Điện Kính Thiên tại Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội |
Điện Kính Thiên là chính điện của Hoàng thành Thăng Long vào các triều đại Lê, Mạc, Lê Trung Hưng và là nơi nhà vua cử hành nghi lễ đại triều và các nghi lễ quốc gia quan trọng. Năm 1886, điện Kính Thiên bị phá hủy hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện trong khu thành cổ Hà Nội ngày nay. Ngày 12/3/2021, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên, nhằm tạo tiền đề, cơ sở khoa học để khôi phục điện Kính Thiên và toàn bộ không gian điện. Đề án này do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội lập, đồng thời là chủ đầu tư, giới hạn vào các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn và các triều đại có liên quan làm cơ sở đối sánh, trong đó tập trung nghiên cứu vào triều Lê (thời Lê Trung Hưng); giới hạn địa lý của Kinh thành, Hoàng Thành, Cấm thành Thăng Long qua các triều đại lịch sử; không gian điện Kính Thiên gồm các bộ phận kiến trúc chính là cửa Đoan Môn, sân Đan Trì, Chính điện Kính Thiên, tường hành cung, Hậu Lâu và các công trình phụ trợ khác trong đó quan trọng nhất là Tòa Chính điện Kính Thiên.
Điện Phụng Tiên có nghĩa “Điện thờ phụng tổ tiên”, là một ngôi điện nằm ở gần cửa Chương Đức trước Cung Diên Thọ cửa tây của Hoàng thành Huế dùng để thờ cúng các Hoàng đế và Hoàng hậu triều Nguyễn. Điện cũng là nơi lưu trữ nhiều bảo vật của nhà Nguyễn, nhưng đến 2/1947, toàn bộ đã bị thất thoát cũng như đốt cháy. Sân trước điện khá rộng cũng được lát bằng gạch Bát Tràng. Sát hiên trước có một hàng chậu sứ trồng cây cảnh được đặt trên các đôn bằng đá chạm. Cuối sân có một bể cạn lớn làm bằng đá, bên trong có một hòn non bộ, xây bằng đá tựa vào một bức bình phong giăng dài phía sau cửa tam quan. Ở giữa mặt trước khuôn viên có vòng thành bao quanh.Một người Pháp tên Susse đã gọi điện Phụng Tiên là một bảo tàng ở Hoàng cung Huế. Qua lời mô tả của ông, hầu hết các bảo vật của các Vua và Hoàng hậu đều được thống kê và đưa vào tủ kính để ở đầu điện từ năm 1911. Đồ được đặt trong tủ có rất nhiều loại: các đồ đồng do người Việt đúc ở thời Minh Mạng, các loại đồ đồng tráng men, bộ sưu tập tiền đồng, các bảo vật của các đời vua và các chậu lung với cây cỏ, cảnh san hô được làm bằng vàng và ngọc...