Văn hóa nghệ thuật

LỄ PHÉP

Cập nhật lúc 08:54 13/10/2010

 

Trong chuyến tham quan, du lịch Thái Lan, hình ảnh gây ấn tượng mạnh trong tôi, không phải các đền đài vương quốc, tháp cổ, chùa miếu nguy nga, những thắng cảnh du lịch hùng vĩ, những cao ốc chọc trời, hay những khu thương mại giàu có mà là những cử chỉ nhỏ nhặt, dễ thương của những chú voi, khổng lồ có, tý hon có. Sau màn biểu diễn nghệ thuật xiếc, khán giả vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt, vang động cả khán đài rộng lớn hiện đại, các nghệ sĩ voi nối đuôi nhau đi qua các hàng ghế khán giả ngồi, cuốn vòi dài lêu nghêu lên xuống vái chào, cám ơn mọi người. Cử chỉ tác động tâm tư, suy nghĩ mông lung nơi tôi, khán giả thưởng tiền, mỗi chú đưa vòi nhận tiền, xá một cái, rồi vắt vòi ra đằng sau giao chủ! Tôi còn chú ý và đã thử con vật nhỏ khác là những chú két xanh, đầy tự trọng: có thể nhảy lên vai, lên đầu, lên cổ, nhận đồ ăn khán giả mua cho tại chỗ nhưng chú không cho rờ vào lông, chúng sẽ mổ tới tấp, rất đau, mình phải buông ra mới tha! Sao chúng hơn người ta vậy?
          Con người dù văn minh đến đâu, không thể loại bỏ lễ phép. Thực ra con người càng hiểu biết, càng tiến bộ, ngày càng phải lễ phép hơn. Điển hình, trong các môn phái võ thuật, bài học khái niệm đầu tiên vẫn là bái tổ, nghiêm lễ. Đọc lại “Quốc văn giáo khoa thư”, xin biết ơn những người thầy xưa, đáng kính trọng và quả thực đáng “Tôn sư trọng đạo”. Vừa lớn lên, đứa trẻ như Bình đang ngồi xem sách, thấy một người khách lạ đến nhà, Bình liền đứng dậy chắp tay vái chào.
          Khách hỏi:
- Thầy mẹ em có nhà không?
Bình đáp:
- Thưa ông, thầy mẹ con ra chợ vắng cả.
          Khách bảo:
- Khi thầy mẹ về thì em nói rằng có ông Bá ở làng bên lại chơi nhé.
          Bình cúi đầu nói:
- Vâng ạ.
          Ông khách ra về khen thầm:
- Thằng bé này thật có lễ phép.
          Ta có thể khẳng định như chân lý: “Bản chất con người là lễ phép”. Chân lý này bắt nguồn từ Thánh Kinh, ngay khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa tạo nên người nam, người nữ bình đẳng: người nữ từ cạnh sườn người nam, không từ chân, từ đầu. Nên đã có tính lễ phép với nhau, “Người này, xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23); thậm chí ăn trái cấm hai ông bà còn lễ phép trao cho nhau.
          Trở về gần hơn, thế hệ thời “Quốc văn giáo khoa thư” ra đời từ những thập niên thuộc nửa đầu thế kỷ XX, do nhóm biên soạn sách gồm các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc… đều là những học giả, nhà văn và là nhà giáo dục nổi tiếng, đương thời rất được tín nhiệm, đã dạy các học trò những bài học lễ phép đầu tiên, từ lớp Đồng ấu, lớp Dự bị, đến lớp Sơ đẳng ở bậc tiểu học, cho thấy vấn đề luân lý, đạo đức và công dân giáo dục không chỉ là một tiết học mà là một nội dung lớn xuyên suốt quá trình phát triển trí óc và tâm hồn trẻ thơ.
          Ngày nay, dường như đạo đức bị đẩy lùi, không phải tệ nạn xã hội được xóa sạch. Có chuyện vui cười kể rằng, học sinh Việt Nam đi thi quốc tế ở Liên Xô cũ. Tới phần ứng xử, giám khảo hỏi:
- Em thương ai nhất?
- Thưa, em thương Bác Hồ!
Giám khảo hỏi tiếp:
- Còn cha mẹ?
Thí sinh ấp úng trả lời:
- Thưa em không biết.
          Trọng tài ngạc nhiên hỏi:
- Sao em không biết?
- Thưa, vì không ai dạy em!
