Văn hóa nghệ thuật

Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 7,8,9,10)

Cập nhật lúc 11:28 13/06/2012

 

Ai về trại lấy, buổi tối chúng tôi tổ chức văn nghệ cây nhà lá vườn. Thời ấy, ca cổ là món ăn khoái khẩu của Cách mạng, xen lẫn tân cổ giao duyên là những ca khúc hào hùng ca ngợi Cách mạng. Tôi cũng học được ít bài ruột để tham gia phong trào văn nghệ quần chúng như: Trường Sơn đông – Trường Sơn tây, Con kênh ta đào, tiếng chày trên sóc Bom Bo, Vàm cỏ đông, Vàm cỏ tây… Bất ngờ tôi được giới thiệu lên như một ca sĩ nhà vườn; lời ca, ý tứ, nhuộm đỏ như chuyên, pha trộn nhạc dân tộc Khơmer, Samaki…, Samaki (đoàn kết, đoàn kết), cùng nắm tay nhảy Lằm Thon. Đêm đã khuya, tất cả chìm vào đêm tối. Càng về khuya, sương đổ như mưa rơi thánh thót, giấc ngủ chìm sâu trong bóng đêm, không gian càng tĩnh mịch. Chỉ còn tiếng ếch nhái râm ran, xen lẫn hơi thở thì thầm, đưa con người vào cõi mơ, quên hết thực tại hôm nay. Có khác gì những mảnh đời lang thang trên hè phố, bác xích lô vắt vẻo trên càng xe dưới gốc cây, chúng tôi ngủ vùi trên lớp rơm, cũng như những nhà quý tộc trên giường nệm nhiều sao, có khác nhau trong cơn ác mộng. Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã ca ngợi người nông dân chân chính: “đêm năm canh an giấc gáy kho kho”. Trời bừng sáng, cảnh vật cũng trỗi dậy, tiếng gà báo thức trong thôn xóm, từng đàn cò trắng bay rợp bầu trời quang đãng. Sự sống lại vươn lên, người nông dân vác cuốc ra đồng, nông trường lại nhộn nhịp. Và sự nghiệp đã hoàn thành: “con kênh ta đào có anh và có em”. Cuốn gói trở về, lòng tôi tràn ngập niềm vui.
8. ÂN NGHĨA
Tôi biết ơn cách mạng, đã giúp tôi dọn mảnh đất tốt để gieo Lời Chúa. Chắc chắn hạt giống đang nảy mầm và sẽ đơm bông kết trái, có thể hôm nay, ngày mai và mãi mãi như đức Kitô, Đấng cứu chuộc duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Thời cơ mới, nhưng phải chăng thách thức mới.
Bất ngờ, chính quyền xã lên thăm các linh mục và ngỏ ý mời tôi tham gia mặt trận Tổ quốc xã hội. Tôi thay mặt cảm ơn, xin ghi nhận, sẽ trả lời sau. Đúng tuần lễ, tôi đến ủy ban báo tin, tôi sẵn sàng tham gia, mong đóng góp phần nào với khả năng có thể, để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tháng 8/1977, tôi đã dự lớp tập huấn 20 ngày ở tỉnh, lúc đó còn là Cửu Long, được bầu làm tổ phó học tập. nói là bạn học, thực ra đa số là các vị cao niên, phần đông là cán bộ hưu trí. Vào thời điểm Nhà nước có chỉ thị cấm rượu, ai nấu rượu bị xử phạt hành chánh, tịch thu đồ nghề. Từ đó nảy sinh nghệ thuật nấu rượu “chui”. Tôi đành phải nhập cuộc, để khích lệ các bạn học tập tốt, tự tôi xách ấm ra quán ở ngoài hàng rào trường, cô chủ quán đã giải mã đúng thông số, lẳng lặng đong đầy ấm, kèm theo bẹ nước đá như quà tặng của em gái hậu phương, ủng hộ cán bộ giải khát với ấm trà quê hương. Rượu đã cạn ấm, tình nghĩa dâng cao, nguồn cảm hứng dạt dào, ông bạn quê hương Út Trà Ôn hưng phấn ca 6 câu vọng cổ, bạn khác tân nhạc, còn lại nhạc công, cái gì gần tay cũng trở thành nhạc cụ, họp thành ban “đập bồn, đập bát”. Bỗng tổ phó học tập lên tiếng thông báo các bạn chuẩn bị lên lớp, ông bạn Ba-la-ma (mặc đồ Pyjama) xin ý kiến vắng mặt, lý do: “quắc cần câu”. Bạn khác múa may, miệng phun phèo phèo, “quá đã, trời đất như say, quên đi sầu nhân thế, ta nào có say… zô… zồ rồi từ từ đi vào cõi u minh”. Ngồi trong lớp mà tôi cứ ngỡ mình ở trên mây, lương tâm dằn vặt, học để làm gì? Sức ép nào buộc mình ngồi đây? Mình đâu phải Cách mạng “nói”, cũng chẳng phải ba mươi (30/4/1975), bừng tỉnh như nghe tiếng gọi thì thầm bên tai: “hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”, và tình yêu Chúa thôi thúc tôi, tôi quyết tâm học tập để phục vụ hữu hiệu hơn. Trở về địa phương, tổ chức cơ cấu tôi giữ chức Phó chủ tịch Mặt trận chuyên trách, hàng tháng có chế độ trợ cấp. Tôi ký nhận nhưng tặng lại cho quỹ từ thiện, hoặc đãi anh em một chầu, tất nhiên cũng chỉ đủ “dã chiến”.
9. CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG
Từ chức năng, nhiệm vụ mới, tôi đi đến mọi tầng lớp nhân dân, triển khai các chủ trương chính sách Nhà nước, tham dự các cuộc hội họp khối đoàn thể, nông dân, thanh niên, phụ nữ. Một lần dự họp phụ nữ chuyên đề “Dân số, kế hoạch hóa gia đình”, một chị em phát biểu mạnh: “tôi muốn đẻ là đẻ, ai cấm tôi, tôi muốn đội áo mưa thì đội, không đội thì thôi (thời đó bao cao su nông dân gọi là áo mưa), trời nắng đội áo mưa à?!”. Gần cuối chương trình, chị phụ nữ tỉnh tặng mỗi người một hộp, trong đó tôi cũng có phần, bỗng cả hội trường cười lên như ong vỡ tổ. Tôi giơ lên và tuyên bố xin tặng lại chị phụ nữ tỉnh, chắc chị có nhu cầu cần sử dụng nhiều, tôi không có nhu cầu.
Song song việc tổ chức đoàn thể, Cách mạng đề ra các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự xã hội, tổ chức đề nghị tôi giữ chức Phó chủ tịch hội đồng hòa giải năm 1979. Hàng tuần, tôi cùng với đại diện các ban ngành đoàn thể ngồi tại cơ quan giải quyết các vụ việc tranh chấp, mất đoàn kết trong nhân dân. Vào thời điểm luật pháp còn nhiều bất cập, có thể vận dụng nhiều kiến thức phổ quát cùng với các ngành khoa học như tâm lý xã hội, luân lý được học ở nhà trường đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, năng lực cán bộ còn rất hạn chế, một cán bộ nói với nguyên cáo, đúng ra phải nói “chị không được ăn nói trịch thượng như thế”, lại nói “chị không được ăn nói cao thượng như thế”. Hầu hết anh chị em trong ban thuận theo ý kiến tôi. Điển hình vụ “lắt lỗ tai”, tình địch là anh du kích, nửa đêm rạng sáng đột nhập nhà cô giáo đã có chồng, hai người đã có tình ý, hẳn có hẹn. Cô này nắm vững thời cơ chồng đi làm sớm, nhưng trời bất dung, anh chồng bỏ quên giấy tờ, bất ngờ trở về. Hình như anh du kích thiếu kinh nghiệm gài cửa rất hớ hênh, hoặc sơ hở mất cảnh giác, anh chồng chỉ đẩy nhẹ, không kịp gây tiếng động đã ung dung đứng giữa nhà. Như một cơn chấn động dưới chân anh, hai lỗ tai nổ tung, mắt anh đỏ ngầu như đọng máu, anh chết lặng nhìn hai thân thể lõa lồ đang quấn chặt lấy nhau. Anh lồng lộn rút cây dao dắt trên vách lá, hạ lệnh: “thằng khốn kiếp, một là mày phải chết, hai, hãy để lại cái lỗ tai”. Anh du kích ngoan ngoãn quỳ gối xin dâng cái lỗ tai. Sau đó nội vụ bùng nổ, cả hai gia đình đều phát đơn kiện. Hội đồng hòa giải quyết công khai đưa ra dân. Tôi có ý kiến khác, tôi xin bảo lãnh không ra dân, ra công khai chỉ vô tình làm nhục hai đương sự, chẳng khác thông báo cho nhiều người đến xem. Hơn nữa, tâm lý quần chúng dễ lên án cái xấu người khác. Đức Giêsu đã từng vạch mặt những hạng biệt phái giả hình đòi ném đá thiếu phụ ngoại tình “Ai trong các ngươi sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8.7)
Sau đó tôi gặp riêng từng gia đình, cảm thông sự mất mát to lớn của họ, cuối cùng cả hai cố gắng hàn gắn vết thương. Tới nay 20 năm họ đang sống trong hạnh phúc.
