Văn hóa nghệ thuật

Ký sự Xuân Bích một nhà

Cập nhật lúc 16:06 12/08/2011

 

Ấn tượng đầu tiên in sâu trong mắt tôi: sao còn các cha Xuân Bích trẻ vậy? Và ô kìa, sao có ông già chống gậy, xách giỏ hành lý chưa kịp kéo phẹc-ma-tuya, áo quần xốc xếch giống “Hai lúa” miệt vườn quá! Tôi khều khều hỏi nhỏ cha Thọ. Cha Thọ chỉ quen cha Đăng đang đi bên ông bước vào hành lang Tòa Giám mục  từ trên xe xuống. Tôi nói cha Thọ xuống hỏi liền cha Đăng, ông già đó là ai vô đây. Cha Thọ tức thì xuống  và lên, vì chúng tôi đang đứng trên lầu nhìn xuống, cười cười vẻ ngại ngùng nói: ông già du học Xuân Bích bên Tây lâu năm à! Tôi liền bái phục xuống thăm hỏi, xin lỗi ngay. Mấy cha trẻ măng mãi hôm sau vào hội trường nghe cha tân Giám đốc Đại chủng viện Xuân Bích Huế chia sẻ, nói chuyện mới vỡ lẽ… Tôi nghĩ bụng: vậy chứ, nếu không “quay qua bên  mặt, nhìn về bên trái, thấy toàn các ông già gần đất xa trời từ U 60, U 70, U 80…Vượt ngưỡng “cho phép”, có cụ già xuân này xấp xỉ U 90, thuộc loại “những điều kỳ thú”, râu ria, tóc, bạc như bạch kim, xồm xoằm phủ hết mặt, vẫn đóng “quần bò” áo “bun”, giầy cao, đi lại nghênh ngang như dân chơi chính hiệu.. Hỏi ra mới biết bố Minh ở Long Xuyên. Mình hỏi đùa ông lão:
-Ông có bà con dòng họ đời nào với ông Mac-Lênin không vậy? Có ai xin chụp hình với ông không?.
-Ông già “quậy tới bến”:
-Mấy cô gái chân dài xin nhiều mới “sốc” chứ!.
-Thôi “bó tay” già gân.
          Trời Đà-Lạt mùa này se lạnh, lất phất mưa bay, ít thấy ánh nắng mặt trời.
          Vào bữa ăn trưa mới tới, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã có mặt sớm nhất. Ngài vừa bắt hát kinh nguyện truyền thống Xuân Bích, trước bữa ăn: “Nguyện xin, nguyện xin Chúa cả ban ơn chúc phúc cho chúng con dùng nên, cho chúng con dùng nên các thực phẩm này”, tự nhiên, nước mắt tôi tuôn trào (có phải cá sấu không biết?), chết lặng, da thịt chuyển động như “nổi da gà” dị ứng. Rồi biết bao kỷ niệm vui buồn  sướng khổ của qúa khứ trong ngôi nhà Đại chủng viện Xuân Bích Vĩnh Long, từ những năm 1967-1974, như sóng vỗ ngoài biển cả, cuồn cuộn chảy vể trong tôi như thác vỡ bờ. Hình ảnh cha Giám đốc Gastine thật dễ thương, cha giáo Villard thích “Kê cổ tiên hiền truyền chủ dụ”, cha giáo Buyer bình dân dễ gần, không biết giận, thường bị các thầy chọc ghẹo học tiếng Việt “ngu như bò”(cậu Bùi Hoàng, nó mất trước rồi các Thầy ơi!). Tất cả là giản dị trong nếp sống đời thường: chiếc áo chùng thâm thùng thính gài nút một bên như áo thụng mang đậm nét văn hóa phong tục Việt Nam; chân mang dép mộc mạc trong nhà. Tuy nhiên, các ngài lại dạy chúng tôi phải mang giầy tây (giầy bít) khi giờ phụng vụ thánh lễ. Phòng ở và làm việc của các ngài càng giản dị hơn: tôi không thấy cha giáo nào có bộ Salon hay trường kỷ để tiếp khách mà chỉ thấy mấy chiếc ghế gỗ thô sơ, khẳng khiu, lỏng chỏng trước bàn buya-rô.
          Về tu đức, các ngài cho chúng tôi tự do chọn lựa cha linh hướng tùy ý thich, cũng vì thế cha linh hướng rất gần gũi, thân thiện, đi tận nơi, đến tận nhà, thăm hỏi, tìm hiểu thực tế để chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ từng con linh hướng “trên từng cây số”.
          Chuyện ăn uống đáng nhớ làm sao! Chẳng thấy miếng ăn nào là miếng tồi tàn, mà chỉ thấy chan chứa tình thương. Nhớ từng bổn mạng con cái, bàn đó có thêm chai nước ngọt, chai bia… chăm sóc sức khỏe thật kỹ. dường như không ai than phiền, xin xỏ về các bữa ăn. Lần nọ, tôi thấy anh em cứ vào ra phòng cha Giám đốc thì được một hộp thuốc bổ Calcium. Không biết anh em có bệnh phải uống, tôi lẽo đẽo đi vô, rón rén, xin cho con một hộp. Bất ngờ, cha Giám đốc như thương hại, ôm lấy vai tôi nói lớn:
-Ô! Ông Đoài bệnh, phải đi bác sĩ ngay.
          Tôi quê đỏ mặt, lủi thủi đi ra. Tưởng xin được về uống chơi đã thèm, ngọt ngọt, thơm thơm rất dễ uống. có bệnh hoạn gì đâu… Cũng nói thêm chuyện bệnh giả lỡ cơ. Một buổi sáng thức dậy, chuông reo nghe mồn một, nhưng vẫn ngủ, khi hết chuông, ngủ say hơn. Tiếp chưông kinh sáng, anh em lôi dậy, lỡ quê phải nói láo: mình bệnh! Ngờ đâu, vừa tan lễ, cha Giám đốc và mấy anh em lù lù lên tới thăm tận giường. Hơi run run, nhưng đành phải nhập vai kịch bản “người bệnh”: cũng nhăn nhăn, nhó nhó, nói đứt quãng như thiếu hơi yếu mệt (không biết dáng vẻ có ủ rũ không?). Cũng cám ơn cha Giám đốc và anh em, rồi tự khiêm tốn thưa: không đến nỗi, con đi học được. Ngạc nhiên, có phải đi trong tim mình không, pha lẫn lo lắng, ngài an ủi,vỗ về:
