Văn hóa nghệ thuật

Thơ ca Công giáo qua một số sáng tác của Lê Đình Bảng

Cập nhật lúc 09:05 25/01/2011

 

 

Hỡi sứ thần Thiên Chúa, Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng sao mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh…
(Ave Maria)
 
Trước thi sĩ họ Hàn, người Công giáo đã có cả một kho tàng thơ đạo. Nhưng tất cả đều là kinh nguyện hoặc giáo lý đã được chuyển tải dưới hình thức thi ca. Đến Hàn Mặc Tử, ông đã chọn lọc câu chữ của Thánh đường để dệt vào cõi lòng tràn ngập ánh trăng và “cơn lâm lụy”. Người đọc ông, lần đầu tiên được say sưa với những lời thơ vừa lãng mạn, vừa thành kính, vừa sáng láng hào quan của cõi trời, vừa bồi hồi những chuyện thế sự trần gian. Trong thơ ông, chất đạo như châu ngọc óng ánh giữa áng mật ong là muôn tâm sự của con người. Có lần, trong niềm khắc khoải, thi sĩ họ Hàn đã phải thốt lên:
 
Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ
Của hương hoa trong trăng lờn lợt bẩy?
Của lời câm muôn vì sao áy náy,
Hiểu gì không, em hỡi, hiểu gì không?
(Trường Tương Tư)
 
Với những ý nghĩa ấy về người khai sáng dòng thơ trữ tình Công giáo, tôi đến với thơ của thi sĩ Công giáo khá nổi danh – Lê Đình Bảng, được nếm hương vị ngọt ngào của nghệ thuật từ trái tim nhiều chiều yêu mến, đầy xúc cảm thi vị. Ở Hàn Mặc Tử, trái tim ấy như sôi lên với “máu đang tươi”, với niềm tin “sáng láng” như “châu ngọc” và vang vọng lời kinh nguyện Công giáo. Được tiếp xúc với thi tập “Hành Hương” của Lê Đình Bảng, tôi cảm thấy yêu thích trái tim trầm mặc nhẹ dâng cảm xúc trong thơ ông. Thi ca Việt nam vốn giàu hình ảnh. Khi là lời thơ tôn giáo, thơ Lê Đình Bảng nhẹ đưa những hình ảnh dìu dịu của Kinh Thánh, hồn Việt và thơ Đường. Có khi lòng ân hận bên kia biển hồ sóng vỗ miên man, có khi hồn thanh thản chiên bao trong vườn rợp hoa quỳ. Hôm nay hạt cải nhỏ bé xin được nên như ngọc chìm trong đá bởi tự hôm nào vẫn ngóng trông ngày mai về quê còn bằn bặt xa mấy bờ lau trắng.
 
Nhà thơ Cao Bá Quát đã từng nói: “thơ là tiếng hát trên đỉnh núi cao”, nhà thơ lê Đình Bảng đã cất tiếng hát trên đỉnh núi caoqua tập thơ “Hành Hương”. Đến với tập thơ “Hành Hương”, tôi nghĩ, nếu ai chưa quen, sẽ cảm thấy khó hiểu, vì tập thơ này không chỉ đơn thuần là một tập thi ca bình thường. Trong đó, không những có những điển tích, điển cố văn chương Trung Quốc, Việt Nam, mà đặc biệt có nhiều và rải khắp tác phẩm là những điển cố từ Thánh Kinh. Nhiều điển cố được tác giả khéo vận dụng hóa trang, biến chúng thành những câu thơ Việt Nam ấn tượng, bình dị và rất gợi cảm. Xin chép lại ở đây một khổ thơ tiêu biểu, đó là lời cầu nguyện của Thánh Kinh, của ca dao và đời thường:
 
Hồn tôi, một cánh đồng không
Lạy Trời, mưa xuống thành sông thành ngòi
Mai kia, sóng dạt bát bồi
Quê em liền với quê tôi, cũng là
(Lời Buồn Thánh, Tr.107)
 
Khác với các bản văn mang tính quy chuẩn của nghi lễ tôn giáo, thơ đạo có nhiều khoảng trời cho nỗ lòng tiêng. Tôi là người tiếp nhận thi ca, với nỗi lòng tiêng, thường dừng lại để ngắm những điều tưởng chừng như thi sĩ Đình Bảng ấy dệt ra để dành riêng cho tôi. Người thơ có lúc hăng hái đưa tôi đi tắm ở đầu nguồn Bí Tích, khi lại muộn phiền đưa tôi về ngồi đợi hiên mưa. Người nhắc tôi nghe bên kia vườn cây Dầu rừng phong buồn trút lá, người mở tôi xem trên dòng sông tâm hồn hoang vu có ngọn lửa chài hiu hắt. Như một kẻ xa quê hồi hương mê mải ngắm lũy tre mái đình, tôi cũng dừng chân nhiều ở những câu mà Lê Đình Bảng gửi gắm tình tự dân tộc như:
 
Tạ ơn lòng Mẹ bao la
Nuôi con khôn lớn thành hoa, thành người
Của để dành, của sinh sôi
Mẹ cho con cả một đời hiến dâng.
 
Những câu thơ ấy gợi nhớ về thơ Nguyễn Du và Nguyễn Bính, hai nhà thơ bậc thầy trong việc sử dụng yếu tố dân gian trong ngôn ngữ thơ, nhờ đó làm cho hồn thơ mang đậm mầu sắc dân tộc, phảng phất hồn Việt. Nhiều đoạn thơ, câu thơ trong Truyện Kiều không phải là ca dao tục ngữ nhưng chất dân gian cứ nhuyễn trong lời:
 
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
Duyên em dù nối chỉ hồng
May ra khi đã tay bồng tay mang
Tấc lòng cố quốc tha hương
Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời…
 
Thơ Nguyễn Bính cũng chiu chắt một mầu quê thật đậm đà, xứng tầm một nhà thơ của làng quê Việt:
 
Lòng em như chiếc lá khoai
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.
                                      (Hai lòng)
 
Thơ Lê Đình Bảng nối tiếp truyền thống này với một nhiệm vụ mới là chuyển tải nội dung tôn giáo, hay ngược lai, trình bày nội dung tôn giáo với những tâm tình mới mà chỉ ngôn ngữ dân gian mới khơi gợi lên được. Thơ lục bát của Đình Bảng luôn nhẹ nhàng, dung dị nhưng có thêm một chiều sâu lắng để có thể chất chứa thêm xúc cảm tâm hồn, và có cả niềm viễn mơ bàng bạc nào đó về một cõi quay về của cuộc đời. Không một bài thơ nào, dù không phải thơ lục bát, trong tập thơ Hành Hương và các tập thơ khác của ông thiếu vắng ca dao hay tục ngữ hoặc cách nói dân dã đời thường. Đây là một khổ “thơ mới” với những chấm phá cổ xưa:
 
Cứ để tôi là bụi tro, tấm cám
Hạt lúa mì rơi vãi giữa đồng không
Gió máy phơi phong, ấm lạnh nhạt nồng
Nằm khô khát dưới chân đồi xa vắng.
 
Trong số các bài thơ của tập “Hành Hương”, độc giả ấn tương nhất có lẽ là bài Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện, mà không biết vô tình hay hữu ý, Đình Bảng đã trang trọng đặt vào vị trí bài thơ mở đầu của toàn tập thơ. Bài thơ ấy, theo cảm nhận của tôi, không phải chỉ là một tuyên ngôn trang trọng về thơ mà còn có cả một triết lý sống của thi sĩ này, làm thơ là hơi thở, là cảm hứng, là nguồn sống của người thi sĩ họ Lê. Tuyên ngôn và việc làm thơ cũng chính là triết lý sống của ông:
 
Tôi làm thơ, nghĩa là tôi cầu nguyện
Như chùm hoa tự trút hết hương thơm
Phải tự nghiệm sinh để sống vô thường
Chẳng hề nghĩ mình cho đi, nhận lại
(Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện, tr.16)
 
Những câu thơ này khiến tôi bỗng dưng nhớ đến nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916-1976) cũng có một tuyên ngôn tương tự, dĩ nhiên với một nội dung khác:
 
Thơ ta chẳng hát cho đời
Chẳng mang tiếng khóc, câu cười nào đâu
Tâm linh đốt nén hương sầu
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi.
 
Thơ của một thi sĩ Công giáo vẫn mang nét Thiền, chất Thiền một cách lạ lùng của Phương Đông:
 
Khi về, đời nghỉ thong dong
Dưới hoa nằm mộng giãi lòng từ bi
(Ngát trên lưng đồi, tr.20)
 
Hồn tôi con vạc kêu sương
Cheo leo cồn vắng, khe truông mấy mùa
(Kinh cầu mùa, tr.47)
 
Ta cũng cảm nhận thấy được trong thơ Lê Đình Bảng phần hồn của con người đã được hấp thụ Nho giáo “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều gì ta không muốn thì đừng làm cho người khác); cái tâm của Lão Trang muốn nương mây cưỡi gió mà bay, mà bay cao chín ngàn dặm như con chim bằng”. Có lẽ những tư tưởng triết học phương Đông kết hợp với niềm tin Công giáo đã cấu trúc nên một biểu tượng thi ca như thế.
 
Những nén bạc trong dụ ngôn (theo Kinh Thánh) được chuyển hóa sang hình tượng khác, quen thuộc và ý nhị với những vần thơ lục bát truyền thống, vang vọng âm hưởng ca dao và đậm đà bản sắc văn hóa dân gian:
 
Nhiều khi tôi hỏi riêng tôi
Bát cơm nhà Chúa, hạt vơi, hạt đầy
Hạt nào tôi giữ trong tay
Của riêng, xin để dành ngày cánh chung.
(Tự tình khúc, tr.39)
 
Ngược lại, cảnh sa cơ thất thế trong ca dao được chuyển thành sự sa ngã của linh hồn, của tâm trạng con người:
 
Phải ngành mềm, tôi lộn cổ xuống ao
Cảm ơn Ngài vẫn để tôi được sống.
 
