Văn hóa nghệ thuật

Ngày vì hòa bình thế giới (01/01) nói về hòa bình

Cập nhật lúc 10:35 01/01/2013

Nỗi khát khao ấy cũng trùng hợp với nỗi khát khao của tất cả những ai hiểu biết rằng Hoà Bình là điều kiện tiên quyết cho mọi nỗ lực xây dựng một cuộc đời hạnh phúc.

Vả lại, Hoà bình hay Bình an cũng lời nguyện chúc mà chúng ta thường được nghe thốt ra từ cửa miệng mỗi người, khi gặp nhau, bắt tay chào hỏi trong dịp đầu năm mới.

Hai chữ “Bình an” thường nói lên sự an tĩnh thảnh thơi trong tâm hồn, trong khi đó hai chữ “Hòa bình” nói đến an hoà trong xã hội, và nhất là trên thế giới, khi không có gươm đao hay tiếng súng nổ, đạn bom tàn phá. Mặc dầu tiêng súng đạn hay bom nổ có thể không cướp nổi niềm bình an trong tâm hồn ta, như không bao giờ làm trẻ thơ sợ hãi, nếu nó được ấp ủ trong bàn tay che chở của người mẹ, hay như trường hợp cặp tình nhân trong phim Hirôsima mon amour, Hirôsima tình yêu của tôi, nói về hãnh phúc của một chàng trai và cô gái trong khách sạn ở thành phố này giữa lúc chiến tranh thiêu rụi tất cả.

Vậy năm nay, lại một lần nữa chúng ta bước vào lúc giao điểm của một chu kỳ mới của thời gian, mà chúng ta gọi là Năm 2013, chu kỳ mà trong hơn một thàng nữa, người Việt nam chúng ta sẽ gọi là Năm Quý Tỵ, tức là Năm Con Rắn.

Theo thói quen, mỗi khi bước vào đầu năm mới, dù là năm Ta hay năm Tây, ai trong chúng ta cũng đều có những ước mong, mặc dầu vẫn biết không phải cứ ước mong thì rồi sẽ được. Thật vậy, kinh nghiệm cho thấy, càng sống lâu năm và giầu kinh nghiệm, chúng ta càng gặp nhiều thất vọng trong quá khứ: nhiều những điều mong ước nguyện xin, đã không được thì chớ, trái lại, những điều xui xẻo, những cái chẳng chờ thì cứ lại đến, khiến người ta nản chí, chẳng còn dám ước mơ…

Tuy nhiên, đúng như Molière, nhà víết kịch người Pháp nổi tiếng thế giới, có nói trong một vở kịch nào đó rằng: “Khi người ta tuyệt vọng, đó chính là lúc người ta hy vọng,- Lorsqu’on desespère, c’est qu’on espère”, chỉ khác ở chỗ những niềm hy vọng này không bao giờ cụ thể, rõ nét, nhưng ẩn hiện tiềm tàng, mông lung mơ hồ, không xác định hay hình dung ra được.

Ngay cả đến những bậc chân tu, đạt tới trình độ siêu thoát, tự đáy lòng chẳng mong ước gì cho mình hay cho ai, cũng thực sự ước mong khi tin tưởng phó thác mọi sự cho Chúa, như lời dạy của Thánh vịnh 36:  

“ Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.” (Tv 36,5)

Thật vậy, ngay cả khi người ta không mơ ước gì, mà chỉ hoàn toàn phó thác cậy trông nơi Chúa, thì thực ra người ta đã mong chờ tất cả nơi Người! Người ta không ước mong chờ đợi điều này, điều nọ, cái này hay cái kia, mà chờ mong, hy vọng tất cả, hay nói cách khác, người ta không hy vọng vào những gì Chúa có thể ban cho, mà lấy chính Chúa làm niềm hy vọng của mình, và như vậy là người ta tin rằng sẽ có tất cả. Điều đó cũng giống như khi hai ngưởi yêu nhau thực sự, thì lấy chính người yêu của mình làm lẽ sống và niềm hy vọng, chứ không sống và chờ đợi được của cải, vật chất hay danh vọng hoặc địa vị vv. Nói cách khác, tình yêu chân thực tự nó hàm chứa hy vọng. Vì thế mà đức tin và đức mến không thể nào tách rời niềm hy vọng. Charles Peguy so sánh niềm hy vọng với cô em gái út nhỏ nhắn, nhưng lại thích lon ton chạy phía trước, hai tay nắm chặt bàn tay hai bà chị Tin và Mến, mà lôi đi theo mình.

