Nỗi niềm người tha phương
Anh Nguyễn Văn Thắng, một giáo dân xứ đạo Vĩnh Trị bộc bạch: "Sống ở quê, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nhưng mỗi nhân khẩu chỉ được hơn một sào ruộng thì thử hỏi làm sao đủ sống. Do đó, khi chưa có việc làm ở quê, tôi phải đi làm thuê ở tận Hà Nội... mỗi tháng chỉ dư khoảng 300 ngàn đồng, nhưng cũng phải đi chứ ở nhà thì biết làm gì". Chẳng riêng anh Thắng, ở Vĩnh Trị những năm trước, số người ly hương mưu sinh nơi đất khách cũng rất nhiều. Yên Trị là xã đông người, đất canh tác thì ít, trong khi các ngành nghề khác ở địa phương chưa phát triển, nên trong suốt một thời gian khá dài, người lao động ở đây, đặc biệt là thanh niên cứ nối tiếp nhau bỏ quê đi làm ăn xa.
Theo những thanh niên đã từng mưu sinh nơi đất khách thì xa nhà không chỉ vất vả mà còn kéo theo nhiều tác động khác: không ổn định được cuộc sống, con gái thì khó lấy chồng, con trai thì xa vợ xa con, nhiều tác động của tệ nạn xã hội... “Mình từng đi làm tận trong TP Hồ Chí Minh, đồng lương tuy cao hơn ở tỉnh nhà nhưng cuối năm đi về xe cộ đắt đỏ nên chẳng còn được bao nhiêu. Ở thành phố, lại không có lưng vốn, sau này còn phải tính chuyện cưới vợ nữa chứ…Nghĩ thế nên khi Công ty Vĩnh Oanh tuyển lao động, tôi về quê xin vào làm ngay”, anh Trần Văn Minh, giáo dân xứ Vĩnh Trị chia sẻ.
Hơn 2000 công nhân làm việc cho Công ty Vĩnh Oanh hầu hết là người trong giáo xứ Vĩnh Trị và một số xứ đạo lân cận, trong đó có nhiều người từng đi làm tại tỉnh xa. Nhiều người vốn chỉ quen việc đồng áng nhưng qua hướng dẫn đào tạo của công ty, nay họ đã trở thành công nhân lành nghề, tác phong nhanh nhẹn, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn giúp đỡ được gia đình, dành dụm được lưng vốn. Họ đều có chung mong muốn là có việc làm ổn định tại quê nhà.
Theo ông Nguyễn Văn Oanh- Giám đốc Công ty Dệt may Vĩnh Oanh, thanh niên nông thôn vốn hiền lành, cần cù, chịu khó nhưng trước đây muốn thoát ly nông nghiệp, họ phải đi làm thuê tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… Từ khi Công ty Vĩnh Oanh đi vào hoạt động, đã thu hút rất nhiều lao động nông thôn, hầu hết là thanh niên.
Ly nông bất ly hương
Sau nhiều năm làm mặt hàng may mặc, năm 1996, ông Oanh chính thức thành lập Công ty Vĩnh Oanh và đặt nhà xưởng sản xuất ngay tại thôn Vĩnh Trị. "Mặc dù đặt nhà máy giữa làng quê xa trung tâm là hơi mạo hiểm nhưng tôi muốn tạo việc làm cho những người nông dân ngay tại mảnh đất họ sinh sống để họ không phải lặn lội đi các tỉnh xa. Ở các thành phố lớn, giá cả sinh hoạt đắt đỏ, lại phải thuê nhà, dễ bị tác động của các tệ nạn xã hội. Làm việc ở quê, đồng lương có thấp hơn chút ít nhưng ngày đi làm, tối họ về với gia đình, vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa đoàn tụ gia đình mà vẫn tham gia được các hội đoàn của giáo xứ và xã hội. Với tập quán địa phương, các bạn trẻ còn thuận lợi hơn để có thể tìm được bạn đời và xây dựng tổ ấm. Về phía công ty, sản xuất tại nông thôn chi phí thấp hơn, lực lượng lao động trẻ dồi dào, hầu hết con em gia đình Công giáo đều ngay thật, cần cù chịu khó… Ly nông bất ly hương vừa được cho người lao động vừa được cho doanh nghiệp”, ông Oanh cho biết.
Nhà máy chính của Cty Vĩnh Oanh tại làng quê Vĩnh Trị
Là một doanh nhân, một giáo dân giáo xứ Vĩnh Trị, ông Oanh không chỉ quan tâm đến lợi nhuận công ty mà còn thực hiện đầy đủ các quy định của Luật lao động. Đối với những công nhân là người Công giáo, sẽ được nghỉ làm việc vào các ngày lễ Chúa nhật và các ngày lễ trọng như lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, lễ Các thánh… Những người mới vào sẽ được đào tạo nghề miễn phí 3 tháng.
Ông Nguyễn Văn Oanh sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Vĩnh Trị- một xứ đạo lớn mà hạt giống Tin Mừng được gieo từ năm 1705. Ông có người cha thân sinh làm nghề may. Bản thân ông từ năm 23 tuổi đã làm Phó Chủ nhiệm hợp tác xã may mặc. Tuy hợp tác xã không còn, nhưng với đam mê ngành nghề, ý chí làm giàu cho gia đình và cho quê hương, ông đã tìm hiểu ngành công nghiệp dệt may và thành lập Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh (năm 1996).
Theo ông Oanh, công ty của ông có kinh nghiệm và lợi thế về quần áo đồng phục và quần áo bảo hộ lao động. Công ty đã dành được sự tin tưởng của rất nhiều khách hàng khó tính trong và ngoài nước với doanh số của riêng hàng đồng phục và quần áo lao động năm 2011 đạt khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài nhà máy chính đặt tại quê nhà Vĩnh Trị, công ty còn hợp tác một số giáo xứ, dòng tu mở 15 cơ sở sản xuất vệ tinh, tạo nhiều việc làm cho giáo dân. Nhiều linh mục quản xứ đã phối hợp với Công ty Vĩnh Oanh lập xưởng may, trong đó công ty sẽ chịu trách nhiệm đào tạo nghề và bao tiêu sản phẩm. “Mô hình sản xuất ly nông bất ly hương của ông Oanh đang đưa việc làm đến tận thôn xóm, giúp nhiều người không phải tha phương kiếm sống ở các thành phố xa xôi, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để họ ổn định cuộc sống, tham gia các sinh hoạt tôn giáo ngay tại xứ đạo quê hương”, linh mục chính xứ Vĩnh Trị nhận xét.
An Luých