Văn hóa nghệ thuật

Thánh giá nào cho con?

Cập nhật lúc 13:53 28/03/2024
Ngày chị gái tôi đi lấy chồng, giờ rước dâu, tôi khóc không ai dỗ dành được, lý do đơn giản là từ mai chị sẽ không còn ở nhà của mình để chở tôi đi học nữa.


Hôm ấy ăn bữa tối xong, nó đang nằm khóc thút thít bỗng nghe tiếng anh, chồng chị gọi ngoài hiên: “Đây chị ra đây rồi!”. Con bé vội gạt nước mắt vục dậy, mơ màng như thể được trả lại chị của mình... Bởi chị đã đạp xe chở nó đi học ròng rã hết tiểu học, sang trung học cơ sở tới năm cuối. Từ đó, việc đi học của nó sẽ bắt đầu những ngày bí kẹt, bập bênh, nên hụt hẫng lắm vì biến cố ấy.
Chị lập gia đình chỉ cách cây số, nhưng lúc ra riêng xây căn nhà mãi trên rẻo cao. Muốn lên chơi thăm nhà chị, phải trèo lên con dốc thật dài và cao, còn quẹo trái, quẹo phải quả là khó khăn, chỉ khổ chị tôi mang vác đứa em lên. Anh làm nghề thợ mộc, nghề của thánh Giuse xưa, chị chân lấm tay bùn tối ngày. Nghèo vậy mà Chúa thương cũng nuôi nổi ba đứa con học xong đại học. Xưa nay nếu không có công việc, thi thoảng lắm tôi mới lên thăm nhà chị một vài ngày. Ngồi đến giữa trưa mới thấy anh rời xưởng mộc, bụi gỗ mùn cưa bám đầy áo quần từ đầu đến chân. Ăn trưa xong một lát tôi lên giường nghỉ, còn anh lại sang xưởng làm chiều. Mỗi ngày qua bao vất vả nhọc nhằn, nhưng tối sớm cả nhà hiệp lòng giờ kinh chung với nhau, đơn sơ, cuộc sống an bình, êm ả. Lúc chào về tôi hẹn lần sau, anh chỉ cười hiền: “lại sang năm”. Tôi chẳng dám nói gì, vì quả đúng như vậy và sau này còn thưa thớt hơn nữa, bởi lẽ tôi rất sợ đường lên con dốc nhà anh. Trong đại gia đình tôi, anh chị có cuộc sống hạnh phúc giản đơn nhưng cũng gặp nhiều sóng gió cuộc đời. 
Rồi một ngày đầu xuân năm nay, anh bỗng có triệu chứng đau đầu, choáng nặng và nôn ói thốc tháo. Đưa anh đi khám bệnh, bác sĩ nghi ngờ và giục lên tuyến trên. Qua nhiều ngày tầm soát, kết quả cho thấy anh mắc căn bệnh hiểm nghèo và đã tới giai đoạn cuối không thể cứu vãn... Chị tôi, các cháu và đại gia đình nghe bàng hoàng như sét đánh ngang tai, vì không hề ngờ tới chuyện này. Riêng anh không biết rõ bệnh tình vì chúng tôi giấu nhẹm kẻo anh sốc tinh thần, bệnh sẽ càng nặng nhanh thêm. Mẹ con chị khóc ròng vì thương anh. Rồi chị nén đau trấn an các con. Tôi phải học gương can đảm của chị. Nhưng con anh là con trai mà nó thương bố nức nở hoài, tôi không thể nào ủi an được. Là em, tôi còn bị xuống tinh thần, rầu rĩ mất ngủ cả tháng huống là vợ con anh. Chúa ơi! sao lại là anh con? Ngoài Chúa ra ai biết được “giờ” của anh? Ngày đêm tôi nước mắt ngắn dài, người mệt rũ rượi không làm việc nổi. Đến với Chúa, cứ giờ dâng lễ và rước lễ là suối lệ trào tuôn. Tôi nhắn tin tới một linh mục khôn ngoan, cha bảo được về với Chúa là hạnh phúc, đó là ước mơ của người có đức tin Kitô giáo. Tôi giữ riêng trong lòng điều này để tập luyện một mình mà thôi. 
Ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho tháng 2 năm nay là cầu nguyện cho bệnh nhân nan y giai đoạn cuối và người chăm sóc họ. Thật trùng lặp, đúng trong tháng này gia đình chị tôi mới phát hiện căn bệnh của anh đã ở cuối đường. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho anh ơn vâng ý Chúa, được sức mạnh trong đau đớn và trung thành với Chúa đến giây phút cuối cùng, cho chị và các cháu được ơn can đảm vâng theo thánh ý Chúa và đủ sức vượt qua biến cố này. Đối diện trước danh giới sự sống và cái chết mong manh, cheo leo như ngàn cân treo sợi tóc của anh, tôi mới cảm nhận sự sống Chúa ban cho mình quý giá nhường nào. Tôi bệnh tật yếu ớt và cách xa bệnh viện cả trăm cây số, ngày ngày chỉ biết hướng lòng từ xa, cầu nguyện, đi lễ, hiệp dâng “thay” cho cả nhà, gọi điện ủi an nâng đỡ chị và các cháu bằng lời, trong lúc gặp gian nan khốn khó. 
Những giây phút quý giá được gặp anh từ xa qua zalô, điện thoại, anh không thể mở mắt nhìn đứa em nữa. Nhưng trong những phút gặp gỡ ngắn ngủi ấy, tôi lắng tai nghe từng lời yếu ớt của anh. Nhìn anh tiều tụy nhưng thật bình an. Anh dặn tôi ở nhà cầu nguyện cho anh. Tôi ráng ủi an khích lệ anh một niềm phó mạng trong tay Chúa và xin rước Thánh Thể hằng ngày để sống nhờ sức sống của Chúa. Nếu có thể anh suy ngắm chục kinh Mân Côi thứ bốn mùa thương để xin ơn chịu khó bằng lòng vác Thánh giá đời mình theo Chúa. Xin người đọc một lời cầu nguyện cho anh và gia đình.
Lạy Chúa! Thánh giá nào Ngài vác trên vai? Đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con. Lạy Chúa! xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài Thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa! xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.
Nguyễn Thị Duẩn
Thông tin khác:
Lễ cúng rừng - Nét đẹp truyền thống của Lào Cai (20/03/2024)
Top những điểm đến tốt nhất trong năm 2024 do tạp chí Vogue bình chọn (20/03/2024)
Chè Shan tuyết cổ thụ - nguồn vàng xanh Lào Cai (07/03/2024)
Rực rỡ “Bản hòa âm đất nước” trong đêm Nguyên tiêu (25/02/2024)
Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn bậc nhất châu Á (04/01/2024)
Nhà thờ có kiến trúc nhà Rông (29/12/2023)
Khám phá nhà thờ cổ nhất và mới nhất ở Bà Rịa - Vũng Tàu dịp Giáng sinh (21/12/2023)
Thức tỉnh hồn mộng mơ (10/11/2023)
Chung kết Ngày hội Anh tài 2023: Nơi tài năng được thể hiện (29/10/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log