Nói một cách triết lý hơn, hy vọng cũng là chiều kích hiện hữu như thời gian và không gian, tuy chúng ta hầu như chẳng bao giờ ý thức về sự hiện hữu của những chiều kích này, Chúng ta không ý thức gì về niềm hy vọng vẫn tiềm ẩn trong lòng, cũng như chẳng ý thức gì về không gian và thời gian, là những chiều kích hiện hữu, mà nếu không có, chúng ta không thể nào hiện hữu được, bởi vì tự định nghĩa, hiện hữu của chúng ta là hiện hữu trong không gian và thời gian.   Thật vậy, mỗi nhịp đập của trái tim ta đều ghi dấu ấn của khoảnh khắc thời gian và trải dài hiện hữu chúng ta vào không gian. 

Tôi chưa hề có kinh nghiệm đạt tới đỉnh cao cùa nhập thiền, nên không biết liệu khi không còn ý thức về thời gian và không gian, cũng như cả hiện hữu của bản thân, con người sẽ ra như thế nào, nhưng theo tôi nghĩ, dù thế nào thì không ai có thể ở mãi trong tình trạng gần như vô hữu đó, mà sớm muộn cũng phải trở về trạng thái có ý thức, và khi đó, sẽ tìm lại chiều kích không gian và thời gian với những nhận thức về cuộc sống, cũng như những ước muốn bình thường của một hữu thể tại thế.

Tóm lại, hễ còn sống là còn ước mơ hy vọng, chỉ khác một điều là những hy vọng ấy riêng tư, chỉ liên quan đến cá nhân mình, hay liên quan đến cả những người khác, như gia đình, cộng đồng xã hội, quốc gia, thậm chí cả thế giới. Rất có thể người ta trước tiên chỉ mơ ước những gì tốt đẹp có lợi ích cho bản thân mình, chẳng hạn như mong ước được khoẻ mạnh, học hành tấn tới, thi đậu, có công ăn việc làm và làm ăn phát tài vv, hoặc nữa, có được tình yêu, và được hạnh phúc vv.

Tuy nhiên, chỉ khi phải trải qua những lúc thiên tai, hoạn nạn như bão lụt, hoả hoạn, hoặc lâm cảnh chiến tranh, chúng ta mới thấy những khát khao hy vọng riêng tư sẽ hoàn toàn vô ý nghĩa, nếu trước hết không có sự bình an cho mọi người, mọi vật, nghĩa là thiên tai phải chấm dứt, chíến tranh phải kết thúc. Chỉ trong cảnh chiến tranh điêu tàn khốn khổ, đe doạ hiện hữu cũng như tình yêu, hạnh phúc, người ta mới ý thức được rằng có hoà bình là có tất cả, và ước mơ hoà bình luôn luôn là ước mơ thường xuyên và lớn nhất của nhân loại ở mọi nơi, mọi thời.

Suy nghĩ như vậy, đồng thời nhớ lại kỷ niệm những năm tháng chiến tranh đã trải qua, tôi mới hiểu tại sao khi Chúa vào đời, thì hồng ân cao cả và tốt đẹp nhất. Người đã đem đến cho chúng ta, chính là Bình an: 

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,).

Và hồng ân cuối cùng Người để lại cho nhân loại cũng chính là Bình an:

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em” (Ga ).

