Văn hóa nghệ thuật

Khám phá di tích nhà thờ cổ trăm năm tuổi bên dãy Chư Đăng Ya

Cập nhật lúc 07:23 16/02/2022
Qua hơn một trăm năm, ngôi nhà thờ cổ H'Bâu nay chỉ còn lại tàn tích tháp chuông rêu phong giữa màu xanh của cây lá, khiến ta không khỏi nghĩ đến thuở đầu, khi tiếng chuông đầu tiên từ thánh đường này ngân vọng, dội vào vách đá trong thâm sâu đại ngàn
Khám phá di tích nhà thờ cổ trăm năm tuổi bên dãy Chư Đăng Ya
Qua hơn một thế kỷ, do sự tàn phá nặng nề của chiến tranh nên ngôi thánh đường này chỉ còn giữ lại được một phần tháp chuông và mặt trụ phía trước. Ảnh: CTV
Nhà thờ cổ H'Bâu nằm dưới chân núi Chư Đang Ya hùng vĩ, thuộc làng Xõa (Chư Păh, Gia Lai). Muốn vào được nơi đây phải vượt qua hai dãy núi Chư Jôr và Chư Nâm hiểm trở cùng bao mối đe dọa trong lòng rừng già.

Đường đến nhà thờ cổ H'Bâu đi qua một vùng chiêm trũng mà người dân ở đây quen gọi là “cánh đồng Ngô Sơn”. Mạch ngầm từ lòng núi là “bầu nước ngọt” vô tận nuôi dưỡng những mùa vàng dưới chân ngọn Chư Nâm. Nước nguồn từ đây lại chảy mãi cho đến khi đổ ra hồ T'Nưng. Vào tháng 11, những thửa ruộng được tháo nước chờ đến ngày thu hoạch.

Mặc dù phần lớn kiến trúc của nhà thờ đã bị tàn phá nhiều sau một khoảng thời gian dài hơn 100 năm, dưới sự tác động của thời tiết và chiến tranh, nhưng một phần tháp chuông và phần trước của nhà thờ không bị chôn vùi bởi thời gian, vẫn giữ được hình dáng cũ kèm theo những lớp rêu xanh phủ dày trên những bức tường còn sót lại. Nếu quan sát kỹ, bạn có thể nhận ra dòng chữ “Kỷ Dậu niên”, là năm nhà thờ được xây dựng. Có thể xem đây là một trong những nhà thờ đầu tiên của miền truyền giáo Pleiku (GP Kon Tum).

Đứng trước nhà thờ chúng ta có thể dễ dàng thấy một bức tượng Chúa Giêsu trên cây Thập giá được treo ở trên khung cửa. Hình ảnh Ngài nằm giữa một phế tích cũ kỹ đã làm bao người Công giáo không khỏi xúc động khi đến đây lần đầu. Đứng từ khuôn viên nhà thờ, chúng ta còn có thể nhìn thấy núi Chư Đăng Ya hùng vĩ, theo tiếng địa phương Chư Đăng Ya có nghĩa là “Củ gừng dại”.

Đây không chỉ là một ngôi nhà thờ cổ hay là nơi người dân ở đây từng đến để thờ phượng Chúa, nhưng còn là nơi minh chứng cho lòng kính mến Thiên Chúa sâu sắc của người dân nơi đây. Cách đây hơn 100 năm, đây là một làng thuộc vùng xa, vô cùng hoang sơ và hiểm trở, người dân phải đến phác hoang và tự tay đem từng viên đá lên để xây nhà thờ.

Tuy nhà thờ đã cũ kỹ nhưng vẫn không mang lại cảm giác hoang vu, buồn bã. Vì xung quanh nhà thờ được điểm tô bằng những vườn hoa do người dân trồng. Đặc biệt hơn là những “bông hoa trẻ thơ”, đó là những đứa trẻ được sinh ra ở một thập kỉ mới, không được chứng kiến quá trình xây dựng, không biết về sự khắc nghiệt của thời gian, không gian hay lịch sử, nhưng vẫn đến đây hàng tuần để viếng Chúa.

Hình ảnh đổ vỡ của nhà thờ dường như càng làm nổi bật hơn những ngôi đền thờ mới, đó là những đền thờ được xây dựng bởi đức tin nằm kiên cố trong lòng mỗi người dân nơi đây, không bị lu mờ vì quá khứ và không bị tàn phá bởi thời gian.
 

Hoàng Phương

Thông tin khác:
Tìm thấy nơi tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả (14/02/2022)
Chợ hoa xuân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (11/02/2022)
Quyển kinh thánh bằng vàng ròng hơn 700 năm tuổi (05/02/2022)
Vùng đất văn hóa Tuy Phước (05/02/2022)
Cảm nhận về lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (04/02/2022)
Chợ hoa Tết và thú chơi hoa tao nhã của người Hà Nội (03/02/2022)
Làng mứt Tết cổ truyền Xuân Đỉnh (03/02/2022)
Tết của người dân xứ Quảng (02/02/2022)
Hương xuân nơi làng nghề kẹo lạc (01/02/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log