Văn hóa nghệ thuật

TÌM LẠI BẢN "PHỤC DĨ CHÍ TÔN" một thời vang bóng

Cập nhật lúc 11:29 31/10/2019
Kinh “Phục rĩ chí tôn” của người Công giáo thường được cầu nguyện cho người đã qua đời. Ảnh: CTV
Kinh “Phục rĩ chí tôn” của người Công giáo thường được cầu nguyện cho người đã qua đời. Ảnh: CTV
Theo truyền thống tốt đẹp của Giáo hội, hằng năm Lễ kính Các thánh nam nữ ngày 01/11 và liền sau ngày 02/11 là Lễ cầu cho các Đẳng Linh hồn. Cũng như trong những dịp ma chay, giỗ chạp, thời gian này luôn nhắc nhở người còn sống tỏ lòng hiếu thảo đối với các kẻ đã khuất, bằng cách xin lễ, đọc kinh, làm việc lành phúc đức để kính nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, mau được về hưởng phúc Thiên đàng.

Đặc biệt trong các giáo phận miền Bắc, thậm chí đã vào Nam từ năm 1954, nhiều giáo xứ di cư vẫn giữ tục lệ trong suốt tháng 11 và các ngày lễ giỗ, khi đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn thân nhân, lời kinh bằng Hán Tự”CẢM TẠ NIỆM TỪ” mà dân gian nhà đạo quen gọi là: kinh Nguyện giỗ “PHỤC DĨ CHÍ TÔN” luôn được cất lên một cách nhịp nhàng, cùng với tiếng chuông sầu nhà thờ điểm từng tiếng một, thong thả ngân dài, thật là u buồn đi vào lòng người. Nhưng rất tiếc ngày nay nền Hán học không còn đủ sức thu hút để gìn giữ truyền bá lời kinh này sâu rộng, mà còn có chiều hướng ngày một lu mờ đi.

“CẢM TẠ NIỆM TỪ” - “PHỤC DĨ CHÍ TÔN” VANG BÓNG MỘT THỜI.

Giáo hội Việt Nam từng trải qua bao sóng gió, cấm cách, chiến tranh loạn lạc, cộng với thời tiết mưa bão ẩm ướt, lại không có điều kiện gìn giữ lưu trữ sách báo, tài liệu lâu dài, bởi vậy muốn tìm nguồn ngạch, tông tích liên quan đến người xưa chuyện cũ, thì thật là thiên nan vạn nan.

Trong tinh thần “Ôn cố tri tân” chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc bản kinh “Cảm tạ niệm từ” giá trị này. Nay dựa vào cuốn “Ở Thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” xuất bản năm 2007 của ông Lê Đình Bảng, hé mở cho ta biết đôi nét về tác giả bản kinh kiệt tác này là do Thầy giảng Phanchicô (? -1640) xuất thân là một Hòa thượng, đỗ tiến sĩ làm quan lớn trong phủ Chúa Trịnh, tu tại Chùa Phao (xã Phao Sơn, Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Trong một cuộc tranh luận tại Phủ Chúa Trịnh Tráng vào năm 1632 qua đề tài “Về Giáo thuyết, về quan điểm vũ trụ và nhân sinh” giữa 10 vị Hòa thượng khoa bảng với linh mục Jeronimo Majorica (1591-1656), kết thúc phần chân lý đã về phía giáo sĩ J. Majorica. Giữ lời hứa, một trong số các vị Hòa thượng trên, đã xin tòng giáo,lấy tên thánh Phanchicô. Kế đến nhà sư còngia nhập vào Hội Thầy Giảng của Cha Alexandre De Rhodes (1593 - 1660) thiết lập trước đây. Thầy Phanchica đã đóng góp một phần chủ lực cùng với cha J. Majorica hoạt động rất tích cực trong lãnh vực biên tập, hiệu chính,và ghi chú toàn bộ mảng kinh nguyện Hán Nôm Công giáo. Một thời gian sau Thầy Phanchica bị trục xuất khỏi Phủ Chúa và còn bị cầm tù tra tấn. cho đến khi được phúc tử đạo năm 1640 ngay tại Thăng Long.

Liên quan đến các sự kiện trên về tác giả Bản kinh “Phục Dĩ Chí Tôn”, căn cứ vào tài liệu của linh mục Philipph Rosario Bỉnh (1759 -1833) cung cấp cho chúng ta một chứng từ cụ thể, chính xác bằng văn bản rõ rệt: “...Mà kinh nguyện giỗ (Cảm tạ miệm từ) thì Thầy ấy (Thầy Phanchicô) nguyên là Hòa thượng tu ở Chùa thành Phaolàm, thì đặt ra cung sớ, vì rằng Phục, Dĩ, Chí, Tôn, Chân, Chủ, Cửu, Trùng... (Trích từ “Truyện nước An Nam Đàng Ngoài Chí Đàng Trong” - Quyển thứ nhất, của Philipphê Bỉnh viết tay, năm 1822 trang 30).

