)
Niềm vui từ Đại hội Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố (05/01/2023)
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI được Chúa gọi về (31/12/2022)
Đại hội đại biểu Người Công giáo tỉnh Bến Tre xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 - 2027 (31/12/2022)
Phát huy truyền thống đại đoàn kết, đưa phong trào thi đua yêu nước của Cộng đoàn giáo dân lên tầm cao mới (29/12/2022)
Đồng bào Công giáo, nguồn lực lớn để phát triển đất nước (26/12/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log