Khuôn viên Đền Thánh Chân phước Anrê Phú Yên - giáo họ Phước Kiều. Ảnh: CTV |
Phước Kiều là danh xưng của một họ đạo nhỏ bé, nay là giáo họ biệt lập Phước Kiều, giáo hạt Hội An, giáo phận Đà Nẵng (thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) gắn liền với tên tuổi của vị chứng nhân đức tin tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam là Chân phước Thầy giảng Anrê Phú Yên, đã được phúc tử đạo trong khu vực nguyên là Dinh Trấn Thanh Chiêm nổi danh một thời vào ngày 26/7/1644, khoảng 29 năm sau thời điểm các thừa sai Dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn - Hội An (18/01/1615) khai mở công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. Trên khuôn viên nhỏ bé của địa danh lịch sử này tọa lạc một ngôi nhà nguyện đơn sơ nhưng từ ngày 26/7/2007 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật trên trời lần thứ 363 của ngài, đã được bản quyền giáo phận Đà Nẵng nâng lên hàng Đền Thánh với tước hiệu Anrê Phú Yên để tôn vinh vị anh hùng tử đạo tiên khởi đã được Giáo hội nâng lên hàng Chân phước vào ngày 5/3/2000, và được đặt làm thánh bổn mạng của Giáo lý viên giáo phận.
Chính sách mở cửa ngoại thương làm giàu xứ Đàng Trong đã được các vị chúa nhà Tiền Nguyễn hết sức coi trọng. Đàng Trong mỗi ngày một thịnh vượng. Tàu buôn các nước Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Nhật Bản… thường xuyên lui tới.
Người Bồ Đào Nha, với tên gọi người Hoa Lang đã xin phép mở thương điếm tại Đàng Trong vào năm 1613, vào giai đoạn Nhật Bản “bế quan tỏa cảng” và ban hành những chỉ thị bách hại đạo Công giáo. Nhiều thương gia Nhật Bản Công giáo đã đến đây buôn bán, giữ đạo và thành hôn với các phụ nữ bản xứ. Bên cạnh Cửa Hàn Touron, Hoài Phố Faifoo, Dinh trấn Thanh Chiêm cũng là một thủ phủ quan trọng. Nhận thấy việc cần giúp đỡ những tín hữu này sống đúng luật đạo, ngày 18/01/1615, một phái đoàn truyền giáo Dòng Tên chính thức được phái đến Đàng Trong. Bề trên là linh mục Francesco Buzomi, linh mục Diego Carvalho và ba thầy trợ sĩ Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Họ dừng chân tại Cửa Hàn (Touron) nơi có một cộng đồng Nhật Bản sinh sống và sau đó đến Hội An (Hải Phố, Hoài Phố, Faifo…) dạy giáo lý, rửa tội và hợp thức hóa các đôi hôn phối Việt Nhật. Trước giai đoạn này cũng đã có một số tín hữu Công giáo người Việt, như mẹ con bà Phanxica và Gioanna đã được rửa tội sinh sống tại đây.
Năm 1617, cha bề trên tỉnh Dòng Tên Nhật Bản tại thành phố Ma Cau (Áo môn) gửi cha Francisco de Pina và tiếp đó là cha Cristoforo Borri đến Đàng Trong để giúp cha Buzomi. Thời kỳ này, cha Buzomi thành lập cơ sở Nước Mặn, Qui Nhơn. Cha Pina cũng vào sinh sống tại đó ít lâu, sau được chuyển về giúp đỡ Nhật kiều Công giáo tại Hội An. Nhận thấy người Việt đón nhận Tin Mừng dễ dàng và giữ đạo sốt sắng, cha Pina quyết định chuyên tâm giúp đỡ người Việt. Khoảng năm 1619-1621, cha lên ở hẳn tại Dinh Trấn Thanh Chiêm, mua nhà và học tiếng Việt. Năm 1624, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và Jeronimô Majorica đã sống ở đây, học tiếng Việt với cha Pina và nhiều người khác. Đặc biệt với một thiếu niên người Thanh Chiêm 13 tuổi được đặt tên là Raphaen Rhodes. Với một đội ngũ trí thức thánh thiện, uy tín và năng động như thế, đạo Công giáo đã bén rễ sâu chỉ sau một thập niên.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com