Tin tức - Hoạt động

Việt Nam đã hoàn thành tiến trình Hiệp hành ở cấp giáo phận

Cập nhật lúc 11:11 04/10/2022
27 giáo phận tại Việt Nam đã hoàn thành tiến trình Hiệp hành ở cấp giáo phận


27 giáo phận tại Việt Nam đã hoàn thành tiến trình Hiệp hành tiến đến Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI vào tháng 10-2023 ở Roma. Thời gian hoàn thành ở cấp giáo phận là tháng 8-2022. Các giáo phận đã gửi báo cáo về Văn phòng HĐGM Việt Nam để tập hợp. Mỗi giáo phận có cách làm khác nhau. Hà Nội tổ chức 32 cuộc hội thảo tiền công nghị về các lĩnh vực, các giới. Mới làm được 17 cuộc (quá nửa). Có nơi như thành phố Hồ Chí Minh thì tập hợp từng giới như linh mục, tu sĩ; giới trẻ, sinh viên; tu sĩ để thảo luận về vấn đề của giới mình với cộng đồng Công giáo. Một số giáo phận như Phan Thiết, Đà Lạt, Thái Bình thì chia làm 4 giai đoạn: Thỉnh ý cá nhân; Thỉnh ý cộng đoàn giáo xứ, nhà nhóm dòng tu; Thỉnh ý cấp giáo hạt, dòng tu và cuối cùng là gặp gỡ toàn giáo phận. Giáo phận Đà Nẵng thì mời mọi đại biểu, các thành phần về trao đổi một vấn đề chung mà mọi người quan tâm. Tổng giáo phận Huế quy tụ cả đại biểu người khuyết tật, kém may mắn, người nghèo, trí thức… để tiếng nói được đa chiều hơn. Nhiều tiếng nói thẳng thắn đã được trao đổi và cư dân mạng rất thích như ý kiến của một nữ giáo dân ở Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội) đóng góp về cách ăn mặc, nói năng, giao tiếp của linh mục trẻ không gây hiểu lầm cho người khác giới, giới trẻ mà giữ được hình ảnh của linh mục trong cộng đồng Công giáo. Tại thành phố Hồ Chí Minh, linh mục Antôn Nguyễn Đình Thục cho rằng, cần giáo dục lại một số linh mục trẻ. Tại sao khi ở chủng viện thì ngoan thế, đạo đức thế. Nhưng khi được thụ phong linh mục thì hống hách, lên mặt với mọi người, không còn nghe ai góp ý nữa. Tại Bùi Chu, một giáo dân cũng lên tiếng xin đừng xây dựng nhà thờ to quá sức đóng góp của dân vì có người đã xin ra khỏi đạo để khỏi phải đóng góp xây dựng. Đọc báo cáo của các giáo phận thấy sinh động hơn vì có con số cụ thể thuyết minh. Ví dụ, báo cáo của Tổng giáo phận Hà Nội do linh mục Anphongsô Phạm Hùng chắp bút có rất nhiều con số. Báo cáo cho biết, Hà Nội hiện có 330.000 giáo dân chiếm 3,3% dân số sinh sống ở 7 giáo hạt, 174 giáo xứ. Theo khảo sát, điều tra thì số giáo dân tham dự lễ chủ nhật cao chiếm 86, 1%; đi lễ hàng ngày ít, chỉ có 11%. Số người khô khan, 2-3 năm mới đi xưng tội chiếm 9%. Tình trạng ly thân chiếm 0,8-1,8%; ngoại tình chiếm 7,1%; sống thử trước hôn nhân chiếm 3,1% trong các đôi hôn nhân Công giáo. Tình trạng gọi hồn, bói toán, chọn ngày giờ cưới, làm nhà, an táng từ 1,1- 13,3%. 54 % học sinh, sinh viên và người trẻ có mạng xã hội, nhưng ít chia sẻ Lời Chúa cho người khác… Nhiều ý kiến ở Đà Lạt băn khoăn, Giáo hội ít quan tâm đến những người ly dị, tái hôn. Họ như bị loại trừ khỏi Giáo hội. Giáo phận Phan Thiết lại hẹn nhau tổng kết giai đoạn cấp giáo phận ở linh địa Đức Mẹ Tà Pao, có cả Đức TGM Eric de Moussas Baufort- Chủ tịch HĐGM Pháp tham dự với 10.000 giáo dân.
Báo cáo tổng hợp của HĐGM Việt Nam từ ngày 10/8/2022 cho biết: Cả nước hiện có 7,2 triệu giáo dân chiếm 7,21% dân số cả nước. Như vậy số giáo dân đã tăng lên. Trong các buổi Hiệp hành cấp giáo phận đã có 35% các thành phần dân Chúa tham dự. Người Công giáo mới sống nghĩa vụ của người có đạo chứ chưa phải sống đạo theo Tin Mừng. Việc rao giảng Lời Chúa được khoán cho các linh mục, tu sĩ chứ nhiều giáo dân con đứng ngoài cuộc. Một số mới sống đạo hình thức bên ngoài, nặng về rước sách kèn, trống mà quên việc chia sẻ Lời Chúa cho mọi người. Một số kiến nghị cũng được nêu lên như các cặp vợ chồng trẻ thấy Giáo hội quá chặt chẽ, khó khăn cho họ khi muốn kế hoạch hóa gia đình mà không được lựa chọn các biện pháp tránh thai nhân tạo… 
So với báo cáo tổng hợp của một số nước cũng thấy có sự khác nhau. Tây Ban Nha tổ chức cho các tù nhân ở 19 nhà tù, 30 khu dưỡng lão người già ở 70 giáo phận để lắng nghe ý kiến, yêu cầu của họ với Giáo hội. Họ phê phán nặng lời tình trạng “giáo sĩ trị” xa rời giáo dân. Tại Thụy Sĩ, những người rơi vào tình trạng ly dị, tái hôn bị Giáo hội loại trừ, sống bên ngoài Giáo hội. Giáo hội Pháp lại trăn trở về tình hình giáo sĩ, phó tế không giữ được luật độc thân phải lìa bỏ Giáo hội. Vai trò của phụ nữ trong Giáo hội chưa được coi trọng dù họ chiếm số đông và nhiệt thành trong đời sống đạo của từng giáo xứ. Tại Đức, công nghị được khởi xướng từ năm 2019 và đề cập đến nhiều vấn đề thời sự như luật độc thân của giáo sĩ, vai trò của nữ giới trong Giáo hội; hôn nhân đồng tính; tham gia của tín hữu Công giáo trong các thánh lễ của Tin lành… Nhưng Tòa Thánh luôn cảnh báo nguy cơ chia rẽ Giáo hội vì xét lại nhiều yếu tố truyền thống cơ bản. 
Các báo cáo này sẽ được gửi về Rôma để tập hợp toàn cầu để chuẩn bị cho Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI tại Rôma vào tháng 10/2023.
Triết Giang
Thông tin khác:
Mái ấm Giuse ở Chư Sê, Gia Lai (22/09/2022)
Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên (14/09/2022)
Đức Mẹ muốn chúng ta an ủi Đức Mẹ (09/09/2022)
Người Công giáo Việt Nam tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (*) (09/09/2022)
Chung tay xây những niềm vui nơi họ đạo (05/09/2022)
Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (02/09/2022)
Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám (1945-2022): Độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân là đôi cánh nâng đất nước bay cao, bay xa (02/09/2022)
Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trong tình hình mới (02/09/2022)
Người đầy tớ trung thành và những nén bạc Chúa trao (01/09/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log