10. CHUYỆN ĐỜI ÉO LE
Mỗi bước dấn thân là một bước cho đi, nhưng mỗi bước cho đi là một bước lãnh nhận, ngay chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời (Kinh hòa bình). Chuyện xã hội muôn điều phức tạp, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ đều diễn biến trong xã hội quanh ta. Mới hôm nào chuyện “lắt lỗ tai” nay lại chuyện trai gái. Anh em yêu cầu tôi kết luận. Cậu trai ở địa phương, đi làm ăn xa, gặp cô gái quê chân chất, hai người sống chung như vợ chồng, sinh được bé trai kháu khỉnh. Tiền hôn mà không hậu thú, chẳng hiểu vì sao chàng trai “quất ngựa truy phong”, thiếu phụ ôm con đến ban hòa giải thưa kiện. Vẻ mặt hốc hác, sợ hãi, cô trình bày không dám về gia đình, bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà. Thân gái dặm trường, nhiều nỗi truân chuyên. Ban hòa giải hết lời khuyên cậu trai, vì tình yêu ban đầu và kết quả tình yêu là bé trai chào đời, hãy trở về với nhau. Cậu trai bác bỏ tất cả những lời khuyên, chỉ vì lý do “tôi không còn yêu em nữa”. Phương án hai, cậu phải trợ cấp nuôi con đến mười tám tuổi. Cậu cực lực phản đối, tiền do cha mẹ, không nghề nghiệp. Hỏi ý kiến cha mẹ, họ không thừa nhận vì không đi cưới. Sau cùng, tôi đưa ra đề nghị bên cậu trai cất cho mẹ con cô này căn nhà nhỏ trong đất nhà cậu để có thể gởi con bên nội đi làm kiếm sống. Hai bên đồng ý, đàm phán nào cũng nhắm đến hai bên cùng có lợi, nhưng cũng không phải ít rủi ro. Nếu cô này bị hại, ai sẽ bảo vệ cô vì cô đơn phương độc mã! Tuy nhiên cô có lợi thế, mối tình vụng trộm giữa cô cậu, nêu là tình đầu cũng chưa hẳn là tình cuối. Gần nhau vẫn có thể gặp lại nhau và cả hai sẽ khép lại quá khứ. Cuộc dàn xếp đã đem lại hiệu quả thực tế, cô cậu đã xóa bỏ hận thù, tiến tới hôn nhân chính thức, cha mẹ đôi bên công nhận. Hòa giải, một tòa án nhỏ của địa phương phải giải quyết những vấn đề tranh chấp trực tiếp và kịp thời. Do đó đòi hỏi người chủ tịch hội đồng phải nắm vững cơ bản luật pháp Nhà nước, am hiểu tâm lý xã hội và con người đồng thời hội nhập văn hoá, phong tục địa phương. Hoà giải không có nghĩa ngẫu hứng, tuỳ tiện. Nghe nhiều chuyện vui trong nghề, anh em kể rằng có ông chủ tịch nọ hoà giải hai vợ chồng xin ly hôn, kết thúc hai bên không khoan nhượng. Để triển khai nhanh ông kêu lính mở phòng tạm giam nhốt hai vợ chồng trong đó. Ông kết luận: “nó phải xáp lại thôi”, “mèo nào không đói mỡ”. Nhiều tình huống phải phổ biến chính sách pháp luật cho dân và tuyên bố họ vi phạm điều khoản nào trong luật pháp. Tuy nhiên ở đây trọng tâm hoà giải, nên có tính thuyết phục cao hơn.
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 4,5,6) (12/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 1,2,3) (11/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (08/06/2012)
Nguồn gốc và ý nghĩa việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giê su (05/06/2012)
Theo gương Đức Mẹ đến với tha nhân (31/05/2012)
Đức Maria – Mẹ đầy ơn phúc (28/05/2012)
Công cuộc Phúc âm hóa mới (21/05/2012)
Ứng xử của Hồ Chí Minh với vấn đề tôn giáo (16/05/2012)
Chuyện thờ ơ (08/05/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log