Văn hóa nghệ thuật

Họa sĩ Đông Dương là ai?

Cập nhật lúc 16:15 10/04/2019
Đối với các nhà sưu tầm tranh tại Việt Nam và cả thế giới, một tấm tranh của các họa sĩ xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux-Arts de L'Indochine) là một giấc mơ. Bởi đâu tranh Đông Dương có giá thế?
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại 102 phố Reinach, Hà Nội năm 1929. Ảnh: TL
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại 102 phố Reinach, Hà Nội năm 1929. Ảnh: TL
1. Bối cảnh lịch sủ
Nghệ thuật thì nước nào chẳng có, dân tộc nào chẳng có. Dân tộc Việt Nam từ ngàn năm xưa đã có các công trình kiến trúc đồ sộ, đã có những tác phẩm điêu khắc, những bức truyền thần rất đẹp. Về kiến trúc, cha ông chúng ta đã làm nhà gỗ là chủ yếu, ngành điêu khắc cũng như ngành họa đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Trung Hoa. Chuyện đó không lạ gì, bởi vì ta bị họ đô hộ gần 1000 năm, không bị đồng hóa là may mắn lắm.
Trải qua bao đời, từ Hùng Vương (dã sử) cho đến thời độc lập (có chính sử) Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn, nước ta chưa có trường đào tạo kiến trúc, hội họa, điêu khắc.
Quốc Tử Giám từ thời Lý được coi là đại học đầu tiên nhưng chương trình học chỉ là chữ nghĩa thánh hiền, văn thơ là chủ yếu, chưa cho chuyên ngành nghệ thuật nói chung và hội họa, kiến trúc, điêu khắc nói riêng. Đất nước ta thuộc dạng “canh nông vi bản”. Chúng ta vẫn thường nghe câu ca, chẳng biết có chính thống hay không nhưng rất quen thuộc, chủ yếu đề cao nông nghiệp: “Nhất sĩ nhì nông/ hết gạo chạy rông/ Nhất nông nhì sĩ”. Những ngành nghệ thuật không được tôn trọng, thậm chí còn bị khinh miệt: “Xướng ca vô loài”.
Thời Pháp thuộc có sự giao lưu văn hóa Đông Tây. Người Pháp sang Việt Nam, phải công bằng mà nói “tội thật nhiều nhưng công cũng không ít”. Đất nước phát triển mọi mặt nhờ tiếp nhận văn minh châu Âu, nhất là Pháp.
- Giáo dục: xưa cấp dưới chỉ học thầy đồ ở thôn làng, nội dung đào tạo chỉ là sách thánh hiền bên Trung Hoa, làm gì có trường lớp khang trang, nội dung đào tạo phong phú. Nhà vua chỉ chính thức mở khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình để chọn người ra làm quan.
- Giao thông công chánh không có đường sá, cầu cống hiện đại. Con đường cái quan từ Bắc vào Nam đất đá gập ghềnh, một công văn từ thủ đô tới tỉnh xa phải mất hàng tháng chạy ngựa.
- Y tế chưa có bệnh viện, tiêm phòng; không có bác sĩ, y tá hộ sinh… Phụ nữ sinh con thường do các bà mụ đỡ đẻ ngay tại thôn làng.
Chính nhờ có giao lưu văn hóa Đông Tây nước ta mới dần dần được mở mang khởi sắc như ngày nay.
2. Về Mỹ thuật
Riêng ngành Mỹ thuật thì mãi tới 27/10/1924, toàn quyền Đông Dương Martial Mertin mới ký sắc lệnh thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Rập theo Cao đẳng Mỹ thuật Paris) [École supérieure des Beaux Arts de L'Indochine], bổ nhiệm họa sĩ Victor Tardieu làm Hiệu trưởng tiên khởi. Tập tài liệu “Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925-1990” có đoạn viết: “Năm 1925 là một cột mốc đánh dấu sự giao lưu nghệ thuật bước đầu giữa Đông và Tây trong lịch sử mỹ thuật cận hiện đại Việt Nam - Năm ra đời một trung tâm đào tạo họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà kiến trúc toàn Đông Dương”.
Nếu như trước chúng ta chưa có trường, chỉ là sự kèm cặp trong các phường thợ, chỉ là sự cha truyền con nối…, thì nay đã có một trường đào tạo nghệ thuật cấp đại học, kịp thời tiếp cận khoa học và nghệ thuật của nhân loại. Là một cơ sở khoa học để thức dậy và làm đẹp thêm nghệ thuật truyền thống và hiện đại, là nơi gặp gỡ giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây…
Nói tới lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, không thể không nói tới vai trò của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (số 42 Yết Kiêu - quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cái nôi đào tạo các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, các tác giả, tác phẩm làm nên lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Năm 1937, Hiệu trưởng Tardieu mất, Evariste Jonchére thay thế cho đến tháng 12/1943, do chiến tranh nên trường phải sơ tán tới 3 địa điểm:
- Các lớp Mỹ nghệ về Phủ Lý giao cho George Khánh và Bùi Tường Viên phụ trách.
- Kiến trúc và điêu khắc chuyển vô Đà Lạt do E.Jonchere trông coi.
- Hội họa và một phần kiến trúc thì lên Sơn Tây dưới sự hướng dẫn của Joseph Inguimberty, Nam Sơn và Tô Ngọc Vân. Vì điều kiện chiến tranh nên chỉ học các môn chính thôi, thời gian này cũng rút ngắn hơn, trường cầm cự cho đến tháng 3/1945, Nhật đảo chánh thì giải tán.
Nghị định 22/02/1944 đã nâng phân khoa Kiến trúc Đà Lạt lênh thành trường Kiến trúc (vẫn trực thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương).
Để vào được trường Cao đẳng này, các ứng sinh phải trải qua các môn thi: Hình họa, Trang trí, Bố cục, Tượng tròn, Phù điêu, Văn (xét tuyển chứ không thi). Việc tổ chức thi tuyển diễn ra tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Phnômpênh (Campuchia), Vientian (Lào). Tất cả các nơi thi cùng ngày, cùng giờ. Bài thi chuyển về Hà Nội chấm và công bố kết quả.
Trường đã tổ chức giảng dạy được 18 khóa với số học sinh trúng tuyển là 149 người; số sinh viên tốt nghiệp là 128, trong đó có 118 người thuộc khoa Hội họa, 10 người thuộc khoa Điêu khắc và Kiến trúc.
 