Nhưng Đức Giêsu đã liên kết chặt chẽ Bỉnh an ấy với tình thương. Thật vậy, các thiên thần hát trong bài ca Giáng sinh rằng “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”, còn trong Tin Mừng của Gioan, trước khi “để lại” hay “ban” bình an của Người cho các môn đệ, trước hết Đức Giêsu đã ban “Điều răn mới”,  đó là Điều răn yêu thương, cho cac ông: “Thầy ban cho anh em một Điều răn mới: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,15). Và yêu thương như Thầy đã yêu thương, đó là “yêu thương đến cùng” (Ga 13,1), nghĩa là yêu thương đến nỗi dám hy sinh mạng sống cho kẻ mình yêu, như chính Đức Giêsu đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống cho kẻ mình yêu.” (Ga 15 ).

Vì thế mà thánh Phaolô gọi Bình an của Chúa là Bình an của Thập giá, khi ngài viết ttong thư gửi tín hữu Côlôxê:

 “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bnình an cho tất mọi loài dưới đât và muôn vật trên trời.” (Cl 1,19-20)

Người xưa có câu: “Muốn hoà bình thì phải chuẩn bị chiến tranh”. Thật vậy, từ xưa đến nay, nhân loại vẫn tiếp tục ở trong vòng quẩn quẩn: chiến tranh rồi lại đình chiến, đình chiến rồi lại chiến tranh. Và mặc dầu đã ký kết bao nhiêu hiệp định song phương hay đa phương, nhưng nhiều khi chữ ký chưa ráo mực, thì máu lại đã đổ ra. Hết chiến tranh nóng rồi lại chiến tranh lạnh, nhưng trong thực tế chưa bao giờ gươm đao và súng đạn không được dùng đến trên trái đất này. Nói khác đi, chưa hề bao giờ có hoà bình thực sự trên trái đất này.

Còn Đức Giêsu thì nói: “Tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,32). Hoà bình Người muốn ban tặng cho chúng ta, là Hoà bình được thực hiện bằng Giao ước ký kết bằng máu của Người, chứ không phải bằng máu của kẻ khác, càng không phài bằng máu của những người vô tội, như máu của hầu hết hết các nạn nhân chiến tranh.

Chính vì nhân loại luôn luôn muốn dùng chiến tranh để xây dựng hoà bình, nên chẳng bao giờ có được hoà bình: làm thế nào xây dựng bằng cách đập phá hay chem giết? Bởi thế dùng chính sách chống khủng bố để chống lại khủng bố, trong thực tế cũng vẫn là khủng bố lẫn nhau mà thôi. Ngay cả chiến tranh chính đáng hay hợp pháp, như chiến tranh tự vệ, thực ra cũng không phải là cách giải quyết lý tưởng. Thánh Gandhi của An Độ đã hiểu và đi đúng con đường hoà bình của Đức Giêsu, khi ngài chủ trương đấu tranh bât bạo động: sẵn sàng để mình bị giết để dành lại độc lập tự do cho dân tộc mình, chứ không đổ máu một người Anh nào. Và quả thật, trong cuộc đấu tranh dành độc lập này, chỉ có hàng loạt người Ấn Độ đã ngã xuống dưới lưỡi gươm và họng súng của người Anh, và cuối cùng thì chính Thánh Gandhi cũng đã phải đổ máu, nhưng không phải do súng đạn của người Anh, mà là do viên đạn của một người Ấn Độ chống lại chủ trương bất bạo động của thánh nhân.

