Tin tức - Hoạt động

Tín hiệu tích cực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719

Cập nhật lúc 15:24 30/11/2024
Dưới dự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hoà Bình và sự phối hợp của các sở, ngành, Mặt trận Tô quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình, việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thu được nhiều tín hiệu tích cực.
 
Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Dự án 1- Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách về đất đai và các tiểu dự án thuộc Chương trình 

Trên cơ sở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình, chính sách, dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoat đối với đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc, các sở, ngành, địa phương triển khai tổ chức thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc. 

Thực hiện nội dung hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2019 - 2020, từ nguồn ngân sách của Trung ương, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư công trình nước sinh hoạt,  thiết bị tich nước; hơn 2.600 hộ dân đã được hưởng lợi. Đối với nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sinh hoạt, tỉnh đã rà soát, đề nghị Trung ương hỗ trợ cho hơn 16 nghìn hộ với tổng kinh phí hơn 109 tỷ đồng giúp đồng bào khai hoang, phục hóa, cải tạo đất sản xuất và chuyển đổi nghề. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ hơn 2.600 hộ chuyển đổi nghề; hỗ trợ nguồn nước, thiết bị tích nước phục vụ sinh hoạt cho gần 15 nghìn hộ; đầu tư 37 công trình nước sinh hoạt tập trung. 
 
Một hộ dân tại xã Kim Lập (huyện Kim Bôi), Hòa Bình) được hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà mới ổn định cuộc sống
Một hộ dân tại xã Kim Lập (huyện Kim Bôi), Hòa Bình) được hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà mới ổn định cuộc sống

Đặc biệt, thực hiện hỗ trợ về nhà ở, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực. Mới đây, tỉnh đã phát động đợt cao điểm 450 ngày xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
 
Huy động Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ 2.157 hộ khó khăn về nhà ở, trong đó xây mới nhà cho 1.247 hộ, sửa chữa nhà cho 910 hộ với tổng kinh phí khoảng hơn 77 tỷ đồng. Đến nay đã hỗ trợ cho 1.829 hộ (xây mới 1.122 hộ, sửa chữa 707 hộ). Dự kiến đến cuối năm 2024, chương trình này sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra. Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho 3.807 hộ. Từ nguồn vốn phân bổ năm 2023 - 2024, tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho 877 hộ. Đến nay đã hỗ trợ cho 699 hộ. Toàn tỉnh hiện còn khoảng hơn 3.900 hộ cần hỗ trợ về nhà ở.

Để tiếp tục giúp các hộ an cư, lạc nghiệp, Ban Dân tộc tỉnh xác định triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng, không chồng chéo và có sự tham gia thống nhất của người dân, cộng đồng nơi bình xét. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, sinh hoạt của hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp nhiều hộ từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất,... trong thời gian qua, các công trình chợ đã được đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân, đặc biệt là tại các vùng đồng bào DTTS và những khu vực còn khó khăn. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được triển khai, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đồng thời đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sự phát triển của các hoạt động này đã phát huy sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, mang lại diện mạo khởi sắc cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp tổng cộng 15 công trình chợ, trong đó có 1 công trình xây mới và 14 công trình được cải tạo, sửa chữa. Theo mục tiêu đề ra tại văn bản số 4292/BCT-TTTN, ngày 25/7/2022 của Bộ Công Thương, số lượng chợ mới vượt 1 công trình so với mục tiêu ban đầu, tuy nhiên, số công trình cải tạo, nâng cấp chỉ đạt 14/16, thấp hơn mục tiêu 2 công trình.

Kết quả thực hiện tại địa phương với nguồn vốn Trung ương đã giúp tổ chức nhiều hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Một số mô hình tiêu thụ sản phẩm đã được xây dựng và triển khai, các hoạt động kết nối tiêu thụ được tổ chức thông qua các phiên chợ văn hóa, hội chợ giao lưu, diễn đàn, lễ hội gắn thương mại với du lịch. Bên cạnh đó, công tác tập huấn nguồn nhân lực thương mại và truyền thông quảng bá sản phẩm cũng được đẩy mạnh.

Tổng kinh phí phân bổ trong giai đoạn 2021-2025 là 17.120 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 17.000 triệu đồng, ngân sách địa phương 80 triệu đồng và nguồn vốn đóng góp của dân là 40 triệu đồng. Trong năm 2024, tổng nguồn vốn đã bố trí là 3.100 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, để thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây mới 4 công trình trên địa bàn các huyện Đà Bắc (2 công trình), Lạc Thủy (1 công trình) và Cao Phong (1 công trình xây mới). Trong năm 2025, sẽ thực hiện 3 công trình chuyển tiếp từ năm 2024 với tổng kinh phí 4.600 triệu đồng, bao gồm 2 công trình tại huyện Đà Bắc và 1 công trình tại huyện Cao Phong.

Hiện nay, tỉnh có 94 chợ, trong đó chủ yếu là chợ hạng 3 và chợ tạm, với cơ sở vật chất đã xuống cấp và diện tích xây dựng nhỏ hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu mua bán của người dân. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chợ nông thôn còn rất hạn chế, chủ yếu được huy động từ các nguồn vốn khác.

Giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Hoà Bình đã giao cho UBND các huyện đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp mạng lưới chợ, nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của Nhân dân. Cùng với đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, gắn thương mại với du lịch, và xây dựng các mô hình tiêu thụ sản phẩm hiệu quả cho vùng đồng bào DTTS.

Việc xúc tiến quảng bá và tiêu thụ sản phẩm được xác định là yếu tố quan trọng giúp kết nối các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Việc triển khai hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình MTQG đã hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, tỉnh đã tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố. Thông qua các hoạt động xúc tiến này, sản phẩm của vùng đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình đã được quảng bá đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo lập thị trường ổn định và mở rộng kênh tiêu thụ.

Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Hoà Bình đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp các chợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, hội chợ, giao lưu văn hóa và kết nối tiêu thụ sản phẩm./.
 
 
Ngọc Lâm
Thông tin khác:
Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào Raglay (30/11/2024)
Bắc Giang: Đồng bào các dân tộc thiểu số đồng lòng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội (29/11/2024)
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sẽ được phong chân phước (30/11/2024)
Hiệu quả thiết thực từ thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại Thanh Hóa (29/11/2024)
Cầu nguyện với lời kinh đẹp nhất (29/11/2024)
Mùa Vọng với ý thức tham gia (29/11/2024)
Yên Bái ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (30/11/2024)
Yên Bái: Giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (29/11/2024)
Mặt trận Tổ quốc giám sát Dự án 1 Chương trình MTQG 1719 tại Ninh Thuận (28/11/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log