- Ông Đoài cứ nằm đây, có thầy bưng cơm lên. Chúa ơi, con hối hận không kịp rồi!
         Hôm nay (Hic et Nunc), chúng tôi ngồi đây, quây quần bên từng Đức Giám mục hiện diện, có Đức Tổng Giám mục Step. Nguyễn Như Thể, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Giám mục An tôn Vũ Huy Chương, các bậc thầy: cha Huỳnh Công Minh, cha Giám đốc Đại chủng viện Huế, cha Hồng Kim Linh (Pháp), cha Chưởng ấn, kiêm Quản lý Tòa Giám mục Đà Lạt, cha Trần Phúc Nhân và nhiều bậc vị vọng cùng tám mươi anh em các cha CCS, Xuân Bích, cha Pet.Tấn (USA) Cha Kim Hương, đứng “người làm sao, chiêm bao làm vậy”, và cũng đúng, tên và người, tên con gái, không phải là con gái, mà là con gái, ăn nói nhỏ nhẹ từ tốn, giỏi chịu đựng với anh em đã gắn bó mười tám năm, quán xuyến, trách nhiệm, duy trì, tồn tại và phát triển những ngày họp mặt truyền thống đại gia đình CCS Xuân Bích. Năm nay đặc biệt cha Kim Hương chống gậy vì chấn thương đầu gối, đi lại có khó khăn, cũng vì có “Tí tuổi”, đòi từ chức Giám đốc. Chẳng ai cho, cứ tín nhiệm làm mãi. Cuối cùng có giải pháp hay: có trợ lý Giám đốc, cha Ngô Phục. Chu choa! Hay vô cùng.Cha Ngô Phục xưa, sau năm 1975, là chân Thể dục thể thao. Trưởng ban Thể dục thể thao huyện Nhà Bè, cầu thủ bóng đá có tiếng, từng dẫn đội giao lưu, giao hữu miền tây, mình quen thân đồng đội trên sân bóng từ đó.                                                                                                                   Tất cả các bậc trưởng thượng trên đều chia sẻ những lời mật ngọt như rót vào tâm can từng người: chuyện xưa, chuyện nay, cả Thiên Đàng, trần gian, “địa ngục”. Các ngài bỏ cả công việc lớn, ngồi đây giảng như nhập vào lời Chúa Giêsu trả lời với đám đông: “Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Người bảo kẻ ấy rằng” Ai là Mẹ tôi? Ai là anh em tôi?. Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên Trời, người ấy là anh em tôi, là Mẹ tôi “.(Mt 12, 46-50).
          Sao tôi có cảm giác giống tuần lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Linh quy tụ chúng tôi, xúi dục chúng tôi, thúc đẩy, đánh thức, kêu gọi và hỗ trợ chúng tôi đủ mọi nguồn ơn. Rồi ai cũng hứa, quyết tâm không bỏ ngày truyền thống Xuân Bích đến muôn đời, thể hiện bằng việc làm cụ thể: Các ĐGM ủng hộ 10 lễ, các cha ăn theo 1- 5 lễ tự nguyện, tự giác.Cha GĐ trợ lý Ngô Phục đội mạnh “quốc tế” 50.000.000 VND, sau khi nghe báo cáo tài chánh chi trên 200.000.000 cho ngày họp mặt năm nay, vượt mức chi, vì vật giá leo thang chóng mặt, với số vốn qũy sinh lợi  từ 40.000 USD, năm nay mỗi cha chỉ dâng cho 2 ý lễ; hiện nay có 400 cha CCS XB; mỗi cha qua đời anh em dâng một lễ cầu nguyện.
          Bên cạnh các bậc cha anh CCS Xuân Bích, các lớp đàn em, nhất là lớp 72 XBVL, điển hình Mic. Đạt, Tâm Lê, nhiệt thành, năng động, dù đã tu ra, vẫn duy trì họp mặt đều đặn hằng năm.
          Chứng tỏ, ảnh hưởng tinh thần Xuân Bích đã thấm sâu vào từng CCS Xuân Bích ở mọi lớp, mọi nơi. Tinh thần ấy không chỉ trong gia đình XB, mà đã tỏa lan rộng rãi khắp cánh đồng truyền giáo bao la.                       
 Và như lời Chúa văng vẳng bên tai: không gì có thể chia cắt chúng tôi ra khỏi tình yêu Xuân Bích trong Đức Kitô Chúa chúng tôi!
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
Khiêm nhường (24/06/2011)
Thăm tượng đài Chúa Ki tô Vua cao nhất thế giới (21/06/2011)
TÌNH CHÚA TÌNH CON (01/06/2011)
YÊU THƯƠNG (27/05/2011)
NGỌN NẾN LUNG LINH (11/05/2011)
HỒ CHÍ MINH VỚI ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO (02/05/2011)
NGƯỜI MÙ (25/04/2011)
Một cái nhìn về nghệ thuật thánh (08/04/2011)
Các Vương cung thánh đường ở Việt Nam (24/03/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log