Lịch sử chứng minh rằng Giáo hội chúng ta trong thời Trung Cổ, cũng đã chọn giải pháp dùng gươm để bảo vệ “Nước Chúa”, chống lại quân Hồi giáo và những kẻ lạc giáo. Rõ ràng là chúng ta đã di ngựợc lại giáo lý của Đức Kitô. Và ngay cả hiện nay, nhiều người trong chúng ta cũng sẵn sàng đi theo con đường thánh chiến để bảo vệ đức tin, bảo vệ Giáo hội! Bằng chứng là họ đã giết người đi theo con đường hoà bình, như Đức Giêsu và Thánh Gandhi, đó là Luther King và Rabin… Điều đáng nói, là cả Đức Giêsu, Thánh Gandhi và Luther King và Rabin, đều bị chính đồng bào mình giết, chứ không phải kẻ thù bên ngoài. Thật vậy, hai ngàn năm về trước, chính các thượng tế và tư tế người Do Thái đã mượn tay người Rôma để giết Đức Giêsu, trong khi Philatô đã tìm mọi cách để tha Người, vì biết rõ Người vô tội (x,Ga 18,6.12 ). Mà sở dĩ người Do Thái, đặc biệt là hàng tư tế muốn giết Đức Giêsu, là vì họ chống lại Tin Mừng yêu thương và hoà bình của Người, Tin Mừng mời gọi mọi người yêu thương, tha thứ cho nhau để thế giới được hoà bình. Tin Mừng ấy dạy người ta chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho người làm khốn chúng ta, đưa má trái cho kẻ đã vả má phải, cởi cả áo trong mà đưa cho kẻ đã lấy áo ngoài của ta. Đó là lấy ân mà trả oán, chứ không theo phản ứng thông thường của thiên hạ là lấy “mắt đền mắt, răng đền răng”, hay trả thù đến ba đời!

Đức Giêsu phục sinh, khi vừa ra khỏi mồ đã đi gặp các môn đệ, thì câu đầu tiên mà Người đã nói với các ông, đó là: “Chúc anh em được bình an!... Như Chúa Cha dã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em… Anh em tha tội cho ai, kẻ ấy sẽ được tha…” (Ga 20,19-23).

Lại một lần nữa, Đức Giêsu liên kết chặt chẽ bình an với tình yêu tha thứ. Tình yêu không biết tha thứ thì chưa phải là tình yêu thật sự, và kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng khi chưa tha thứ được cho người có lỗi với chúng ta, thì chính chúng ta cũng chẳng được an vui. Thi hào R.Tagore ví tội lỗi với chướng ngại vật cản đường cản lối chúng ta đến với tha nhân, hay cũng giống như một con đập ngăn dòng nước chảy: chỉ khi nào cất được chướng ngại vật, phá bỏ cái đạp, thì con đường mới được thông thoáng, và dòng chảy sẽ lại được khai thông, suối hay con sông sẽ lại được dâng lên tràn đầy, phủ kín bùn lầy rác rưởi phía hạ lưu trước đây mất nước. Quả đúng như hình ảnh mà ngôn sứ Isaia đã dùng để nói về hoà bình:

“Này Ta tuôn đổ xuống Thánh Đô

Ơn thái bình rựa dòng Sông Cả!

Và Ta khiến của cải chư dân

đổ về tràn lan như thác vỡ bờ.”

(Is 66,12)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong bài Tình nhớ, đã tả mối tình tan vỡ được hàn gắn lại, cũng giống hai như đôi “bờ xa nước cạn đã chìm vào cơn mưa”, bời vì:

“Khi cơn đau chưa dầy 

thì tình như chút nắng; 

Khi cơn đau lên đầy,

thì tình đã mênh mang.”

Những đau khổ lúc ban đầu, thuở tình yêu mới chớm nở như ánh nắng ban mai, chỉ là như những những chiếc gai hoa hồng, không làm ta đau đớn, nhưng khi những xảy đến cơn đau dữ dỗi có thể dằn vặt, làm tê tái lòng ta, mà nếu tình yêu đã thật dặt dào lên láng, thì sẽ cuốn đi mọi nỗi ưu phiền.

Chiến đấu chống lại kẻ khác bằng súng đạn hay gươm đao có thể làm cho người ta hăng say lên máu, nhất là khi được thúc dẩy bên trong bằng sự căm ghét hận thù, nhưng khi cuộc chiến chấm dứt, và kẻ thù bị tiêu diệt, chúng ta chỉ còn thấy sự điêu tàn đổ nát, hoang vu, và sự mệt mỏi, chán chường. Còn khi tự thắng được mình trong cuộc đấu tranh chống lại sự hận thù ghen ghét, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm bình an hạnh phúc, không phải chỉ cho mình, mà còn hạnh phúc hơn khi được hoà giải với những người vốn là kẻ thù của chúng ta.

