Văn hóa nghệ thuật

Tình anh em nơi bức khắc "Đôi tay cầu nguyện"

Cập nhật lúc 15:11 19/12/2020
Bức “Đức Maria Thăng thiên và Đăng quang” của Albrecht Durer. Ảnh: CTV\
Bức “Đức Maria Thăng thiên và Đăng quang” của Albrecht Durer. Ảnh: CTV
 
Câu chuyện cảm động xảy ra vào thế kỷ XV, trong ngôi làng nhỏ bé gần thành phố Nuremberg nước Đức, nơi đây một gia đình nghèo lại có đến 18 người con. Việc kiếm tiền chi tiêu và mua lương thực nuôi sống cho 20 người mỗi ngày thật là nan giải, khiến cho người gia trưởng, ông Albrecht Durer già, một nghệ nhân làm nghề kim hoàn phải gánh vác tất bật công việc vất vả gần 18 giờ mỗi ngày, chẳng từ bất kỳ công việc gì mà người trong xóm, ngoài làng thuê mướn.
Tuy sống trong cảnh cơ hàn, khó nghèo nhưng hai người con trai Albrecht và Albert trong gia đình lại có ước mơ theo đuổi con đường nghệ thuật. Sau những lần tranh luận với nhau trên chiếc giường nằm ngủ chật chội ngổn ngang đồ đạc, hai anh em đã nẩy ra ý định bằng cách họ sẽ gieo đồng xu, người thua sẽ đi làm phu trong hầm mỏ ở gần nhà, kiếm tiền gửi nuôi người thắng suốt thời gian đi học, để rồi sau 4 năm người được học trước sẽ phải lo tiền cho người kia đi học.
Từ những ý định trên vào một buổi sáng Chúa nhật, sau khi đi dự thánh lễ về, họ lấy một đồng xu để “Gieo Quẻ”. Anh Albrecht, người anh trai thắng cuộc, người em là Albert theo thỏa thuận đi tới hầm mỏ làm việc kiếm tiền gửi cho người anh ăn học theo đuổi sự nghiệp. Để đáp lại sự hy sinh của người em, Albrecht ngày đêm miệt mài cố gắng học tập và chẳng bao lâu anh đã nổi tiếng với những họa phẩm tranh khắc gỗ và tranh sơn dầu, được đánh giá cao hơn cả tranh của thầy mình, khiến các khách hàng mến mộ và anh đã nhận được nhiều đơn đặt hàng.
Công việc học hành thành đạt và tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Nuremberg nổi tiếng, thì chàng họa sĩ tài danh trở về quê. Gia đình Durer mở tiệc thịnh soạn ăn mừng và giới thiệu con trai cùng dân làng. Sau những lời chúc tụng của khách và tiếng nhạc khiêu vũ rộn ràng, từ chỗ ngồi danh dự nơi khán phòng, Albrecht đứng dậy đi đến bàn cuối để gặp cậu em đã hy sinh cho sự thành danh của mình. Sau lời cám ơn em, Albrecht liền nói: “Và giờ đây, Albert à, giờ đây đến lượt em. Giờ đây em có thể đến Nuremberg để thực hiện mơ ước của mình. Anh sẽ lo cho em...”.
 
Nếu có lúc nào bạn nhìn vào bức tranh cảm động của Albrecht Durer, hãy nhìn lại lần thứ hai. Nó sẽ nói với bạn rằng, không có ai, chắc chắn không có ai, có thể thành công một mình bao giờ. Ảnh: CTV
Nếu có lúc nào bạn nhìn vào bức tranh cảm động của Albrecht Durer, hãy nhìn lại lần thứ hai. Nó sẽ nói với bạn rằng, không có ai, chắc chắn không có ai, có thể thành công một mình bao giờ. Ảnh: CTV

Trước sự kiện này, mọi người hiện diện quay lại nhìn hai anh em. Ở cuối bàn, Albert ngồi im, nước mắt chảy dài trên hai gò má  gầy gò xanh xao, Cậu lắc đầu và nức nở: “Không... không... kh...ông”. Để rồi, Albert ngẩng đầu lên và lau nước mắt, đưa bàn tay đặt lên gò má phải và nói: “Không anh ạ. Em không thể đến Nuremberg được nữa. Đối với em tất cả đã quá trễ rồi. Anh hãy nhìn đôi tay em đây. Bốn năm làm trong hầm mỏ đã tàn phá đôi tay của em rồi! Xương ngón tay của em bị gẫy nhiều lần, với lại em còn bị chứng viêm khớp nữa. Tay phải em đau lắm đến nỗi em không thể nâng cốc chúc mừng anh, làm sao em có thể cầm bút hay cầm cọ viết những hàng chữ ngay ngắn trên giấy da hay vẽ trên vải được. Không anh ạ, với em thì quá trễ rồi!”. Một cảnh tượng diễn ra thật bất ngờ, đầy xúc động, không ai cầm được nước mắt.
Với thời gian, Albrecht Durer trở thành họa sĩ nổi tiếng, tranh của ông được vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau. Tất cả đều toát lên vẻ đẹp của cuộc sống và thể hiện chiều sâu tâm linh của một người có niềm tin sâu sắc... vì phần lớn các tác phẩm đều lấy đề tài Kinh Thánh với vẻ đẹp lộng lẫy và sự thánh thiện làm chuẩn mực.
Khi danh tiếng của ông đã lẫy lừng, nhớ đến thuở hàn vi và để tôn vinh sự hy sinh của người em trai. Albrecht Durer chăm chút vẽ đôi tay của người em đã bị sức nặng của công việc ở hầm mỏ tàn phá. Đôi tay của Albert được vẽ trong tư thế hướng lên trời của người đang cầu nguyện.Khởi đầu Albrecht đặt tên cho bức tranh của mình là “Đôi bàn tay”, nhưng lập tức tác phẩm trứ danh này của ông được mọi người đổi tên thành “Đôi tay cầu nguyện”.
Giờ đây hàng trăm tác phẩm của Albrecht được trưng bày trong nhiều viện Bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng có điều lạ lùng là phần lớn người ta chỉ nhớ đến bức tranh “Đôi tay cầu nguyện”. Kiệt tác nghệ thuật này của ông luôn được trang trọng treo trong nhiều tư gia, cho dù chỉ là bản sao của tác phẩm duy nhất chứa đựng tình tiết hy hữu của nhà Durer một thời.
Nếu có dịp được chiêm ngưỡng tác phẩm xúc động này, bạn hãy dành ít phút lắng đọng tâm hồn mình để tự nhủ rằng: tác phẩm nghệ thuật ấy được kết tinh từ bàn tay không phải chỉ của một người nghệ sĩ, mà còn chứa đựng câu chuyện cảm động biểu hiện về tình huynh đệ cao quý trong gia đình. Thật là một điểm son, đáng nêu gương sáng cho muôn người.
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Xét thưởng phạt tùy theo (19/12/2020)
Chứng tích chiến tranh (09/12/2020)
Vùng đất lạ với nhiều câu chuyện tâm linh (08/12/2020)
Làng cao hơn cả mây trời (08/12/2020)
Có một Đà Lạt ở Miền Tây (07/12/2020)
Dụ ngôn người trinh nữ (07/12/2020)
Di tích tử đạo Việt Nam nơi xứ người (01/12/2020)
Phải tỉnh ở sẵn sàng (01/12/2020)
Nét đẹp văn hóa Vu Lan (30/11/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log