Nguồn gốc và mục đích của lề luật
Con người được kêu gọi để hưởng vinh phúc, nhưng đã bị tổn thương bởi tội, nên cần ơn cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất trong Đức Giêsu Kitô và nhờ lề luật để hướng dẫn họ.
Ngay khi tác tạo nên con người, Thiên Chúa đã khắc ghi trong tâm hồn họ một thao thức tìm về cội nguồn của mình, quả đúng như lời thánh Ausgustinô nói: lạy Chúa, Chúa tác tạo nên con cho Chúa và lòng con mãi khắc khoải cho đến khi nào con được nghỉ an trong Chúa.
Qua mọi thời, dù là hiện đại hay khi còn hoang sơ, con người đã được hướng dẫn bởi thứ luật tự nhiên, luật này không ghi khắc nơi bia đá nhưng được Thiên Chúa viết trong tâm hồn mỗi người, có giá trị phổ quát, chi phối mọi người và nối kết họ với nhau. Luật này đặt nền tảng cho các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của nhân vị, bất biến và trường tồn.
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và quan phòng. Ngài không ngừng chăm sóc dân Người, và bằng khoa sư phạm tuyệt hảo, một cách tiệm tiến, Ngài đã từng bước dẫn con người đến sự thật toàn vẹn. Quả thế, Thiên Chúa đã viết trên các bảng luật, tất cả những gì mà con người không đọc nổi trong trái tim họ. Các bảng luật ấy là ánh sáng được ban tặng cho lương tâm của mỗi người. Tuy nhiên, luật này vẫn còn là luật của tình trạng nô lệ vì không xóa được tội.
Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã Nhập Thể để thực hiện kế hoạch của tình yêu. Ngài đã thi hành và kiện toàn lề luật, biến đổi tận căn các hành vi, tái tạo trong ta một trái tim mới, một trái tim biết yêu thương. Ngài đặt trong ta một Thần khí mới, Thần khí của tự do và ân sủng. Như Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma viết: “Quả vậy, phàm ai được thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên:“ Apba- Cha ơi”. Chính Thần khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14-17)
Đức Giêsu đã quy chiếu tất cả lề luật vào một trục duy nhất chính là Tình yêu. Trong lời giã biệt sau bữa tiệc ly, trong tâm tình cảm động, Đức Giêsu đã dặn các môn đệ, cũng là chính chúng ta: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Yêu cho đến cùng” (Ga 13,34)
Như vậy, nguồn gốc của mọi lề luật đều phát xuất từ Thiên Chúa và là những nẻo đường dẫn con người về với Thiên Chúa. Luật được đặt ra với mục đích vì hạnh phúc con người, Thiên Chúa muốn con người được sống trong hạnh phúc và đạt đến cùng đích của đời mình.
Thái độ trong việc thực thi lề luật
Dẫu biết rằng luật pháp đặt ra vì hạnh phúc của con người, và là hành lang bình an dẫn con người đến sự thật toàn vẹn. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực thi lề luật không phải không có những gánh nặng của nó. Vậy, bằng cách nào để vơi đi gánh nặng ấy, và, quan trọng hơn còn giúp ta nếm được vị ngọt từ tinh thần luật, như ý Thánh vịnh:
“Thánh ý Ngài là gia nghiệp đời con
Là niềm tin cho con vững lòng chờ mong” (Tv.122)
Việc thực thi này phải được thúc đẩy bởi lòng mến
Tình yêu là nền tảng của tất cả mọi sự. Khi đáp lại mặc khải của Thiên Chúa nhờ bởi tuân giữ các huấn lệnh của Ngài, tức khắc chúng ta được coi là yêu mến Chúa. Ai yêu mến sẽ giữ lệnh truyền và giữ lệnh truyền là dấu chỉ của lòng mến. Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy. Điều này, không có nghĩa là tình yêu của chúng ta đi bước trước, nhưng đúng hơn, đây là cuộc đối thoại tình yêu mà Chúa Cha và Chúa Giêsu là Người ngỏ lời tỏ tình. Yêu mến Chúa Giêsu và do đó cũng yêu mến nhân loại.
Trong tình yêu, người ta mở lòng ra để tin và đón nhận. Tình yêu giúp ta sống mối tương giao mật thiết với người mình yêu và chấp nhận hy sinh.Chúa Giêsu đã nói không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng vì người mình yêu. Vậy nên, chính trong đau đớn và thử thách sẽ giúp chúng ta trắc nghiệm được gam màu của tình yêu. Không phải công việc mang lại giá trị cho người thực hiện, song là mức độ tình yêu mà người ấy dành cho mỗi công việc. Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu nói: Nhặt một cộng rác cho sạch nhà vì lòng yêu mến Chúa còn lớn lao hơn là xây dựng cả một lâu đài.
Tóm lại, ai có và giữ các điều răn của Chúa là tin vào tình yêu Thiên Chúa và lãnh nhận tình yêu ấy, là đi vào trong sức năng động của tình yêu và ở lại trong đó: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 14,18-19). Đối với người theo Chúa, tiếp nhận tình yêu của Chúa Cha mà Chúa Giêsu mặc khải, yêu mến anh em mình bằng chính tình yêu mà Chúa Giêsu yêu mến họ. Chính là yêu mến Chúa Giêsu và Chúa Cha – một tình yêu có tính tương tác.
Một vấn nữa được đặt ra là vì sao chúng ta hay phạm tội, hay lỗi luật? Thưa, vì Lời Chúa dạy rất khó thực thi, bởi Lời đi ngược lại các đam mê dục vọng xác thịt của chúng ta. Để sống phù hợp với ý Chúa, bằng lý trí, ý chí và tự do, chúng ta phải quyết định từ bỏ tính buông thả, chiều theo bản năng và các khuynh hướng xấu. Mà, cắt tỉa nào chẳng để lại trong ta những đau đớn, rỉ máu; Từ bỏ nào chẳng để lại nỗi nhớ nhung, bồi hồi, tiếc nuối. Thế nên, chỉ có tình yêu, và trong tình yêu mới giúp ta thắng vượt được những khó khăn ấy. Vì, tình yêu là động lực vô cùng mạnh mẽ. Trong tình yêu, dù khó mấy chúng ta cũng làm được, nếu ta thực lòng yêu Chúa Giêsu cách say mê. Và chính vì yêu Chúa, chúng ta cũng yêu con người bằng tình yêu tương tự. Thánh Ausgutino đã nói: Đâu có tình yêu, ở đấy không còn lao nhọc, và nếu có lao nhọc, thì cũng yêu cả lao nhọc. Đây là một xác quyết đáng để chúng ta suy nghĩ trong hành trình cuộc đời theo Chúa của mỗi người.
Trong tinh thần của người Công Giáo với vai trò công dân trong Tổ quốc thân yêu của mình, mỗi người được mời gọi tuân theo những quy định của luật pháp xã hội, trong tinh thần của Thiên Chúa. Luật dân sự được hoạch định để làm cho xã hội được ổn định và phát triển. Luật ấy phải được xây dựng trên nền tảng con người, lấy con người làm đối tượng phục vụ của luật. Khi luật xây dựng trên tinh thần bác ái và liên đới, cầu tiến giữa con người với nhau, thì luật ấy phải được thực thi cách nghiêm túc trong mọi giới, mọi giai tầng xã hội. Người Công giáo trong khi đồng hành với Dân tộc thân yêu của mình, luôn được mời gọi giữ luật dân sự cho nghiêm, nhưng với tinh thần xây dựng và lòng yêu mến chân thành. Đó là sự đóng góp thiết thực để cùng xây dựng xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc và an vui./.