Cầu Long Biên – biểu tượng của một Hà Nội đầy cổ kính. Ảnh: CTV |
Cầu Long Biên bằng thép vượt sông Hồng thuộc khu vực Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer (tên của Toàn quyền Đông Dương thời đó). Đây là một trong bảy cây cầu lớn nhất thế giới thời ấy, dài 2290 m qua sông và 896 m cầu dẫn, gồm 19 nhịp thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá, có đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới (loại rộng 2,6 m) và đường đi bộ rộng 0,4m, phải dùng đến 30.000 m3 đá và kim loại. Nhân sự làm cầu gồm 3000 công nhân nước ta và 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp. Số tiền xây cầu lên tới 6.200.000 franc Pháp thời đó. Trong chiến tranh, cầu Long Biên bị máy bay Mỹ ném bom 11 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn, phá hỏng 1500 mét cầu. Để bảo vệ cầu, quân và dân Hà Nội xây dựng nhiều ụ pháo ở khu vực bãi giữa sông dưới cầu đánh trả. Sang thời bình, do giao thông ngày một tăng, cầu Long Biên được sử dụng chỉ cho tàu hỏa, xe máy, xe đạp và người đi bộ. Cầu Long Biên từ lâu được miêu tả bằng 4 câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc: “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc qua sông Hồng/ Tầu xe đi lại thong dong/ Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi.
Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, gần cầu Long Biên giúp giảm tải cầu Long Biên, đáp ứng nhu cầu đi lại và để phát triển kinh tế-xã hội đô thị sôi động ở hai bờ sông Hồng. Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Những năm 80 của thế kỷ XX cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên và cầu Thăng Long còn đang thi công dở dang. Tình trạng tắc nghẹt xe và người qua cầu Long Biên thường xuyên diễn ra. Trước tình cảnh đó, Nhà nước cho xây dựng cầu Chương Dương, có độ dài 1.230 m, gồm 21 nhịp: 11 nhịp thép, 10 nhịp bê tông, bốn làn xe chạy hai chiều, ở giữa có phần cánh gà mỗi bên rộng 5 m. Phía ngoài có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5 m. Cầu được khởi công ngày 10/10/1983, thông xe ngày 30/6/1985, vượt tiến độ 12 tháng.