Ngàn tiếng ca hát vang, mừng Chúa sinh ra đời, cầu chúc cho muôn người cuộc sống ấm no quên đi bao nhọc nhằn. |
Và đúng như thế, khi ta có dịp dạo quanh các con phố của Hà Nội cũng như bất cứ nơi nào trên cả nước đều thấy các nhà hàng đã trưng bày, trang trí những cây thông Noen, ông già tuyết cưỡi tuần lộc, thiệp chúc mừng Giáng sinh…Các nhà thờ, các xứ họ đạo dường như được khoác lên mình trang phục mới tươi vui, rộn ràng. Thánh đường được quét vôi ve, sơn sửa thật sáng sủa, khang trang sạch đẹp, kết hoa giăng đèn lộng lấy và không thể thiếu một hang đá mô phỏng việc Chúa Hài Đồng hạ sinh giữa chốn gian trần nơi hang Bêlem lạnh giá năm xưa.
Thế là lại một mùa Giáng sinh đang về. Không khí vui tươi đầy sức sống của lễ hội này khiến người ta cảm thấy yêu đời và hạnh phúc hơn. Mùa Noen là dịp cuối cùng trong năm để người ta mua sắm, hẹn hò, và cùng nhau tận hưởng không khí vui vẻ trước khi kết thúc một năm. Và với tôi, những ký ức về những mùa Giáng sinh đã đi qua lại ùa về đong đầy kỷ niệm nhớ thương.
Là người Công giáo Việt Nam, chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng có những kỷ niệm về ngày lễ trọng đại đáng nhớ này. Không đơn thuần là vì lý do tôn giáo mà còn được xem như là một ngày lễ hội văn hóa rất riêng, rất khác của người Việt theo đạo. Tôi cũng vậy, may mắn được trải nghiệm những Giáng sinh ở miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ ven biển, được xem là một trong những nơi có đời sống đạo sốt sắng, sầm uất bậc nhất. Mỗi một lần Noen về, lại thấy hân hoan, rạo rực và có một chút hoài niệm về những mùa Giáng sinh xưa như còn in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi.
Ngày còn nhỏ, tôi và những bạn bè cùng trang lứa khi nghe ông bà, cha mẹ nhắc nhở chuẩn bị áo quần cho sạch đẹp để đón lễ Noen thì đứa nào cũng thấp thỏm chờ mong. Nhà tôi cách nhà thờ không xa, chỉ một cánh đồng nhỏ nên mỗi tối nhìn ra phía trước là thấy ngôi thánh đường với ngọn tháp chuông như một cây nến Giáng sinh rực rỡ, đẹp đẽ đến lạ lùng. Nơi tôi sống được gọi là vùng “xôi đỗ”, cái từ mà lúc còn bé tôi chưa hiểu là gì nhưng mỗi dịp lế Giáng sinh được thấy rất nhiều người không theo đạo Công giáo mà quê tôi gọi là người “bên lương” cũng kéo nhau đến xem lễ thì tôi hiểu ý nghĩa của cái từ này, nghe cũng thấy hay hay.Tôi cũng thích cảnh người người chen vai nhau đi đến nhà thờ. Đêm Noen cũng là dịp để những người ngoại đạo hiếu kỳ đến đây để tìm hiểu và có cả niềm vui chung với bà con giáo dân. Tất nhiên là lúc ấy chưa có điện thoại di động để chụp ảnh các kiểu như bây giờ mà mọi người chỉ say sưa ngắm nhìn cảnh vật cũng như thưởng thức những giai điệu thánh ca êm ái dịu dàng do các anh chị em trong ca đoàn giáo xứ trình diễn. Cuộc sống lúc đó cũng chậm rãi, yên bình hơn bây giờ rất nhiều. Có lẽ cũng vì thế mà ở quê tôi lương giáo luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày. Tôi nghĩ Giáng sinh đã kết nối con người, mang lại niềm vui thái hoà cho mọi người. Mỗi lần nhà thờ gióng lên hồi chuông báo lễ, đó cũng là lúc bà nội tôi lặng lẽ ngồi trước bàn thờ Chúa và lần chuỗi hạt cầu kinh. Hình ảnh bà cặm cụi thắp lên ngọn đèn, ngồi một mình hướng lòng mình về nơi màu nhiệm Giáng sinh vẫn in đậm trong tôi. Do tuổi cao, sức yếu nên bà không đi đến nhà thờ được, nhưng dường như không có gì có thể ngăn cản được niềm tin yêu mãnh liệt của bà dành cho nhà thờ, cho Thiên Chúa. Tràng hạt Mân Côi màu đen tuyền của bà năm xưa nay vẫn còn đó, dù người thì đã xa khuất vào cõi xa xăm.