Hiệu trưởng Victor Tardieu và Khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1930). Ảnh: TL Ảnh: CTV
Hiệu trưởng Victor Tardieu và Khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1930). Ảnh: TL Ảnh: CTV

Việc tuyển sinh ngày ấy cực kỳ khó, nói lên tính nghiêm túc của trường. Khóa đầu tiên (1923-1930) có 400 học viên dự tuyển, chỉ có 8 người được nhập học gồm Lê Văn Đệ, Nguyễn Tường Tam, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Ang Phan, Công Văn Chung và George Khánh (ông Tam và Phan bỏ dở, còn lại 6 người tốt nghiệp, Lê Văn Đệ là quán quân).

Về giảng viên, ban đầu toàn người Pháp có các tên tuổi giảng dạy như họa sĩ Victor Tardieu (Hiệu trưởng), Evariste Jonchere, Inguimberty, Golou Bew, Lemerre, Besson, Christien, Basteur, Ponchin, De Fenix, Cruze, Roger, Leguer, Dabatre, Virrac, Rollet, Liévre, Lebas, Menard, Morez, Ayma, Bezacier, Mahoudot… Sau, một số sinh viên tốt nghiệp được giữ lại dạy như Nam Sơn, George Khánh, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Xuân Phương, Tô Ngọc Vân…
Nhờ trình độ đào tạo cao nên uy tín của trường vang dội tới nay và sẽ còn vang mãi về sau. Các họa sĩ xuất thân từ trường này cũng được coi như là bậc thầy hội họa, tác phẩm của họ được nhiều người ưa chuộng, săn lùng và có giá trị rất cao, cụ thể bức tranh “Le Concert” của họa sĩ Lê Phổ từng được bán với giá 657.669 USD tại nhà đấu giá Christie’s ở Hồng Kông chiều ngày 27/5/2017.

Lm Giuse Nguyễn Hữu Triết
Thông tin khác:
Chúa nhân từ tha thứ (10/04/2019)
Cây hoa giấy (04/04/2019)
Bình Ca - Trung Giã (04/04/2019)
Phải lo điều hoán cải (03/04/2019)
Đánh thức "con đường tơ lụa" (26/03/2019)
Biến hình trong sứ vụ (22/03/2019)
Tác dụng của việc bình cây cảnh nghệ thuật (20/03/2019)
Chiếu Nga Sơn - gạch Bát Tràng (20/03/2019)
Chiến thắng mọi cám dỗ (20/03/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log