Dựa vào tài liệu trên linh mục Thanh Lãng sau khi tra cứu, cũng công bố: “Hòa thượng chùa Thành Phao là tác giả bài kinh chữ nho tục gọi là kinh Phục Dĩ, hay Văn tế cầu hồn, hay nôm la là kinh Cầu cổ” (Tâp san Triết học tháng 7/2004 trang 82).

Lại liên hệ tới kinh “Phục Dĩ Chí Tôn”còn có bài “Hồn Thơ Công giáo” của linh mục Giuse Phạm Châu Diên (1914 - 2007) in trong sách “Toàn niên kinh nguyện” của giáo phận Bùi Chu do Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1876 – 1948) ấn ký, tái bản năm 1956, cho rằng tác giả là cụ Phêrô Phạm Trạch Thiện (1818 – 1903) sinh tại giáo xứ Cổ Ra, làng Cốc Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, đã đỗ cử nhân Hán học, nên người làng quen gọi cụ bằng cái tên nho nhã “Cụ Cử Thiện” (Phạm Tư Thiện?). Ngay từ thiếu thời đi tu đã học hết phần lý đoán, lại nổi tiếng văn hay chữ tốt. Năm Nhâm Tý 1852 đời vua Tự Đức, cụ Thiện khăn gói đi thi Hương, đã đỗ Á khoa, xếp thứ 2 trong số 20 Tân khoa, nhưng chỉ vì theo “Tả đạo Gia tô” nên bị truất tịch khỏi học vị Hương Cống (Cử nhân) phải về quê nhà sống ẩn dật nơi giáo xứ, lấy chuyện sưu tầm, ghi ký, sáng tác kinh sách làm vui. Trong những sáng tác đó, nay may mắn còn phổ biến và lưu giữ được một số tác phẩm bằng chữ Nôm sau đây: “Nghinh hoa Tụng Kỳ Chương” (Vãn dâng hoa Đức Bà), “Văn Côi thánh nguyệt tán tụng thi ca” (Vãn Đức Bà Mân Côi), “Thánh Mẫu Thi Kinh” (Vãn Kinh cầu Đức Bà).

Kết hợp cả hai chứng cớ trên có thể đi tới sự đồng tình chấp nhận được gốc gác Bản Kinh Vãn Nguyện Giỗ “Phục Dĩ Chí Tôn “nguyên văn bằng chữ Hán, do Hòa thượng chùa Thành Phao tức thầy giảng Phanchicô biên soạn hợp tác với cha J. Majorica tại Đàng Ngoài. Riêng cụ Cử Phạm Trạch Thiện chỉ là người có công sưu tầm, công bố, cổ xúy, vận dụng, phổ biến một cách rộng rãi bài kinh này trong các cộng đoàn tín hữu, theo nhận định của nhà sưu tầm Phanxicô Assisi Lê Đình Bảng.

Sau khi tìm hiểu về tác giả và xuất xứ bài kinh, ta cần tra cứu thêm đôi nét về nội dung được biên soạn qua các dạng như nguyên bản bằng “chữ Hán”, đi kèm với bản “phiên âm” tiếng Việt, tiếp đến bản “Diễn nghĩa” và sau này có cả bản “Diễn ca” vì các tác giả muốn dùng lời kinh để “ca tụng Thiên Chúa và cầu xin tha phạt cho các Đẳng Linh hồn” được diễn tả qua hai cảnh tượng tương phản, một bên là sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa, bên kia là sự ti tiện tội lỗi của loài người, để rồi xin Chúa nhân từ thương đến các linh hồn tội lỗi yếu hèn.

 Bài văn trên được soạn theo thể thơ tứ lục, mỗi câu thường có nhiều khúc với 4 hoặc 6 chữ, tuy có đối nhưng không có vần, là lối dùng trong các tờ biểu, tờ chiếu của các cụ nhà nho ngày trước.

  Bản kinh gồm 27 câu ngắn dài khác nhau, nay chúng tôi xin được ghi lại toàn bộ nội dung dưới đây đã được “Phiên âm” đi kèm với lời “Diễn nghĩa” mỗi câu, chia làm 3 phần:

Phần I/-Nhập đề: Chúa cao cả, Người hèn hạ (gồm 2 câu: 1 và 2)

1-PHỤC DĨ - Chí tôn chân Chúa, cửu trùng cao ngự chi thiên - Khả tiểu phàm phu, vạn vật hữu sinh chi địa. (TẤU LẬY - Chúa thật chí tôn, chín tầng trời cao ngự trị - Trần gian ti tiện, muôn loài đất thấp sinh thành.).

