So với những làng biển khác ở xã Quảng Phúc, trước đây, do thiếu vốn liếng để đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, mua sắm tàu thuyền có công suất lớn, mà chỉ đánh bắt thủy hải sản gần bờ, manh mún, nhỏ lẻ, nên thu nhập của người dân ở đây còn rất khó khăn, Tân Mỹ được xem là một vùng đất nghèo khó nhất nhì của xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch.
Với đặc thù của một vùng quê ven biển, người dân chủ yếu sống bằng nghề đi biển, nhưng khi thấy bà con giáo dân trong Giáo xứ mình “nghèo vẫn hoàn nghèo”, là một Chủ tịch Hội đồng mục vụ phụ trách 4 họ Tân Mỹ, Trà Sơn, Đồng Xuân, Tân Hưng, ông Giáo luôn “canh cánh” một nỗi niềm là làm gì để giúp bà con ngư dân ở đây thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn.
Sau bao lần trăn trở, nghĩ suy tìm hướng đi cho bà con trong xứ, ông Giáo mới “ngộ” ra rằng, muốn thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu bằng nghề đi biển, chỉ có một hướng đi hợp lý nhất là phải đầu tư mua sắm thêm tàu thuyền công suất lớn, trang bị thêm nhiều ngư lưới cụ hiện đại hơn để đánh bắt xa bờ may ra mới có thể “đổi đời”. Nghĩ được là làm được, ông Giáo đem suy nghĩ của mình bàn bạc với nhiều vị trong Giáo xứ, lúc đầu có người còn “băn khoăn”, nhưng nghe những lời ông trình bày “có lý”, mọi người đã đồng tỉnh ủng hộ. Vậy là ông đã kiên trì vận động, thuyết phục ngư dân vay vốn đầu tư mua sắm thêm ngư lưới cụ, tàu thuyển có lớn để đánh bắt xa bờ dài ngày.
Khi nghe ông vận động vay vốn ngân hàng, nhiều gia đình nghèo ở Tân Mỹ vẫn còn ngần ngại, vì lo lắng rằng nếu gặp rủi ro trong quá trình đi biển, thì không biết lấy gì để trả ngân hàng, Giáo lãi kiên trì đi từng nhà giải thích, vận động, thuyết phục. Nhờ đó, từ chỗ chỉ có một vài hộ khá giả trong Giáo xứ mạnh dạn vay vốn đóng thêm tàu thuyền mới, dần dần nhiều gia đình ngư dân khác nghe theo ông Giáo, thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, quyết tâm “vươn ra biển lớn” để giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Nhờ đó, đến nay, giáo xứ Tân Mỹ đã có 100 tàu, trong đó 81 tàu đánh cá công suất lớn, chuyên đánh bắt xa bờ. Nhiều tàu có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Hiện nay, trong tổng số 750 hộ dân toàn Giáo xứ, thì có hơn 25% gia đình có nhà cao tầng, 60% có xây nhà kiên cố, còn lại là nhà bán kiên cố; không còn nhà tạm bợ, nhà dột nát.
Vừa giúp bà con giáo dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, ông Nguyễn Hữu Giáo còn là người có nhiều đóng góp tích cực trong việc đưa các phong trào của giáo xứ Tân Mỹ đi lên.
Hưởng ứng phong trào “Bê tông, cứng hoá đường giao thông nông thôn”, được ông vận động, thuyết phục, các hộ gia đình trong Giáo xứ đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của tu sửa, bê tông hóa được gần toàn bộ đường làng, ngõ xóm. Trước tình trạng tệ nạn ma túy lây lan ở nhiều nơi, ông Giáo kiên trì “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tích cực tuyên truyền, vận động con em trong Giáo xứ thấy được tác hại của ma túy để tránh xa nó. Nhờ đó, hầu hết thanh niên trong Giáo xứ đều chấp hành khá tốt pháp luật, lo ăn, lo làm, không dính dáng đến tệ nạn ma túy. Ngoài ra, ông còn tích cực vận động bà con giáo dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Nhờ đó, đến nay, Giáo xứ Tân Mỹ có hơn 70% số hộ được công nhận là danh hiệu gia đình văn hóa”, không có đối tượng nghiện ma túy, người dân sống hòa thuận, đoàn kết.
Hiện nay, cùng với cả xã Quảng Phúc nói riêng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nói chung, ông Nguyễn Hữu Giáo cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con giáo dân trong Giáo xứ của mình đóng góp công sức, tiền của để xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Với sự tâm huyết, nhiệt tình của ông, tin chắc rằng, ông sẽ tiếp tục thành công, góp phần xây dựng Giáo xứ Tân Mỹ, xã Quảng Phúc sớm trở thành một làng quê đổi mới, phát triển.