Giáo xứ Thuận Nghĩa thuộc xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Đây là giáo xứ lâu đời có truyền thống sống đức tin mà một chứng nhân là cha thánh tử đạo Phêrô Vũ Đăng Khoa đã được Giáo hội tôn phong năm 1988. Thuận Nghĩa là làng được thành lập đầu thế kỷ 19, vào năm 1802 dưới thời vua Gia Long. Làng Thuận Nghĩa có tên cổ là Kẻ Bùn, Vạn Bùn, Vạn Mắm…dưới thời vua Lê Thế Tôn (1573-1599). Những cư dân đầu tiên của làng cư ngụ ở làng cồn cỏ May, bên bờ sông Thái. Mảnh đất các cụ chọn có hình rồng vươn mình ra biển Đông. Đầu rồng là làng Yên Lưu và đuôi rồng là rú Hương. Sông Thái xuất phát từ dãy núi cao phía tây bắc huyện Quỳnh Lưu, có hai nhánh. Một nhánh từ sông Mát chảy vào khe Gang. Nhánh thứ hai từ đồng Bun chảy vào khe Sạn, khe Sái. Hai nhánh gặp nhau tai khe Gốc, đổ về vực Ô, qua cầu Yên Chu đến Thuận Nghĩa.
Giáo xứ Thuận Nghĩa được thiết lập năm 1914, khi được tách ra khỏi xứ mẹ Cẩm Trường. Từ đó đến nay giáo xứ đã lần lượt được 63 linh mục quản xứ trong đó có 18 thừa sai nước ngoài và 45 linh mục người bản xứ. Thuận Nghĩa hiện có 3 giáo họ là Thuận Nghĩa, Yên Lưu và Tân Lập với 10.876 giáo dân do linh mục Antôn Nguyễn Văn Đính coi sóc.
Ngay từ hồi thành lập giáo xứ, giáo xứ đã có một ngôi nhà thờ cổ kính được xây dựng từ năm 1902. Nhưng với thời gian, ngôi nhà thờ bị xuống cấp và trở thành quá nhỏ so với số lượng giáo dân đông đảo ngày nay. Vì vậy, dưới thời cha Antôn Phạm Đình Phùng, cộng đoàn đã có đơn thỉnh nguyện gửi Tòa Giám mục, chính quyền bày tỏ nguyện vọng xin xây nhà thờ và đã được chấp thuận. Ngày 16/5/2011, ngôi nhà thờ mới được khởi công. Sau 1 năm xây dựng nhà thờ, ngày 29/5/2012, cha xứ Antôn mất đột ngột. Bà con giáo dân đau thương đưa tang cha xứ về nơi an nghỉ rồi nén đau thương tiếp tục thi công nhà thờ. Tòa Giám mục cử cha Antôn Nguyễn Văn Đính về tiếp nối công việc của cha Antôn Phạm Đình Phùng. Sau 5 năm khẩn trương thi công, ngôi nhà thờ mới đã hoàn thành. Ngày 7/1/2016, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cùng với hơn 100 linh mục trong và ngoài giáo phận Vinh đã về dâng lễ Tạ ơn. Nhà thờ có kiến trúc gotich dài 63m, rộng 22m. Hai tháp chuông cao 42m. Mái vòm cao 37m (ảnh trên). Nhưng bên trong nhà thờ lại có cấu trúc hoàn toàn bằng gỗ. Nhà thờ có 48 cột gỗ lim lớn. Trần nhà thờ lát bằng gỗ bóng. Bàn thờ cũng bằng gỗ và mặt trước bàn thờ chạm nổi bức ảnh “Bữa tiệc ly” khá đẹp. Nhà thờ Thuận Nghĩa là một trong những nhà thờ có kiến trúc đẹp của giáo phận Vinh.
Cùng thời gian đó, giáo xứ cũng khánh thành ngôi nhà xứ cao 3 tầng dài 24m, rộng 13m và cao 12m. Giáo xứ cũng đã xây dựng được ngôi nhà Mái ấm tình thương mang tên Vũ Đăng Khoa bên dòng sông Thái, trên diện tích 3.000m2 do các nữ tu dòng Mến Thánh giá Vinh quản nhiệm để chăm sóc những người có số phận kém may mắn như mồ côi, bệnh tật nan y, già cả không nơi nương tựa.
Năm 1954, một số giáo dân Thuận Nghĩa di cư vào Nam và quy tụ ở vùng Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thuộc giáo phận Phan Thiết ngày nay. Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Linh đã quy tụ họ lại. Đó cũng là cha xứ tiên khởi của giáo xứ này. Thuận Nghĩa, lúc đó có khoảng 450 người. Cộng đoàn làm nhà thờ tường gạch, mái tôn làm nơi cầu nguyện. Năm 1956, cha xin thành lập giáo xứ với quan thày là thánh quê hương Phêrô Vũ Đăng Khoa. Lễ kính vào ngày 24/11 hàng năm. Về sau giáo dân đông lên, cộng đoàn xin xây dựng nhà thờ mới. Năm 1993, công trình được khởi công và đến ngày 31/5/1995 đã được khánh thành. Nhà thờ, mặt tiền có kiến trúc như chiếc cổng tam quan với mái ba tầng ở hai bên và năm tầng ở tháp giữa, mang đậm phong cách Việt (ảnh trên). Giáo xứ Thuận Nghĩa ở Phan Thiết hiện có gần 2.000 giáo dân.
BÍCH HẢI