1. Kiến trúc sư Dũng lạc TRẦN TRUNG KIÊN
Đôi nét thân thế và sự nghiệp
Kiến trúc sư giúp thiết kế kỹ thuật ngôi Đền Tam Thánh là Dũng Lạc Trần trung Kiên. Tên thánh và tên gọi đã nói lên lòng yêu mến của anh đối với các thánh Tử đạo và tâm tình đối với quê hương dân tộc.
Tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc Hà nội, lập ra công ty Song Thịnh, anh đã tham gia vào việc xây dựng và tái thiết nhiều nhà thờ, thiết kế các nhà thờ theo phong cách dân tộc, đặc biệt là Đền thánh Nguyễn Đích ở Chi long và Đền Tam Thánh tại Quần Cống. Hiện anh đang tham gia cuộc thi thiết kế Trung tâm Thánh Mẫu Lavang.
Kiến trúc sư Andre Dũng Lạc Trần trung Kiên.
Sinh năm 1975.
Quê quán: Giáo xứ Phùng khoang - Từ liêm- Hà nội
Năm 1999 Tốt nghiệp khoa kiến trúc trường đại học Xây dựng HN
Năm 2003 Tốt nghiệp thạc sỹ kiến trúc với đề tài “Nhà thờ Công giáo xây dựng sau năm 1975”.
Năm 2004-2010 hành nghề kiến trúc trong công ty Cổ phần Song thịnh.
Các công trình tôn giáo tiêu biểu đã thực hiện:
Năm 2006: Thiết kế kiến trúc nâng cấp cung thánh nhà thờ Cửa Bắc Hà Nội
Năm 2007:Thiết kế kiến trúc nhà thờ Giáo xứ Bảo Long- Bình lục Hà Nam
Qui hoạch chi tiết cảnh quan Giáo xứ Tân Độ- Phú Xuyên HN .
Năm 2008: Qui hoạch tổng thể thiết kế kiến trúc Đền Nhất gia Tam Thánh Giáo xứ Quần Cống Giáo phận Bùi chu.
Thiết kế kiến trúc Nhà thờ giáo họ Trung Chí giáo xứ Hàm long
Năm 2009: Thiết kế kiến trúc Nhà thờ giáo họ Đình Quán giáo xứ Cổ nhuế
Nhà thờ giáo họ Tân Lạc Giáo xứ Hàm long
Năm 2010: Phương án thiết kế nhà thờ Giáo xứ Bằng Sở
Tham gia cuộc thi thiết kế Trung tâm Thánh Mẫu La vang.
Cảm tưởng về Đền Tam Thánh Quần Cống:
PV : Xin Kiến trúc sư cho biết cảm tưởng về Đền Tam Thánh.
TTK : Được tham gia công trình Đền “ Nhất Gia Tam Thánh” tôi được gặp gỡ tiếp xúc với Đức Cha và Quý Cha, con xin chân thành cảm ơn các Ngài đã tin tưởng tạo điều kiện cho con được góp một phần nhỏ bé công sức vào công trình này.
Khi đi vào công trình với những vị hữu trách, tôi đã cảm nhận được tình yêu quê hương và mong muốn xây dựng môt ngôi đền thật đơn sơ giản dị nhưng chứa đựng chiều sâu tâm hồn, Các ngài mong muốn ngôi đền vừa mang dáng dấp quê hương vừa diễn tả niềm tin anh hùng của các bậc tiền nhân. Ba tầng mái cong, hàng cột hiên anh dũng, đỉnh chóp hình chiếc nón, nói lên công đức và sự che chở của ba thánh tử đạo Trọng Tả, trọng Khảm, Trọng Thìn ….