Và đây, một so sánh chưa hề có mà lại thật gần gũi:
 
Nhỡ mai mốt, có khi trời trở gió
Ôi Đức Tin tôi đom đóm lập lòe
 
Chút thành ngữ có thể đem đến cảm nhận mới:
 
Tôi hắt hiu trong nỗi cô đơn, ngầy ngật
Giữa bọn kinh sư cưỡi ngựa xem hoa
 
Nét miêu tả đất trời quê hương khiến cho ta cảm nhận được không gian với những chùm hoa xoan đất Bắc thật ấn tượng:
 
Hoa xoan tím phủ ngang đầu một huyệt
Lại một mùa Chay xé áo, xé lòng.
 
Lời thơ tôn giáo của thi sĩ lan tỏa những dòng thơ thấm đượm hương “đồng hoa nội cỏ” của văn hóa dân tộc Việt Nam, tiếng hát trên đỉnh cao của thi sĩ là tiếng hát phát xuất từ trái tim của người Việt Nam, sống trên mảnh đất quê hương yêu dấu. Lời thơ không là những lời bóng bẩy cao xa nhưng là lời cửa miệng của người dân Việt chất phác được thể hiện trong những bài đồng dao. Lời hát mang đậm tâm tư của người Việt được hình thành bởi nền văn hóa nông nghiệp, nhưng lại thấm đẫm chất Thánh Kinh Công giáo:
 
Em có về, nghe điềm lạ đêm nay
Ta gõ nhịp
Hát ngao bài đồng dao “Lạy trời mưa xuống”
Ở nơi đây, hồn em như thửa ruộng
Đầy sương mưa, nghìn con nước tuần trăng
Đã lên mầm xanh trùng điệp tơ măng
Cây bói trái, vườn nhựa căng, sai trĩu
(Mặt trời ở phương Đông, tr.35)
 
Một cảm nhận nữa của tôi khi đọc thơ của Lê Đình Bảng, đó là tính ngẫu hứng ở toàn bài thơ. Hình ảnh Thánh Kinh thiêng liêng, đường nét Đông Phương diễm lệ cùng lời nguyện cầu và tiếng thì thầm theo nhau dệt thành những dòng thơ tưởng chừng sẽ vô tận. Ở cuối mỗi bài thơ, tạm khép trang sách lại, không còn lưu luyến ở từng chữ từng dòng, tôi tìm được chủ đề tư tưởng, sứ điệp của bài thơ, nếm được hương vị chung của tác phẩm, cảm được niềm hạnh phúc của người thơ mang niềm tin yêu nói với vô biên trong cuộc trần nhiều cát bụi mà đầy ắp lời ca. Thơ Lê Đình Bảng đã được phổ nhạc rất nhiều. Các nhạc sĩ như đồng cảm với thi sĩ, khi dệt nhạc vào thơ Lê Đình Bảng, đã không chọn lối viết thánh đường với cấu trúc một điệp khúc riêng và nhiều phiên khúc, thay vì thế, nhạc cứ tuần tự theo lời, đưa nhau về tận xa xăm – xanh xanh đồng cỏ, ngàn ngàn lũng khơi.
 
Tôi không ca tụng thơ của thi sĩ Đình Bảng là những tuyệt tác, nhưng tôi tìm thấy ở nơi đó sự thân thuộc gần gũi với văn hóa Việt, sự nhẹ nhàng thâm thúy của tôn giáo mà tôi đang theo đuổi, của niềm tin mà tôi đang tín thác. Trong tập thơ “Hành Hương” của Lê Đình Bảng, tôi tìm thấy một tâm tình, một cảm xúc gần gũi với cuộc sống của người dân Việt, một cách hội nhập văn hóa thật sâu sắc, đó là sự giản dị và chân thành của cảm xúc được giãi bày trên cái nền hình thức truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức dân gian Việt. Tôi hình dung, nhà thơ vừa đi vừa hát nghêu ngao, lại vừa lắng đọng tâm hồn theo những cảm thức tôn giáo. Vì thế mà thơ ông bát ngát reo vui, từng chữ từng lời rất riêng, rất thơ, rất giàu hình ảnh. Và, đây chính là những vần thơ tôn giáo sống mãi với thời gian, đồng hành và hòa mình trong dòng chảy thi ca ngàn đời của dân tộc./.
 
 
Thành Tâm
Thông tin khác:
Năm mèo nói chuyện mèo (14/01/2011)
Câu lạc bộ Cổ vật Kim Sơn hội ngộ mỗi độ Noel về (06/01/2011)
PHỤC VỤ (18/12/2010)
Triển lãm "Rồng trong gốm cổ Việt" của một nhà báo Người Công giáo (01/11/2010)
DẤU CHỈ QUANH TA (01/11/2010)
Người lưu giữ ánh sáng suốt lịch sử (30/10/2010)
Bát bửu trong các đạo và đạo Công giáo (28/10/2010)
LỄ PHÉP (13/10/2010)
CHÚA GỌI CON (04/10/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log