Ngôn sứ Isaia diễn tả niềm vui thái bình ấy qua đoạn văn tuyệt vời như sau:

“Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, 

Beo nằm bênb dê nhỏ.

Bò tơ và sư tử non được nươi chung với nhau,

Một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.

Bò cái kết thân cùng gấu cái,

Con của chúng nằm chung một chỗ,  

Sư tử cũng ăn rơm như bò.

Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bênhang rắn lục, 

Trẻ thơ vừa cai sữa thò tay vào ổ rắn hổ mang.

Sẽ chẳng còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta.” (Is 11,6-9).

Đó không chỉ là một thế giới hoà bình trong đó không còn chiến tranh, hận thù, chấm dứt cảnh người bóc lột người, hành hạ chém giết lẫn nhau, mà còn là cảnh thái hoà, trong đó muôn loài muôn vật có thể sống chung hoà thuận, không làm hại đến nhau.

Thật là một ước mơ kỳ diệu có vẻ như không tưởng, nhưng không phải là không thể thực hiện. Thật vậy, kinh nghiệm lịch sử cho thấy các nước Âu châu trong những thế kỷ trước đã hận thù chém giết lẫn nhau bao phen, và hai cuộc đại chiến thế giới với hình ảnh những trại tập trung và lò ga thiêu người của Đức quốc xã, tưởng như không bao giờ có thể xây dựng lại được hoà bình trên lục địa từng là thế giới kitô giáo này. Vậy mà ngày nay một Cộng đồng Âu châu được hình thành, ngày càng được mở rộng, phát triển. Đặc biệt là Pháp và Đức, là hai kẻ thù không đội trời chung, nay đã trở thành hai cột trụ của liên minh Châu âu. Giữa các quốc gia trong Cộng đồng Âu châu này không còn ranh giới, và chỉ còn sử dụng một đồng tiền chung. Điều mà các nước Asean đang muốn thực hiện.

Trông người lại nghĩ đến ta. Trước kia chúng ta đã từng có biết bao kẻ thì địch, từng có nợ máu với nhau, không chỉ thù ngoài mà còn có cả thù trong. Tôi nhớ những lần sang Úc hay sang Mỹ, tôi đã được nhiều người thân quen, hầu hết đều là Công giáo thuộc điều răn “Mến Chúa yêu người”, nhắc nhở tôi “chân lý”: Công giáo và Cộng sản không đội trời chung! Than ôi, trước kia tôi cũng đã từng sống theo “chân ly” đó, nhưng nay thì sự thật hiển nhiên cho thấy trời vẫn úp trên đầu cả người Công giáo lẫn người Cộng sản, hữu thần với vô thần, cũng như trời làm mưa trên đầu tư bản cũng như xã hội chủ nghĩa, trên cả người Việt lẫn những người nước ngoài từng chiến đầu chống lại chúng ta, mà nay đang sống trên cùng mảnh đất này, và cộng tác với chúng ta trong việc xây dựng một tương lai hoà bình.

Tuy nhiên điều đáng buồn, là nếu như giữa người Việt chúng ta với người Pháp hay người Mỹ, hầu những chuyện cũ đã trở thành quá khứ, thì trái lại, giữa nhiều người Việt, xem ra quá khứ vẫn còn che phủ nặng nề trên cuộc sống hiện tại. Tại sao thế? Phải chăng vì người Pháp hay người Mỹ không còn trực tiếp đe dọa hay gây hại gì cho chúng ta, còn chúng ta, sau khi đã cùng nhau đánh đuổi được kẻ ngoại xâm, giành lại được gia tài quốc gia, di sản của cha ông để lại, nhưng chưa thoả mãn được việc chia sẻ quyền lực và quyền lợi giữa chúng ta với nhau. Chuyện đó cũng giống như chuyện những người cùng chung tay góp sức đấu tranh để giành lại chiếc bánh mà kẻ cắp lấy mất, nhưng khi lấy lại được tấm bánh mà chia không công bằng, thì thế nào cũng xảy ra chuyện bất mãn, từ đó sinh ra giành giựt, thậm chí ẩu đả.

