Văn hóa nghệ thuật

NGỌN NẾN LUNG LINH

Cập nhật lúc 16:47 11/05/2011
Lửa biến thành cây nến.Nến tượng trưng đời sống tôn giáo, sáp tượng trưng cơ thể. Nó được kết tụ bởi những con ong thợ cần cù trinh khiết, chứ không phải ong chúa, hay những con ong đực biếng nhác. Chúng gom góp từ những bông hoa, những vẻ đẹp của tự nhiên.
          Ngọn lửa, tượng trưng cho sự sống con người, tâm linh trong cơ thể, hoặc sinh lực trong tâm hồn. Ngọn lửa sẽ làm tiêu hao nến sáp, mới thành cây nến. Nến thắp sáng để phục vụ Chúa, ngọn lửa luôn cháy hướng lên. Nó làm việc âm thầm, chẳng bao giờ dịch chuyển, cho ánh sáng và làm ấm cúng tất cả những gì xung quanh nó.
          Ánh sáng của ngọn lửa chẳng bao giờ mất, ngay cả khi chính ngọn lửa đó tắt. Nó đi mãi vào không gian, những tia sáng chẳng bao giờ ngừng.
          Cây nến có giá trị ngang nhau, không ai lớn hơn hay nhỏ hơn. Có một cây nến nhỏ hỏi ông chủ đang dẫn mình trèo lên một ngọn tháp cao:
- Ông chủ dẫn con đi đâu vậy?
Ông chủ âu yếm trả lời:
- Ta dẫn con lên ngọn tháp cao, gọi là hải đăng để soi sáng cho tàu biển cập bến an toàn.
Ngọn nến nhỏ nhẹ hỏi lại:
- Con nhỏ bé thế này, làm sao soi sáng tàu biển khổng lồ có thể vào bến an toàn được?
Ông chủ thương vẻ hồn nhiên, đơn sơ của cây nến nên nhắn nhủ:
- Con cứ chiếu sáng hết khả năng con đi, mọi việc khác ông sẽ lo.
          Ông chủ tiếp tục dẫn cây nến nhỏ dò từng bước lên tới ngọn hải đăng cao ngất bên cửa biển bao la vời vợi. Tới nơi, ông chủ đỡ cây nến nhỏ châm vào ngọn đèn đặt giữa những tấm kính phản chiếu ghép lại, tạo một vùng sáng lớn, bừng lên trong đêm tối âm u,  cả một vùng trời tỏa sáng.
          Tuy nhiên, cũng có những ngọn đèn cao ngạo, như ngọn nến đầu tiên: “Ai đẹp bằng tôi? Ai huyền ảo, ai quan trọng bằng tôi? Một hôm trong căn phòng luôn sáng trưng, tràn đầy niềm vui, cứ mỗi đêm về là nhờ vào công lao của anh bóng đèn. Cứ đêm đêm, ngọn đèn được bật sáng lên để soi sáng cho căn phòng và giúp cho tất cả mọi người cảm thấy vui tươi hạnh phúc.
          Ngọn đèn lấy điều đó làm tự hào hãnh diện, càng tự hào hãnh diện, ngọn đèn ngày càng kiêu căng, phách lối, coi thường hết tất cả mọi vật, mọi người trong phòng. Ngọn đèn nghĩ rằng mọi người phải rất cần mình, bởi vì mình vô cùng quan trọng. Nếu không có mình thì mọi sự đều phải ở trong màn đêm tăm tối và buồn bã.
          Quả thật, nhờ ngọn đèn mà mọi người, mọi vật, dường như cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn.
          Đã mấy ngày qua, căn phòng tối thui và buồn tẻ lạ lùng. Ngọn đèn tự mãn không chịu sáng nữa, nó tuyên bố với mọi người rằng: “ Sau tôi, chỉ toàn là Đại hồng thủy, không có tôi, mọi sự sẽ sụp đổ,  hoang tàn”. Bởi vì mọi người chẳng chịu tôn trọng nó, mọi người chẳng chịu thỏa mãn những yêu sách của nó. Nó nghĩ rằng mình không sáng lên để mọi người và mọi vật phải chịu đau khổ vì tăm tối. Thật vậy, mấy ngày ngọn đèn không chịu sáng, mọi người, mọi vật ai ai cũng cảm thấy buồn rầu, chẳng ai buồn nói chuyện, chẳng ai muốn chơi đùa. Mọi sự đắm chìm trong màn đêm tăm tối.
          Một cây nến khác, không cao ngạo, nhưng ích kỷ, nhỏ nhen, ti tiện, tính toán. Một hôm, mọi người đang quây quần, xum họp bên ngọn nến rực rỡ, được mọi người nâng niu, trìu mến, trân trọng, vuốt ve từng giọt sáp chảy mềm mại, ánh sáng lung linh múa nhảy, uốn lượn như từng nhịp thở. Bỗng cây nến chựng lại, đăm chiêu suy nghĩ mơ màng chuyện xa xôi: tại sao ta phải âm thầm cháy sáng cho người ta hưởng, để ta cứ mỗi phút giây lụi tàn đi, biến thành đống sáp dơ bẩn, người ta cạo gọt rồi quăng vào sọt rác. Nghĩ vậy, tính khí ti tiện, nhỏ nhen, ích kỷ càng nổi lên mãnh liệt, nó liền tắt vụt đi. Đám trẻ trong nhà chùng xuống, im bặt tiếng cười đùa huyên náo, có tiếng khóc ré lên của đứa bé sợ bóng ma! Những người lớn thấy buồn, nhưng không ngồi im lặng, họ đứng lên lục lọi cái gì ở mọi nơi, mọi ngóc ngách trong nhà. Sau cùng họ cũng tìm lại được cây đèn cóc xấu xí, bụi bặm trong xó bếp, từ khi thị trường sản xuất nến nhiều tiện dụng, ánh sáng lan tỏa, chiếu sáng hơn trong nhà. Chiếc đèn bỏ lâu ngày đóng bụi, phải lau chùi kỹ, châm dầu vào, đốt lên vẫn cháy sáng, mặc dù ánh sáng có yếu ớt, lu mờ, nhưng mọi sinh hoạt trong nhà vẫn trở lại bình thường.
          Xã hội loài người có khác gì thiên nhiên, vạn vật. Nếu con người không cao thượng hơn, quảng đại hơn mà ngược lại còn bần tiện, nham hiểm hơn thì con người càng bị lương tâm kết án. Ngày xưa Chúa Giêsu chưa từng kết án tội nhân, nhưng với hạng Biệt phái Do Thái: “Con Cáo già, mồ mả tô vôi, bọn Biệt phái giả hình, những kẻ đui mù…”.Đức Giêsu đã cảnh báo: “Tất cả những gì họ nói, anh em cứ làm theo, nhưng đừng theo những gì họ làm, vì họ nói mà không làm; hoặc họ nói khác mà lòng khác” (Mt 23, 3). Chúa Giêsu còn tố cáo: “Các ngươi khóa cửa nước Trời không cho người ta vào! Các ngươi đã không vào, mà những người muốn vào các ngươi lại không cho họ vào!”.Chúa còn chỉ trích họ nặng nề hơn: “Các ngươi nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các ngươi sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mt 23, 13-14). Đúng như Chúa nói trên, Giuđa, tượng trưng lớp người Biệt phái và xã hội hiện nay, không vào, cũng không cho người khác vào, không giúp đỡ, chia sẻ cho người nghèo, mà lên án, phê phán người làm điều thiện: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo”. Gioan vạch trần bộ mặt giả dối: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp, y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào qũy chung” (Ga 12, 5-6). Xã hội diễn ra hằng ngày bao nhiêu kẻ hô hoán, hiệu triệu, thi đua, chào mừng, vui chơi, tiết kiệm xây dựng công ích, thế mà tham nhũng vẫn tham nhũng, rút ruột vẫn rút ruột; rút cả vật liệu xây dựng để nhà sập, cầu lung lay…
          Những con người cao ngạo, kiêu căng, độc đoán, hoặc những kẻ ích kỷ, nhỏ nhen, hay người giả tạo, trá hình như những ngọn đèn, ngọn nến trên, đều bị đào thải, tự hủy diệt mình. Khi bị loại, hoặc ngồi tù, cuộc đời họ cũng sẽ chìm vào quên lãng, tủi cho số phận không còn ai nhắc tới. bất quá chỉ như tên quản lý bất lương, Thánh Luca đã nêu trong Phúc Âm: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cách chức quản gia của mình rồi, cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” (Lc 16,3). Ngọn đèn cao ngạo, tưởng chỉ có mình mới có thể đem lại ánh sáng cho đêm đen ngoài mình ra, chỉ là tối tăm, ảm đạm. Ngọn đèn thay thế còn sáng hơn ngọn đèn trước; không sử dụng, người ta quăng vào sọt rác. Ngọn nến tắt đi, từ chối phục vụ, vì chỉ cho đi mà không nhận được gì, tất cả sẽ đi vào quên lãng trong chốn rác rưởi, tanh hôi.

          Lịch sử cứu độ, Đức Giêsu đã dạy loài người bài học Thập giá và Yêu thương: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.( Ga 15, 13)

Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
HỒ CHÍ MINH VỚI ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO (02/05/2011)
NGƯỜI MÙ (25/04/2011)
Một cái nhìn về nghệ thuật thánh (08/04/2011)
Các Vương cung thánh đường ở Việt Nam (24/03/2011)
Đó là một suy nghĩ nghiêm túc, có khả thi (11/03/2011)
THIÊN NHIÊN DẠY TA (04/03/2011)
Người Công giáo: Kính nhớ Tổ Tiên trong những ngày Tết (08/02/2011)
Tết với người Công Giáo Việt Nam – một vài so sánh (28/01/2011)
Thơ ca Công giáo qua một số sáng tác của Lê Đình Bảng (25/01/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log