Dù ở xa tổ quốc, người Việt tại Mỹ vẫn duy trì truyền thống gói bánh chưng, bày biện bàn thờ để thờ cúng Tổ tiên, hướng về quê hương và đất nước |
Thời gian thấm thoát trôi qua. Những tờ lịch hằng ngày của năm mới 2022 đã xuất hiện. Khí hậu nơi xứ người đã có gió lạnh lùa về. Tuyết rơi phủ đầy cây cối và đường xá đó đây, báo hiệu cho những người con nước Việt làm ăn sinh sống xa quê, rằng: ngày Tết cổ truyền Nhâm Dần đã đến.
Ngày Tết, không những thiêng liêng, mà còn mang sắc thái văn hóa đặc thù của dân tộc ta. Tết đến, làm cho kẻ tha hương khắp nơi cảm thấy lòng nao nao, khi nhớ lại những mùa xuân êm đềm mang nhiều kỷ niệm nơi quê cha đất tổ, với các phong tục tập quán riêng mỗi miền về ngày Tết, đã ăn sâu trong tâm trí của người dân Việt.
Trong hai năm qua, một đại họa bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của con người đã xảy ra, lan tràn khắp thế giới, làm ảnh hưởng tai hại trên nhiều lĩnh vực, thậm chí người chết không kịp an táng. Đó là dịch COVID-19 lây truyền rất nhanh, chưa có cách nào ngăn cản kịp. Cũng như nhiều nơi cứ tưởng như dập tan dịch rồi, nhưng bỗng nhiên lại bị biến thể từ Alpha sang Delta càn quét chưa xong, còn thêm Omicron xuất hiện, khiến số ca bệnh nặng và tử vong khi giảm lúc tăng ở nhiều nơi. Tình trạng bất ổn này chưa biết sẽ còn kéo dài bao lâu nữa.
Năm nay, rút kinh nghiệm sau những ngày giãn cách vì dịch bệnh còn diễn tiến bất ngờ không thể lường trước được, nên mọi dự định cho ngày Tết, từ cá nhân đến mọi nhà và các tổ chức đoàn thể đều thực hiện chương trình mừng xuân đón Tết sớm, không chờ đợi đến những ngày cận kề cuối năm âm lịch như mọi khi.
Khởi đầu ngay từ đầu tháng Chạp Tân Sửu, bầu không khí đón xuân với những cuộc họp Tất niên của đồng hương, của hội đoàn, hoặc mời tham dự Hội chợ đón Tết, những cuộc diễn hành mừng xuân Nhâm Dần của các tổ chức đoàn thể, hay chương trình lễ Minh niên của nhà thờ, đình chùa, thánh thất... Tất cả các hoạt động trên đều được phổ biến rộng rãi rất sớm trong cộng đồng.
Năm nay Tết Nguyên đán Nhâm Dần, vào ngày mồng 1 Tết âm lịch, nhằm ngày thứ ba 01/02/2022, vì là ngày thường nên tất cả hãng sở và sinh viên, học sinh vẫn phải đi làm và đi học. Nhưng rất may, có một số người vì ảnh hưởng của COVID-19 nên được ở nhà làm việc online, không phải trực tiếp đến công sở, bớt được mấy giờ đi và về, nên cũng tranh thủ thời gian này lo sắp xếp công việc, mua bán sắm sửa đồ đạc lo cho ba ngày Tết.
Đã lâu lắm rồi bị “tù túng” trong không gian căn nhà chật hẹp, nay được mời gọi tham dự những cuộc diễn hành văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, tại nhiều thành phố đông người Việt, người Hoa và Đại Hàn cư trú, những cửa tiệm buôn bán hàng hóa phục vụ ngày Tết đã trưng bày rất sớm và đa dạng. Từ những hàng bình dân cho đến hàng cao cấp mở cửa cả ngày, lại còn có chợ đêm thu hút khách hàng mua sắm tấp nập. Khiến ta nhớ lại những mùa xuân êm đềm, mang nhiều kỷ niệm nơi cố quốc, và cảm thấy thấm thía qua những vần thơ “Xuân tha hương” của thi sĩ Nguyễn Bính:
“Bốn biển vẫn chưa yên sóng,
Xuân này em chị vẫn tha hương.
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ,
Son sắc say hoài rượu bốn phương...”.
Tin vui đến với mọi người xa xứ. Nay với giao thông thuận lợi, máy bay đi thẳng từ Việt Nam qua Hoa Kỳ và ngược lại, đã rút ngắn thời gian cũng như tạo cơ hội cho hàng hóa vận chuyển, tạo cơ hội cho sự giao thương hàng hóa thuận tiện. Vì thế hoa quà, bánh trái từ quê nhà sang đây kỳ này phong phú không thiếu thứ gì, từ cành đào cho tới cây mai nở rộ, cùng với vật dụng cúng tế trang trí nhà cửa, đến các loại bánh mứt, trái cây đủ loại. Chợ Tết lúc này kẻ đi, người lại mua bán nhộn nhịp. Đứng nơi đây mà cứ tưởng mình đang ở giữa chợ Sài Gòn, làm ấm lòng kẻ tha hương.
