Tin tức - Hoạt động

Thực hiện tốt chính sách tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên

Cập nhật lúc 09:16 09/02/2017
Tây Nguyên được xác định là 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của nước ta, bao gồm 5 tỉnh: KonTum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắc Nông và Lâm Đồng; là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, xã hội, kinh tế, quốc phòng an ninh đối với cả nước.

Lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên.

 
Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện có 4 tôn giáo chính: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài với gần 2 triệu tín đồ, gần 4 nghìn chức sắc, nhà tu hành và hơn 1 nghìn cơ sở thờ tự. Trong những năm qua, các địa phương đã tạo điều kiện để các tôn giáo được hành đạo theo quy định pháp luật, được sửa chữa, nâng cấp một số cơ sở thờ tự và thành lập một số tổ chức tôn giáo mới, như: Ba hai, Phật giáo Hòa Hảo… đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong đông đảo chức sắc và tín đồ tôn giáo.

Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở tôn giáo sinh hoạt bình thường, tuân thủ pháp luật, còn không ít các địa phương trên địa bàn vẫn xảy ra các hoạt động sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật, như: truyền đạo, phát triển tín đồ, hội đoàn; đòi lại đất đai, nơi sinh hoạt tôn giáo, mua thêm đất đai dưới nhiều hình thức; tăng cường sửa chữa, xây mới cơ sở thờ tự; in ấn kinh sách; tổ chức các lễ hội linh đình, đông người để phô trương thanh thế... Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá, lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; lợi dụng công nghệ thông tin, thông qua sử dụng các phương tiện: điện thoại di động, internet, các trang web để liên lạc và truyền bá tư tưởng kỳ thị, chia rẽ khối đoàn kết Kinh - Thượng, đoàn kết lương - giáo, dụ dỗ, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Campuchia để tham gia các tổ chức phản động; can thiệp sâu vào vấn đề nhân sự, đường hướng hoạt động của các tôn giáo hòng tạo cớ kêu gọi can thiệp từ bên ngoài… Tình hình trên đã gây nên sự bất ổn về chính trị, xã hội trên địa bàn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chính vì vậy, để làm thất bại thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên cùng toàn thể nhân dân về quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo. 
Trước hết, phải thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, các ban, ngành, đoàn thể; chú trọng nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Cán bộ chủ chốt cấp xã, huyện, tỉnh cần dành thời gian thích đáng để tiếp công dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời giải quyết nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đồng bào, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến bức xúc, khiếu kiện kéo dài của người dân; kịp thời tham mưu, đề xuất những chủ trương, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” ngay từ cơ sở, góp phần xây dựng địa bàn an toàn, ổn định về mọi mặt.

Thứ đến, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào theo đạo. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ tạo động lực to lớn cho sự phát triển bền vững, góp phần tăng cường mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, đoàn kết lương - giáo, tạo cơ sở để huy động mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Các địa phương cần tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội, nhất là đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào; tích cực xóa đói giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đối tượng người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa; tích cực phổ cập giáo dục phổ thông, nâng cao dân trí, không để “tái mù” và xảy ra tình trạng “bản trắng” về văn hóa.  Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn Tây Nguyên làm tốt công tác dân vận, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước thông qua công tác vận động các chức sắc tôn giáo và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo cần thực hiện tốt phương châm 3 cùng: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào trên cơ sở hiểu biết ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của từng đồng bào dân tộc thiểu số; phát hành tài liệu tuyên truyền bằng tiếng dân tộc với phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện” cho đồng bào tìm hiểu, nắm vững chủ trương chung để tự giác chấp hành; phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng đồng bào  có đạo để tạo nên vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 
Nguyễn Mạnh Quang
Thông tin khác:
Người Công giáo ăn Tết như thế nào? (09/02/2017)
Đức Thánh Cha tiếp tục công việc cải tổ cơ quan Tòa Thánh (08/02/2017)
Từ sự thật Thánh Kinh tới sự thật lịch sử (08/02/2017)
Bước tiến mới của nhà nước pháp quyền về tôn giáo (08/02/2017)
Đảng, Chính quyền và các tôn giáo đến thăm và chúc tết cho nhauNăm Đinh Dậu (2017) (08/02/2017)
Mùa xuân khích lệ người (07/02/2017)
Phong trào thi đua yêu nước có bước phát triển mới (07/02/2017)
Diễn Châu vào xuân mới (06/02/2017)
ĐẠO HIẾU NGÀY XUÂN của người Công giáo (06/02/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log