Lần này trở lại, hai ông bà đã được nhìn ngắm khuôn mặt thực của các y bác sĩ, những người đã mang cho ông sự sống |
Được gặp lại nhau vui quá, kể chuyện hành nghề chống dịch Covid-19 nghe nào?” - tôi gợi ý. Bạn là một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đáp: “Kể chuyện chống dịch Covid, mình càng thêm nhớ thơ Chế Lan Viên - rồi lên giọng - Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn - và kể - Chiều 8/3/2023 vừa rồi, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương rộn ràng đón hai vị khách nước ngoài là bà Shan Coralie Barker và chồng là ông Dixong John Garth người Anh đến cảm ơn Khoa đã chăm sóc, điều trị cho họ khỏi dịch Covid”.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ, nhiều cảm xúc |
Cuốn sách của vợ chồng bà bà Shan Coralie Barker và ông Dixong John Garth viết về những tháng ngày ở lại Việt Nam điều trị COVID-19 |
Thấy tôi chú ý lắng nghe, ông bác sĩ nêu cụ thể: “Cách đây 3 năm, đầu tháng 3/2020, ông bà Dixong John Garth - Shan Coralie Barker sang thăm người con đang làm việc tại Việt Nam thì bị nhiễm Covid, liền được Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kịp thời nhận vào điều trị. Tôi còn nhớ, bà mang số thẻ bệnh nhân 24, ông mang số thẻ bệnh nhân 28. Sau quá trình điều trị tích cực, sức khỏe bà hồi phục dần rồi tiến đến kết quả âm tính. Còn ông đã 74 tuổi, có tiền sử ung thư máu 10 năm, lại suy hô hấp, phải thở máy, bệnh tiến triển chậm. Đội ngũ thầy thuốc phải giành giật sự sống từng giờ cho ông. Đến giữa tháng 4, ông bà đều khỏi bệnh, được làm thủ tục xuất viện, viện cử người tiễn chân tới sân bay Nội Bài về nước bằng máy bay Chính phủ Anh dành cho các công dân nước mình”.
“Chuyện chữa bệnh giữa mùa dịch khá căng thẳng và khẩn trương, sao mà ông lại chen thơ Chế Lan Viên vào?” - tôi hỏi vui. Ông cười đáp: “Tại mình thấy hai bệnh nhân cũ quá xúc động và vui mừng khi gặp lại cảnh cũ người xưa, sung sướng ngắm nhìn và cảm ơn hoài đội ngũ ân nhân của mình suốt 2 tiếng đồng hồ. Bà Shan Coralie Barker tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc được gặp lại những người đã điều trị bệnh cho mình, bởi trước đây tôi không trông rõ anh chị nào cả, do đồ bảo hộ và khẩu trang che kín mặt kín người”. Ông Dixong John Garth cho biết Bệnh viện Nhiệt đới là điểm đến đầu tiên của vợ chồng mình trong chuyến du lịch Việt Nam lần này. Việc trở lại Việt Nam không riêng để cảm ơn các ân nhân mà còn muốn biểu thị tâm hồn mình gắn bó mật thiết với con người và cảnh vật của đất nước này”. Điều có ý nghĩa nữa là ông bà trân trọng trao tặng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cuốn “Tự truyện” dày hơn 100 trang chứa hành trình của chính vợ chồng mình được chăm sóc và cứu sống ở Việt Nam”.
Kể xong chuyện, ông bạn bác sĩ của tôi lại ca “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Hòa nhịp cùng ông, tôi ca cả khổ thơ Chế Lan Viên mà tôi đã nhập tâm từ thời học cấp ba:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!