Âm vang tiếng cồng chiêng vùng đại ngàn. |
Cồng chiêng là một nhạc cụ đặc sắc gắn bó ngàn đời với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Có thể nói, hầu hết các ngày lễ hội lớn nhỏ nơi vùng đất này đều có tiếng cồng chiêng rộn rã như một âm thanh quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống tâm linh của các tộc người Tây Nguyên. Tiếng cồng chiêng trong lễ bỏ mả, lễ ăn cơm mới hay trong hội đua voi, lễ hội đâm trâu,... với những âm thanh trầm bổng, du dương như mời gọi, như ngợi ca, như thao thức lòng người về với thiên nhiên hùng vĩ nơi “miền sử thi”. Với quan niệm vạn vật hữu linh, cồng chiêng không chỉ là một nhạc cụ, nó còn là hồn cốt, tiếng nói của các tộc người Tây Nguyên, là linh vật gắn bó trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nhất là khi cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Đồng bào từng quan niệm một dàn cồng chiêng là một gia đình, có cồng mẹ, cồng cha, cồng con, cồng con cả, cồng con út. Có dàn có cả cồng ông, cồng bà, cồng cháu. Lại có giàn còn có cồng con dâu, tùy theo dân tộc. Mỗi chiếc đó là một nốt. Nốt này không phải là nốt nhạc thông thường mà là do nghệ nhân nắn chiêng, nói cách khác là nghệ thuật lên dây chiêng tạo ra theo đôi tai của ông ta.
Lễ hội cồng chiêng là một lễ hội được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hoá cồng chiêng ở Tây Nguyên. Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Đó không những là một sự kiện quan trọng của người dân Tây Nguyên mà còn với cả đất nước Việt Nam. Trong lễ hội nghệ nhân của các tỉnh sẽ trình bày, biểu diễn không gian văn hoá của dân tộc và của tỉnh mình.
Do mang đậm màu sắc du lịch nên nó thường được giới thiệu trong các chương trình du lịch như của du lịch Đắk Lắk. Những lễ hội dân gian đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên sẽ được dựng lại, nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cư dân các dân tộc. Đồng thời giới thiệu với du khách những thành tựu về kinh tế, văn hóa và tiềm năng du lịch của các dân tộc Tây Nguyên.
Trong mỗi lễ hội, cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh (với thần), giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến ngã xuống đất/ Đánh cho ma quỉ mải nghe đến quên làm hại người (Trường ca Đam San). Sử thi của người Êđê, M’Nông còn kể lại những cuộc “chiến tranh” giữa các bộ tộc nhằm chiếm đoạt cồng chiêng.
Các tộc người Tây Nguyên quan niệm nhạc cụ như con người – càng nhiều tuổi tiếng nói càng được tôn trọng. Cồng chiêng càng lâu năm, trải qua nhiều lần nghi`lễ`càng`thiêng...
Về với không gian văn hóa cồng chiêng là về với cội nguồn của dân tộc, về với đời sống văn hóa đậm màu sắc tâm linh mà thật gần gũi thân thiết như máu thịt trong cuộc sống bộn bề mà giàu cảm xúc yêu thương của con Lạc cháu Hồng...