Lèn Hai Vai nhìn từ trên núi Lĩnh Sơn. Ảnh: Trần Hòa |
Lèn Hai Vai ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Lèn là một khối đá tự nhiên khổng lồ có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m, nổi hẳn lên giữa cánh đồng mênh mông. Từ năm 1964, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở lèn xương người hóa thạch, một số công cụ bằng đá và bình gốm. Phát hiện này chứng tỏ lèn Hai Vai có người nguyên thủy sinh sống. Trong cuốn du lịch Đông Dương của một tác giả người Pháp đã xếp lèn Hai Vai là danh thắng đẹp của miền Trung đất Việt. Đứng ở mỗi góc độ người ta nhìn lèn bằng các hình dáng khác nhau. Vùng Lý Trai, Đông Tháp nhìn lèn như tấm bảng đá - vùng này có nhiều người đỗ đạt cao. Vùng Diễn Đồng, Diễn Thái lắm thóc, thấy lèn Hai Vai có dáng người khổng lồ gánh thóc. Vùng Nho Lâm lắm thợ rèn, nhìn lèn Hai Vai như một cái đe, vùng Diễn Thịnh, Diễn Trung lắm người cắt thuốc bắc, thấy lèn giống cái dao cầu. Phía Đông vùng Diễn Hoa phụ nữ thanh lịch lại thấy núi như một cô gái để tóc xõa. Trước đây, ngư dân đi biển xem lèn như ngọn hải đăng.
Lèn Kim Nhan ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, cao 1340 mét, từ thế kỷ XIX đã từng được tiến sỹ Bùi Dương Lịch trong tác phẩm “Nghệ An Ký” viết “Núi nằm ở sách Kệ Trường, xã Tri Lễ tại biên giới phía tây huyện. Mạch của nó chảy từ trong dãy núi lớn lại, đến đó đột nhiên nổi lên một ngọn, đầu nhọn đẹp, cao ngất trời, trông như một búp măng mà xung quanh lại bao bọc bởi các núi nhỏ, lại trông giống một đoá hoa sen, trên cùng có một hang đá, đến gần trông như miệng cá. Hang rất sâu chưa có dấu chân người. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cũng có bài thơ vịnh về núi Kim Nhan trong đó có hai câu: “Thần bút xung tiên bản. Tiên hồ lạc thế gian” (Như ngọn bút trỏ lên trời. Như hồ tiên rời xuống thế gian” và hai câu kết là: “Thu tận tinh anh khí. An Nam tiểu Thái Sơn” (Thu hết khí tinh anh. Thực là núi Thái Sơn nhỏ ở An Nam) bởi như Nghệ An Ký có chép huyền thoại về cái hang trên đỉnh giống như miệng cá mà “xưa này thường có một luồng ánh sáng hồng rọi xuống núi đó, có khi dài như dải lụa, có khi to như tán xe, xuyên từ miệng vào trong hang. Đến gần thì thấy sáng rực trời, lại có khi có tiếng như sấm”.