Trong hơn một giờ trình bày, diễn giả đã sơ lược về thân thế sự nghiệp của Sĩ phu Nguyễn Trường Tộ, một người Công giáo đạo đức, một trí thức yêu nước. Ông sinh năm 1830 tại thôn Xã Đoài, nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. 16 tuổi Ông đã thông thạo nho học với tứ thư ngũ kinh, sử sách đông phương và đất nước, lại được mệnh danh là “Trang Tộ”. Ông mở trường dạy học tại gia. Đức cha Hậu, Giám mục giáo phận Vinh khi đó biết ông là người tài đức, mời ông làm thầy dạy các chủng sinh. Cũng nhờ đó ông học thêm tiếng Pháp, nghiên cứu các nền văn minh Tây phương, khoa học kỹ thuật. Năm 1858, vua Tự Đức ra lệnh cấm đạo, ông sang Hồng Kông lánh nạn. Thời gian này ông tìm hiểu, trau dồi kiến thức đa ngành, để mong sau trở về giúp nước. Năm 1861, ông trở về Saigon làm thông ngôn với thâm ý lèo lái sự việc cho có lợi về phía Việt Nam trong các cuộc thương nghị. Nhưng sau khi Pháp đánh chiếm Biên Hòa rồi Bà Rịa, ông thôi làm từ dịch và ở lại Saigon ngấm ngầm liên lạc với các quan chức triều đình có trách nhiệm thương thảo với Pháp. Trong 10 năm từ 1861 đến lúc qua đời năm 1871 ông đã đệ đạt nhiều văn thư, nhiều bản điều trần đến các quan và triều đình. Tiếc thay đã thất lạc nhiều, nay chỉ còn 58 di thảo. Trong số đó nổi bật là bản “Tế cấp bát điều” (Tám việc cần làm gấp).
Những ý kiến của ông đệ đạt liên quan đến nhiều lãnh vực phải cải cách trong việc cai trị dân của triều đình. Cho đến nay đọc lại ai ai cũng công nhận là thức thời, vẫn còn nguyên giá trị. Ông vừa là một tín hữu thuần thành, một trí thức Công Giáo. (Chính ông đã vẽ kiểu và thi công nhà Dòng Thánh Phao lô tại Saigon, nay vẫn mang nét kiến trúc rất đẹp). Ông còn là một sĩ phu tận trung với nhà vua, với đất nước. Ông quả thật là một tấm gương chói lọi của “người Công Giáo tốt cũng là công dân tốt”.
Nhiều ý kiến của những người tham dự đều ca ngợi một con người tín hữu yêu nước trung kiên, nêu quyết tâm sống theo tấm gương của ông Nguyễn Trường Tộ trong thời đại hôm nay. Noi gương Ông chính là tiếp tục đồng hành với đất nước, góp phần thực hiện đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Toàn cảnh cuộc tọa đàm
Tin và ảnh: Đỗ Công Min
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com