Văn hóa nghệ thuật

Chuyện đêm Giáng sinh

Cập nhật lúc 14:53 24/12/2022
“Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân” - St. Augustinô.
Mỗi dịp lễ Giáng sinh, chúng ta lại cùng nhau sốt sắng cử hành Đêm Canh thức, sống lại biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm Người.
Mỗi dịp lễ Giáng sinh, chúng ta lại cùng nhau sốt sắng cử hành Đêm Canh thức, sống lại biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm Người.
“Vào ngày đại lễ hôm nay, trong số tin tức từ bốn phương đổ về, phản ánh không ít khổ đau như bạo lực của chiến tranh, mấy tên cực đoan thảm sát, bệnh tật, đói khát, có một em nhỏ gọi tới chúng tôi bằng những lời của cha Charles de Foucauld khi cha suy niệm về biến cố Đức Giêsu Giáng sinh:
“Trời đã tối gió thổi lạnh căm, hai cha mẹ Ngài đang ở trong hang đá nhỏ, hang đá không cứng cỏi như lòng người đã cho họ một nơi cư ngụ mà loài người từ chối…Lạy Chúa cho đến đời đời, Chúa đã đặt một niềm an ủi lớn lao biết mấy vào lòng những kẻ khó nghèo, những người bé nhỏ, những ai bị thế gian ruồng rẫy, khi chỉ cho họ thấy từ khi Ngài sinh ra, rằng họ là những người được Ngài ưu ái, những người nghèo được kêu gọi quy tụ chung quanh Ngài, bởi Ngài đã muốn trở nên một người trong số họ…”
Ước chi Hài Nhi này, mà trong Ngài chúng ta đang liên đới với tất cả những ai đau khổ, trở nên ánh sáng và bình an cho mỗi ngày sống của chúng ta, suốt cả năm.” (Tiểu muội Marie-Estelle de Giêsu)
Trời sẩm tối ngày 24/12/1997, mưa bay bay lành lạnh, mọi người xúm xít trang trí hang đá Bêlem, chuẩn bị đón Chúa Giáng sinh: cờ hoa, đèn điện đủ màu sắc nhấp nháy như những vì sao.
Bất chấp mưa lạnh pha chút rét buốt , Hoàng đi một vòng xem còn gì chưa ổn để làm nốt. Một cháu bé chừng 12, 13 tuổi đứng co ro dưới tán cây bằng lăng trước cửa nhà thờ. Cháu cao, gầy, xanh xao, chiếc quần xanh sĩ lâm một bên rách giữa đầu gối, nó như củ khoai sọ bị héo thò ra ngoài. Anh bàng hoàng sao trông giống ai thế? Đúng giống quá mất, hay là...Hoàng cố xua đuổi cái ý nghĩ chợt lóe lên, thằng Vĩnh lớp dưới mình ở Tiểu Chủng viện. Không, không có lẽ, Vĩnh ở mãi tít tận xa trên miền trung du Sông Thao, Phú Thọ. Hoàng quay vào nhà chung cố quên hình ảnh ấy. Như có kim châm vào gáy, anh quay lại vẫn thấy cháu đứng nhìn chăm chắm vào anh. Không, không thể thế được. Anh đi thêm vài bước nhưng không đi nổi, quay lại đến bên cháu.



- Cháu ở đâu đến đây, rét lắm phải không?
- Cháu ở xa lắm bác ạ, tít trên ngược. 
Hoàng run hết người, gai ốc sởn lên, hai thái dương đã vã mồ hôi như có cái gì rất siêu thực đang vây hãm anh. Chả nhẽ thật ư?
- Cháu tên là gì, ở xa là tận đâu? Bố mẹ cháu đâu? Làm sao về được đến đây?
- Nhà cháu cũng có đạo, quê cháu cũng có nhà thờ, cháu đi lang thang xin ăn, thấy nhà thờ, nhớ ngày lễ Noen cháu vào. Đây là nhà chung phải không bác? Trời rét mà sống lưng Hoàng vẫn toát mồ hôi.