2- Chiếu lâm bất sảng – Phú tái vô tư. (Soi xét chẳng lầm – Chở che không sót). 

Phần II /- Thân bài: Từ câu 3 đến 22, chia làm 3 đoạn như sau:

A- Ba ngôi Thiên Chúa cao sang (từ câu 3 đến 9)

3- Thần đẳng thiết duy - Linh giác tiên nguyên – Hồng mông thủy phán. (Chúng tôi thiết nghĩ - Đấng cội rễ khôn thiêng – Cõi hồng mông mới mở).

4- Tổng huyền khu nhi tạo hóa – Trì diệu pháp dĩ thi hành. (Lấy huyền cơ mà gây dựng. Dùng diệu pháp để thi hành.).

5- Sinh nhiên, sinh địa, sinh nhân cập vật giả, Thánh phụ chi năng toàn – Thụ khổ, thụ nạn, thụ tử giáng thế giả, Thánh Tử chi duy nhất. (Đức Chúa Cha toàn năng, sinh trời, sinh đất, sinh người cùng chung mọi sự vật; - Đức Chúa Con duy nhất, chịu khổ, chịu nạn, chịu chết xuống trần gian).

6- Chí nhược linh hồn sung mãn – Sử tri đức nghĩa phú siêu. (Hồn đầy ơn phúc - Đức nghĩa gồm no).

7- Hiển hách Thánh Thần - Uy linh hiện hóa. (Đức Chúa Thánh Thần - Hiện ra sáng láng.).

8-Phán nhiên vị tam tuy dị. Hợp chi thể nhất tương đồng. (Phúc ra, Ba ngôi tuy khác, Hợp lại một thể như nhau.).

9-Nhất trí, nhất hiếu, nhất năng đồng công vô gián – Chí thiện, chí nhân, chí mỹ thậm thị linh thông. (Một thông, một chí, một thì cùng chung không khác, - Rất lành rất nhân rất tốt, thật rất linh thông.).

B- Linh hồn tội lỗi đủ đường (từ câu 10 dến 17)

10- Thiết niệm linh hồn...(mỗ) - Tự tòng sinh tiền - Chí kim tử hậu. (Trộm nghĩ hồn này... Từ lúc sinh ra, đến khi chết đoạn.).

11- Thụ Thiên Chúa cực đại chi ân, - Lự thử hồn vô tình chi vật!. (Thiên Chúa ban nhiều ơn trọng đại, - Mà hồn lại tỏ lắm vẻ vô tình.).

12-Bình sinh cư thế, bất thức, bất vụ bất sự lục khuy - Vãng nhật đa khiên, hoặc tư hoặc ngôn, hoặc hánh hữu mậu.(Khi sống trên đời chẳng biết, chẳng siêng, chẳng thờ cho hết sức. – Ngày trước nhiều tội hoặc nghĩ hoặc nói hoặc làm lắm lỗi lầm.).

13-Hoặc bị linh hồn. Ký hàm minh ngộ, ái dục tam năng, đa vi biệt dụng, bất chuyên ức, chuyên mộ chuyện tư – Hoặc bị nhục thân, nhĩ mục, khẩu tụy, thủ túc tứ thể, vọng tác tha kỳ, mãng toàn kính, toàn tuân, toàn phụng. (Hoặc tâm tư linh hồn. Tội nhớ, tội hiểu, lòng muốn dùng theo đàng tà, chẳng hay nhớ, hay suy, hay mến. – Hoặc ngũ quan thể xác con mắt, lỗ tai, miệng lưỡi, làm càn nói bậy, mảng quên kính, quên phục, quên thờ).

14- Ngẫu tao thử ách. Thống-hối vị chân.(Bỗng gặp ách này. Ăn năn chưa trọn.).

15- Ô hô! Sinh nhật dĩ hoàn, - Mệnh chung thích chí: (Than ôi! Ngày sống đã qua, - Lâm chung chợt đến:).

16- Khí linh đãi tận, bồi hồi thuấn tức chi gian, - Thiên Chúa thị bằng cứu trợ úy an chi tế. (Hơi thiêng đã hết, đương cơn hoi hóp bồi hồi - Nhờ ơn Chúa Trời, lúc này ủi ơn cứu chữa.).

17- Huống nẵng thì, tập tục sở doanh, vật dụng giai tư ích kỷ, - Nhi kim nhật khiên vưu vô kế, thủy năng cứu thoát hồng lô. (Phương chi khi trước, tập quán buộc ràng, mọi vật dùng theo ích kỷ.- Mà đến ngày nay, tội khiên vô kể, ai hay thoát hồng lô).

C- Kêu cầu Chúa, Đức Mẹ, Các Thánh (từ câu 18 đến 22).

