Thời tiết bên ngoài khá lạnh. Ở nhà đã nghe thời tiết bên Úc rất thất thường, đang nóng ra lạnh, đang lạnh đổ nóng, người ta gọi “thời tiết khùng”, rõ rệt nhất tại miền Nam nước Úc, Melbourne, miền Bắc, Sydney ôn hòa hơn. Năm 2011 nước Úc chịu ảnh hưởng trực tiếp biến đổi khí hậu toàn cầu, mùa này bắt đầu vào hè mà học sinh, trường học lại co ro nghỉ hè như các nước vùng Bắc cực nghỉ đông. Mình thích thú tưởng được hưởng mùa đông run rẩy chờ tuyết rơi.
Vừa nghỉ hè, nghe các cháu mình xôn xao bàn tán điểm học cuối năm, hỏi ra mới biết bên đây không thi vào Đại học, chỉ lấy theo điểm cao nhất cuối High Schools, như một cháu đạt điểm cuối năm 97.3, có thể học Luật; nếu điểm 100, học nghành Y.
Sao không áp dụng mô hình này tại Việt Nam, chắc giảm nguồn tài chánh ngân sách khá lớn, nhiều thuận lợi, và tránh biết bao phiền toái như từ trước đến nay và tồn tại mãi!
Cảm nhận lần đầu vừa bước xuống máy bay, thật êm ả, yên tĩnh, hợp với thời tiết rất lạnh. Suốt dọc đường ngồi trên xe khoảng ba mươi phút, có cảm giác tốc độ tự do, tài xế nhấn ga thoải mái theo từng làn xe, không thấy Cảnh sát giao thông, không bắn tốc độ, không hề nghe một tiếng còi xe, không thấy bóng dáng một hai chiếc xe hai bánh, ba bánh, từ trong hẻm phóng ra bất ngờ thật kinh hoàng như ở Việt Nam! Sau tôi hỏi mấy cháu lái xe sao không thấy cảnh sát giao thông trật tự? Nó bảo không cần, có Camera gắn trên cao, ai vi phạm họ gởi Bill phạt tới nhà, rất sợ trừ điểm, hơn học sinh mất điểm hạnh kiểm. Bên này nhà trường đã dạy học sinh từ mẫu giáo ý thức kỷ luật xã hội. Tôi đã nghe kể, người được thi vào quốc tịch Úc, có câu hỏi: khi (you) trở thành công dân Úc thì you làm gì? Câu dễ trả lời: phải chấp hành mọi luật pháp của nước Úc, tất yếu có luật giao thông. Thu phạt từ tiền lương lao động, các nước kinh tế thị trường hoàn toàn sử dụng thẻ tín dụng. Việt Nam mới tập tễnh theo sau, còn hạn hẹp.
Tôi qua Úc, ở nhà người anh họ, Trần Khắc Khoan, khu vực Elouera Crest, Moore Bank NSW 2170, bảo lãnh, mời dự lễ Hôn phối, đám cưới đứa cháu Tân – Kim Anh. May mắn gặp Cha Trường Kỳ, Dòng Đồng Công, trong dòng họ, vừa chịu chức Linh mục sáu tháng tại Hoa Kỳ; anh chị Hòa – Xuyến và anh Khải cũng từ Mỹ qua đoàn tụ, tựa lễ Hiện Xuống, các môn đệ Chúa tản mác khắp nơi quy tụ cả về, tràn ngập niềm vui; phòng khách thường ngày vẫn thênh thang, bây giờ trở nên chật hẹp. Cả nhà chúng tôi dâng lễ, dự lễ, tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria, đã dẫn đưa chúng tôi qua đây, cho chúng tôi hưởng chút hơi ấm gia đình truyền thống trong Giáo Hội Chúa Kitô. Ngày nay, thế gới như trong bàn tay, các nước giao nhau như hàng xóm. Thủ tục xin cấp VISA ban đầu thật khó, hầu như bị từ chối, đã qua ngày 29/11 theo đơn xin, vì ngày 4/12 đám cưới. Không biết phải nhân viên Lãnh sự quán Úc có thiện cảm Giáo hội Công giáo, mình điện thoại xin vui lòng xét cho tôi là Linh mục Công giáo, cần kịp cử hành lễ Hôn phối, miễn cho tôi thủ tục ghi tài sản hiện có cá nhân, hoặc giáo xứ, vì tôi là linh mục chính xứ nhà quê nghèo. Cùng đi với tôi còn có vợ chồng cháu Huyền –Thắng hỗ trợ tôi. Bất ngờ thế nào, trưa 2/12 báo lên Tân Sơn Nhất đi gấp lúc 18 giờ. Cầm hộ chiếu, nhìn vào VISA lại ngạc nhiên, cho đi ba tháng, mình chỉ xin hai mươi ngày, Đức Giám Mục đã cho trước hai tháng. Việc đầu tiên tới Úc, tôi đến nhà thờ thuộc giáo phận Sydney hỏi, xin địa chỉ, số Phone anh em Linh mục thân quen trong giáo phận Vĩnh Long, hoặc bạn bè Đại Chủng Viện Xuân Bích Vĩnh Long xưa. Không duyên nợ, mình Cha Liêm, quê Mai Phốp, đi cùng gia đình định cư và tu bên Úc, lại đi vắng. Mấy ngày sau, phải bay qua Melbourne 1000 km mới gặp cha Sơn “tà” tại trận sân Tennis. Sao người ta càng chơi thể thao càng cao ráo, sơn tà càng tròn trịa? Hôm sau mời tới nhà ông Trí, người chú họ, nào ngờ, đây đã là nhà “Bê-Ta-Ni-A” của Sơn tà từ thuở nào, lại có em Hà mình là đệ tử ruột trong Hội đồng mục vụ giáo xứ Úc, gặp nhau lần đầu sau ba mươi sáu năm ngàn trùng xa cách, như hai con người ở hai hành tinh rớt xuống; nói sao cho cùng, chỉ “mạc khải” gia đình tên tục “Sơn Tà” cho mọi người cười hỉ hả thôi. Gọi cho cha Mak Hưởng: em ở cách anh Sơn tà 2000 km.Thôi, anh chào thăm và cũng chào thua, đất nước gì “tành bành”, xa lắc xa lơ và tên địa danh đọc trẹo quai hàm không ra!
