Ông Hoàng Siêu Hải (người đội mũ, thứ 2 từ trái qua) tại Thủ đô Hà Nội năm 1947 cùng đồng đội của mình. Ảnh: TL |
Trung đoàn Thủ đô thời kỳ đầu kháng chiến: chính thức được thành lập trên cơ sở Tiểu đoàn 301 cùng các đơn vị Vệ quốc đoàn và Tự vệ chiến đấu Liên khu I (thuộc 36 phố phường Hà Nội), gồm khoảng 2.000 người. Các chỉ huy đầu tiên là: Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải, Chính uỷ Lê Trung Toản, Tham mưu trưởng Hoàng Phương. Tên gọi đầu tiên là Trung đoàn Liên khu I. Ngày 12/1/1947, Hội nghị Quân sự Toàn quốc lần thứ nhất tại Chương Mỹ, Hà Đông đã quyết định tặng Trung đoàn Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ đô. Sau 2 tháng chiến đấu cầm chân quân Pháp tại Hà Nội, bảo vệ 38 nghìn người tản cư an toàn, Trung đoàn đã thực hiện thành công cuộc rút lui chiến lược ra khỏi vòng vây của quân Pháp cùng với một bộ phận nhân dân Liên khu 1. Bắt đầu 17 giờ ngày 17/2/1947, từ đình Phất Lộc, ra bãi cát ven sông Hồng, Trung đoàn đi dưới gầm cầu Long Biên (có lính Pháp gác trên cầu), lội sang bãi giữa sông rồi vượt sông bằng thuyền, về vùng tự do thuộc huyện Đông Anh. Khi gần sáng, quân Pháp phát hiện và truy kích, nhưng bị chặn đánh, chúng phải bỏ cuộc. Trong buổi mít tinh đêm 22/2/1947 kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôn vinh: “Trung đoàn Thủ đô nối chí truyền thống oanh liệt của các vị anh hùng thuở trước”.
Trung đoàn Thủ đô trở về giải phóng Thủ đô: ngày 10/10/1954 trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân Hà Nội với cờ hoa rực rỡ và tiếng hát hùng tráng sôi động phố phường “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố/ Trùng trùng say trong câu hát/ Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui về đây”. Người cầm cờ đi đầu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô Nguyễn Quốc Trị (1921-1967), thuộc Đại đoàn Quân tiên phong, và cũng là người được vinh dự kéo Quốc kỳ tại lễ mừng giải phóng Thủ đô. Nguyễn Quốc Trị quê huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là một trong 4 anh hùng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam cùng các anh hùng: liệt sĩ Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên (được phong ngày 18/5/1952). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết những dòng biểu dương: “Tôi nhớ mãi hình ảnh của anh hùng Nguyễn Quốc Trị, người chiến sĩ “nhanh như sóc, mạnh như hổ”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó, để lại tấm gương sáng cho mọi cán bộ và chiến sĩ lực lượng vũ trang ta”. Tên Nguyễn Quốc Trị được đặt cho một tuyến phố ở Hà Nội, nối từ phố Nguyễn Chánh đến đường trong khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy).