Gương điển hình

'Cha Oánh', chủ chăn hết lòng với sĩ tử

Cập nhật lúc 10:21 30/06/2010

Từ câu chuyện 4 nữ sinh bị hãm hiếp.

Năm 2005, anh Chung, một người trong Hội đồng mục vụ của nhà thờ đọc được bài báo viết về vụ việc 4 nữ sinh nghèo đi thi, thuê một nhà trọ tạm bợ ở Đà Nẵng và đã bị bọn xấu hãm hiếp. Anh kể lại câu chuyện thương tâm này cho  Cha Oánh nghe, Cha đã bật khóc: “Một thành phố nhỏ như Đà Nẵng còn xảy ra tình trạng như vậy huống chi ở một thành phố lớn, phức tạp như TP.HCM”. Ý tưởng về việc cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em nữ vùng sâu vùng xa ở trọ miễn phí nảy sinh từ đó.

Ngay vào mùa tuyển sinh năm sau, Cha cùng các giáo dân ở nhà thờ Xây dựng đã tổ chức chương trình "Tiếp sức mùa thi" lần đầu tiên. Mặc dù công tác tuyên truyền thông tin chưa được rộng rãi nhưng cũng có đến 58 thí sinh cùng 20 phụ huynh đến từ nhiều dân tộc như Kinh, Ê đê, Châu Mạ… được hỗ trợ từ chương trình này.

Đến nhà thờ Xây dựng, thí sinh được ăn uống, nghỉ trọ miễn phí. Không những vậy, Cha Oánh còn huy động giáo dân trong xứ hỗ trợ phương tiện đưa đón, đảm bảo thí sinh đi đến nơi, về đến chốn. Nhiều giáo dân có ôtô cũng sẵn sàng góp sức. Cha nói vui: “Đi thi mà được xe con đưa đón có khác gì tiểu thư con nhà giàu đâu”.

 

 

Tiếng lành đồn xa, từ những năm tiếp theo cho đến nay, số lượng thí sinh cứ ngày càng tăng. Kèm theo đó, chi phí mà nhà thờ phải bỏ ra cũng nhân lên gấp bội, từ hơn 12 triệu đã lên đến 60 triệu vào năm 2008. Tuy vậy, Cha và giáo dân vẫn cảm thấy vui vì như thế có nghĩa là ngày càng có nhiều thí sinh được bảo vệ an toàn hơn.

 

Những nữ sinh “quê 100%”

 

Cha Oánh kể rằng những nữ sinh vùng sâu vùng xa lên đây có nhiều em “quê 100%”. Hầu hết các em đều rất sợ người thành phố vì nghĩ rằng dân quê xuống đây là sẽ bị lừa gạt, cám dỗ, rằng người thành phố chỉ biết đến tiền mà không có tình thương.

Thậm chí, cả những người đưa con em mình đi thi cũng có chung suy nghĩ như vậy. Như câu chuyện về một anh chàng người dân tộc nọ đưa em gái đi thi. Không đủ tiền thuê nhà trọ, cậu ta tìm đến Nhà thờ Xây dựng để được ăn ở miễn phí theo lời mách của mấy bác xe ôm. Mặc dù vậy, cậu vẫn tỏ ra cảnh giác, nằng nặc đòi ở chung để trông nom, bảo vệ em gái. Sau khi Cha xứ giải thích rằng ở đây nam nữ không được ở chung, kể cả là người thân, anh chàng này đành chấp nhận nhưng lúc nào cũng dò la, quan sát rất kỹ mọi người.  Phải sau vài ngày, thấy không có gì đáng nghi ngại cậu mới chịu “tót đi chơi” để em gái cho nhà thờ lo.