Từ ý tưởng ban đầu với hiện trạng khu đất ngôi đền được đặt vào trung tâm khu đất và toạ bắc hướng nam. Mặt chính ngôi đền nhìn vào phía, hông bên trái Nhà thờ.Bên phải Đền là hồ nước “Đức Hải”, bên trái là núi Sọ. Từ lưng chừng núi tuôn ra một dòng thác đổ nước xuống chân núi. Phía sau đền có bức tường ốp bằng đá tự nhiên cao 5m dài 24m. Trên tường gắn tám bức phù điêu diễn tả điển tích các Thánh tự đạo. Một dòng suối chảy từ chân núi Sọ ra phía sau đền với ý nghĩa mang ân sủng của Thiên chúa ,khi qua bức phù điêu có ba ngọn thác nhỏ đổ xuống kết hợp với dòng suối đổ ra hổ nước. Trên diện tích gần 600m2 hồ Đức Hải được tạo hình giống như bàn chân, dấu ấn của tình yêu nơi thiên chúa đã ngự trị nơi đây.
Tổng thế đền gồm ba tầng( Thiên-Địa-Nhân) và nâng cao lên 3.5 m so với cốt nền để tạo được sự uy nghi cũng như bớt cảm giáo quá cận của ngôi đền với nhà thờ xung quanh tầng đế vuông chân đền được đắp các đồi đất thoải ra phía ngoài tạo cho khung cảnh thật tự nhiên và hài hoà. Đường vào nằm chính giữa phía giữa đường là một bức bình phong bằng đá khối tự nhiên với dòng chữ khắc ‘Đền Nhất Gia Tam Thánh” hai bên lối vào vào phía tay phải và trái là 2 khối đá khắc chữ một bên là tiểu sử của ba vị Thánh tự đạo, một bên là danh sách các ân nhân từ khắp nơi đóng góp xây dựng. Con đường vào được lát đá so le cong sang hai bên gợi nhớ hình ảnh con đường làng thân thuộc các thôn quê miền Bắc, dọc hai bên đường là những hàng chum trồng những cây cau lùn đan xen là những chiếc đèn đá….. Tiến thẳng vào khách hành hương thấy một bức bình phong với dòng nuớc phun ra từ chiếc chum lớn. Qua 4 lần với mỗi nhịp là ba bậc quanh co ta sẽ lên tới tầng thứ nhất của Đền Tam Thánh. Tầng này hình vuông tượng trưng cho “đất” mỗi cạnh dài 18m phía mép ngoài là những bồn cây với những hàng vạn tuế rất trang nghiêm. Bốn góc là bốn bồn cây lớn mỗi cạnh dài 2m xứng hợp với những cây đại cổ thụ. Mặt ngoài bồn cây được ốp đá tự nhiên Nghệ an hình chữ công. Tại mỗi cạnh phía ngoài của bồn có mảnh phủ điêu 30x30cm mang hoạ tiết cuộn dây thừng uốn thành vòng nguyết quế. Ngoài đường chính lên tầng thứ nhất còn 2 con đường bên tả từ phía ngọn núi Sọ, và bên hữu là con đường bằng đá hộc đi thằng ra hồ nước. Tận cùng con đường ở sát mép hồ cây đa xinh xắn mọc bên cạnh chiếc chum đặt dưới hồ. Cảnh quan này gợi nhớ đến cầu ao làng khi xưa và chiếc chum đã được bà Nhiêu Côn giấu Đức cha Sampedro Xuyên khỏi sự bắt bớ của triều đình…
Phía trước ngôi đền tầng 2 đặt một lư hương lớn bằng đá tự nhiên. Để tiếp tục đi vào đền, khách hành hương dùng lối đi hai bên qua năm bậc đá lên tới tầng thứ hai. Tầng này hình tròn tượng trưng cho” nhân”. Bệ tầng này xây dựng trên các khối đá tự nhiên xuất xứ từ Thanh hóa với hoạ tiết hoa sen cao 75cm. Xung quanh tầng gồm tám cột tròn ốp đá granit tự nhiên mầu đỏ lấy từ Bình định mang ý nghĩa “bát phúc”. Giữa các hàng cột đá là hàng lan can cuốn quanh và chia làm ba đoạn. Giữa các đoạn là các trụ cột mang hoạ tiết dây thừng. Hàng lan can được hoạ sỹ tạo hình chim lạc. Toàn bộ bằng đá tự nhiên trắng được gia công rất công phu… Tầng này như một hàng hiên gợi nhớ đến nét xưa trong các ngôi nhà dân gian.
