Tác giả đặt vấn đề: “Giáo Hội Công giáo đã du nhập vào đất nước nầy 400 năm nay, nhưng nếu tôi không nhầm thì ngoài tượng điêu khắc gỗ, đúc đồng, cẩm thạch, thạch cao, xi măng, composite… lẻ tẻ theo đơn đặt hàng, không thấy nơi nào sản xuất tượng thờ bằng gốm sứ!”. Vẫn tiếp tác giả antontruongthang: Tại sao người Công giáo không góp mặt trong ngành gốm sứ nầy? Đã đến lúc cần phải đặt vấn đề nầy một cách nghiêm túc với các mục tử các giáo xứ thuộc các giáo phận có truyền thống ngành nghề nầy như Bắc Ninh (Bát Tràng), Xuân Lộc (gốm Biên Hòa), Phú Cường (gốm Bình Dương). Vĩnh Long (gốm Vĩnh Long ) v.v… hoặc với Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam để mong các chủ chăn quan tâm hơn đến nghề gốm sứ... Chúng ta bỏ quá nhiều công của để tổ chức các Đại lễ, yến tiệc, xây dựng… tại sao chúng ta không dành chút vốn để hỗ trợ một ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đang tạo được nhiều công ăn việc làm cho người nghèo và góp phần làm đẹp cho xã hội nầy... Ước mong các anh chị em khá giả hãy đặt hàng để giúp Giáo hội Việt Nam cũng có những sản phẩm gốm Công giáo độc đáo. Hãy hỗ trợ các nghệ sĩ, nghệ nhân Công giáo trong công việc sáng tác mẫu mã tiến tới việc sản xuất hàng lọat...
Thưa tác giả antotruongthang, tôi vui mừng và vội nhận rằng, tôi và tác giả tuy dị sàng nhưng lại đồng mộng (khác giường nhưng cùng suy nghĩ). Tôi kể câu chuyện sau để thể hiện sự đồng cảm, khát khao và ủng hộ khát khao nền gốm sứ tranh tượng Công giáo: Trong năm Canh Dần vừa qua, trong một chuyến về thăm các giáo xứ miền Nho Quan (giáo phận Phát Diệm), tôi đã may mắn hơn tác giả đã gặp được một thanh niên Công giáo là giáo dân giáo xứ Bồ Bát, nay là xứ Bạch Liên; có sử liệu nói về làng gốm Bát Tràng có nguồn gốc từ nơi đây. Rằng nghệ nhân nơi đây theo nhà Lý ra Thăng Long làm đồ. Để nhớ về Bồ Bát họ đã đặt tên làng mới nơi đất khách kèm từ “Bát” để thành Bát Tràng như bất kì người thợ ảnh nào của Lai Xá (Sơn Tây) khi đi đến đâu hành nghề đều nhớ về nơi sinh ra mình để đặt kèm theo chữ Lại, tỉ như tên tôi là Nam thì thành Lai Nam, cụ thể hơn là gần Hồ Hoàn Kiếm có hiệu ảnh Lại Thành (làm ảnh đen trắng) nổi tiếng từ thời Pháp, tồn tại tới bao cấp; hay làng nghề may áo dài nổi tiếng khác, đó là làng Trạch Xá (Hà Đông- Hà Tây cũ), các cụ đi ra Hà Thành hành nghề đều đặt tên hiệu ghép tên làng như hiệu may áo dài của cụ Tạ Đức Tiến tại 65 phố Huế Hà Nội là Tiến Trạch. Gia phả một số dòng họ ở Bát Tràng như họ Trịnh, Lê, Vương, Phạm, Nguyễn... ghi nhận rằng tổ tiên xưa từ Bồ Bát di cư ra đây (Bát Tràng). Phải chăng những người con ở Bồ Bát nói chung, những người Công giáo nói riêng cũng rất đỗi tự hào là từ miền quê Bồ Bát này ít nhiều đã có những đóng góp cho việc xây dựng Thăng Long xưa và làng nghề gốm Bát Tràng nay.
Trở lại câu chuyện gặp người thanh niên ở Bồ Bát, anh là Phạm Văn Vang, được ghi nhận làm sống lại nghề gốm nơi đây... Hàng năm, các bậc ông bà, cha chú ngoài làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) về quê giỗ lễ, Vang xin ra học để về khôi phục làng nghề quê tổ, nhiều cụ, nhiều chú dì cô bác vui đến rơi lệ… nhận Vang ra học. Học xong, Vang về mở xưởng, xới đất lên làm đồ “ngon” như chơi…! Năm 2008, Vang là người đầu tiên đã mang sản phẩm gốm Bồ Bát đến giới thiệu tại triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội. Rất nhiều người đã bất ngờ khi biết được chủ nhân của “thương hiệu” ấy, người đang nỗ lực khôi phục lại nghề gốm Bồ Bát là một “nghệ nhân” Công giáo mới 28 tuổi. Trăn trở với câu hỏi, chọn hướng đi nào cho nghề gốm trong khi hầu hết các làng gốm trong nước đều đang sản xuất đồ gốm sứ gia dụng, anh Vang quyết định đi theo con đường riêng, anh mở xưởng làm đồ gốm trang sức, tranh gốm mỹ thuật tại gia đình. Đó là kết quả sau quá trình tìm hiểu kinh nghiệm từ những nghệ nhân của làng và học hỏi kỹ thuật từ những làng gốm nổi tiếng khác. Những sản phẩm gốm anh làm ra giản dị, chân chất nhưng mang đậm nét truyền thống. Trên cơ sở hai dòng gốm sành nâu và gốm sứ trắng, đã sáng tạo ra những sản phẩm đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, chuông gió, dây lưng; tranh gốm mỹ nghệ và tượng gốm nghệ thuật, được trang trí bằng những họa tiết thổ cẩm, hoa văn chủ yếu là vẽ bằng men màu. Nét độc đáo và ấn tượng nhất ở những sản phẩm này là mảng tranh gốm ghép dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng như tranh Đông Hồ, với những nét văn hóa vùng miền trong cả nước. Sản phẩm được bán với giá bình dân, vì vậy việc tiếp cận với khách hàng ngày càng được mở rộng. Vang cũng quan tâm tới thị hiếu trong giới sinh viên để làm các chữ hán đại loại như : Tâm, đức, nhẫn… và đỗ cao. Và bước đầu đã quan tâm tới mảng tranh, tượng đeo, thờ Công giáo tuy nhiên việc đầu tư cho nghệ thuật này còn nhiều khó khăn.
Sự kì vọng đến thảng thốt của antontruongthang là những nghệ nhân Công giáo đã sử dụng nhiều chất liệu khác làm nghệ thuật thánh song riêng gốm sứ lại chưa được quan tâm. Hòa toàn có lý! Nhân việc này sự kiện dân tộc ta vừa bầu chọn hoa Sen làm quốc hoa khiến tôi cũng có sự liên hệ:
Tất nhiên so sánh là khập khiễng, nhưng rõ ràng chúng ta có những suy nghĩ khác xa Phật giáo. Phật giáo cũng không phải là đạo gốc của dân tộc ta, song phật giáo đã biết chọn hoa sen để làm phong phú cho tôn giáo mình. Chùa Diên Hựu (chùa Một cột) có từ thời Lý là hình ảnh bông sen chứ gì. Sau Lý đến Trần, Phật giáo được đề cao như quốc giáo, nhiều cổ vật gốm sứ dân dã, đồ thờ... đã lấy hình hoa lá sen làm cảm hứng sáng tác. Còn đạo Công giáo ta chưa thực cởi mở trong việc tiếp thu các chất liệu, hoa văn dân tộc để làm phong phú cho đạo mình; trái lại, nhiều cái bị coi là tà đạo, tà giáo. Từ chén lễ, ly cốc cái gì cũng âu hóa, kim loại. Tôi đã gặp một tước gốm nhị thái đậu lục, tạm gọi thế, nghe đâu trước đây một số thừa