Chuyện xã hội luôn luôn là như vậy, và ở đâu, vào thời nào cũng thế: không có công bằng, thì khó có thể có sự hoà hợp. Sự bất công luôn luôn là đầu mối mọi sự chia rẽ, thù nghịch, và sự chia rẽ, thù nghịch là mầm mống của chiến tranh. Có thể người ta kiềm chế được chiến tranh, nhờ biết cách sử dụng sức mạnh của quyền lực, hay thậm chí bằng chính sách đàn áp. Nhưng lịch sự chứng minh không một chế độ độc tài nào tồn tại lâu bền được. Vả lại quyền bính thế gian này không bao giờ vĩnh cửu. Triều đại các vua chúa ngày xưa có kéo dài được vài ba trăm năm thì rồi cũng sụp đổ cách này cách khác, còn các chế độ chính trị ngày nay càng mong manh, dễ dàng sụp đổ nhanh hơn nữa. Có những thủ tướng hay tổng thống cầm quyền chỉ được vài ba tháng, như bên Nhật trong mấy năm vừa qua, bên Ý trước đây cũng vậy…

Ở nước ta hiện nay, vì Đảng cầm quyền là Đảng đã thành công trong công cuộc cách mạng dành độc lập cho tổ quốc. Nhưng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc từ bây giờ và cho đến mai sau, không phải là độc quyền của riêng ai. Tổ quốc là của chung mọi người, thuộc mọi thành phần dân tộc, tôn giáo va khuynh hướng chính trị khác nhau. Nếu chúng ta chỉ tìm kiếm nhân tài trong một dân tộc hay tôn giáo, hoặc một đảng chính trị, mà loại trừ những dân tộc, tôn giáo hay khuynh hướng chính trị khác, thì điều đó có nghĩa là làm nghèo đất nước, phân biệt đối xử và xử sự bất công với cộng đồng dân tộc, gieo mầm mống cho sự bất hoà chia rẽ, và đe doạ chính sự tồn tại lâu dài của chế độ, thậm chí đe doạ chính tương lai của quốc gia.

Vì thế mà chúng ta cần đến dân chủ. Nhưng dân chủ cũng có năm bảy đường. Có thứ dân chủ hình thức, chỉ có trên giấy tờ, khẩu hiệu tuyên truyền. Có thứ dân chủ tập trung, và tập trung ở mức độ khác nhau, chẳng hãn như trong tay một tập thể lãnh đạo có ý thức trách nhiệm, tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân, nhưng cũng có những tập thể lãnh đạo chuyên quyền, chỉ nghĩ đến quyền lợi của một thiểu số nào đó…Thậm chí mấy chục năm về trước, bên Phi châu, có cả những ông tổng thống tự xưng mình là hoàng đế, tự cho phép mình đi mua sắm mà không trả tiền người bán hàng!

Người cầm quyền thường bị cám dỗ bịt tai bịt mắt, hay chỉ thấy, chỉ nghe những lời ca tụng hay nịnh hót, không những thế, còn tự khen mình, khoe khoang, thổi phồng những thành tích phóng to thu nhỏ của mình: thành tích thì phóng to lên, tô màu sặc sỡ, còn những khuyết điểm thì thu nhỏ lại và làm mờ những nét đậm. Thật không gì trơ trẽn chúng ta tự khoe khoang được mọi người yêu mến và tin tưởng, trong khi chẳng mấy ai quan tâm đến chúng ta hay thực sự đã bắt đầu chán ghét chúng ta.