Đi dọc theo hàng hiên về phía trước là ba cửa gỗ để bước vào tầng cuối hình tròn tượng trưng cho “ Thiên “. Cửa được thiết kế kiểu “bức bàn” với bốn cánh cong ,trên các pa nô cửa là phù điêu người thợ gieo và gặt lúa. Với nội dung “ Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong vui sướng, ai gieo trong nước mắt sẽ về giữa tiếng cười”.
Để bước vào vào trong tín hữu phải bỏ dép bên ngoài và bước qua bậu cửa, không gian này rất trang nghiêm những cũng rất gần gũi, chính giữa nền nhà lát gỗ là một bước phù điêu bằng đá hình trống đồng. Toàn bộ vách xung quanh được ốp gỗ phía giữa tầng hai và tầng ba mái là hệ thống tranh kính lấy sáng. Phần trần của đền là hình tượng chiếc nón lá được ốp bằng gỗ tự nhiên. Tượng ba thánh tạc bằng gỗ được đặt trang nghiêm ở giữa là Thánh Đa minh Phạm trọng Khảm mặc áo mầu đỏ bên tả là thánh Luca Phạm trọng Thìn bên hữu là Thánh Giu se Phạm trọng Tả phía trước tượng ba vị thánh có đặt xương các Ngài.
Tổng thể đền là một quần thể kiến trúc khá chặt chẽ về mặt bố cục mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là điểm nhấn cảnh quan cho giáo xứ và thật là ý nghĩa khi kỷ niệm 150 năm ngày Tam Thánh quê hương được phúc tử đạo và cũng là Năm Thánh của Giáo hội Việt nam. Công trình hội tụ tư tưởng mà những người chủ trương muốn gửi gắm cho giáo dân Quần cống nói riêng cũng như Giáo hội Việt Nam.
2. Họa sĩ Giuse TRẦN THANH BÌNH
Đôi nét thân thế và sự nghiệp
Sinh năm 1969
Hiện là giáo dân thuộc giáo xứ Tân Phú – tổng giáo phận Tp.HCM
Hội viên Hội Mỹ Thuật Tp.HCM – Chuyên ngành trang trí mỹ thuật.
Năm 1997, mở triển lãm Tranh Sơn Dầu Công Giáo, lần đầu tiên tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Đồng Tiến – Quận 10 – Tp.HCM) với chủ đề: “Đức Giêsu Kitô”. Đức Cha Phaolo Nguyễn Văn Hòa – nguyên Giám mục giáo phận Nha Trang, Chủ tịch Ủy Ban Giám mục về Phụng Tự - đã tới cắt băng khai mạc phòng tranh và có những lời động viên, khích lệ.
Năm 1998, triển lãm tranh tượng với đề tài “Hướng về Chúa” tại nhà thờ giáo xứ Mai Khôi (quận 3 – Tp.Hồ Chí Minh). Cuộc triển lãm này nói lên tinh thần hội nhập văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật, đã được nhiều người quan tâm, đài phát thanh Vatican và hãng tin UCA News đã có bài bình luận.
Năm 2001 đến 2002, trang trí nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm, thuộc phường Lộc Tiến – thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đây là một công trình Việt hóa kiến trúc và mỹ thuật theo nguyện vọng của cha xứ và giáo dân trong xứ. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, khi đó đang làm Giám mục giáo phận Đà Lạt, đã tới thăm công trình và có lời khen là : “Công trình Nhà thờ Thánh Tâm- Lộc Tiến là Viên Ngọc Quý của Giáo phận Đà Lạt “
- 2003 Thiết kế trang trí Nhà thờ Ninh Bình thuộc Giáo Phận Phát Diệm, do Đức Cha Giu-se Nguyễn Văn Yến, Nguyên Giám Mục Phát Diệm chủ sự. Đây là một công trình tầm cỡ của GP Phát diệm trong thời đại mới, tọa lạc tại trung tâm Tp Ninh Bình, tỉnh Ninh bình.