          Mới đây, dư luận cả nước xôn xao, trên Tuổi Trẻ online (5-10-2010), về câu chuyện một học sinh tung lên mạng đoạn ghi âm cô giáo T.N. (Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) dùng những lời lẽ không phù hợp với môi trường sư phạm xúc phạm học sinh. Thái độ phê phán cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Người lên án cô, người lên án trò. Kết luận chung vẫn là những vấn đề tiêu cực trong trách nhiệm thiếu giáo dục đạo đức, luân lý nơi trường học. Điều đáng lo ngại và mỉa mai: một số người công tác trong nghành giáo dục đều nói đùa: “đừng đụng đến học sinh vì quy định của ngành và nếu không muốn chuốc họa vào thân. Nếu học sinh có xúc phạm đến giáo viên thì cao lắm chỉ hạ bậc hạnh kiểm một học kỳ, hay cha mẹ đến xin lỗi rồi thôi”. Chỉ còn biết ngửa mặt lên trời than “thế còn đâu truyền thống tôn sư trọng đạo”. Đây là bài học đau xót cho ngành giáo dục. (Huỳnh ngọc Phước).
          Một hành động vô lễ tưởng không thể xảy ra, vẫn nhan nhản xảy ra như “chuyện nhỏ ở huyện” mà thầy cô phải “ngậm bồ hòn”. Đang viết bài lên bảng, thầy, ở một trường Q.5 Tp. HCM giật mình vì bị một học sinh ném “cộp” vào đầu.
          Tuy nhiên, điều vô lễ không chỉ gây nên bởi học sinh mà ở ngay nhà mô phạm là thầy cô, phụ huynh: cũng trên TT online đặt vấn nạn: “Học sinh vô lễ hay giáo viên thiếu tư cách?”, cô giáo T.N. dùng những lời lẽ không phù hợp với môi trường sư phạm xúc phạm học sinh.
          Trước thái độ vô lễ của Phạm Thị Bích Tuyền, học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học Phú Hữu, Cần Thơ, cô gíáo Tâm chỉ gõ vào tay trò hai lần. Không cần tìm hiểu sự việc, bố mẹ Tuyền xông đến lớp đánh đập, lăng mạ cô Tâm trước sự chứng kiến của nhiều học sinh (17/1/ 2002).
          Thật ngao ngán đất nước ta "bốn ngàn năm văn hiến" và Đại lễ mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa diễn ra tưng bừng, tự hào (10-10-2010). Đáng lưu tâm lời Đức Giám mục Giáo phận Kontum gởi các sinh viên, học sinh nhân ngày Mừng năm học mới 2010-2011: “Hơn nữa, báo đài không ngớt phanh phui nhiều thứ tiêu cực, nhiều “thứ giả hiệu” trong ngành giáo dục bấy lâu nay. Phải chăng đều là kết quả của một nền giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề của cả hai trào lưu thế tục: văn minh hưởng thụ Tây phương cũng như ý thức hệ duy vật vô thần? Một nền giáo dục như thế tất nhiên sẽ coi nhẹ mặt tâm linh, tôn giáo”. Và tất yếu phải đảo ngược, vì coi nhẹ tâm linh, tôn giáo nên hậu quả là như thế.
          Lòng biết ơn, lễ phép chính là biểu hiện nền luân lý, đạo đức, tâm linh, tôn gíáo, là khát vọng thâm sâu của con người luôn hướng về trời cao ấy!
          Trong cuốn “Nói với chính mình”, Đức cha Bùi Tuần phê phán rất gay gắt qua hình ảnh tương phản con chó như sau: "Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhặt được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn, con người vô ơn lại là chuyện bình thường”.
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
CHÚA GỌI CON (04/10/2010)
Tân Bề Trên cả Dòng Đa Minh muốn làm đầy tớ trợ giúp cho việc hiệp nhất giữa tất cả mọi anh em (13/09/2010)
GƯƠNG SÁNG NHƯ VÌ SAO (24/08/2010)
Nhà thờ Cam Ly (Lâm Đồng) (25/07/2010)
IV. CẢM TƯỞNG (25/07/2010)
LONG HÒA QUÊ TÔI VẪY GỌI (25/07/2010)
ĐỀN KÍNH TAM THÁNH TỬ VÌ ĐẠO QUÊ HƯƠNG GIÁO XỨ QUẦN CỐNG – GP. BÙI CHU (11/07/2010)
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO VỚI VĂN HOÁ VIỆT (02/07/2010)
GIỚI THIỆU CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC ĐỀN TAM THÁNH QUẦN CỐNG (29/06/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log