Trên đời, có những con người thích sống ảo ảnh, mơ mộng hơn sống thực. Như cô gái say mê sắc đẹp và tưởng mình là thiếu nữ trong tranh. Thực chất chẳng ai ngó ngàng gì mình. Người nào tự phong mình là hủy mình, triết học gọi là “vong thân”. Đúng như lời Chúa Giê-su dạy: “Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Mt 23, 12).
Qua câu chuyện giả tưởng sau đây, cũng đã giải tỏa cho tôi thắc mắc từ thưở nhỏ và đến bây giờ vẫn giúp tôi suy niệm thường xuyên: Khi Đức Maria và Thánh Giuse đang trên đường đến Belem, thiên thần hiện ra với dàn súc vật để chọn lấy một con có thể gúp đỡ Thánh gia. Sư tử tình nguyện trước. Nó nói: “Chỉ có tôi là chúa sơn lâm đáng phục vụ người cai trị thế giới. Tôi sẽ xé xác kẻ nào đến gần hài nhi”
Thiên thần nói:
- Bạn hùng hổ quá.
Cáo tinh khôn theo dõi và với vẻ mặt vô hại, nó nói:
- Tôi sẽ hết sức cung phụng trẻ Giê-su, mỗi sáng tôi sẽ bắt một con gà cho mẹ Ngài.
Thiên Thần nói với cáo:
- Bạn xảo quyệt quá.
Rồi chú công đến khoe mầu sắc tuyệt vời của cái đuôi. nó nói:
- Tôi sẽ trang hoàng ngôi nhà nhỏ bé này đẹp hơn cả đền thờ Salomon”.
Thiên thần nói:
- Bạn hão huyền quá.
Nhiều con khác đến và cũng muốn giúp đỡ, nhưng không con nào được chọn. Sau cùng thiên thần rảo mắt nhìn quanh và thấy một con lừa và một con bò đang làm việc với một bác nông dân. Thiên thần gọi chúng lại và hỏi:
- Các bạn có giúp đỡ Thánh gia không?
Lừa cụp tai xuống trả lời:
- Không có gì. Chúng tôi chả được học hành, càng cố học càng dốt, nhưng chúng tôi bé nhỏ và kiên nhẫn.
Bò ngượng ngùng tiếp lời:
- Vâng, có lẽ chúng tôi chỉ có thể làm được một vài việc nhỏ như lấy đuôi đuổi ruồi muỗi thôi.
Thiên thần mừng rỡ, phấn khởi nói:
- Được lắm, tôi cần hai bạn.
Câu chuyện trên thực tới đâu không rõ, nhưng tự hỏi tại sao hai con bò lừa, mà không con nào khác? Và tại sao Chúa Giê-su mượn con lừa để dân chúng tung hô Chúa là vua, long trọng rước vào thành Giêrusalem để chịu thương khó và chết trên Thập giá? Bò lừa là loài hèn, luôn bị loài người chê ngu dốt như bò lừa.
Xã hội không thiếu những con người ngông cuồng như sư tử, diêm dúa, lòe loẹt như chú công và gian xảo như chú cáo… nhưng cũng không thiếu những người hiền lành, khiêm nhường như những chú bò lừa.
Khiêm nhường cho ta thấy rằng, cá nhân mỗi người không phải là tất cả, cũng không phải là vô nghĩa và nhờ đó ta giữ được sự cân bằng. Khiêm nhường còn là hàng rào bảo vệ tốt nhất cho ta tránh khỏi bờ vực của thói kiêu căng và tự mãn. Khiêm nhường cũng là thành qủa của lòng tự trọng. Một người khiêm nhường không bao giờ sợ bị tổn thương hay mất mát. Khiêm nhường là bằng chứng của sự tự chủ, của khả năng chiến thắng “cái tôi” và sự sở hữu quyền lực từ đó đánh mất lòng tự trọng và tình cảm trong các mối quan hệ, dấn sâu vào cám dỗ độc tài, độc đoán, tham lam và tham nhũng. Muốn tham nhũng phải tỏ ra quyền lực; quyền lực càng cao, càng dễ tham nhũng và tham nhũng càng cao, càng lớn. Càng kiêu căng đối với người dưới, thì càng luồn cúi, bợ đỡ, tấng bốc người trên.
Người vô thần cực đoan dễ rơi vào trạng thái kiêu căng, tự mãn. Đã kiêu căng với thần thánh thì không gì giới hạn không kiêu căng với mọi người trên. xã hội.. Tại Việt Nam, sau những năm đầu mới giải phóng 1975, tôi hoang mang đến hoảng loạn, mỗi khi nghe các phương tiện truyền thông nhà nước và trong các cuộc họp tuyên truyền chống báng mọi thứ siêu nhiên thần thánh, tôn giáo là “Thuốc phiện”; tin Thiên Chúa là do sự ngu dốt, lạc hậu, chậm tiến. Ngày nào khoa học tới đỉnh cao, tôn giáo tự tiêu vong. Con người làm nên tất cả, “thay trời làm mưa”, “lấp đá vá trời”; “kẻ thù nào cũng đánh thắng, khó khăn nào cũng vượt qua”; ngoài ra còn những khẩu hiệu “đao to búa lớn” : “Việt Nam là trái tim của nhân loại” và đường lối nào cũng “ưu việt”… Có ông cán bộ nọ xách súng AK. bắn lên trời và thách đố, ông trời nào phạt ta đi. Cán bộ đang hung hăng, vung tay, múa chân, tung súng, bỗng một bà lão đi ngang, hỏi cán bộ:
- Cán bộ ơi, ông có con không?
Cán bộ hăng máu phản ứng:
- Có chớ. Nhưng sao bà hỏi tôi như thế?
Bà lão không hề sợ hãi, bình tĩnh trả lời:
- Giả sử con cán bộ cầm dao đem đến bảo cán bộ: cha đâm con đi, cán bộ có đâm không?
Cán bộ phản ứng nhanh:
- Ngu gì tôi đâm con tôi. Tôi thương con hết lòng.
Bà lão nhấn cho cán bộ:
- Vậy Thiên Chúa còn thương cán bộ hơn đấy!
Tuy nhiên, ngày nay, sau hơn 20 năm đổi mới, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, đất nước và con người Việt Nam nhận rõ giới hạn của mình, nên đã chịu khiêm nhường một phần, vì “khiêm nhường không phải là qụy lụy, chấp nhận những quy luật siêu phàm không có nghĩa suy nghĩ của chúng ta bị giới hạn hay bị phủ nhận. Ngược lại chúng cho phép chúng ta bộc lộ bản thân mình đầy đủ và rõ ràng hơn biết tôn trọng người khác, tôn trọng quy luật tư nhiên, chúng ta sẽ duy trì được sự hòa hợp” ( Frist News và NXB văn hóa Sài gòn).
Ta chỉ có thể học tập và làm theo lời dạy của Chúa Giê-su:
“Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. Mọi âu lo hãy trút cả cho người, vì Người chăm sóc anh em”. (1 Pr 5,5b-7)