Chợ hoa Tết như một không gian nghệ thuật đa sắc màu từ hàng trăm loài hoa rung rinh trong gió. Và thú chơi hoa kiểng chính là việc đem một phần nghệ thuật, văn hóa ấy tô điểm cho sắc xuân trong nhà. Ngày Tết mà thiếu sắc hoa rực rỡ thì năm ấy chưa thể trọn vẹn ý nghĩa. Trang trí hoa kiểng vào ngày Tết của dân tộc không chỉ đơn thuần để thưởng thức cái đẹp, tận hưởng những phút giây thư thái từ tâm hồn. Nó còn mang trong mình những sự gửi gắm về ước mơ, kỳ vọng cho một năm mới tốt đẹp, thịnh vượng và nở rộ như từng chùm hoa.
Chỉ cần dạo một vòng quanh chợ, bạn sẽ thấy choáng ngợp trong sự đa dạng, phong phú về chủng loại, màu sắc của đào, mai, quất, cúc, hải đường, violet,…Thực tế, theo dòng chảy lịch sử, vùng đất Hà Nội - Kinh thành Thăng Long xưa đã có chợ hoa Tết sớm và lớn nhất Đại Việt vào thế kỷ XVII. Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ cầu Đông (khu vực đầu phố Hàng Đường ngày nay) (theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi). Tương tự với ngày nay, chợ hoa Tết xưa cũng họp từ sau ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp). Các gia đình xúng xính quần áo đẹp, cùng nhau dạo chợ. Nhộn nhịp, đông vui nhất là vào tầm ngày 27 cho đến gần Giao thừa, khi ấy trong chợ rực tràn sắc hoa tươi thắm của mai, hoa trà (đỏ, trắng), nhiều nhất là đào hồng từ Nhật Tân.
Trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi cũng viết rằng thú chơi hoa Tết tại Thăng Long quan trọng là “phú quý lòng hơn phú quý danh”, không nhất thiết phải là loại độc đáo hay quá đắt tiền. Tục chơi hoa và đi thăm chợ hoa Tết cứ như vậy được gìn giữ cho tới ngày nay, bên cạnh những nét đẹp văn hóa khác như tục gói bánh chưng, tục bày mâm ngũ quả,…Nếu xưa kia, Hà Nội chỉ có một vài chợ hoa, nổi tiếng nhất là ở Hàng Lược với lịch sử hơn 100 năm thì hiện tại, mỗi dịp Tết đến xuân về, hàng chục chợ hoa lại được mở ra, phục vụ nhu cầu mua sắm và trang trí của người dân. Một con đường, góc phố bình lặng hàng ngày giờ đây cũng có thể trở thành nơi tập trung của trăm hoa khoe sắc thắm.
Theo thời gian, bên cạnh các giống cây bản địa truyền thống, thú chơi hoa Tết của người Hà Nội ngày càng trở nên đa dạng, phong phú với nhiều loài hoa mới. Vì vậy, với những người sành và hiểu về hoa kiểng, việc đi chợ hoa được coi như một nghệ thuật. Họ có thể dành nhiều ngày đi dạo trong chợ chỉ để tìm một chậu hoa kiểng thật ưng ý. Chọn hoa chơi Tết, bên cạnh yếu tố thẩm mỹ thì tên gọi và ý nghĩa phong thủy của nó cũng rất được chú trọng. Ví dụ như hoa cúc tượng trưng cho sự sống, phúc lộc, là biểu tượng của sự trường tồn, lòng hiếu thảo,…Hoa hải đường với màu sắc rực rỡ nhưng không chói lóa mà hết sức kiêu sa thể hiện sự may mắn, phát tài, phát lộc. Hay hoa lan biểu trưng cho tình yêu nồng nàn; cát tường mang ý nghĩa mong đợi vạn sự như ý, cuộc sống hạnh phúc; thủy tiên có tác dụng trừ tà, tăng thêm tài khí cho gia chủ,…
Chọn hoa kiểng là vậy, nhiều người cũng có sở thích chơi thêm cây cảnh ngày Tết. Việc lựa chọn này còn cầu kỳ và công phu hơn khi họ phải đặc biệt am hiểu về phong thủy cây kiểng. Cây không chỉ cần có đủ cả lá - lộc - chồi mà dáng và thế cây cũng là điều được phải lưu tâm đặc biệt. Có 4 dáng cây cơ bản là trực - xiêu - hoành - huyền. Còn về thế cây thì rất đa dạng, được tạo hình thể hiện những mong ước, kỳ vọng của con người. Như thế tam đa, thế ngũ phúc, thế thất hiền, thế thác đổ, thế long cuốn thủy,…Với những cây có quả như quất, sung, bưởi cảnh,…thì phải có đủ trái chín, trái xanh, trái non. Điều này biểu hiện cho sự sung túc, sum vầy và bình an của gia đình. Bên cạnh việc chơi những loài hoa, cây đẹp và quý, nhiều người vẫn sắm cho nhà mình chậu đào thắm hay mai vàng rực rỡ. Chúng được coi là linh hồn, mang nhiều ý nghĩa, đại diện cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Thấy đào, thấy mai là thấy Tết!
Hai năm gần đây, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới không khí Tết nói chung và việc tổ chức chợ hoa xuân nói riêng. Tuy vậy, điều không thay đổi chính là nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc của người mua khi lựa chọn được chậu hoa kiểng ưng ý. “Ký ức về ngày thơ bé theo chân bố mẹ đến chợ hoa, ngắm nhìn những bông hoa đủ sắc màu ấy từ chợ về đến nhà mình luôn in sâu trong tâm trí tôi. Từ khi lập gia đình, năm nào tôi cũng cùng con gái ra đến chợ hoa Lạc Long Quân hay Nghi Tàm để tự tay lựa chọn chậu hoa kiểng trang trí cảnh sắc ngôi nhà. Năm nay dịch bệnh cũng gây ra nhiều khó khăn. Vậy nhưng tôi vẫn mua một cành đào và bó lay ơn đỏ để trưng đón Tết. Hy vọng năm tới mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp và an yên” - cô Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Không chỉ với khách mua, sự biến động của đại dịch cũng khiến nhiều người chủ vườn, chủ cửa hàng tại chợ hoa có những trải nghiệm mới mẻ. Một người anh tôi quen là chủ một vườn đào tại phường Dương Nội, Hà Đông (Hà Nội) cảm khái, vào tầm đầu tháng Chạp như mọi năm, mỗi ngày anh bán được hơn chục cây đào. Vậy nhưng năm nay, có ngày may thì được 2-5 cây, có ngày thì chẳng có ai mua. Tuy thế, anh lại có nhiều thời gian để trò chuyện với khách hơn, chia sẻ những kinh nghiệm và bí quyết chăm sóc cây để giữ được vẻ tươi thắm lâu nhất. Vậy đấy, chợ hoa Tết không phải đơn giản chỉ là nơi thưởng ngoạn, tìm mua chậu hoa trưng Tết mà nó còn là nơi để những tâm hồn đồng điệu, yêu cỏ cây hoa lá tìm thấy nhau.
Đi dạo chợ hoa Tết và thú chơi hoa đã trở thành một phần của truyền thống, nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt mỗi độ “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Nó không chỉ thể hiện sự tinh tế, tao nhã của tâm hồn mà hơn cả, nó mang trong mình những mong ước, hoài bão cho một sự khởi đầu thịnh vượng của năm mới, lúc nào cũng “tươi như hoa”.