Người lãnh dạo phải là người có tinh thần phục vụ như người nô bộc. Đức Giêsu dạy các môn đệ làm mọi việc đừng bao giờ kể công, trái lại, chỉ coi đó là nhiệm vụ phải làm, và khi làm xong, hãy tự coi mình chỉ là đầy tớ vô dụng. Hồ Chủ Tịch cũng luôn luôn nhắc nhở các cán bộ phải coi mình là đầy tớ nhân dân, nhưng giữa lý tưởng và thực tế luôn có một khoảng cách. Ngoài ra bệnh quan liêu phong kiến chưa bao giờ được diệt trừ vĩnh viễn. Một người bãn cách mạng nói với tôi: bệnh phong kiến đi ra bằng cửa sổ, nhưng lại vào bằng cửa chính. Nhưng ngay cả đến tệ nạn tham nhũng mà nhiều người dân còn chưa dám lên tiếng tố cáo, phương chi lả phê bình thái độ quan liêu, phong kiến cửa quyền! Vả lại quyền tự do ngôn luận tuy có được ghi trong hiến pháp, nhưng không phải ai ai cũng có quyền tự do ấy, và trong thực tế không phải lúc nào cũng được áp dụng thật sự hay đúng đắn! Chính quyền nào cũng có đủ lợi thế và phương tiện ngăn cản hay hạn chế quyền tự do ngôn luận, khi thấy không có lợi cho mình. Bởi vì ngoài hiến pháp, thì còn có các nghị định với thông tư và sắc lệnh mà chính quyền có thể ban hành khi cần thiết.

Nói tóm lại tương quan giữa chính quyền và người dân thật khó có sự bình đẳng, hay nói đúng hơn, quyền dân chủ thường chỉ có trên lý thuyết hay trên giấy tờ, còn trong thực tế, người làm chủ vẫn là người cầm quyền. Chả thế mà người ta sẵn sàng tranh nhau những ghế chủ tịch hay nghị sĩ, dân biểu, dù có tốn tiền tốn của và hao tổn sức lực, còn thân phận dân đen thì đành phải chịu, chứ ai phải tranh cử làm gì!

Vì thế các nhà hiền triết và bậc khôn ngoan luôn luôn kêu gọi những người lãnh đạo dân trước hết phải có chữ tâm, hơn là cậy vào cái tài hay cái đức. Kẻ có tài mà không có đức, không có tâm, thì dễ kiêu căng, và có thể trở thành độc ác. Còn kẻ có đức nhưng không có tài thì lại có nguy cơ phá hoại bằng chính sự nhiệt thành của mình, như Lê Nin đã nói. Cụ Nguyễn Du chẳng nói: ”Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” đó sao?

Nhưng than ôi, ở thời đại chúng ta, có mấy ai còn biết đến chữ tâm nữa đâu, mà hầu như ai ai cũng chạy theo chữ tiền! Thậm chí ngay cả đến chữ tình người ta cũng dễ dàng vứt bỏ đàng sau cái danh cái lợi. Vì thế mà đạo đức xã hội, những giá trị tôn giáo, nhân bản hay văn hoá chẳng cón ý nghĩa gì. Bởi thế nhân dân hiện nay đang phổ biến câu nói mỉa mai:

“Nhân phẩm ngày nay xuống giá rồi,

Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi.

Lương tri bán rẻ hơn lương thực, 

Chân lý. chân giò bằng giá nhau.”

 

Lm Thiện Cẩm OP
Thông tin khác:
GIÁNG SINH - NIỀM VUI LỚN CHO NHÂN LOẠI (24/12/2012)
HÃM MÌNH (22/12/2012)
CHÚA GIÁNG SINH GIỮA NHÂN LOẠI HÔM NAY (21/12/2012)
Chúa sẽ chẳng được chào đời (17/12/2012)
Ý NGHĨA CỦA LỄ GIÁNG SINH : CHÚA NHẬP CUỘC LIÊN ĐỚI VỚI CON NGƯỜI (17/12/2012)
HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA (15/12/2012)
Ca khúc Cánh cửa Đức Tin (14/12/2012)
THIÊN CHÚA ĐỢI CHỜ “Trời cao hãy đổ sương xuống” (11/12/2012)
Yêu thiên nhiên yêu chính mình (30/10/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log