18- Á! Thần Chúa Datô, thục tội thi ân chi đại – Nhân từ Thánh Mẫu! Vị kỳ xá quá chi đa. (Ôi! Lạy Chúa Giêsu, chuộc đền ban ơn rất lớn. - Đức Mẹ nhân từ, cầu cho tha tội thật nhiều).

19- Dĩ chí Thiên Thần phù trì bản tính - Kỷ niên tằng giáo huấn, cư đa bảo hộ chi lao, - Kim nhật khất đề huề, khắc thắng cửu thù chi biến. - (Lậy Thánh ThiênThần bản mệnh - Bao năm từng dạy dỗ, hộ phù xiết kể công lao – Ngày nay xin giữ gìn đắc thắng bao quân thù địch).

20-Tính bản danh thánh nhân - Bình sinh thân thiết. Mỗi nhật phụng trì.- Cập thánh nam, thánh nữ đẳng. (Lậy các thánh Quan Thầy - Khi sống thân yêu. Ngày ngày giúp đỡ).

21- Cập Thánh Nam Thánh Nữ đẳng - Tại Chúa diện tiền. Vị nhân tình thiết.(Lậy các Thánh Nam, Thánh Nữ -Trước mặt Chúa Trời. Vì lòng thiết nghĩa.).

22- Hữu kỳ tất ứng, Vô đảo bất thông. (Có cầu có ứng, Có khấn ắt thông).

Phần III /- Kết Thúc: Ca ngợi Chúa, cầu khẩn lần chót (từ câu 23 đến 27)

23-Phục vọng! - Hoàng hoàng vị tam – Nguy nguy thể nhất, (Ngửa trông - Rờ rỡ Ba Ngôi – Lầu lầu một thể.).

24- Thiên cao địa hậu. Xanh trì chưởng ác vô di. - Ngôn viễn thính ti, thưởng phạt khuyến trừng bất lậu. (Trời cao đất dầy, giữ gìn, Trông xem chẳng sót - Lời xa nghe lọt, khuyên răn, tưởng phạt không lầm).

25- Thần kim khể thủ. Khẩn thiết nghệ cầu. Nguyện thử linh hồn. Khiết thăng Thiên quốc. (Nay tôi cúi đầu, Thiết tha cầu khẩn, cho linh hồn ấy, Được lên thiên đàng).

26- Xuân đài tự tại, Chân hưởng phúc chi vô cùng. – Thọ vực tiêu dao, tín thường sinh chi hựu vĩnh. (Đền xuân vui vẻ, hưởng phúc không cùng. – Cõi thở thảnh thơi sống lâuchẳng hết.). 

27- Kinh văn sở đảo, thỉnh chúng đồng-âm. Amen. (Kinh văn cầu khẩn. Mọi người đồng thanh, Amen.).

Lời văn diễn tả trongbài kinh thật là sâu sắc và ý nghĩa từ lời mở đầu cho tới các đoạn thân bài, thậm chí đến phút cuối kết thúc, toàn thân bài cũng chỉ diễn tả ý tứ, gói gọn trong câu “Chí tôn chân Chúa, Khả tiểu phàm phu” (Chúa đáng tôn, người đáng thương). Bản kinh quá xuất sắc, nên khi nghe bài này xong một người xuất thân khoa bảng ngoài Công giáo, Cụ Phạm Văn Thụ Tổng đốc Thái Bình đã tấm tắc khen là tuyệt tác, không có bài biểu chiếu nào ví cho bằng, rồi xin ngay một bản cầm về nghiên cứu.

Đây có thể ví như viên ngọc quý giá, chứa đựng một giá trị thâm sâu.Cầu mong áng kinh văn này được gìn giữ, phổ biến, luôn sống mãi với Giáo hội Việt Nam, cùng góp phần quan trọng trong việc bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thật đáng tự hào biết bao như lời trích dẫn của GS.TS. Đỗ Quang Hưng (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) đăng trên tác phẩm “Công giáo trong mắt tôi” xuất bản 2012 trang 205 đã nhận định: “...thì ra đạo Công giáo không hề lai căng, mất gốc. Trái lại rất tha thiết với chữ nghĩa Hán Nôm... gắn bó thân thương với truyền thống văn hóa dân tộc”.
Vinhsơn Vũ Đình Đường
 
Thông tin khác:
Ông Giakêu đổi đời (31/10/2019)
Giáo xứ Thái Yên (22/10/2019)
Những thánh đường gỗ đẹp nhất nước Anh (22/10/2019)
Nhớ anh - Một bài thơ trữ tình, thủy chung (22/10/2019)
Thác bạc, Cầu Mây Sapa (17/10/2019)
Hấp dẫn “Từ Beirut đến Giêrusalem” (17/10/2019)
Cầu xin Chúa cứu độ (16/10/2019)
Độc đáo nhà cổ Đốc Phú Hải ở Gò Công (08/10/2019)
Ấn tượng Hà Giang (07/10/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log