- Bố mẹ cháu tên là gì, bây giờ ra sao, để cháu đi thế này?
- Mẹ cháu mất rồi, chị cháu đi lấy chồng ở xa, mãi tận nông trường gì ấy cháu không biết. Thằng bé lúc này bắt đầu khóc, nước mắt trào xuống nức nở.
- Cháu có mấy chị em, cháu là thứ mấy?
- Cháu có ba chị em, cháu là thứ hai, em gái cháu 10 tuổi, bá cháu đem về nuôi.
Hoàng quá sốt ruột, nóng ran hết cả người mà vẫn run.
- Bố cháu tên là gì, làm nghề gì, bây giờ ra sao?
- Bố cháu tên Vĩnh, hình như bố cháu trước học ở trường gì dưới Sơn Tây này, nay làm thợ xây. Năm ngoái ngã dàn giáo từ trên cao xuống gãy một bên tay. Nay lại liệt không đi được. Bố cháu suốt ngày chỉ khóc, hát chán lại khóc. Tối tối bố cháu cứ ôm cháu khóc, cười chẳng nói gì. Một số người trong họ đạo và hợp tác xã giúp bố cháu. Cháu đành phải đi xin ăn không dám phiền các bác các cô. Cháu đi được hơn tháng nay rồi.
Hoàng choáng váng thật sự.
- Cháu tên gì, học lớp mấy?
- Cháu là Viễn, cháu đang học lớp sáu.
- Đúng là con ông Vĩnh rồi, khổ thân cháu, cháu vào nhà chung với bác.
Từ cửa nhà thờ vào nhà xứ không đầy một trăm mét mà sao xa xa thế, vừa đi mà lòng Hoàng rối tung lên, một cảnh đời quá nghiệt ngã.
Hoàng gõ cửa phòng cha Thiện.
- Xin mời vào.
- Thưa cha, cha có bận gì không ạ?
- Không sao, mời ông vào, trời rét quá lại mưa phùn càng rét thêm, như hôm qua có phải đẹp không.
- Thế này mới đúng tiết Noen cha ạ, vào đây cháu.
Đứa bé rón rén bước vào, người vẫn run, nước mắt lưng tròng vừa quệt ngang. Cha Thiện thực sự xúc động, ngơ ngác không biết chuyện gì. Như đồng cảm sâu xa, cha vẫn đứng không nhúc nhích.
- Có phải cha nhận ra cháu này giống ai không? Cha khóc ôm lấy đứa trẻ. Con ông Vĩnh phải không, sao nên nông nỗi này, con ơi! Sao thế này? Bố con đâu, ra sao rồi? Cha mở tủ lấy chiếc áo khoác choàng tạm cho cháu đỡ rét. Có hộp sữa trên xích đông, ông pha cho cháu một cốc giúp tôi. Cháu vừa đói vừa rét.
Để cháu ngồi xuống ghế uống sữa, Hoàng kể lại tình cảnh bi đát của hai cha con Vĩnh, Viễn. Cả hai cùng không thể cầm nổi nước mắt nhìn cháu uống ngon lành, thòm thèm. Hoàng thầm nghĩ có bao nhiêu đứa trẻ như thế này?... cứ thế đắm chìm trong suy tư cảm xúc! Mình còn may hơn nhiều người; các con mình có hiểu thấu cảnh đời như thế này không? Cơm đủ ăn, áo đủ mặc, mùa nào thức ấy. Viễn cùng tuổi với thằng út nhà mình. Định mệnh, số phận hay cái gì đây mà cay cực đến thế! Vĩnh có tội gì mà thằng bé lại khổ vậy? Mong sao...Nhưng mong làm sao được. Bây giờ nên tính thế nào? Chắc bà xã mình cũng thương thằng bé. Nhưng về lâu dài mình không đủ khả năng cưu mang cháu. Hình như cha Thiện cũng đang suy tính làm gì để giúp đỡ gia đình Vĩnh. Anh em bạn cùng trường.