Cảm xúc ban đầu mới tới, sao vắng vẻ thế này; dù tôi đã có dịp qua Canada, Mỹ cũng không yên tĩnh đến thế: các cửa nhà đều đóng kín, không một ai, dù ngưới lớn, trẻ em qua lại, mọi vật im lìm như về đêm, không biết cảnh vật theo người, hay người theo cảnh vật, cũng vắng lặng, cây đứng im, lạnh lẽo; khu dân cư đông đúc, nhưng không một hàng quán nào, nhà san sát, không căn hộ nào được xây cao qúa hai tầng. Mỗi nhà có vườn cỏ đằng trước, một loại cỏ, cắt bằng như nhau, mỗi nhà có máy cắt cỏ riêng, gần như cắt một lượt. Mấy ngày sau, tôi tập cắt thử, rất thích thú. Cắt xong, để lại những lắn sọc thẳng tắp, trước đây tôi vẫn thường tấm tắc khen những lằn thảm cỏ xanh trên các sân vận động quốc tế. Quả thật, “Hai lúa” chưa biết lằn xe cắt cỏ nhân tạo. Có chuyện hai vợ chồng nọ, ở quê ra thành, thấy thảm cỏ công viên bên bờ sông xanh rì, phẳng lì như tờ giấy, bà vợ khen nức nở, tài nghệ người cắt bằng kéo sao bằng phẳng khéo thế này! Ông chồng cười như nắc nẻ lên tiếng: quê một cục, “mười lúa”, nay còn ai cắt kéo, người ta cắt máy tới cỡ gì nữa, cả mẫu đất thế này. Bà vợ cãi liền, từ nào đến giờ cắt kéo; chồng “nóng mũi”: im đi, người ta nghe cười thúi! Bà vợ cãi quyết liệt: cắt kéo là cắt kéo. Anh chồng chịu hết nổi, đạp chị vợ một đạp lọt tới sông, chị vợ chết chìm, la oai oải, nhưng vẫn giơ hai ngón tay lên trời quả quyết “ Cắt kéo”.
Buổi sáng ngủ vừa thức dậy; giờ Úc đi trước Việt Nam bốn tiếng, tôi mơ màng nghe tiếng chim gáy cúc cu, tưởng đang ở quê nhà. Xuống nhà dưới, mở cửa ra sau vườn, ô kìa, như vườn thú thiên nhiên, đầy loại chim, nhảy tung tăng trên hàng rào, dưới sân cỏ, vào cả nhà bếp rất tự nhiên thân thiện, gần gũi với mọi người trong nhà, kể cả mình xa lạ mới qua. Những cô chú sáo chân vàng mỏ đỏ mập mạp hồn nhiên đến gần tôi, thú vị thật! Các cháu nhỏ tôi bảo không ai được săn bắt nó, ở tù, phạt tiền đó. Không biết có phải mọi người tây, Úc đều tôn trọng súc vât không, người Úc có vẻ quá đáng theo suy nghĩ thông thường, quan điểm Kitô giáo hoặc triết lý Á Đông “vật dưỡng nhân”, mọi tạo vật Thiên Chúa làm nên cho con người trông coi. Tôi nghe kể, có người cầm cây roi dá dá con mèo, bị Police thẩm vấn, tại sao mày đánh nó?; một bà khác quăng con mèo chết vào thùng rác nhà bên cạnh, bị truy tố ra tòa, phạt tù ba tháng và phạt tiền. Ở Việt Nam, các nhà Sư Phật giáo Khmer Nam tông dễ chấp nhận phong tục này: “không được cắt cổ gà, xẻ thịt bất cứ con vật gì”. Tuy nhiên, có người khác làm thì các vi Sư dùng được một bữa ăn trong ngày, nhưng phải trước mười hai giờ trưa.