sai cấp tiến đã mạnh dạn dùng vào để đựng Mình thánh khi đưa xuống cho giáo dân chịu Mình thánh (Xem ảnh), chưa thật chắc lắm, song đưa ra có tính tham khảo, ngõ hầu ai có biết hơn xin được chỉ bảo. Lại nói đến hoa sen, một loài hoa được cổ nhân lựa chọn đưa vào cổ vật với nhiều ẩn ý sâu xa dễ gặp như tích “Liên áp” vẽ sen và vịt nói đến tình bằng hữu, “Tịnh đế đồng tâm” một gốc sen sinh nhiều bông, giáo dục sự đoàn kết yêu thương vì có chung một cội hay trong lĩnh vực “Quan lộ” là con cò và nhành sen, “Hòa hợp như ý” tức chiếc hộp và nhành sen, hộp đọc chệch là hợp, sen là hòa, ghép lại là hòa hợp như ý là vậy nên người ta còn chạm lên sa lông cho ta tựa lưng nghỉ ngơi, sung sướng đến như ý... Đã đi hơi xa đề (xin để một chủ đề khác sẽ bàn riêng về một số tích cổ ẩn ý qua hoa sen), vừa bàn dài dài âu cũng củng cố cho liên hệ và có ý rằng loài hoa dung dị ấy đã đi vào thi ca: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, tôn giáo bạn thật tinh tế, chọn sớm. Gốm sứ cũng vậy, “Để hoàn đất...” nhưng qua nung từ 800 đến trên 1000 độ tùy chất đất, cao lanh mà thành vật dụng trơ gan với tuế nguyệt, có tuổi thọ cả ngàn năm, càng để càng cổ càng tăng thêm giá trị. Vì vậy, tác giả antontruongthang đặt vấn đề: Gốm sứ Công giáo Việt Nam tại sao không gợi cho chúng ta một suy nghĩ nghiêm túc, có khả thi.
kết lại bài báo tôi xin mượn ý trong “Hiến Chế Mục vụ Vui Mừng và Hy vọng”cổ võ phát triển văn hóa:Giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối quan hệ….Chúa con nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại. ….Giáo hội đã xử dụng những nguồn tài nguyên các nên văn hóa khác biệt..Giáo hội có thể hòa mình với nhiều hình thức văn hóa khác nhau. Nhờ đó, chính Giáo hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú. Hay Đức thánh cha Bênêđictô trong bài giảng Thánh lễ nhậm chức Giáo hoàng:“Đối với một tín đồ Thiên Chúa Giáo, theo giáo lý của Hội Thánh dạy thì niềm tin vào Chúa Cứu Thế Giêsu Ky tô ( Dominus Jesus Christus) là Tối thượng, Duy nhất, bất di bất dịch. Dầu vậy, Hội Thánh vẫn khuyến khích người tín hữu tìm kiếm những gì là “THIỆN HẢO” trong các Tôn giáo, trong các nền Văn hóa, và Thiên nhiên , Khoa học. …Vậy tại sao, ta không ra công gắng sức, khám phá những tinh hoa, giá trị tiềm tàng trong các Tôn giáo, Triết lý, Khoa học của nhân loại, để củng cố và tăng cường Niềm tin chân chính của mình?”. Và cuối cùng là mượn ý: Tại Việt Nam, Hội Đồng Giám mục cũng quan tâm đến văn hóa dân tộc. Thư chung 1980 viết nói đến “ truyền thống dân tộc”. “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, “ Xây dựng trong Hội thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin phù hợp với truyền thống Dân tộc ( Thư chung Hội Đồng Giám mục Việt Nam Thống nhất năm 1980, số 11); hoặc bản sắc dân tộc “xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin có bản sắc Dân tộc hơn” ( Thư Mục vụ 1992, số 9).Việc đặt vấn đề một nền gốm sứ Công giáo là hoàn toàn có cơ sở.
Anh Vang với tượng Thánh thiên thần do xưởng gốm của anh chế tác