Một người cha có con gái đi thi và được ăn ở nhờ miễn phí tại nhà thờ năm 2008 tâm sự: Dân quê ở rừng mà về chốn thành thị, nhiều cạm bẫy của kẻ xấu, không ai lo sợ hơn là để con gái mình xuống thành phố thi đại học. Nhưng hầu hết thí sinh ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số ở các tỉnh, tiền bạc chắt chiu từ củ khoai trái bắp lại không dám thuê phòng vì 3 ngày mất hơn 300.000 đồng, đành ngủ vỉa hè góc phố cho qua mấy ngày thi cử. Được cha xứ và mọi người trong giáo xứ cứu giúp thì quả thật không phúc nào lớn bằng.

Hoàng Oanh, nữ sinh quê ở Buôn Mê Thuột sau khi về nhà đã viết thư cho Cha Oánh chia sẻ rằng: “ Về quê kể cho mọi người nghe, ai cũng cảm động và không khỏi ngạc nhiên khi thấy ở một nơi mà mọi người đều bận rộn kinh doanh, buôn bán mà lại cho tụi con ở miễn phí, rồi lại chăm sóc tận tình đến vậy. Thậm chí nhiều người còn cứ nghĩ rằng con bịa chuyện”.

 

Và không ít những rắc rối...

 

Hầu hết các em ở quê lên thành phố đều bị choáng ngợp nên rất dễ lạc đường. Nhà thờ đã phải làm cho mỗi em một chiếc thẻ tên, ghi địa chỉ, số điện thoại của cha xứ để các em đeo mỗi khi ra ngoài. “Thậm chí, chiếc thẻ cũng phải thiết kế sao cho thật đẹp để các em không thấy ngại khi đeo”- anh Thịnh, một người làm việc trong nhà thờ cho biết.

Chuyện chăm nữ sinh đi thi cũng có không ít rắc rối. Ăn ở đi lại đã được nhà thờ lo hết rồi, vậy mà nhiều em vẫn lơ đễnh, quên cả ngày giờ thi, khiến Cha phải thường xuyên đôn đốc, giục giã. Có em chuẩn bị vào phòng thi rồi mới mếu máo gọi điện cho Cha kêu quên giấy tờ, thế là Cha lại phải cử người lên tận Thủ Đức để đưa. Tính cả đưa đi đón về là 6 lượt chạy xe. Rồi một số em thi xong, làm bài không tốt, lại bỏ đi lang thang khiến bao nhiêu người tá hỏa đi tìm.

Anh Thịnh nhớ lại chuyện về một nữ sinh thi chuyên ngành sân khấu: "Trong buổi thi diễn xuất, em này phải hóa trang thành một bà già. Rất may Cha đã tìm được một người hóa trang giỏi để giúp cô bé. Tuy nhiên buổi thi hôm đó không đủ thời gian nên em này phải chờ lượt thi hôm sau. Về đến nhà, cô bé nhất quyết không chịu rửa mặt, thay quần áo hay ăn uống gì, cứ ngồi khư khư một góc không cho ai động vào mình vì sợ hỏng mất…hình dạng bà già. Cha đã phải dỗ dành, hứa là ngày mai sẽ mời người hóa trang lại thì cô bé mới đồng ý".

Sinh Phạm
 

 

vietnamnet.vn
Thông tin khác:
Một nông dân được tặng thưởng hai kỷ niệm chương (26/06/2010)
Về xứ đạo Phúc Nhạc (21/06/2010)
CHUYỆN Ở VÙNG NÔNG THÔN MỚI (16/06/2010)
'Beethoven Việt Nam' là một người Công giáo yêu Nước (14/06/2010)
CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI CỘNG TÁC VIÊN DÂN SỐ (11/06/2010)
Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (09/06/2010)
VỀ HƯỚNG PHƯƠNG, GẶP MỘT NGƯỜI CÔNG GIÁO SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI (08/06/2010)
NHÀ GIÁO HOÀNG ĐĂNG KHOA, ĐỜI THƠ VÀ ĐỜI DẠY HỌC (01/06/2010)
“ANH MÙ” VÀ KẾ HOẠCH “BIỂN GỌI, B40 TRẢ LỜI” (27/05/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log