Cha là người được anh em quý trọng vì phong cách sống và những suy tư đạo đức chân tình. Nói đến cha Thiện, giáo dân ai cũng quý mến, giảng giải hay, sát thực tế, phong cách đường hoàng. Hoàng giật mình, cái không gian tĩnh lặng buồn thương này đè nặng anh.
- Ông Hoàng này, biết làm sao bây giờ? Ông xem thế này có được không. Ông đưa cháu về nhà ấp ủ cháu một thời gian cho hồi sức. Mình đưa ông tiền để may sắm cho cháu ít quần áo.. Mình sẽ kêu mời một số anh em bạn bè bàn cách giúp Vĩnh, ý ông thế nào?
- Con cũng nghĩ như cha, chuyện lâu dài mới quan trọng cha ạ.
- Đúng thế, chúng ta cùng cầu nguyện xin Chúa soi sáng cách giúp đỡ, chứ thế này thì cực quá. Ông Vĩnh và các cháu sẽ ra sao?
- Thôi, con đưa cháu về kẻo rét. 
Quay sang cháu Viễn tôi âu yếm nắm tay cháu: 
- Tối nay , các anh sẽ đưa cháu đi dự lễ Noen.
Hoàng lấy xe đạp đèo cháu về nhà. Trời khá rét, môi thằng bé tím tái run lên cầm cập.
- Con nhà ai đấy anh?
Vân, vợ Hoàng cũng đa cảm, nghe anh kể, chị cứ ôm lấy thằng bé mà khóc. Chị pha nước nóng tắm rửa cho cháu, lấy quần áo của thằng Tiến cho mặc tạm: cháu ở đây với hai bác và các anh. Bác giai sẽ xin cho cháu đi học cùng anh Tiến, không phải lo gì cả. Nhìn thằng bé ăn mà tội nghiệp. Quyết gắp thức ăn cho em, nhìn em ăn, nét mặt đăm chiêu.
Bên hang đá Bêlem, mấy đứa trẻ quỳ ngắm Chúa Hài Đồng. Mặt thằng bé hồng lên. Chúa Giêsu như hiển hiện nhìn cháu, cảm thông nỗi khổ đau. Không biết cháu cầu nguyện xin ơn gì. Chắc Chúa hiểu. Chúa đã đến đây cùng chia sẻ những gánh nặng ưu tư không của riêng bố con cháu mà của tất những ai khốn khó nghèo khổ.
Hoàng quỳ ngắm nhìn mấy cậu bé mục đồng lòng thấy nhẹ nhõm lây cái hạnh phúc mà họ được hưởng. Hoàng thấy mình tuy chịu không it khổ đau nhưng may mắn hơn bố con Vĩnh nhiều.
Trời về khuya càng rét đậm, đường phố vẫn đông, thanh niên nam nữ chen chúc nhau vừa đi vừa hát vang: Đêm Noen, đêm Noen ta hãy cùng vui lên. Đêm Noen, đêm Noen ta hãy chúc nhau an bình!
Hoàng đi trong dòng người náo nhiệt ấy!
Phêrô Nguyễn Mai
Thông tin khác:
Xây dựng nông thôn mới ở Thu Lũm (05/12/2022)
Đan viện Citeaux Mỹ Ca (28/11/2022)
Hạnh phúc của giáo viên vùng cao (19/11/2022)
Tu viện "trên không" (11/11/2022)
Niềm hy vọng của chúng ta (11/11/2022)
Lớn lên từ trong tim (11/11/2022)
Thả hồn 'chill' cùng bản làng H’Mông thanh bình đẹp như tranh vẽ ở Vân Hồ (02/11/2022)
Mùa xa nhà (27/10/2022)
Ngôi thánh đường cổ xưa nhất Hoa Kỳ (21/10/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log