Đất nước Úc có rất nhiều điều lạ khó có thể học hỏi và làm theo. Trước hết, một quốc gia được Tạo Hóa ưu đãi, cho hẳn một châu lục bao la Đại dương, rộng gấp năm lần diện tích Việt Nam, với dân số chỉ bằng một phần tư, trên hai mươi triệu dân. Tài nguyên khoáng sản dồi dào, lớn nhất mỏ than đá, vàng, sắt, lúa mì, bắp. Đến nay, chính phủ có luật hỗ trợ khuyến khích sinh đẻ, một lần sinh được thưởng năm ngàn đô Úc, ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ như một ‘máy đẻ”. Chính sách an sinh xã hội tuyệt vời, rất nhiều người hài lòng cuộc sống hiện tại, họ phát biểu như cảm giác thiên đàng trần gian. Cụ thể trong gia đình tôi có đứa em họ, khi vượt biên qua Úc từ năm 1985, đã bị khuyết tật đôi chân do tai nạn đạp xích lô ở nhà, tuổi trên bốn mươi, vẫn độc thân, ở căn nhà của chính phủ cấp, rất khang trang, nhiều phòng, tiện nghi đầy đủ và gần như cấp lương hàng tháng, phi lao động, chăm sóc sức khỏe y tế toàn diện, suốt đời. Xuống miền nam nước Úc, Melbourne, có đứa cháu trai 19 tuổi, con của em Phương, bị chấn thương não tâm thần, chính phủ nuôi dưỡng con và mẹ như một nhân viên y tế tại gia.
Từ chính sách ưu đãi trên, mới hiểu tại sao họ tôn trọng nhân vị con người cao như thế, thậm chí dù một em bé hay người lớn, nếu bị tai nạn trước cửa nhà mình, có thể thưa kiện ra tòa và phạt tiền do lỗi trên sân. Hoặc trong quán ăn, nhà hàng, thiếu vệ sinh an toàn cũng bị phạt nặng gây ảnh hưởng sức khỏe. Ngoài ra chính phủ Úc khuyến khích lập hội để nhiều người tham gia sinh Hoạt vui chơi, giải trí tăng cường sức khỏe, giảm thiểu ngân sách bảo hiểm y tế chính phủ…
Các tôn giáo cũng được khuyến khích phát triển, điển hình nước Úc xưa nay chưa có chùa Phật giáo, nay có nhiều ngôi chùa hoành tráng, mới tinh, do chính phủ Úc tài trợ phân nửa kinh phí, Úc gọi là tôn giáo mới. Với Công giáo, đã có nhiều nhà thờ, không cần xây dựng mới, mặc dù rất kính trọng Giáo hội Công giáo, thậm chí khai mạc kỳ họp Quốc hội toàn thể đọc kinh Lạy Cha, nhưng không làm dấu Thánh Giá.
Điều tôi ngạc nhiên trải nghiệm qua mười mấy ngày sống trong gia đình họ hàng tôi tại Úc, vẫn duy trì bản sắc, truyền thống đậm tình cảm gia tộc “Tứ đại đường”. Cả thế hệ con cháu sinh sau tại Úc, cũng được ông bà, cha mẹ truyền thụ sâu sắc: tập trung đông đủ tại nhà người anh, quyền huynh thế phụ, mỗi ngày vào giờ buổi tối tan học, công sở, cùng đọc kinh, cầu nguyện, tham dự Thánh lễ tại nhà. Những ngày sau mỗi cháu mời tất cả về nhà riêng, cách xa nhau khoảng mười phút lái xe. Ngày Chúa nhật, cả nhà rủ nhau đi lễ ở nhà thờ. Tôi đã dâng Thánh lễ đồng tế tại một nhà thờ cộng đồng Úc gốc Việt, giáo dân chật kín nhà thờ, ca đoàn hát rất hay, sử dụng nhiều nhạc cụ; nghe nói ca trưởng là một cô đã tốt nghiệp trường Quốc gia âm nhạc Sài-Gòn.
Ngày nay Giáo Hội đang quan tâm đặc biệt truyền thống đạo đức, lễ nghĩa gia phong, tôn ti trật tự nơi nền tảng các gia đình, nhất là Giáo hội tại Á Châu.
Như tôi đã nhắn gởi đôi lời với các anh chị em, con cháu, trước khi chia tay trở về Việt Nam: Hạnh phúc nào, văn minh, tiến bộ nào cũng phát xuất từ gia đình; những ngày qua, chúng con đã thấy, niềm vui gia đình giống như bệ phóng những con tàu vũ trụ vào không gian, dù bệ phóng ấy cũ đi, cũng phải thay thế những bệ phóng mới!
Theo tinh thần Tông Huấn Familiaris Consortio về những bổn phận của gia đình Kitô hữu: gia đình tốt thì xã hội tốt, Giáo hội tốt, cha mẹ tốt thì con cái tốt.