Văn hóa nghệ thuật

Hành trình tìm kiếm thánh tích của thánh Phêrô

Cập nhật lúc 09:12 12/12/2016
Chuyện gì sẽ xảy ra khi kết hợp một mô típ kịch bản phiêu lưu mạo hiểm kiểu Indiana Jones với lịch sử Giáo hội Công giáo ? Kết quả sẽ là cuộc hành trình vô cùng ấn tượng trong nỗ lực tìm được thánh tích của thánh tông đồ Phêrô, vị giáo hoàng đầu tiên của Công giáo.
CG&DT - Trong cuốn sách có tựa đề St. Peter’s Bones: How the Relics of the First Pope Were Lost and Found . . . and Then Lost and Found Again, tác giả người Mỹ Thomas Craughwell đã trình bày mọi chi tiết kể về cuộc du hành đầy trắc trở của thánh tích thánh Phêrô. Theo lịch sử ghi lại, công cuộc xây dựng nhà thờ đầu tiên vinh danh vị thánh này được triển khai dưới thời đại đế La Mã Constantine I, vào khoảng năm 318 đến 322, và mất 30 năm mới hoàn công. Nhà thờ được cho là xây trên mộ của thánh Phêrô sau khi ngài tử vì đạo vào năm 64.

Lịch sử thăng trầm

Do Rome lúc đó là kinh đô của đế quốc La Mã, thánh Phêrô cùng với thánh Phaolô đã đến thành phố này để rao giảng và truyền bá đức tin trong những năm đầu của thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Tuy nhiên, các tín hữu Kitô giáo đời đầu thường bị hành quyết bởi đức tin của họ, và các thánh tông đồ cũng không phải ngoại lệ. Theo lịch sử Công giáo, vào năm 64, thánh Phêrô đã bị lính La Mã bắt, lôi đến một trong những trường đấu lớn nhất Rome và treo ngược ngài trên thập tự giá cho đến chết.

 

Thi thể của vị thánh đã bị chôn bên ngoài các bức tường của trường đấu, ở phía gọi là đồi Vatican, chôn một cách sơ sài trong nấm mồ nhỏ. Trong cuốn sách tựa đề “The Vatican Diaries”, tác giả John Thavis ghi lại ngôi mộ của thánh Phêrô đã trở thành điểm hành hương phổ biến. Gần 300 năm sau, vị đại đế theo đạo Kitô đầu tiên của La Mã, Constantine I tuyên bố khởi công xây dựng một nhà thờ vĩ đại trên nơi chôn cất thánh Phêrô, lúc đó nấm mồ đã được cải biến thành một ngôi đền nhỏ. Được xây dựa trên ngôi mộ của thánh tông đồ, Vương Cung Thánh Đường đầu tiên của thánh Phêrô đã được lồng vào nhà thờ ban đầu ở phần bệ thờ. Tuy nhiên, khi công trình này được hoàn thành, những chi tiết về mộ phần thực sự của thánh Phêrô đã bị rơi vào quên lãng.

Manh mối

Dù vẫn xác tín thánh tông đồ Phêrô được chôn bên dưới Vương Cung Thánh Đường cùng tên, nhưng cho đến gần cuối thập niên 1930, các giáo sĩ thật sự không nắm trong tay bất cứ bằng chứng xác thực nào để khẳng định một cách chắc chắn. Kế đến, vào năm 1939, Đức Giáo Hoàng Piô XII bí mật truyền lệnh khởi động dự án khai quật đầy quy mô sau khi phát hiện được một ngôi mộ cổ từ thời La Mã bên dưới khu vực chôn các giáo hoàng. Nhóm chuyên gia khảo cổ nhanh chóng xác định nơi đây không chỉ có một ngôi mộ mà là cả thành phố của người chết.

Sau nhiều tháng đào bới khổ nhọc và tỉ mỉ, các chuyên gia đến được khu vực đặt những ngôi mộ cổ hơn, gần đoạn nằm bên dưới gian thánh lớn. Ngay bên dưới bệ thờ, họ phát hiện một nơi chôn cất rộng hơn, và tường được sơn màu đỏ. Trong một hốc sát bức tường đỏ, các nhà khảo cổ tìm thấy xương của một người đàn ông. Học giả người Hy Lạp Margherita Guarducci tìm được chữ khắc gần ngôi mộ có nội dung “Petros eni”, và giải mã được nó có nghĩa là “Phêrô ở đây”. Khi biết được một người trong đội tìm thấy một số mẩu xương bên trong cái tráp nhỏ và để chúng vào hộp đựng giày cất trong tủ chén, bà lập tức báo cho Đức Giáo Hoàng và yêu cầu tiến hành xét nghiệm các mẩu xương tìm được. Kết quả phân tích cho thấy bộ xương thuộc về một người đàn ông khỏe mạnh ở độ tuổi 60-70, có chiều cao cỡ 1,68m. Sau đó Đức Thánh Cha tuyên bố đây chính là thánh tích của Thánh Phêrô.

 

Vào năm 1971, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI được trao hộp đựng hài cốt chứa những mẩu xương này, và bảo tồn trong một nhà thờ dành riêng cho các Đức Giáo Hoàng. Hằng năm, cứ vào ngày 29.6, tức lễ thánh Phêrô và Phaolô, Đức Giáo Hoàng tại vị lại tỏ lòng tôn kính thánh tích, cho đến khi Đức Phanxicô quyết định công khai thánh tích quan trọng trong một buổi lễ diễn ra tại quảng trường thánh Phêrô hồi cuối năm 2013. Đây cũng là lần đầu tiên Tòa Thánh trưng bày trước công chúng thánh tích của vị giáo hoàng đầu tiên. Tổng cộng có 9 mẩu xương nằm trong một chiếc hộp được mở ra trước đám đông tín hữu. Tờ L’Osservatore Romano cho hay có khoảng 8,5 triệu người hành hương đã cầu nguyện trước thánh tích trong năm đó.

LINH LANG

 

Về dự án khảo cổ dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô XII, cần lưu ý là các bậc tiền nhiệm của Đức Thánh Cha trước đó không hề triển khai bất cứ cuộc khai quật nào tại đây, một phần do lời nguyền 1.000 năm đã được ghi nhận trong các văn bản và tài liệu tôn giáo. Nội dung của lời nguyền là đe dọa vận rủi sẽ ập đến cho bất kỳ ai dám cả gan phá rối sự yên nghỉ của thánh tông đồ Phêrô, theo thông tín viên kỳ cựu của Vatican là ông Bruno Bartoloni trình bày trong cuốn sách “The Ears of the Vatican”. Tờ L’Osservatore Romano đã cho đăng một số đoạn trích từ quyển sách cách đây vài năm, một động thái cho thấy phía Vatican cũng xác nhận có sự tồn tại của lời nguyền này.
Thông tin khác:
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: INRI (12/12/2016)
Ý nghĩa biểu tượng Thánh giá (09/12/2016)
Thánh Augustinô (30/11/2016)
Thánh Simon và Giuda Tông đồ (24/11/2016)
Thánh Philipphê và Giacôbê Hậu Tông đồ (14/11/2016)
Thánh Anrê Tông đồ (03/11/2016)
Thánh Phaolô Tông đồ (02/11/2016)
Thánh Phêrô và đền thờ vĩ đại nhất Rôma (19/10/2016)
Thánh Gioan Tông đồ (10/10/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log