Văn hóa nghệ thuật

Di tích cổ

Cập nhật lúc 14:13 19/08/2020
Tam quan điện Voi Ré. Ảnh: CTV
Tam quan điện Voi Ré. Ảnh: CTV
Di tích Hổ Quyền – Voi Ré tọa lạc trên vùng đồi Long Thọ, phường Thủy Biều, cách trung tâm thành phố Huế 5 km về phía tây, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830) là một bộ phận cấu thành quần thể di tích Cố đô Huế. Đây được xem là công trình “độc nhất vô nhị”, bởi đến nay cả châu Á chỉ có trường đấu hổ duy nhất này và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (1993). Hổ Quyền được dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và hổ cho nhà vua, đình thần và dân chúng xem; đồng thời luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận. Công trình lộ thiên hình vành khăn có kiến trúc hoành tráng. Vòng thành trong cao 5,9 m; vòng thành ngoài cao 4,75 m chu vi tường ngoài 145 m, đường kính lòng chảo là 44 m. Vật liệu xây dựng bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt. Trận đấu cuối cùng tại Hổ Quyền diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Kể từ đó, đấu trường không còn hoạt động và bị bỏ hoang. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện dự án chỉnh trang di tích, đảm bảo hoàn thành trước Festival Huế vào cuối tháng 8. Bên cạnh đó, có phương án nghiên cứu tái tạo hình ảnh đấu trường bằng giải pháp công nghệ để phục vụ du khách. 

Di tích mở đường tới Hội An là tấm bia đá cổ đứng ven đường Phạm Phán ở thành phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, cao 70cm, khắc 4 dòng chữ Hán, nội dung: “Tháng 5 năm Minh Mạng thứ 5 vâng đắp đường mới về phía đông một ngàn ba trăm bốn mươi tầm bốn xích đến phố chợ Hội An, hai ngàn sáu trăm sáu mươi sáu tầm đến Đại Chiêm hải khẩu. Đường về phía tây hai ngàn một trăm mười hai tầm ba xích bốn thốn đến Dinh thành nối lý lộ một ngàn tám trăm tầm đến Vĩnh Điện hà khẩu”. Vào thế kỷ XVI. XVII, Hội An là thương cảng quốc tế sầm uất, nên nạn cướp biển cũng hoành hành dữ tợn. Sách Đại Nam thực lục, quyển 121, năm Minh Mạng thứ 15 có ghi: “Bọn thuyền người nhà Thanh cứ quen thói cũ, thường lảng vảng ở ngoài biển mua lậu gạo rồi gặp chỗ vắng người nhân kẻ sơ hở đón cướp thuyền buôn. Vậy truyền dụ cho các tỉnh từ Quảng Nam trở vào tới Bình Thuận phải nghiêm sức các bộ tiểu tuần dương và các tấu sở, thủ sở phải ngày đêm đi lại tuần tra, nếu gặp thuyền lạ người Thanh có vẻ khả nghi, xét không phải là thuyền buôn thì lập tức bắt giải để xét trị. Do vậy, để kết nối Dinh trấn Thanh Chiêm với Hội An, đồng thời để có lực lượng kịp đối phó nhanh với bọn cướp biển, vua cho mở con đường nối từ đường Cái quan xuống cửa Đại Chiêm.
 
HẢI VÂN
Thông tin khác:
Lòng tin bà vững vàng (18/08/2020)
Thánh đường ULM ở Baden, CHLB Đức (17/08/2020)
Hồ Tuyền Lâm (17/08/2020)
Biểu tượng thiêng liêng (14/08/2020)
Bức tranh lễ an táng Bá tước xứ Orgaz (13/08/2020)
Nhà thờ nổi tiếng của Chính thống Đông phương (12/08/2020)
Lăng mộ cổ (12/08/2020)
Có năm bánh hai cá (11/08/2020)
Vịnh Hạ Long trên vùng Bảy Núi (04/08/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log