-2003 > 2004 Phụ trách công trình Nhà thờ chánh tòa GP Lạng sơn, do Đức Nguyên TGM Giu-se Ngô Quang Kiệt lúc đó làm GM Giáo phận Lạng Sơn- Cao Bằng khởi xướng. Một công trình mang đậm bản sắc văn hóa Miền cao nguyên Đông Bắc Bộ, để lại cho người thưởng lãm nhiều ấn tượng nghệ thuật linh Thánh, được sắp xếp hòa quyện với văn hóa Cao nguyên.
-2008- 2009 Trang trí Đền Nhất Gia Tam Thánh GX. Quần Cống (Nam định).
Năm 2009 Phụ trách Nghệ Thuật Thánh tại Trung Tâm Sở Kiện thuộc TGP. Hà nội. Quy họach sân vườn cây cỏ và Tượng đài Thánh An-rê Dũng Lạc, sắp xếp phòng tranh và nhà Thánh Tích, đặc biệt là trang trí Di tích Các TTĐVN. Chuẩn bị cho Đại Lễ MỪNG NĂM THÁNH GHCGVN. 2010. Diễn ra vào ngày 23- 24 tháng Mười một, năm 2009.
Cảm tưởng về Đền Tam Thánh
PV:.Xin họa sĩ cho biết cảm tưởng khi được mời tham gia công trình đền Tam Thánh Quần Cống ?
TTB: Thật là vui mừng khi tôi được Đức Nguyên Tổng Giám Mục Hà nội Giu-se Ngô Quang Kiệt mời tham gia trang trí công trình Đền Nhất Gia Tam Thánh tại giáo xứ Quần Cống (Nam định). Tôi nghĩ đây là một dịp rất tốt để tồi có cơ hội suy tư và trình bày về Ba Vị Thánh Tử Đạo theo phong cách nghệ thuật, đồng thời cũng là một cách để giới thiệu đời sống chứng nhân của các ngài cho mọi người. Về phần Đức Nguyên Tổng Giám Mục, mặc dù bận rộn nhiều công việc, ngài vẫn quan tâm tới việc xây dựng ngôi đền dâng kính Tam Thánh.
Trước đây, tôi đã vẽ được vài bức tranh có nội dung ca tụng các Thánh Tử Đạo Việt nam, nhưng khi xin phép triển lãm tại mấy xứ đạo ở Tp HCM vào năm 1997-1998, Ban Tôn Giáo TP nói là không nên trưng bày những bức tranh có đề tài như thế này. Nay cơ may xẩy đến, tôi vội nắm lấy và ra công thực hiện.
PV : Để hoàn thành việc trang trí Đền Tam Thánh, họa sĩ đã có những bước chuẩn bị về tư tưởng và mục đích nghệ thuật như thế nào?
TTB: Dĩ nhiên, phải tham khảo ý kiến các vị hữu trách, ý muốn của ĐGM, các nhà có chuyên môn, các họa sĩ điêu khắc nhất là kiến trúc sư Trần Trung Kiên, tác giả bản vẽ kiến trúc ngôi Đền, rồi thăm dò ý kiến giáo dân trong xứ tôn trọng những ý kiến khác nhau, rồi từ đây tìm ra những điểm tương đồng để bàn thảo và bắt đầu khởi công. Nhưng điều quan trọng hơn là cầu xin Tam Thánh soi sáng và giúp đỡ cho trong suốt quá trình lao tác.
PV : Xin họa sĩ cho biết một số những tâm đắc khi thực hiện Đền Tam Thánh.
TTB: Về việc này, tôi xin nhường lời cho những ai yêu thích Nghệ Thuật Thánh. Tôi đã hết sức cố gắng, nhưng chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót.
Về “Đền Nhất Gia Tam Thánh” đã trải qua rất nhiều lần bàn thảo, cuối cùng mọi người đã đi đến quyết định về cấu trúc là đền có ba mái xếp chồng lên nhau với những khoảng cách, ngầm nói lên ý một gia đình có ba người làm thánh. Từ đó suy ra và trình bày nghệ thuật như sau : những cuộn dây thừng tượng trưng cho việc xử giảo, những cánh chim Lạc Việt bay lượn có ý nói đến vật tổ Lạc Hồng, thân đền hình tròn, bệ đền hình vuông ngầm chỉ lễ tế Giao hòa…
PV : Sau khi hoàn thành Đền Tam Thámh, họa sĩ có tâm tình nào đối với Tam Thánh?