Nói đến ăn Tết phải có bánh chưng và bánh tét đi kèm. Bởi vậy theo thông lệ, kỳ này sau thời gian giãn cách, các cơ sở, hội đoàn chuyên làm bánh mới vừa lễ Noen xong đã khởi sự nhận làm cho khách hàng đặt bánh chưng, bánh tét để dùng hoặc biếu tặng người thân. Điển hình như tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Galand - Texas, đã bắt đầu nhận làm, còn đảm trách gửi đường bưu điện cho những bạn hữu gần xa. Vì vật giá leo thang, bánh năm nay cũng lên giá chút đỉnh.
Ở Việt Nam, vào ngày đầu tháng Giêng là lúc mùa đông vừa qua, mùa lạnh vừa hết. Dịp này, sau một năm làm ăn vất vả, người dân tạm nghỉ ngơi, hưởng vui đoàn tụ với con cái, thăm hỏi bà con cùng ăn Tết. Còn những kẻ ra đi lập nghiệp ở nơi xứ lạ quê người, tuy bộn bề công việc trong cuộc sống, cũng đều náo nức trong lòng mỗi dịp Tết đến, cùng thu xếp thời gian tới tham dự các sinh hoạt tập thể của hội đồng hương, hội tương tế, các đoàn thể, hội đoàn, ái hữu trường lớp,... lần lượt tổ chức vào dịp tất niên hoặc Tân niên.
Điểm nổi bật nhất trong kỳ này là chợ Tết ở khắp nơi có đông người Việt trên xứ người đều tổ chức mừng xuân như một truyền thống, chẳng những là nơi quy tụ cho bà con, trước là mua bán sắm sửa vật dụng cho ngày Tết, sau đó có cơ hội tìm lại bạn hữu xa cách lâu ngày. Nay tay bắt mặt mừng, trao đổi tin tức, thăm hỏi công ăn việc làm của nhau thật là quý.
Để thu hút nhiều khách, chương trình chợ Tết thật là phong phú và hấp dẫn với các tiết mục: múa lân, văn nghệ mừng xuân, trình diễn thời trang, thi hoa hậu áo dài, trò chơi dân gian, xổ số bốc thăm trúng thưởng,... Bên cạnh đó, để tiện cho việc di chuyển, hội chợ được chia làm nhiều lĩnh vực như: - Khu triển lãm trưng bày những hình ảnh và thành quả sinh hoạt của cộng đồng - Khu văn hóa chủ tâm trưng bày văn hóa phẩm sách vở, câu đối, tranh dân gian, báo chí, đặc biệt những tập san xuân hấp dẫn, màu sắc sặc sỡ, bài vở phong phú ra mắt quần chúng - Khu giải trí và các gian hàng Hội chợ do các đối tác, các nhà cung cấp dịch vụ đảm trách - Khu các gian hàng ẩm thực với những món ăn dân tộc 3 miền nấu nướng tại chỗ: cơm, bún, phở, bánh, cháo... nghi ngút nóng sốt, mùi vị lan tỏa thơm lừng lôi cuốn thực khách mời ngồi thưởng thức tại những dãy bàn kê sẵn - Cuối cùng, trước khi ra về, mời ghé lại khu vực thương mại mua gì cũng có: Từ xấp bánh tráng, bánh ú, bánh gai, măng khô,... đến các loại thực phẩm thịt, đồ ăn thức uống, bánh mứt, hạt dưa, rượu bia, trái cây, hoa quả,... Chẳng thiếu sự gì cho 3 ngày Tết!
Quang cảnh chợ Tết nơi đây, với tất cả hình ảnh sinh động, âm thanh rộn rã đã hòa quyện vào nhau, biến một góc trời đông lạnh lẽo ở quê người trở thành một góc trời xuân Việt Nam thật nồng ấm, vui tươi, chứa chan bao tình quê hương, dân tộc.
Dù đi xa, cách quê nhà trên nửa vòng trái đất, nhưng Tết Nguyên đán đối với hơn 2,5 triệu người Việt ở Hoa Kỳ, vẫn là thời điểm quan trọng nhất trong năm, mang ý nghĩa thiêng liêng, là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn. Cho dù thời gian có thay đổi, nhưng những phong tục tập quán của ngày đầu năm mới vẫn được gìn giữ, lưu truyền để cho con cháu nhớ các tập tục “đất lề quê thói” của tiền nhân để lại, nên khi đã ra đi lập nghiệp ở nơi nào trên thế giới, đều náo nức trong lòng thực hiện những điều tốt đẹp gợi nhớ về chúng ta mỗi dịp Tết cổ truyền. Cùng luôn hướng tâm hồn về quê mẹ yêu dấu, cầu chúc cho đất nước thanh bình, thịnh vượng, nhân dân ấm no, gia đình hạnh phúc, một năm con cọp tràn đầy niềm vui và hy vọng giang sơn Tổ quốc ngày một thăng tiến hơn.
Vinhsơn Vũ Đình Đường