Giáng sinh đang đến thật gần, gần đến mức người ta không chỉ nhìn thấy mà có thể chạm tay vào nó một cách rõ ràng. Và giờ này tôi đang dạo quanh phố phường Hà Nội, được thả hồn mình trong không khí nhộn nhịp vui tươi trước thềm Giáng sinh, được thưởng thức cái se se lạnh đầu đông như một thứ đặc sản của Hà Nội. Hà Nội, dường như đáng yêu hơn rất nhiều trong tiếng chuông nhà thờ thong thả ngân vang trên đường phố, trong những ô cửa ngập tràn ánh đèn lấp lánh và bên những ly cà phê nóng hổi bốc khói thơm lừng. Sẽ thật là nhớ một Hà Nội như thế nếu ai đã, đang và sắp phải tạm biệt nơi này, nơi người ta có thể ngồi một mình hàng giờ nghe những bản nhạc không lời ngọt ngào khi tiếng đàn piano, violin và guitar hoà vào làm một trên phố đi bộ cạnh Hồ Gươm. Hà Nội khi đêm xuống thật đẹp đẽ mơ màng với những ánh đèn Giáng sinh lung linh, những cây thông được thắp sáng rực rỡ trước cửa các trung tâm thương mại, những khách sạn lớn và những nhà hàng đa phong cách. Hà Nội mùa Giáng sinh là nơi người ta vừa cảm thấy hạnh phúc, vừa thấy rạo rực nhớ nhung, bâng khuâng. Và Giáng sinh không còn là của người phương Tây nữa mà là của tất cả mọi người trên hành tinh này. Đó cũng là mùa đẹp nhất trong năm, là lúc người ta gửi những lời chúc tốt lành đến những người thân yêu, bạn bè quý mến. Ngày nay Noen không chỉ là riêng của người Công giáo bởi vì nó có sức cuốn hút, lan toả, hội nhập với mọi người trong xã hội. Vẫn biết với những người ngoại đạo họ chưa hiểu nhiều về Giáng sinh nhưng họ vẫn muốn được sống trong không khí náo nức, vui tươi và tận hưởng những phút giây huyền diệu, linh thiêng đón mừng đấng Cứu thế giáng trần. Tôi có rất nhiều bạn bè không phải là người có đạo nhưng mỗi khi Giáng sinh về lại hẹn hò nhau cùng tới nhà thờ xem lễ lúc nửa đêm. Anh bạn đi cùng tâm sự với tôi rằng: anh rất thích nghe thánh ca và những lời cầu nguyện, đẹp như những bài thơ, có lời thì tha thiết, chân thành như một bản nhạc trữ tình, nghe mà cứ thấy lòng mình lâng lâng. Thế mới biết sức cuốn hút của Giáng sinh là thế nào. Nó không phải là sự hiếu kỳ, sự tò mò của những người khác tôn giáo mà đó còn là sự cảm hoá, sự lay động bởi những con tim cùng chung nhịp đập. Chẳng phải tự nhiên mà Giáng sinh là mùa tiêu thụ thiệp nhiều nhất trong năm, là thời điểm người ta gửi quà nhiều nhất trong năm, là mùa hội ngộ, đó sao? Nơi đón Giáng sinh sớm nhất có lẽ là các khách sạn lớn, người ta chuẩn bị cho Giáng sinh ngay từ đầu tháng 12 hàng năm. Lễ hội Giáng sinh sẽ đưa chúng ta đến với những ngày hội bất tận. Những ngọn đèn nhấp nháy, những cây thông Noen cùng những bản thánh ca mượt mà là những điều tạo nên một mùa Giáng sinh tươi vui, sống động. Tại khách sạn Hilton, Melia, hayl Sofitel Metropole …ở Hà Nội lễ thắp đèn cây thông Noen, chuẩn bị cho bữa tiệc ánh sáng đã được tiến hành ngay từ đầu tháng 12. Giáng sinh về, khép lại 365 ngày với bao lo toan, vất vả, thành công và mở ra một năm mới hứa hẹn biết bao điều tốt đẹp. Hãy lắng lòng lại và cùng hoà theo những giai điệu Giáng sinh ngọt ngào và cầu chúc những điều tốt lành nhất đến những người mình yêu thương:
Nửa đêm mừng Chúa Giáng sinh ra chốn dương trần
Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than
Nơi hang Bê lem Thiên thần xướng ca
Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa Càng về đêm trời càng se lạnh như muốn đưa hồn người lữ khách tìm về một khung trời quá khứ của mùa đông năm nào vẫn còn vang vọng đâu đây lời Thánh ca dịu ngọt “Đên nay Noen về, hồn ơi lắng tai nghe…”. Vâng đêm nay Noen về. Đêm nay đêm an bình cho trần thế. Đêm nay Ngôi Lời nhập thế, Người mang ân phúc xuống cho muôn dân. Cứ miên man những suy tư như vậy, tôi bị cuốn vào dòng người đi bộ đang hướng về nhà thờ lớn Hà Nội, tâm điểm của Giáng sinh nơi Thủ đô ngàn năm văn hiến. Và kia rồi Ngôi sao Bêlem dã hiện ra. Ngôi sao được đặt trên ngọn cây thông Noen, bên tháp