TTB: Thật là xúc động khi thấy từng đoàn người tham gia các buổi cầu nguyện và chầu Thánh Thể cách sốt sắng, diễn ra từ 5 giờ sáng tới 17 giờ chiều mỗi ngày, không riêng trong xứ mà cả các xứ lân cân cũng tham gia. Ngoài ra có cả những người không Công giáo cũng tới thăm viếng, cầu xin.
Câu truyện sống Đạo và Tử Đạo của các ngài đã khiến nhiều người cảm phục. Ba Vị xứng đáng hưởng chức quyền danh vọng, nhưng chỉ vì xưng mình là có người có đạo và mạnh mẽ tuyên xưng Danh Đức Giê-su Ki-tô, lại kêu gọi mọi người đừng bỏ Đạo, nên mới phải chết nhục nhã như những tên tội phạm..
PV : Họa sĩ có tâm tình nào với giáo xứ và giáo dân Quần Cống?
TTB: K hi vừa tới Quần Cống, hai cây tháp cổ nhỏ bé nhưng rất duyên dáng theo cung cách Việt nam đã làm cho tôi rất hứng thú.Những tháp đó phảng phất các nét kiến trúc ở cửa Bắc hoặc cửa Nam của thành cổ Thăng long. Bộ mái cong nhấp nhô đứng hiên ngang giữa sân chính nhà thờ. Sau này tôi mới biết đó là bộ tháp được xây dựng ngay sau thời cấm đạo một thời gian.
Khi tìm hiểu làng Quần Cống, tôi được biết làng có trên ba trăm năm lịch sử được ghi trong sắc phong của đình làng từ thời vua Lê Chân Tông năm 1637. Theo lời kể của các tín hữu, Giáo xứ Quân Cống có truyền thống đạo đức và hiếu học từ lâu đời. Cha chánh xứ và ban hành giáo đã giúp tôi có những điều kiện thuận lợi để công việc được sớm hoàn thành. Khi xây dựng đền Tam Thánh, tôi nhận thấy bà con rất nhiệt tình ủng hộ, nhiều người bỏ việc nhà, ra làm việc chung, như đào đất làm đồi trồng cỏ, tưới cây quét dọn, đặt việc chung lên hàng đầu.
Ước mong Giáo xứ Quần Cống luôn giữ vững được tinh thần đạo đức truyền thống đã có từ thời xa xưa. Lại cũng mong rằng ngôi Thánh Đường Giáo Xứ đang được sửa sang nâng cấp, sẽ tạo ra được một cảnh quan hài hòa giữa Nhà Thờ với Đền Tam Thánh.
V. CẢM TẠ
Ngoài kiến trúc sư và họa sĩ, còn biết bao người cộng tác vào công trình xây dựng.
Có những người góp của như danh sách sau đây :
1. Bác sĩ Giuse Tạ tiến Phước (Hà nội)
2. Ông bà Giuse Nguyễn văn Loan và gia đình (Dallas)
3. Anh chị Giuse Nguyễn văn Hải (Dallas)
4. Bà Maria –Tê rê xa Lê thị Liên và các con (Dallas)
5. Bà Maria Phạm thị Kính (San Jose)
6. Ông bà Giuse Ngô phong Hải (San Jose)
7. Ông bà Đôminicô Phạm ngọc Long (San Jose)
8. Anh chị Giuse Phạm đức Vượng (San Jose)
9. Ông bà Giuse Ngô quang Tín (Houston)
10.Anh chị Đôminicô Nguyễn thế Cảnh (Wichita)
11.Ông bà Phê rô Phạm văn Ngạc (San Diego)
12.Anh chị Phê rô Phạm văn Ngự (Los Angeles)
13.Cô Maria Phạm thị Huê (San Diego)
14.Bà Maria Trần thị Phượng (San Diego)
15.Ông bà Giuse Phạm viết Tòng (Sydney)
16.Ông bà Frank Harrit (Denver)
17.Cụ Maria Phạm thị Rườm (Denver)
18.Chị Maria Đỗ phương Hồng (Dallas)
19.Bà Maria Phạm thị Lan (Dallas)
