Giáo xứ Trang Cảnh hôm nay.
Một buổi trưa tháng 9/1988, trong gió mùa đông bắc tràn về, anh em thủy thủ trên tàu 61 đang chăm chú nghe bản tin dự báo thời tiết để chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày. Bỗng trong buồng lái chiếc máy ICOM vang lên: “Tổng đài gọi 61!, Tổng đài gọi 61 nghe rõ trả lời”. Nhận được tín hiệu trả lời, phía Tổng đài yêu cầu tàu chúng tôi nán lại ít phút để đón một Nhà báo cùng đi. Anh em thủy thủ vừa mừng, vừa lo bởi trong điều kiện thời tiết chưa ổn định, ngoài khơi đang sóng gió cấp 5, cấp 6 liệu anh Nhà báo có đủ sức chịu đựng một chuyến ra khơi dài ngày cách bờ hơn 50 hải lí. Thông thường những chuyến đi như thế, có ít nhất vài ba thủy thủ bị say sóng.
Từ trên boong tàu, chúng tôi đã nhận ra đó là Nhà báo Vũ Toàn (phóng viên báo Người Công giáo Việt Nam). Vẫn tác phong nhanh nhẹn hoạt bát như ngày tôi gặp anh đến công tác tại làng cá của HTX Vạn Xuân, thuộc giáo xứ Trang Cảnh. Gặp tôi, anh bảo “Mình muốn biết sâu hơn sự vất vả trong lao động nghề cá của ngư dân là bà con giáo dân trên biển để hiểu đức tin bằng việc làm của bà con như thế nào qua sóng gió trên biển, đồng thời hiểu thêm phương pháp bám biển, bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, gắn phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng”… Còn chúng tôi đón anh với niềm vui, bởi “hiếm hoi lắm mới có một Nhà báo theo tàu đánh cá ra biển”.
Nhà thờ giáo xứ Trang Cảnh
Con tàu xuyên vào đêm, gió càng rít mạnh, những ngọn sóng bổ dồn dập trùm qua mũi, đập vào thân khiến con tàu lắc lư chao đảo chúi xuống chồm lên gồng mình với biển. Phía sau buồng lái mấy thủy thủ bị say sóng nằm thiếp, số còn lại đang chuẩn bị các công việc cần thiết phòng tình huống thời tiết bất lợi, hai anh em chúng tôi ngồi trong buồng lái. Tôi thấy Vũ Toàn hai tay nắm chặt thành ca bin nhưng vẫn có lúc bị bật ra. Một lúc sau tôi thấy anh bị choáng nhưng vẫn cố chống chọi cơn say sóng để không bị nôn. Thuyền trưởng Đặng Quang Phúc vừa căng mắt điều khiển luồn lách con tàu, xử lý tình huống khi gặp các chướng ngại vật, vừa gợi mở những điều thú vị về biển, về những mẻ lưới nặng cá, những kỷ niệm khó quên sống chết với giông bão. Không ngờ Vũ Toàn bị kích thích rồi liên tục hỏi chuyện. Tôi biết, Nhà báo đang tò mò khai thác tư liệu cho chuyến đi không mấy thảnh thơi này.
Khuya, biển lặng dần. Tàu lướt nhanh trên mặt sóng. Phía trước những chùm ánh sáng bồng bềnh một vùng rộng lớn trông như thành phố nổi. Tôi chợt reo lên làm Vũ Toàn đang tựa mình vào thành ca bin và thiếp ngủ bỗng giật mình bật dậy. Thuyền trưởng Phúc mở máy dò cá, cho tàu lướt chậm gần mấy cụm ánh sáng. Anh cho biết ở mỗi cụm có khoảng từ 5-7 tấn cá, anh kéo ga cho tàu tăng tốc lên đầu dòng nước, lệnh cho thủy thủ thả neo. Những chiếc tàu bạn đang tất bật vây lưới, tàu chúng tôi nổ máy phát điện, mọi người tranh thủ thả câu, kịp kéo lên những con mực ống dài, to trông thật ngon mắt. Nóng lòng chờ đợi đàn cá đến, khoảng 30 phút, chùm ánh sáng bên phải tàu xuất hiện một đàn mực ống màu hồng trông thật tuyệt vời, chúng phóng như tên, những con mắc câu phụt ra những đụn khói đen ngòm, cùng lúc chùm ánh sáng bên trái tàu xuất hiện đàn cá lầm tung bọt. Chúng tôi sực nhớ Vũ Toàn, vội lao vào buồng lái gọi anh kịp ghi lại những thước phim hiếm có, mọi người nháo nhác tìm gọi, nhưng không thấy anh đâu cả. Bổng từ trên sân thượng tiếng Vũ Toàn vọng xuống: “Tuyệt quá! Tuyệt quá! Nhắm mực với rượu trên phố đã nhiều nhưng giờ mới biết kiếm được con mực ở biển khơi thật không mấy dễ dàng”. Chúng tôi ùa lên ôm chầm lấy Vũ Toàn cùng nhau cười ra nước mắt vì có người hoảng hốt, tưởng anh Nhà báo đã bị rơi xuống biển”.
