Tin tức - Hoạt động

Thương nhớ Cù Lao Dung

Cập nhật lúc 14:57 30/11/2020
Cù Lao Dung yên bình. Ảnh: CTV
Cù Lao Dung yên bình. Ảnh: CTV

“Gió đưa nhành trái la đà.
Cù Lao Dung đó mấy xa cũng gần”
Bống Sao đem nấu chua bần.
Nặng mang tình đất nhẹ nâng tình người”
 
Những câu ca dao mộc mạc nhưng mang đậm hồn cốt đất và người ở vùng đất cuối cùng nằm giữa sông Hậu và sông Tiền khiến nhiều người trong đó có tôi dù đã đến đây nhiều lần nhưng vẫn muốn đến để khám phá, để thấy, để nghe rất nhiều câu chuyện lạ thường.

Vùng đất cuối dòng sông Hậu

Trên chiếc tắc ráng phom phom trên mặt nước, người dẫn đường tên Tài hào hứng kể về đặc sản quê mình với vẻ tự hào: “Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng là vùng mía nguyên liệu lớn nhất miền Tây; là vùng đất có cá bông lau ngon nhất đồng bằng; là nơi có nhiều con chem chép, ba khía, chù ụ ngon đến nao lòng”.

Chúng tôi đi qua khá nhiều những cái “cồn” rất nổi tiếng của Cù Lao Dung như: cánh cồn: cồn Dung, cồn Cộc, cồn Tròn, cồn Chén, cồn Cát, cồn Mới, cồn Chín Liên …Bần. Bần. Lại bần. Đâu đâu cũng là rừng bần, trái bần vây phủ. Nhiều cư dân bản xứ đất cù lao nầy luôn tự hào khi nói về Bần loại cây đã gắn bó với ông cha họ trong tháng ngày khai hoang mở đất. Họ còn dạy cháu con phải biết trân trọng cây bần như một biểu tượng đẹp của quê hương.

Ông Thạch Chum, 79 tuổi ngụ xã An Thạnh Nhì kể rằng: Thuở sơ khai, vùng đất nầy nhiều cọp beo, thú dữ và những cánh rừng bần, rừng dừa nước to rộng. Từ đó rất nhiều cán bộ cách mạng đã ẩn náu tại đây để hoạt động rất an toàn. Xúc động nhất là câu chuyện quân dân Cù Lao Dung không ngại hiểm nguy xây dựng đền thờ Bác Hồ ngay trong lòng địch sau khi hay tin Bác mất tại ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì (nay là ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông). Việc xây dựng vào ban đêm để tránh bị địch phát hiện, đánh phá. Từ năm 1969 đến 1975, du kích Long Phú đã đẩy lùi hàng trăm đợt tấn công của địch để bảo vệ nguyên vẹn đền thờ Bác kính yêu”. Hiện nay đền thờ đã được nâng cấp và đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cũng tại đây, năm 1947, du kích Long Phú đã làm nên chiến công oanh liệt bằng việc phục kích lính Pháp tại vàm Rạch Già, xã An Thạnh Nhất (nay thuộc thị trấn Cù Lao Dung) diệt 8 tên lính Pháp, thu được nhiều vũ khí và đánh chìm một tàu sắt của Pháp hiện xác còn nằm dưới đáy sông Rạch Già.

Ngày mới ở Cù Lao Dung

Từ bến phà Đại Ngãi xuôi về cửa biển Trần Đề, không khí mát dịu do gió từ sông Hậu, sông Tiền cứ phần phật thổi vào. Đường nhựa láng vo. Hai bên đường đầy hoa do người dân tự trồng để minh chứng cho sức sống mới, đẹp, văn hóa, văn minh trên vùng nông thôn mới. 

Từ đầu Cù lao đến cuối Cù lao xấp xỉ 50 cây số đi qua nhiều địa danh: An Thạnh 1,2,3, thị trấn Cù Lao Dung, điểm dừng chân cuối cùng là xã An Thạnh Nam tuy còn cách cửa biển đến 13 km bởi đây là vùng bảo tồn rừng ngập mặn do hạt kiểm lâm quản lý nghiêm nhặt.

Lần về thăm nầy, chúng tôi vừa buồn, vừa vui trước chuyện làm ăn của nông dân cù lao. Trên 8.000 ha mía, sản vật truyền thống tại đây hầu như không còn nữa bởi sự cạnh tranh khốc liệt của thương trường. Buồn vì nhiều nông dân đã bám chặt với cây mía đường đã ngậm ngùi nói lời chia tay. Vui là xuất hiện rất nhiều vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, những ao nuôi thủy sản đã và mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho người dân xứ nước mặn như: Cam, nhãn IDo, xoài cát.... 

Ông Võ Minh Quang, Bí thư huyện ủy Cù Lao Dung cho biết: “chúng tôi tập trung phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững, đa dạng đối tượng và hình thức nuôi; phát triển vườn cây ăn trái chuyên canh, vườn kết hợp du lịch. Đây là định hướng cơ bản để Cù Lao Dung vươn lên mạnh mẽ”.

Đêm Cù Lao Dung lãng mạn và nên thơ rất lạ. Đèn đường, đèn nhà, đèn từ các trại chăn nuôi sáng rực góc trời. Xe tải cứ tất bật ngược xuôi chuyên chở nông thủy sản. Bên nồi canh chua cá bông lau thơm phưng phức đi kèm với mấy lít rượu chánh gốc Xuân Thạnh – Trà Vinh, tiếng đàn kiềm của người nghệ nhân già rung lên réo rắc hòa cùng lời hát của những nông dân cù lao chánh gốc rất nhịp nhàng.
 
PHAN THỊ ANH THƯ
Thông tin khác:
Lên miền đất mưa (26/11/2020)
Giáo phận Kon Tum: Thánh lễ truyền chức linh mục (26/11/2020)
Năm sự sáng trong tràng chuỗi Mân Côi (25/11/2020)
Động viên toàn dân hoàn thành kế hoạch Nhà nước và đổi mới phương thức hoạt động (25/11/2020)
Pho tượng Đức Mẹ bị bão cuốn đi sau 10 năm rồi bão lại mang về (24/11/2020)
Tài nguyên dầu khí Việt Nam (24/11/2020)
Tăng cường đẩy mạnh công tác dân vận - mặt trận (24/11/2020)
Chúc mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trânnj Tổ quốc Việt Nam (20/11/2020)
Khóa học thường huấn linh mục doàn giáo phận Quy Nhơn (20/11/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log