20.Bà Maria Phạm thị Kim Dung và các con (Dallas)
21.Ông bà Giuse Trần đình Căn (Quần Cống)
22.Ông Bà Giuse Ngô ngọc Khiết ( San Jose)
23.Bà Maria Phạm thị Liễu (Oklahoma)
24.Bà Tê rê xa Nguyễn thị Vóc (Oklahoma)
25.Cô Tê rê xa Nguyễn Julie (Oklahoma)
26.Ông bà Batolomeo Nguyễn văn Tuyền ( Arkansas)
27.Hội Đồng Hương Quần Cống (Orange)
28.Ông bà Phê rô Trần văn Đoàn (Nam định)
29.Ông bà Phê rô Trần viết Đảng (Nam định)
30.Ông bà Dominic Nguyễn H. Chính (New Hampshire)
31.Anh Dominic Nguyễn H. David (New Hampshire)
32.Ông bà Phê rô Nguyễn thanh Bình ( Nghệ an)
33.Ông bà Giuse Ngô văn Thuyết (Kiên giang)
34.Ông bà Giuse Phạm công Chẩn (Quần Cống)
Có những người góp công. Công lớn nhất là của toàn dân xứ trong công tác chuẩn bị mặt bằng, vận chuyển vật liệu, lao động vệ sinh, đổ móng nền… Mỗi khi có công tác chung, mọi người trong giáo xứ đều tích cực tham gia đông đảo nói lên lòng yêu mến đối với các vị thánh quê hương và lòng nhiệt thành xây dựng giáo xứ.
Để công trình thành hiện thực, cần nhờ biết bao bàn tay lao động trực tiếp của các hiệp thợ : thợ hồ, thợ đá, thợ mộc. Tất cả các hiệp thợ đều lao động với một tinh thần làm việc nghiêm túc và lòng yêu nghề say sưa, đã xây dựng ngôi đền không chỉ bằng công sức tài năng mà còn bằng tất cả tâm hồn.
Để trang trí cho khuôn viên ngôi đền, nhiều nơi và nhiều người đã hiến tặng những cây cỏ quí giá. Điển hình là giáo xứ Tân độ, tổng giáo phận Hà nội đã tặng Đền Tam Thánh những cây cổ thụ rất giá trị.
Ngoài ra còn rất nhiều đóng góp không thấy được. Đó là biết bao ý kiến góp phần làm đẹp ngôi đền. Những lời khích lệ động viên giúp công trình xây dựng thêm mau chóng. Và sau này, biết bao lời cầu nguyện hằng ngày dâng lên Chúa Giê su Thánh Thể trong những giờ chầu. Biết bao lời khẩn cầu nhờ trung gian của Tam Thánh Quê Hương. Tất cả làm nên giá trị thiêng liêng của ngôi đền. Tất cả làm nên sức sống của giáo xứ. Thật đẹp vì ngôi đền đã xây dựng tinh thần giáo xứ, làm cho mọi người thêm gần gũi nhau và mở rộng tấm lòng để đóng góp vào việc chung. Từ ngôi đền vật chất đang dần hình thành những ngôi đền thiêng liêng trong tâm hồn từng người giáo dân trong và ngoài xứ đạo. Đó chính là những ngôi đền có vẻ đẹp không gì so sánh được và vững bền mãi mãi.
Chúng con tạ ơn Chúa đã thương ban cho chúng con xây dựng được ngôi đền đẹp đẽ. Chúng con tạ ơn Tam Thánh Quê Hương đã phù trì chúng con. Xin tạ ơn Đức TGM Giuse, Cha Xứ Gioakim, Quý Cha Đồng Hương, kiến trúc sư, họa sĩ, các hiệp thợ, các vị ân nhân và tất cả mọi người đã góp phần xây dựng ngôi đền đáng quí này. Chúng con nguyện hứa cố gắng rèn luyện đức tin, đức cậy, đức mến, xây dựng giáo xứ theo tinh thần Phúc âm, xứng đáng là con cháu của Tam Thánh Quê Hương Quần Cống.