Bất ngờ cơn gió mạnh ập đến kèm theo mưa lớn, những ngọn sóng trùm qua mũi tàu. Mọi người rát mặt trong gió mưa khom mình lùa neo cầm cự với cơn giông, còn Vũ Toàn nhờ sự hỗ trợ của hai thủy thủ đang tiếp tục ghi hình… Biển trời trở lại bình yên, mọi người chưa kịp thay quần áo thì lệnh của thuyền trưởng phát ra, anh em nhanh chóng nhổ neo thả lưới vây đàn cá, còn Vũ Toàn mãi lia ống kính theo đàn cá nổi đang tung bọt trắng xóa, suýt nữa cả người lẫn máy quay cùng xuống biển nếu không có thủy thủ đi kèm. Trong buồng lái thuyền trưởng Phúc trổ hết tài năng nghề nghiệp, mắt liếc màn hình xem biến động của đàn cá, mắt quan sát vệt lưới trên mặt biển, sao cho chùm ánh sáng trên bè luôn nằm giữa vòng tròn của lưới, chân gạt cần số tới lui, tay tăng giảm tốc độ, miệng chỉ huy mọi người kéo lưới, tai nghe những phản hồi của thủy thủ… Vòng lưới căng đầy cá, các tay kéo gồng mình ngả hết người về phía sau vẫn khó có thể kéo lên được, mọi người cứ giằng co với mẻ cá, nhích dần từng khoảng tay cùng với nhiều biện pháp nghề nghiệp để thu gọn mẻ cá trong niềm háo hức mong đợi đến tột độ.
Vươn khơi bám biển.
Mặt trời vừa lên, mẻ cá cũng đã nằm lấp lánh trong khoang tàu. Mọi người có cảm giác tay chân như bị rời ra, quần áo đầm đìa nhớt cá, còn Vũ Toàn bị vảy cá phủ trắng từ đầu đến chân trông như một “chàng tiên cá trong truyện cổ tích” khiến thủy thủ reo hò khản cổ họng. Thuyền trưởng Đặng Quang Phúc mở nút chai rượu lúa mới đi chúc anh em hết lượt rồi yêu cầu nhà thơ Vũ Toàn cảm tác về ngày đầu của chuyến đi may mắn. Trong tiếng vỗ tay tán thưởng, Vũ Toàn đọc ngay: “Xa đất liền đã ngót một ngày mây/Một ngày gió khi mưa, khi nắng/Tàu neo lại giữa bốn bề biển rộng/Bên kiên gan bờ rạo những tre làng...”. Rồi anh nhìn về phía chân trời, đọc tiếp: “Lưới ta vây chi chít sao sa/Bè ánh sáng dập dờn mời gọi/Căng tay kéo trên đôi chân vững chãi/Sóng dập dồn cá quẫy ngỡ tàu nghiêng...”. Tôi ứng tác lại Vũ Toàn: “Cơn dông vào lưới lặng bơi/ Vành trăng lúng liếng sâu ngời mắt em/ Tàu anh chao sóng mù đêm/ Hừng đông vịn gió hương em biển ngào…”. Đúng vậy, con tàu đang nghiêng ngả lắc lư theo hướng bờ, chở đầy những kỷ niệm. Mãi đến hôm nay đã qua bao mùa bão giông, nhưng những người từng đi trên tàu 61 ngày ấy vẫn còn nhớ như in hình ảnh anh phóng viên báo Người Công giáo Việt Nam đầy nhiệt huyết, xông xáo. Sau chuyến đi đầy kỷ niệm ấy, cả tàu chúng tôi và bà con giáo họ Vạn Cảnh chuyền tay nhau đọc bút ký “Trên biển Vạn Xuân” và bài thơ “Viết trên tàu 61” cùng với những phóng sự về ngư dân trên Đài Truyền hình tỉnh, trên Đài THVN đầy cảm động và tự hào của anh. Các thủy thủ trên tàu 61 nhớ mãi anh Nhà báo dễ thương, thích mạo hiểm để săn lùng đề tài mới lạ về người giáo dân và biển cả. Từ đó đến nay, anh Vũ Toàn đã chuyển công tác qua một số Tòa soạn báo, anh từng là Phóng viên, đại diện báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh tại miền Trung. Từ chuyến đi biển ấy, chúng tôi thường nhắc về kỉ niệm, theo dõi bước đi của anh qua những trang phóng sự sinh động, giàu tính phản biện, tính nhân văn. Lạ thế, viết báo thì như vậy nhưng những bài thơ của anh lại giàu chất thi ca, lúc trên rừng, khi dưới biển. Tác phẩm của anh thể hiện bản lĩnh, năng lực, đạo đức và kinh nghiệm của người làm báo… Anh là một trong những phóng viên dám tiếp cận những nơi nguy hiểm, dám viết về những vấn đề gay cấn đang diễn ra. Sau những bài báo, những phóng sự bạn đọc thấy những đóng góp tâm huyết, lặng lẽ của một Nhà báo. Điều này càng thêm cảm kích khi chúng tôi xem chương trình “người đương thời” về anh và đồng nghiệp của anh ở báo Tuổi Trẻ sau loạt bài “Cơm tù, xe cướp trên Quốc lộ 1A”, “Theo vết chân người bẩy chim rừng…” Bà con làng biển giáo xứ Trang Cảnh càng tin yêu một Nhà báo từng là phóng viên của báo Người Công giáo Việt Nam như anh.
Làng Vạn Cảnh thuộc giáo xứ Trang Cảnh đã trở thành làng văn hóa. Bút ký “Trên biển Vạn Xuân” và bài thơ “Viết trên tàu 61” của anh đến nay vẫn còn mãi vỗ sóng trong lòng bà con giáo xứ miền biển.