chuông nhà thờ với các chùm đèn hoa tỏa xuống như mang ánh sáng Tin Mừng đến cho mọi người. Có lẽ cũng vì thế mùa Giáng sinh còn được gọi là “mùa sao sáng”. Ngôi sao trong Kinh Thánh đã dẫn đường cho 3 vị Vua tới được nơi Chúa Hài Đồng sinh ra nơi hang đá để thờ lạy Người.. Ba vị quỳ trước mặt Chúa Hài đồng, dâng lên Người vàng bạc, nhũ hương và mộc dược. “Đêm nay Noen về, hồn ơi lắng tai nghe. Đàn muôn cung réo rắt dồn dập tiếng chuông vang”. Lời bài Thánh ca sao mà da diết thế. Tiếng chuông nhà thờ ngân lên thức tỉnh bao tâm hồn người lữ thứ trần gian tìm về nơi nhà Chúa chiêm ngưỡng đấng Thiên sai giáng trần trong hình hài một hài nhi bé nhỏ khiêm cung. Nhưng Người là hiện thân của Tình yêu, của Hoà bình và Công lý. Màu nhiệm Nhập thể đó không phải là một biến cố bình thường mà là một Tình yêu giáng thế, một Tình yêu vô điều kiện, không biên giới. Vì yêu thương loài người mà Ngôi Hai Thiên Chúa khi mới chào đời đã mang thân phận một con người nghèo khó đên tột cùng. Ngài sinh ra nơi hang đá, giữa mùa đông giá lạnh, Ngài được bọc trong tã và đặt nằm trong máng cỏ nơi người ta nhốt bò, lừa. Đúng là “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con Người không có chỗ tựa đầu”.(Lc 9,58). Mỗi người chúng ta hôm nay hãy nhìn vào hang đá nơi một Thiên Chúa đang ngự để cùng học lấy sự khiêm tốn và chia sẻ thân phận làm người của Ngài để chúng ta biết sống, biết yêu thương nhau cho xứng với tình yêu Thiên Chúa đã trao ban.
Trong tâm tình mừng lễ Chúa Giáng sinh, chúng ta đang được sống trong một bầu khí hân hoan, vui mừng tràn ngập khắp phố phường, làng quê. Và rồi sau đó là những cuộc hội ngộ, đoàn viên của các gia đình, bạn bè xung quanh những mâm cơm ấm cúng, vui vẻ đầy những tiếng cười nói hân hoan như một nét văn hoá thật đáng yêu. Thế nhưng chúng ta có biết rằng ở ngoài kia vẫn còn những mảnh đời, những số phận hẩm hiu, cơ cực đang phải gồng mình kiếm sống trong cái lạnh giá của mùa đông. Đó là những cụ già không nơi nương tựa, những em bé bị bỏ rơi, tất cả vì thiếu tình thương của con người, họ đau khổ vì cảnh nghèo túng, đói rách, bần cùng, thiếu sự chia sẻ của đồng loại. Trong đêm Giáng sinh này xin Chúa Hài Đồng luôn hướng lòng chúng ta về với Ngài cũng là về với những con người ấy để mỗi người chúng ta biết cảm thông, chia sẻ bằng những việc làm thiết thực nhất để tất được sống trong an bình vui tươi, để xoá đi những bất công đau khổ cho nhau. Bởi vì những gì chúng ta làm cho mọi người cũng chính là món quà Giáng sinh dâng lên Chúa. Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2022 nói về “Củng cố sự hiệp thông” dành riêng cho năm 2023 đã chỉ rõ: “Sự hiệp thông trong Giáo hội không chỉ được thể hiện qua Phụng vụ, mà còn qua tình tương thân tương ái, thành tâm lắng nghe nhau trong cộng đoàn, và qua những nghĩa cử bác ái giữa những người đồng đạo cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin. Ngày nay, với những thành tựu khoa học, cuộc sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng tình người lại có nguy cơ giảm sút. Chúng ta cần quan tâm đến người cao tuổi, người mắc ngăn trở hôn phối hoặc gặp khó khăn trong hôn nhân, người khuyết tật, người nghèo khổ, dân tộc thiểu số, anh chị em xa quê và những nạn nhân thiên tai. Mối quan tâm này cần phải được thực hiện cách cụ thể và mang tính lâu dài, nhằm nâng đỡ những người bất hạnh. Đức bác ái là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giêsu. Người dạy chúng ta: khi chúng ta giúp đỡ người nghèo khổ là giúp đỡ chính Chúa (x. Mt 25,31-46).”
Vâng chỉ có Tình yêu thật sự mới là động lực giúp mỗi người tín hữu chúng ta sống làm người cách thiết thực nhất. Đó cũng chính là là biểu hiện cao đẹp của tinh thần Hiệp hành mà chúng ta đang hướng tới. Xin Chúa Hài Đồng Giêsu hãy đổ tràn niềm vui, niềm hạnh phúc xuống cho mọi người:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người Chúa thương.