Ông còn có tên thường gọi khác theo tiếng Do thái là Simon. Ông là anh trai của Tông đồ Anrê cùng là con của ông Giona. Ông sinh ở làng Bethsaida một thị trấn miền Galile, bên bờ biển Tiberia thuộc Palestine. Vì vậy, gia đình ông và cả bản thân ông cũng làm nghề chài lưới để sinh sống. Ông có gia đình, vợ, con. Ông có bà mẹ vợ được Chúa chữa lành khi ốm nặng (Mt 8, 14-15). Vợ ông cũng chịu tử đạo trong thời cấm cách. Ông là người luôn đi sát Đức Giêsu, vì vậy được chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của Chúa như việc Chúa đi trên mặt nước, cho con gái ông Giairô sống lại, Chúa Hiển linh…Khi quân Pharisiêu đến bắt Chúa, ông đã rút gươm ra chém đứt tai một tên lính và bị Chúa mắng, phải tra gươm vào vỏ. Cũng trong đêm Chúa bị đưa ra luận tội, ông đã chối bỏ Chúa ba lần nhưng Chúa đã cảnh báo trước và ông hối hận vô cùng. Theo Niên giám Tòa Thánh năm 1830 thì thánh Phêrô làm Giám mục Rôma năm 42 tuổi và ngồi trên ngai Giáo hoàng đầu tiên của Hội Thánh Công giáo tới 25 năm. Tháng 8/64, Hoàng đế Nero bắt đầu bắt bớ tín hữu Công giáo rất quyết liệt. Thánh nhân cũng trốn chạy khỏi thành Rôma. Khi đang trên đường chạy trốn ở Apnia gần Capenau, ông gặp Chúa đang vác Thánh giá đi ngược chiều với ông. Ông hỏi: Quovadis, Domine? (Thưa Thày, Thày đi đâu?). Đức Giêsu đáp: Ta vào thành Rôma để chịu đóng đinh lần nữa. Ông hiểu ý, liền quay trở lại và chịu kết án đóng đinh vào thập giá. Nhưng theo tương truyền, ông nghĩ mình tội lỗi nên không xứng đáng được đóng đinh như Chúa. Ông xin đóng đinh ngược và được chấp thuận. Ông bị xử tử hình ở hý trường Caligula trên đồi Vatican. Giáo dân phải cất giấu thi hài ông ở trong hang toại đạo và nơi ông bị đóng đinh, ngày nay, người ta đã xây dựng Vương cung thánh đường lớn nhất Rôma. Đó là Vương cung thánh đường thánh Phêrô, biểu tượng của Vatican và của Giáo hội Công giáo hoàn vũ.
Vương cung thánh đường này được xây dựng ngày 18/4/1566 và hoàn thành ngày 18/11/1626. Đây là kiến trúc điển hình của thời Phục hưng và cũng là của kiến trúc Công giáo. Trước đó, ngay trên nơi thánh nhân tử đạo, vào năm 77-78, Đức Giáo hoàng Anacleto cho xây dựng nhà nguyện kính thánh nhân. Năm 324, Hoàng đế Constanito cho xây dựng nhà thờ lớn. Ông cho san bằng nghĩa trang Vatican để lấy mặt bằng. Giáo hoàng Silvesto đã thánh hiến năm 326. Nhà thờ có chiều dài bằng 2/3 nhà thờ hiện nay. Nhà thờ tiếp tục hoàn thiện năm 329.
Đến năm 1308, các Giáo hoàng vẫn cư ngụ trong dinh thự gần thánh đường Gioan Letrano. Khi quân Pháp đánh chiếm Italia, cưỡng bức các Giáo hoàng đưa về Avigon cho đến tận năm 1357. Đến năm 1452, nhà thờ xuống cấp nghiêm trọng nên Giáo hoàng Nizola đã quyết định xây nhà thờ mới. Công việc được trao phó cho Kiến trúc sư Bernado Rossellino nhưng vì không thống nhất được phương án thiết kế nên năm 1546, công việc được giao cho Michelangelo. Nhà họa sĩ, kiến trúc sư tài ba này qua đời, các kiến trúc sư P. Ligorio, G. della Porta, D. Fantana tiếp tục công việc.
Nhà thờ được xây dựng trên diện tích 15.160m2, vượt xa nhà thờ chính tòa Minalo 11.700m2, nhà thờ Đức Bà Paris 5.466m2. Nhà thờ dài 211,50m, rộng 46,20m, chỗ rộng nhất 137,50m2. Mái tròn cao 132, 50m, chu vi mái tròn 42m. Nhà thờ có treo quả chuông nặng 9,3 tấn, chu vi 5,50m. Trên sân thượng có một loạt tượng cao 5,70m như Đức Giêsu, thánh Gioan Tiền hô, 11 thánh Tông đồ nhưng không có thánh Phêrô.