Không chỉ là những chuẩn bị bề ngoài, với người Công giáo Việt Nam, khi hòa mình vào truyền thống văn hoa của dân tộc mình, vẫn luôn mở rộng hồn mình để chào đón Chúa Xuân – Chúa của đất trời.
Trong những ngày cuối năm, khi năm hết tết đến, người Việt Nam có thói quen dọn dẹp, điều này xuất phát từ quan niệm “tống cựu nghinh tân”. Tết là dịp tiễn cái cũ đi để đón cái mới đến, là dịp để thay đổi cho tươi mới hơn chính cuộc sống với những tiện nghi vật chất và con người của mình. Ngày Tết gần đến, có những căn nhà được sửa lại khang trang, được tô sơn hay quét vôi mới, có những con đường hay lối ngõ được dọn dẹp thật sạch sẽ,… tất cả làm nên sự thay đổi dịp Tết thật sôi động và náo nhiệt. Mỗi người đều cố gắng tạo cho mình và mọi người một khung cảnh thật ý nghĩa và tươm tất để chào đón Năm Mới đang về.
Với người Công giáo tại Việt Nam, mỗi dịp Tết đến Xuân về, cùng với mọi người, họ cũng dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, mua sắm đồ mới, chỉnh trang nhà cửa. Cùng với mọi người, họ cố gắng chuẩn bị một cách chu đáo nhất để chào một mùa Xuân và cái Tết cổ truyền. Năm mới, bên cạnh việc dọn dẹp những giá trị vật chất, người Công giáo hết sức chú tâm tới việc dọn dẹp chính tâm hồn mình. Đó quả thật là một sự Dọn lòng đón Xuân nhưng còn ý nghĩa hơn bởi đó là Mở lòng đón Chúa. Trong những ngày cuối năm, trong những ngày Tết đến, mọi người cùng hiệp ý với nhau cảm tạ hồng ân Thiên Chúa trong suốt một năm đã qua. Xua tan đi những giận hờn, ghen ghét, oán than, tội lỗi trong năm cũ để chuẩn bị lòng mình đón một mùa Xuân với bao phúc lành của Chúa Xuân. Đó là sự khao khát chính Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực, là sự đổi mới toàn vẹn nhất, mở lòng mình ra với mọi người và cũng chính là mở hồn mình ra với Thiên Chúa – Đấng là Chúa của Mùa Xuân bất diệt.
Mở hồn mình đón Chúa Xuân ngự đến, người Công giáo Việt Nam không thể không mở lòng mình để đến với tha nhân. Người Công Giáo, hòa mình vào không gian sắm sửa ngày Tết, nhưng luôn vươn lên những giá trị cao hơn, gắn với niềm tin mà mỗi người theo đuổi. Của cải vật chất chỉ là phương tiện để giúp con người chứ không phải làm chủ đời sống của họ, con người phải biết sống những giá trị Tin Mừng, để chia sẻ cho nhau, nâng đỡ nhau trong tình liên đới chân thành. Hoạt động thăm viếng, giúp đỡ người nghèo trong mỗi dịp Tết đã trở nên nét đẹp của người Công giáo. Mọi người chia sẻ cho nhau bằng tất cả tình nghĩa và bác ái Kitô. Những món quà vật chất có thể không lớn, nhưng chất chứa bao tình nghĩa, sự đồng cảm và yêu thương. Hy sinh một chút những món quà xa xỉ để dành phần giúp đỡ người nghèo luôn là một điều đáng trân trọng và khích lệ.
Người ta thường mời nhau gặp gỡ và liên hoan mỗi khi Tết đến. Người Công giáo không chỉ mời những anh chị em thân thiết hay trong gia đình, nhưng được mời gọi chia sẻ cho cả những anh chị em gặp khó khăn, không phân biệt lương giáo hay địa vị xã hội.
Giờ phút Giao thừa được chào đón cách cảm động trong niềm vui và cảm tạ. Cảm tạ Thiên Chúa vì muôn hồng ân Người đã thương ban trong một năm đã qua, dâng lên Người tất cả những niềm vui nỗi buồn, những tâm sự trong một năm đã qua. Đồng thời, mỗi gia đình dâng lên Thiên Chúa những kinh nguyện, những phút hồi tâm lắng đọng. Lời cầu chúc không chỉ là sức khỏe, làm ăn phát đạt, nhưng còn cầu chúc sự bình an, ơn phúc và hồng ân trong Năm mới.
Mỗi người chúng ta hãy cảm tạ và phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa; bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của mùa xuân, Thiên Chúa của Tình Yêu, Thiên Chúa của Sự Sống. Khi biết mở lòng mình ra với mọi người, chúng ta thật dễ dàng để mở hồn mình ra với Thiên Chúa. Một Năm Mới đang đến gần, chúng ta cùng với mọi người dọn dẹp bề ngoài nhưng cũng chú tâm dọn dẹp chính tâm hồn, để Năm Mới sang chính là thời điểm để chúng ta bước vào đời sống mới, thay đổi để thực sự sống tình liên đới yêu thương, mở lòng đến với mọi người và sẵn sàng để nghênh đón Chúa Xuân muôn đời./.